Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024  
Thứ tư, ngày 27 tháng 7 năm 2022 | 16:11

Làm kinh tế trang trại theo quy trình VietGAP: Nâng tầm giá trị cây ăn trái

Để phát triển kinh tế, làm giàu cho gia đình và xã hội, không ít nông dân trên địa bàn xã Hiếu Liêm (Bắc Tân Uyên - Bình Dương) đã mạnh dạn mở rộng quy mô sản xuất theo trang trại.

Và họ xác định, muốn kinh tế trang trại cho thu nhập cao, ổn định, sản xuất theo quy trình VietGAP là lựa chọn tất yếu.

VietGAP giúp nâng tầm thương hiệu

Trong lễ trao giấy chứng nhận VietGAP cho một số cơ sở trồng cây ăn trái có múi được tổ chức mới đây tại xã Hiếu Liêm, chúng tôi có dịp trò chuyện với anh Nguyễn Trung Thảo, chủ trang trại Nguyễn Trung Thảo ở ấp Chánh Hưng.

Gia đình anh Thảo hiện sở hữu hơn 40ha vườn cây ăn trái và đã xây dựng mô hình kinh tế trang trại được hơn 20 năm. Sản phẩm cam sành, cam xoàn và quýt đường của trang trại luôn cho chất lượng bảo đảm nhờ trồng theo quy trình VietGAP. Anh Thảo cho biết trang trại của anh được tái chứng nhận VietGAP trên cây có múi nhờ nghiêm túc giữ vững quy trình sản xuất. Trung bình 1ha vườn cây cho thu hoạch 30 tấn/năm, doanh thu đạt 400 - 500 triệu đồng/năm. Nhờ hàng hóa bảo đảm chất lượng nên anh luôn duy trì được khách hàng thân thiết. Với những kết quả khả quan mang lại từ việc áp dụng quy trình VietGAP, anh Thảo tin tưởng mô hình sẽ thu hút được thị trường khách hàng mới.

 

trang-trại-nguyễn-trung-thảo-ấp-chánh-hưng-xã-hiếu-liêm.jpg
Sản phẩm của Trang trại Nguyễn Trung Thảo (ấp Chánh Hưng, xã Hiếu Liêm) được tái chứng nhận VietGAP.

 

“Hai năm qua, ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 khiến sản phẩm “rớt giá” trong khi giá vật tư nông nghiệp tăng quá cao. Để giảm thiểu thua lỗ, tôi quyết định thu hẹp diện tích canh tác còn hơn 10ha. Song, hiệu quả trồng trọt theo hướng VietGAP đã giúp uy tín và thương hiệu của trang trại được nâng tầm. Hy vọng thời gian tới, các sở, ngành liên quan tăng cường các giải pháp hỗ trợ về tiêu thụ, liên kết, giảm giá vật tư nông nghiệp... để người nông dân mạnh dạn đầu tư mở rộng diện tích, bảo đảm thu nhập như trước”, anh Thảo tâm sự.

Cũng lựa chọn cây ăn trái có múi, trang trại Sol Reatreat farm (đường ĐT746 xã Hiếu Liêm) mới bắt đầu đầu tư vào sản phẩm bưởi da xanh từ năm 2015 với 3.000 gốc. Chị Nguyễn Thị Xuân Thu, chủ trang trại chia sẻ: “Tôi rất vui mừng và phấn khởi khi trang trại lần đầu được cấp giấy chứng nhận VietGAP trong tháng 6/2022 vừa qua. Khi làm sản phẩm nông nghiệp liên quan đến sức khỏe con người, chúng tôi luôn mong muốn sản phẩm đó phải bảo đảm tiêu chuẩn an toàn. Việc trang trại đạt chứng nhận VietGAP là động lực để chúng tôi sản xuất, kinh doanh. Hy vọng việc được hỗ trợ thực hiện chính sách nông nghiệp tốt sẽ giúp những người nông dân luôn được mùa, được giá”.

Hướng đi tất yếu

Thực tế thấy, không phải địa phương nào, mô hình VietGAP nào cũng thành công nếu chỉ làm theo phong trào và không hiểu rõ quy trình. Là xã được quy hoạch vùng chuyên canh cây ăn trái có múi, lại nằm cạnh 2 dòng sông Bé và sông Đồng Nai, Hiếu Liêm đã tận dụng được lợi thế địa phương để phát triển kinh tế trang trại. Nơi đây tập trung nhiều trang trại trồng cây ăn trái có múi nổi tiếng, như: Trang trại Lâm Thành Thương, trang trại Hai Ấu, trang trại Việt Thái, trang trại Lâm Thành Tình... Chủ của 48 trang trại trồng trọt với tổng diện tích hơn 1.400ha của xã Hiếu Liêm đều tham gia các lớp tập huấn an toàn thực phẩm do cơ quan có thẩm quyền tổ chức. Trong đó, có 41/48 trang trại trồng cây ăn trái được cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm.

 

Năm 2021, xã Hiếu Liêm có 17 trang trại cây ăn trái được chứng nhận thực hiện theo quy trình VietGAP.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, xã có thêm 4 trang trại được chứng nhận VietGAP và đăng ký mới cho 7 trang trại đủ điều kiện tham gia.

 

Ông Nguyễn Phước Thiện, Phó bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Hiếu Liêm, cho biết: “Tầm quan trọng của VietGAP, quy trình sản xuất VietGAP là tạo ra những sản phẩm chất lượng, an toàn. Đây là hướng đi mà người nông dân phải hướng tới trong bối cảnh thực tế nền nông nghiệp hàng hóa của xã Hiếu Liêm nói riêng và cả nước nói chung. Các cấp lãnh đạo luôn tạo điều kiện, khuyến khích người nông dân phát triển sản xuất an toàn theo hướng VietGAP, tiến tới sản xuất theo hữu cơ, GlobalGAP. Hiếu Liêm cũng đã được hưởng lợi từ những chính sách hỗ trợ nông nghiệp, nông dân của tỉnh và huyện. Tuy nhiên, do tính chất đặc thù đất đai của xã, nhiều ưu đãi về chính sách chưa tới được hết các hộ nông dân. Rất mong các cấp lãnh đạo tiếp tục quan tâm tới những chủ thể làm VietGAP”.

Đánh giá về việc thực hiện sản xuất theo quy trình VietGAP trên địa bàn xã Hiếu Liêm, bà Phạm Đỗ Bích Quyên, Phó chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bình Dương, cho hay, Hiếu Liêm có nhiều trang trại đạt chứng nhận VietGAP. Đây cũng là yếu tố khẳng định thương hiệu vùng chuyên canh cây ăn trái có múi vốn đã có tiếng  khắp cả nước. Thời gian tới, hy vọng một số cơ sở trên địa bàn xã sẽ được cấp mã số vùng trồng để có thể xuất khẩu sản phẩm, từ đó nâng tầm giá trị cây ăn trái có múi. Mong rằng các trang trại luôn áp dụng đúng quy định VietGAP để bảo đảm sản phẩm đưa ra thị trường đạt chất lượng, an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng.

 

 

Tiến Hạnh
Ý kiến bạn đọc
Top