Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 11 tháng 8 năm 2017 | 2:21

Đừng để cởi nút thắt này lại xuất hiện nút khác!

Tại Hội thảo tập huấn “Thực thi Nghị quyết số 19: Cải thiện môi trường kinh doanh ở địa phương” do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Dự án GIG của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và UBND thành phố Hà Nội tổ chức, rất nhiều ý kiến so sánh năng lực cạnh tranh của Việt Nam với các nước trong khối ASEAN.

DN cần phải chuyển từ thế bị động sang chủ động đề xuất đối thoại với cơ quan nhà nước về những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, đầu tư, kinh doanh.

Dù biết so sánh luôn khập khiễng nhưng trước sự chênh lệch về thời gian giải quyết các thủ tục hành chính, thì chúng ta không thể không xem lại mình.

Vẫn vướng thủ tục hành chính

Nghị quyết số 19/2015/NQ-CP yêu cầu các bộ, ngành, địa phương rà soát, đánh giá đầy đủ thực trạng thực hiện các quy định và thủ tục theo thông lệ quốc tế; ban hành Kế hoạch hành động bám sát các yêu cầu của Nghị quyết. UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các sở, ngành công khai hóa quy trình và thời gian thực hiện thủ tục hành chính, phối hợp liên thông nhằm đơn giản hóa thủ tục, giảm thời gian, chi phí và rủi ro cho người dân và doanh nghiệp, đặc biệt là trên 8 lĩnh vực gồm: đăng ký thành lập doanh nghiệp; cấp phép xây dựng; tiếp cận điện năng; nộp thuế và bảo hiểm xã hội; giao dịch thương mại qua biên giới; đăng ký tài sản; giải quyết tranh chấp hợp đồng; giải quyết phá sản doanh nghiệp.

Theo TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM, để thực hiện các nhiệm vụ cơ bản của Nghị quyết số 19/2015/NQ-CP cần thực hiện ba đột phá chiến lược: đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế; đẩy mạnh xã hội hóa cung cấp dịch vụ công, kể cả một số dịch vụ quản lý nhà nước; tăng cường áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước, nhất là trong giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến.

Bên cạnh đó, một trong những mục tiêu quan trọng là cần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại và hội nhập; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp...

Bà Nguyễn Minh Thảo, Phó trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh (CIEM) giới thiệu các chỉ số môi trường kinh doanh và mục tiêu của Nghị quyết số 19. Theo chỉ số môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới (WB) có 11 lĩnh vực, chỉ số gồm: Khởi sự kinh doanh, cấp phép xây dựng, tiếp cận điện năng, đăng ký sở hữu tài sản, nộp thuế và bảo hiểm xã hội, giao dịch thương mại qua biên giới, tiếp cận tín dụng...

So sánh với các nước trong khu vực ASEAN 6 (gồm Malaysia, Singapore, Thái Lan và Việt Nam), trong lĩnh vực khởi sự kinh doanh, số ngày để có thể bắt đầu khởi sự kinh doanh ở Việt Nam là 34, số ngày để thành lập doanh nghiệp là 14; trong khi con số này ở Thái Lan lần lượt là 28 và 6, Malaysia là 6 và 6, Singapore là 3 và 1. Thời gian nộp thuế và bảo hiểm xã hội ở Việt Nam mất 872 giờ, Singapore 82 giờ, Malaysia 133 giờ. Thời gian thông quan hàng hóa tại Việt Nam, xuất khẩu và nhập khẩu đều mất 21 ngày, Thái Lan mất 13 và 14 ngày, Singapore mất 6 và 4 ngày...

Theo tinh thần của Nghị quyết số 19, trong thời gian tới, các tỉnh, thành phố cần nhanh chóng nghiên cứu, thực hiện biện pháp cụ thể, phù hợp với yêu cầu phát triển, lợi thế và hoàn cảnh cụ thể trên địa bàn để hiện thực hóa các mục tiêu cải thiện môi trường kinh doanh, kết hợp nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. Các cơ quan quản lý ở địa phương cần thực hiện đồng bộ các giải pháp, giảm thiểu thời gian, số lượng thủ tục hành chính và chi phí khi triển khai dự án đối với doanh nghiệp.

Phải có kết quả theo cấp số nhân

Ông Đặng Huy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư phân tích: Các nghị quyết 19 ban hành năm 2014 và 2015 sử dụng phương pháp và đánh giá xếp hạng về môi trường kinh doanh của WB, Nghị quyết 19/2016 sử dụng phương pháp, bảng xếp hạng của WB đồng thời bổ sung thêm trụ cột thể chế và một số chỉ tiêu về hiệu quả thị trường của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF). Lần này, Nghị quyết 19/2017 tiến thêm một bước, bao phủ hết các yếu tố của môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh quốc gia, sử dụng 4 đánh giá xếp hạng toàn cầu: đánh giá, xếp hạng về mức độ thuận lợi kinh doanh của WB; đánh giá, xếp hạng về năng lực cạnh tranh quốc gia của WEF; đánh giá, xếp hạng về năng lực đổi mới sáng tạo của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới; đánh giá, xếp hạng Chính phủ điện tử của Liên Hợp quốc.

Cách làm nói trên, theo ông Đông là đã mang lại sức sống cho các Nghị quyết 19, giúp Việt Nam đo lường và theo dõi được mức độ cải thiện và khoảng cách về môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh so với các nền kinh tế trong khu vực.

Song, ông Đông cho rằng, tốc độ triển khai thực hiện các nhiệm vụ trong Nghị quyết 19 còn chậm. Kết quả hàng năm đạt được chỉ mới là một phép cộng giản đơn, tính trên đầu ngón tay. Mục tiêu đề ra chưa đạt được, chưa thu hẹp được khoảng cách về chất lượng môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh so với các quốc gia trong khu vực.

Đồng tình với nhận xét này, TS. Nguyễn Đình Cung nhìn nhận, Việt Nam mới đi được một nửa chặng đường đến ASEAN 4 thôi. 

Ông Cung cho rằng, phải có kết quả theo cấp số nhân thì mới thành công, chứ nếu công chức, cơ quan quản lý nhà nước có liên quan vẫn trì trệ, thụ động, thiếu đổi mới; nếu số cải cách, thay đổi hàng năm đếm được trên đầu ngón tay thì sẽ không đạt mục tiêu.

Khuyến nghị cụ thể từ Viện trưởng CIEM là cần giải quyết từng vướng mắc cụ thể tại các văn bản cụ thể; có sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Thủ tướng, của người đứng đầu; nâng cao vai trò của các hiệp hội, nhất là các hiệp hội ngành hàng .

Nhất là cần phát huy vai trò của báo chí và truyền thông trong việc làm sống động quá trình triển khai thi hành Nghị quyết 19.

Từ kết quả điều tra, khảo sát cảm nhận của doanh nghiệp, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), ông Đậu Anh Tuấn thông tin, một trong những khó khăn lớn nhất mà doanh nghiệp đang gặp phải là việc thực hiện các thủ tục hành chính, pháp lý (chiếm 25% số doanh nghiệp tham gia khảo sát). Chất lượng văn bản quy phạm pháp luật “rất có vấn đề”, nhất là các thông tư hướng dẫn.

Cùng nhận định, ông Lê Tiến Trường, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) dẫn chứng: Ngành dệt may có lưu lượng xuất nhập khẩu rất lớn, hàng năm phải nhập khẩu trên 1 triệu tấn bông, xuất nhập khẩu gần 1,7 triệu tấn xơ sợi, hàng trăm ngàn container hàng may mặc, nguyên phụ liệu… Các thủ tục hành chính, pháp lý vẫn gây nhiều khó khăn, tốn kém cho doanh nghiệp. Thông tư 38/2015/TT-BTC về thủ tục hải quan quy định các biểu mẫu rất phức tạp, nếu mã hàng nhiều màu, nhiều size thì số biểu mẫu có thể lên đến 500. Một số quy định mới lại mang tính “thụt lùi” so với quy định cũ. 

Ngoài ra, sự thay đổi một số chính sách, việc ban hành thu một số loại phí không nhất quán, mang tính tự phát, chồng chéo bất hợp lý tại các địa phương đang khiến doanh nghiệp “trở tay không kịp”… 

“Doanh nghiệp hy vọng các nút thắt chính sách dần được gỡ bỏ, thay vì cởi nút này thì lại xuất hiện nút khác”, ông Trường nhấn mạnh.

Danh Hùng (tổng hợp)

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top