Những năm gần đây, nhờ ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), ngành nông nghiệp đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, nhiều ý kiến đưa ra tại Hội nghị kết nối khu vực miền Bắc 2016 với chủ đề: “Sản phẩm, dịch vụ CNTT thương hiệu Việt thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn” do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức mới đây đề nghị cần có chính sách hỗ trợ ứng dụng CNTT vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Hiện nay, ứng dụng CNTT vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn còn hạn chế. Do vậy, cần có cơ chế, chính sách để đưa CNTT vào ngành nông nghiệp nhiều hơn nữa.
Hiệu quả từ ứng dụng CNTT
Có thể nói, CNTT đã đi vào mọi ngõ ngách của đời sống xã hội. Trong ngành nông nghiệp, các chuyên gia nhận định, khi CNTT kết hợp với điện tử, viễn thông, tự động hóa sẽ tạo ra các hệ thống tự động tính toán nhu cầu nước, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và các vật tư khác một cách chính xác, điều hành cung cấp các loại vật tư vừa đủ cho cây trồng, vật nuôi bằng các thiết bị tự động để nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm dư lượng các chất độc hại.
Bên cạnh đó, CNTT sẽ thực hiện các bài toán dự báo lũ, mực nước các hồ chứa, ngập lụt ở hạ du do mưa và xả lũ gây ra, ngập lụt vùng ven biển do nước biển dâng; dự báo về dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi; dự báo thị trường nông sản…
Đặc biệt, CNTT kết hợp với công nghệ viễn thám tạo thành các hệ thống thông tin cho phép theo dõi tiến độ mùa vụ, xác định từng giai đoạn sinh trưởng của cây trồng, từ đó tính đúng, đủ nhu cầu nước, phân bón các loại, đánh giá mức độ nhạy cảm của cây trồng với những loại sâu bệnh, đưa ra dự báo sâu bệnh, từ đó giúp người dân chủ động được việc chăm sóc, phòng trừ hiệu quả.
Theo ông Ngô Văn Hùng, Tổng thư ký Hội đồng khoa học Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, những năm qua, Hội xây dựng thí điểm hơn 300 mô hình ứng dụng CNTT của nông dân tại các xã, phường với hơn 3.000 thành viên được tập huấn, đào tạo sử dụng máy vi tính và khai thác, sử dụng mạng internet.
Ông Hùng dẫn chứng, từ việc triển khai dự án “Ứng dụng công nghệ thông tin cho cán bộ, đoàn thể và nông dân” tại 71 xã thuộc địa bàn nông thôn tỉnh Cà Mau để cung cấp kiến thức về khoa học công nghệ phục vụ sản xuất, mỗi năm tỉnh này có trên 100.000 hộ đạt danh hiệu Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, mức thu nhập bình quân từ 60 - 300 triệu đồng/hộ/năm, có hộ đạt trên 1 tỷ đồng/năm.
Ông Lã Văn Đoàn, Phó chủ tịch Thường trực HND tỉnh Bắc Giang, cho biết, xác định được tầm quan trọng của ứng dụng CNTT nên Hội Nông dân từ tỉnh đến cơ sở đã quan tâm đầu tư mua các trang thiết bị CNTT phục vụ sản xuất nông nghiệp. Đến nay, đối với Hội Nông dân tỉnh, huyện, số máy tính đạt 80% so với số lượng cán bộ công chức; Hội Nông dân xã, phường, thị trấn đã có trên 70% máy tính riêng kết nối mạng internet băng thông rộng. Đối với các hộ nông dân, đặc biệt là các hộ sản xuất kinh doanh giỏi, có tới trên 50% số hộ có máy vi tính.
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Phương, Phó Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Yên Thế (Bắc Giang), xác định thế mạnh của mình, Yên Thế đã lựa chọn 06 cây và 04 con để xây dựng chương trình phát triển nông - lâm nghiệp hàng hóa, trong đó tập trung chủ đạo là chăn nuôi gà đồi và phát triển cây chè chất lượng cao. Riêng sản phẩm “gà đồi Yên Thế”, mỗi năm cung ứng ra thị trường từ 13-15 triệu con gà đồi thương phẩm, giá trị sản xuất ước đạt 1.300 tỷ đồng.
Kết quả trên có sự đóng góp quan trọng, kịp thời và hiệu quả của CNTT. Cụ thể, thời gian qua, Yên Thế đã tập trung chỉ đạo ứng dụng CNTT vào sản xuất, kinh doanh và quảng bá các sản phẩm tiêu biểu của địa phương và đạt được kết quả đáng khích lệ. Đường cáp quang đã kéo đến 212/212 thôn, bản, phố trên địa bàn, đáp ứng được nhu cầu sử dụng các dịch vụ viễn thông của nhân dân.
Cần có cơ chế riêng cho ngành nông nghiệp
Ứng dụng CNTT trong nông nghiệp, nông thôn kết quả bước đầu là vậy, nhưng trên thực tế vẫn còn nhiều bộ, ngành, doanh nghiệp và người dân chưa nhận thức đúng vai trò của CNTT, đa phần chỉ coi CNTT là một công cụ được sử dụng đơn lẻ, manh mún, chỗ nào mạnh thì triển khai, chỗ nào yếu thì không áp dụng, thiếu tính kết nối đa chiều, đa lĩnh vực.
CNTT không tác động trực tiếp lên giá trị sản phẩm nông nghiệp, nhưng tác động gián tiếp và đem lại lợi ích lâu dài nếu áp dụng vào sản xuất, phân phối sản phẩm một cách hệ thống, đúng hướng, kết quả thu được là rất lớn, nó không dừng lại ở việc tăng giá trị sản phẩm hay tăng năng suất lao động. Hiện nay, nước ta đang thiếu một định hướng lâu dài, quy hoạch đồng bộ để phát triển và ứng dụng CNTT cho nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Theo ông Ngô Văn Hùng, đến nay, việc ứng dụng CNTT vào nông nghiệp chỉ mới bắt đầu, chủ yếu là ứng dụng trong các cơ quan quản lý ngành. Còn ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp thì mới có một số ít doanh nghiệp thực hiện như: TH True Milk, VinEco, ngoài ra có một số mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao quy mô nhỏ ở TP.Hồ Chí Minh, Lâm Đồng. Với đa số nông dân, việc ứng dụng CNTT vào sản xuất dường như vẫn là câu chuyện của tương lai.
“Chính phủ và các bộ, ngành tiếp tục quan tâm, ban hành chủ trương, cơ chế, chính sách hỗ trợ nông dân ứng dụng CNTT vào sản xuất và đời sống; doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ công nghệ thông tin có gói cước riêng cho nông dân bằng 50% giá bình quân, như “gói cước thông tin di động dành cho 25 triệu lao động nông nghiệp”, gói cước internet,…”. Ông Ngô Văn Hùng, Tổng thư ký Hội đồng khoa học TW Hội Nông dân Việt Nam |
Nhằm đẩy nhanh ứng dụng CNTT trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, ông Hùng kiến nghị, Chính phủ và các bộ, ngành tiếp tục quan tâm, ban hành chủ trương, cơ chế, chính sách hỗ trợ nông dân ứng dụng CNTT vào sản xuất và đời sống; doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ công nghệ thông tin có gói cước riêng cho nông dân bằng 50% giá bình quân, như “gói cước thông tin di động dành cho 25 triệu lao động nông nghiệp”, gói cước internet,…
Còn theo ông Lã Văn Đoàn, Phó chủ tịch Thường trực HND tỉnh Bắc Giang, để đáp ứng nhu cầu ứng dụng công nghệ thông tin rộng rãi trong nhân dân phục vụ phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn, Nhà nước cần đầu tư hạ tầng CNTT đồng bộ từ thành thị đến nông thôn; hỗ trợ các làng nghề, vùng sản xuất hàng hóa tập trung, hộ sản xuất kinh doanh giỏi ứng dụng CNTT trong việc quản lý hàng hóa, dịch vụ cũng như quảng bá các sản phẩm của mình trên internet.
Cần có cơ chế chính sách hỗ trợ các địa phương, các cấp, ngành để tăng cường công tác đào tạo, tấp huấn CNTT giúp nông dân nâng cao trình độ sử dụng, khai thác thông tin hữu ích trên mạng internet phục vụ phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Vì hiện nay, số hộ biết sử dụng CNTT còn rất ít, mới chiếm 30-40%.
Ông Đỗ Trần Anh, Giám đốc Công ty TNHH Farmtech Vietnam, thông tin, qua khảo sát thực tế, khoảng 99% người dân chưa hề áp dụng hệ thống giám sát cảnh báo môi trường nuôi trồng liên tục. Nông dân ngại đầu tư vì tư tưởng kinh doanh nhỏ lẻ, chưa nghĩ tới việc chọn sản phẩm công nghệ giá thành cao và chất lượng tốt, luôn nghĩ đến chi phí cao khi áp dụng CNTT và các hệ thống khác. Chưa có sự liên hệ thường xuyên, liên tục giữa nông dân và các chuyên gia nông nghiệp về phân tích số liệu môi trường nuôi trồng. Luôn chủ quan và chủ yếu phân tích môi trường bằng kinh nghiệm.
Trước việc ứng dụng CNTT vào trong nông nghiệp, nông thôn còn hạn chế, nhiều phần mềm, ứng dụng thông minh của các trung tâm, công ty đã ra đời. Điển hình là phần mềm quản lý sản xuất lợn giống MPigs phiên bản 2.0 do Trung tâm Công nghệ phần mềm Thủy lợi phối hợp với Trung tâm Khảo, Kiểm nghiệm và kiểm định Giống vật nuôi, Thức ăn chăn nuôi (Cục Chăn nuôi – Bộ Nông nghiệp và PTNT), và một số chuyên gia trong lĩnh vực chăn nuôi nghiên cứu, xây dựng.
Ứng dụng Phần mềm quản lý sản xuất lợn giống MPigs 2.0 sẽ giúp các cơ sở, trại chăn nuôi quản lý được số lượng, chất lượng đàn lợn giống, theo dõi kết quả sản xuất hàng ngày, lập kế hoạch sản xuất, quản lý và theo dõi công tác thú y, thức ăn chăn nuôi…, từ đó góp nâng cao năng suất, chất lượng, sản lượng lợn giống của đơn vị.
Ông Nguyễn Thành Hưng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, cho biết, Hội nghị kết nối khu vực miền Bắc 2016 được Bộ tổ chức thường niên trong hoạt động thúc đẩy phát triển thị trường tiêu dùng sản phẩm, dịch vụ CNTT thương hiệu Việt nhằm thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của Bộ Chính trị. Bộ Thông tin và Truyền thông hoan nghênh và đánh giá cao những thành tựu ứng dụng và phát triển CNTT cũng như việc đẩy mạnh phát triển kinh tế nông nghiệp của các địa phương.
Thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ thúc đẩy ứng dụng CNTT trong các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế, trong đó có nông nghiệp. “Chúng tôi kêu gọi, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tiếp tục nghiên cứu, xây dựng, triển khai và nhân rộng các mô hình giải pháp mới về ứng dụng CNTT trong nông nghiệp”, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng nói.
CNTT không tác động trực tiếp lên giá trị sản phẩm nông nghiệp, nhưng tác động gián tiếp và đem lại lợi ích lâu dài nếu áp dụng vào sản xuất, phân phối sản phẩm một cách hệ thống, đúng hướng, kết quả thu được là rất lớn, nó không dừng lại ở việc tăng giá trị sản phẩm hay tăng năng suất lao động. Hiện nay, nước ta đang thiếu một định hướng lâu dài, quy hoạch đồng bộ để phát triển và ứng dụng CNTT cho nông nghiệp và phát triển nông thôn. |
Hoàng Văn
Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim cho biết, chuyến thăm chính thức của Tổng Bí thư Tô Lâm tới Malaysia lần này có ý nghĩa quan trọng khi hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện. Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực an ninh, quốc phòng, hợp tác biển và một số lĩnh vực hợp tác về điện, kinh tế số…
Biến đổi khí hậu, thời tiết ngày càng cực đoan, thiên tai ngày càng phức tạp, gây nhiều thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp. Tại tỉnh Quảng Bình, nông dân đã triển khai nhiều mô hình chuyển đổi trên đất gò đồi, đất kém hiệu quả để thích ứng, giảm nhẹ tác động của các loại hình thiên tai đối với sản xuất nông nghiệp, mang hiệu quả kinh tế cao.