Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 25 tháng 11 năm 2021 | 10:32

Làm sao kéo lao động trở lại làm việc?

Theo Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, để kéo người lao động trở lại làm việc, có mấy vấn đề quan trọng: phải lo thật tốt về chính sách, về đời sống, mức lương, thu nhập;

Phải chăm lo an sinh thật tốt, phải có một sàn an sinh tối thiểu để người lao động có thể yên tâm làm việc.

Giữ chân người lao động không dễ

Giám đốc một doanh nghiệp sản xuất nội thất gỗ ở TP. HCM cho biết, sau gần một tháng thông báo tuyển dụng, 3 xưởng sản xuất của doanh nghiệp mới có khoảng 500 công nhân. Trong khi trước dịch, để vận hành và đảm bảo công suất hoạt động, kịp trả đơn hàng xuất khẩu, công ty cần hơn 1.000 lao động. 

Không chỉ ngành gỗ, các doanh nghiệp ngành dệt may, da giày cũng đang đối mặt với tình trạng thiếu nhân công trầm trọng khi người lao động có xu hướng về quê tránh dịch và chưa có ý định quay trở lại TP làm việc.

Theo bà Đỗ Quỳnh Chi, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quan hệ lao động (ERC), khảo sát tình hình lao động của thị trường trong tháng 10 thì thấy 60% người lao động di cư muốn về quê hoặc đã về quê, chủ yếu trong thời gian ngắn để hồi phục sức khỏe và cuộc sống cho bản thân, con cái. 

Trong số đó, 89% người di cư và 96% lao động địa phương muốn tiếp tục làm ở nhà máy hiện tại. Nhưng, nếu không có biện pháp hỗ trợ, gắn bó tích cực, các doanh nghiệp sẽ phải mất từ 3 - 5 tháng để người lao động trở lại nhà máy.

Tại TP. HCM, sau hơn một tháng bắt đầu hoạt động trở lại trong điều kiện “bình thường mới”, có khoảng 70% công nhân ở các nhà máy sản xuất quay lại làm việc. Một số tỉnh, thành khác, con số này cao hơn. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn trong tình trạng lo lắng làm sao để công nhân gắn bó lâu dài ngay cả khi dịch có thể quay trở lại.

 

01.jpg
Công ty may mặc xuất khẩu Dony (quận Tân Bình, TP. HCM) đã có 100% công nhân đi làm đầy đủ nhờ có chính sách chăm lo đời sống và bảo vệ người lao động trước dịch bệnh Covid-19. Ảnh: Tự Trung

 

Cơ quan Nhà nước phải chịu trách nhiệm

Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV về trách nhiệm của cơ quan nhà nước ở đâu? Có sự lúng túng, bị động và không khi nhiều lao động từ các tỉnh, thành phố về quê tránh dịch? Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội có một phần trách nhiệm chứ không phải chịu trách nhiệm chính, vì vấn đề này còn liên quan đến cả việc di dân, vấn đề an ninh, trật tự, đi lại… liên quan rất nhiều bộ, ngành...

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, lực lượng lao động trở về quê trong đợt dịch thứ tư là tương đối lớn, có ý kiến khác nhau về số liệu nhưng sau khi đã nghe và xem trực tiếp tổng kết tất cả báo cáo của các địa phương cùng với thống kê tiến hành rà soát, phân loại ban đầu thì con số chính thức lao động về quê của chúng ta khoảng 1,3 triệu người, chiếm 60% trong tổng số người dân di chuyển từ TP. HCM, Hà Nội và các vùng trọng điểm kinh tế phía Nam về quê.

Qua khảo sát và làm việc với các tỉnh phía Nam thấy, khoảng 30% người dân các địa phương đã về quê có nhu cầu quay trở lại TP. HCM và các tỉnh phía Nam làm việc; 30% muốn chuyển sang lĩnh vực khác ở các địa bàn khác; còn lại phần đông là muốn ở lại quê. Nhưng trong số ở lại quê thì cũng chỉ có khoảng 40% muốn có công việc tại quê.

Trên cơ sở đó, Bộ đã liên hệ và sau khi trao đổi với các địa phương thì thấy có ba vấn đề lớn. Thứ nhất, các địa phương cùng với TP. HCM và các tỉnh lân cận, vùng kinh tế trọng điểm cần có kết nối để vận động, thuyết phục, giới thiệu người lao động quay trở lại làm việc.

Thứ hai, các địa phương cũng chủ động liên kết, kết nối với các địa phương khác, thậm chí ngay cả trong vùng để có thể giới thiệu việc làm. Đơn cử như tỉnh Thanh Hóa, Bộ trưởng cho biết, thời gian qua đã giới thiệu người lao động về quê đi làm việc ở các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nam. Riêng Bắc Giang, cho đến thời điểm này đã tăng hơn 50.000 lao động so với trước dịch.

Thứ ba, tạo việc làm tại chỗ, như Quảng Trị, Quảng Nam tiếp nhận toàn bộ những công nhân nghề may và một số lĩnh vực khác cho công nhân làm việc tại địa phương mình.

Bộ trưởng cho rằng, cần tập trung triển khai các chính sách như giảm nghèo, cho vay quỹ quốc gia giải quyết việc làm… để hỗ trợ cho người lao động có thể ổn định, tạo công việc mới ở địa phương.

Phải lo thật tốt về chính sách

Về giải pháp giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động trong các khu công nghiệp, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết: Trong Báo cáo số 177 ngày 8/11 gửi Quốc hội, ông đã viết rất kỹ về các giải pháp này, trong đó đề cập sâu vào giải pháp giữ chân người lao động; thứ hai là thu hút người lao động quay trở lại; thứ ba là giải quyết việc làm cho người lao động ở những nơi mà họ đã về mà họ không trở lại nơi cũ và cũng không tìm việc làm mới; thứ tư là giải pháp điều tiết bổ sung trong những trường hợp đặc biệt ở những địa bàn, đối tượng, lĩnh vực cấp thiết.

Trong đó, theo Bộ trưởng, có mấy vấn đề quan trọng: Một là, phải lo thật tốt về chính sách, về đời sống, mức lương, thu nhập. Hai là, phải chăm lo an sinh thật tốt, phải có một sàn an sinh tối thiểu để người lao động có thể yên tâm đó là vấn đề nhà trọ, nhà ở, vấn đề sinh hoạt, vấn đề nơi có thể gửi con, chăm sóc con cái. Ba là, phải bảo đảm cho an toàn tính mạng, sức khỏe của họ, đó là tiêm vaccine.

Về giải pháp khắc phục những hạn chế an sinh xã hội lâu dài, Bộ trưởng cho biết, chủ trương Nghị quyết Đại hội Đảng XIII nêu rất rõ, chúng ta phấn đấu phát triển kinh tế thì đi đôi với tiến bộ, công bằng xã hội; không đánh đổi tiến bộ, công bằng xã hội để lấy phát triển kinh tế đơn thuần. Vì vậy, hiện nay, mặc dù ngân sách còn nhiều khó khăn nhưng Việt Nam là một trong những quốc gia được xếp đứng đầu khối ASEAN về đầu tư ngân sách cho an sinh xã hội. Chúng ta có các chính sách tương đối đồng bộ và hoàn thiện kể cả cho người có công, người yếu thế, người già, người có hoàn cảnh neo đơn, cho trẻ em và các đối tượng khác.

Thời gian tới, theo chỉ đạo của Bộ Chính trị và Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang tiếp tục hoàn thiện và xây dựng Đề án, dự kiến đầu năm 2023 sẽ trình Ban Chấp hành Trung ương về củng cố, nâng cao chất lượng an sinh hay nói cách khác là nâng cao chất lượng các chính sách xã hội của người dân Việt Nam trong thời gian tới. Trong đó có rất nhiều vấn đề liên quan như đời sống, thu nhập cho người nghèo như thế nào, cho người yếu thế ra sao, cho người có công thế nào, về nước sạch và vệ sinh môi trường ra sao,… để thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, phân hóa xã hội, để mọi người ai cũng được tham gia và ai cũng được thụ hưởng thành quả xã hội.

 

Theo ông Nguyễn Trung Tiến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, thiếu hụt nguồn lao động trong quý IV và đầu năm 2022 ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhưng nguy cơ thiếu hụt lao động trầm trọng có thể sẽ không xảy ra.

Bởi vì, khi ứng phó với diễn biến dịch bệnh qua từng đợt, Chính phủ xây dựng kế hoạch phục hồi kinh tế - xã hội giai đoạn tiếp theo một cách thận trọng, mở cửa dần dần. Doanh nghiệp quay trở lại sản xuất, thu hút lao động theo chính sách mở cửa của Chính phủ, theo hướng sản xuất tới đâu thì thu hút lao động tới đó. Do đó, khả năng thiếu hụt lao động trầm trọng có thể sẽ không xảy ra vì các doanh nghiệp chưa thể ồ ạt sản xuất như trước, mà phải thu hút lao động cho sản xuất phù hợp với tiến trình mở cửa trở lại của nền kinh tế.

Việc cần làm là xây dựng những chính sách tốt, dần mở cửa lại nền kinh tế theo lộ trình phù hợp, lực lượng lao động cũng sẽ dần quay trở lại. Tôi tin tưởng rằng, sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị với các giải pháp phát triển kinh tế căn cơ hơn sẽ tạo điều kiện cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, hộ gia đình, lao động, việc làm và các vấn đề an sinh xã hội có chuyển biến mới, tích cực trong thời gian tới.

 

D.T
Ý kiến bạn đọc
  • Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hàng ngàn người đổ về thị trấn Sông Đốc (Trần Văn Thời - Cà Mau) để xem cuộc đua vỏ lãi kỳ thú. Thị trấn ven biển này cũng là nơi 70 năm trước diễn ra sự kiện tập kết ra Bắc lịch sử.

  • Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Hòa cùng không khí cả nước, chào mừng 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/1982 - 20/11/2024, tri ân sự đóng góp, hy sinh của thầy, cô giáo - những “Người lái đò” thầm lặng, đưa nhiều thế hệ học trò đến với bến bờ tri thức.

  • Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.

Top