Còn hơn 1 tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, nhưng nông dân tại các làng nghề trồng hoa, cây cảnh ở ĐBSH đang khẩn trương, chăm sóc từng luống hoa, chậu cảnh để cung ứng cho thị trường đúng dịp Tết.
Thanh Hóa: Làng hoa, cây cảnh rộn ràng chuẩn bị vào Tết
Đến xã Hợp Lý (Triệu Sơn) nơi được xem là thủ phủ của hoa, cây cảnh vào ngày này, không khí lao động sản xuất trên vườn đào, quất rộn ràng, tất bật, không khí xuân như đã cận kề. Với người nông dân trồng hoa, cây cảnh ở xã Hợp Lý, tết là thời điểm cung cấp số lượng lớn nhất ra thị trường và cũng là thời điểm mang lại khoản thu nhập cao nhất trong năm.
Thực tế trồng hoa, cây cảnh mang lại thu nhập cao, ổn định. Vì vậy, những năm gần đây, xã Hợp Lý có gần 700 hộ tham gia trồng hoa, cây cảnh, với tổng diện tích hơn 80 ha; trong đó, có 64,1 ha là được chuyển đổi từ diện tích sản xuất lúa kém hiệu quả. Hằng năm, nghề trồng hoa, cây cảnh tại xã Hợp Lý mang lại doanh thu khoảng 35 tỷ đồng, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Tại làng hoa Đông Cương (TP Thanh Hóa), những ngày này, người dân đang hối hả, khẩn trương chăm sóc hoa để chuẩn bị cung ứng cho thị trường. Ông Nguyễn Văn Hùng, người có kinh nghiệm 19 năm trong nghề trồng hoa, cho biết: Ngoài việc đưa vào trồng những loại hoa được thị trường ưa chuộng, có giá trị kinh tế cao thì các hộ dân phải có “mẹo” mới bảo đảm có hoa bán liên tục, không bị “đọng” vào thời gian cao điểm. Với hơn 7 sào trồng hoa, ông Hùng không xuống giống ồ ạt mà rải vụ, thực hiện xuống giống cách nhau ít nhất 1 tuần đến 10 ngày.
Đồng thời, thực hiện làm chủ thời vụ bằng công nghệ, như: Che chắn, thắp điện sưởi ấm, kích nở cho hoa... Toàn xã Đông Cương có hơn 60 ha trồng hoa, bên cạnh những loại hoa truyền thống, người dân còn đưa những loại hoa mới được thị trường ưa chuộng, như: Ly, tuy líp, lay ơn... vào sản xuất. Đồng thời, áp dụng trồng trong nhà màng, nhà lưới... để bảo đảm sự sinh trưởng, phát triển ổn định của hoa.
Ngoài các vùng chuyên canh hoa, cây cảnh truyền thống, tỉnh còn có thêm nhiều vùng trồng hoa mới. Nhờ kinh nghiệm nhiều năm trong chăm sóc và ứng dụng kỹ thuật mới, các làng hoa, vùng trồng hoa, cây cảnh luôn đáp ứng đủ cho nhu cầu trong dịp tết. Ngoài những mô hình trồng các loại hoa truyền thống, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện nhiều mô hình trồng hoa lan công nghệ cao, hoa ly trong nhà kính, nhà lưới... cho thu nhập hàng tỷ đồng/ha/năm.
Tuy nhiên, để có vụ hoa Tết bội thu như kỳ vọng, người trồng hoa đang tìm cách ứng phó với những yếu tố rủi ro về thời tiết, thị trường... nhất là hoa đào và một số loại hoa trồng theo phương pháp truyền thống. Đồng thời, người dân cần tích cực đầu tư sâu về kỹ thuật, công nghệ để chủ động hơn trong quá trình trồng, chăm sóc, thu hoạch và tiêu thụ với kỳ vọng “được mùa – được giá”, nâng cao chất lượng, giá trị kinh tế từ nghề trồng hoa, cây cảnh.
Hưng Yên: Người trồng đào tất bật tuốt lá, chuẩn bị cho Tết Nguyên đán
Đầu tháng 11 âm lịch hằng năm là thời điểm nông dân các địa phương trồng đào tập trung chăm sóc, chuẩn bị công đoạn nuôi mắt, cho đào ra nụ, nở hoa đúng dịp Tết Nguyên đán. Thời điểm hiện tại, người dân ở các làng đào Ngọc Đà, xã Tân Quang (Văn Lâm); Phú Đa, phường Bần - Yên Nhân (thị xã Mỹ Hào); xã Trung Nghĩa (thành phố Hưng Yên)... đều đang tất bật cho công đoạn tuốt lá.
Tuốt lá đào được xem là công đoạn rất quan trọng, cần sự cẩn trọng và tính toán kỹ lưỡng của người trồng. Việc tuốt lá luôn phải được thực hiện đúng thời gian để đào có thể ra được mắt và nuôi dưỡng mắt đào, cho ra những nụ hoa to, đẹp và đều đúng dịp Tết. Theo những người trồng đào lâu năm, thông thường đào sẽ được tuốt lá trước thời điểm Tết khoảng 45 - 50 ngày. Tuy nhiên, người trồng sẽ căn cứ vào từng giống đào, thời tiết cũng như sự phát triển của từng cây để xác định thời điểm tuốt lá sao cho cây bật nụ, nở hoa đúng ngày cận Tết. Việc tuốt lá nhằm mục đích để cây tập trung dinh dưỡng làm nụ, bảo đảm nụ hoa ra nhiều, đều, mập, hoa to, cánh dày, màu đẹp.
Theo Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Văn Lâm, đào thuộc loại cây rụng lá hàng năm về mùa đông. Sau khi lá rụng, nụ hoa phát triển và lớn nhanh. Nếu cứ để tự nhiên thì đào rụng lá vào cuối tháng Chạp và hoa nở vào cuối tháng Giêng hoặc tháng Hai năm sau. Cho nên muốn có hoa đẹp trong dịp Tết, đi đôi với việc chăm sóc cây ta phải tuốt lá trước một thời gian. Thời gian đó dài, ngắn tùy thuộc vào thời tiết từng năm, giống đào, tùy cây khỏe hay yếu, cây tơ hay già...
Việc tuốt lá cũng phải làm cẩn thận, tỉ mỉ để không gây hại đến các mắt hoa, cành hoa. Người tuốt lá đào cần phải bảo vệ mắt hoa ở cuối nách lá. Nên hái từng lá. Không được một tay tuốt lá thẳng từ ngọn xuống, làm như vậy dễ tổn thương đến mầm hoa.
Hà Nam: Chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa: Vướng ở khâu quy hoạch
Theo kế hoạch, năm 2020 toàn tỉnh sẽ có hơn 3.741 ha đất lúa được chuyển đổi sang trồng cây hàng năm, cây lâu năm và trồng lúa kết hợp với nuôi trồng thủy sản. Hiện các địa phương đang tập trung rà soát diện tích. Thực tế cho thấy, công tác quy hoạch vùng chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa gặp nhiều vướng mắc.
Theo ông Phạm Văn Thập, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Duy Tiên, từ khi triển khai đến nay, việc sử dụng đất ở địa phương đã có nhiều thay đổi. Duy Tiên có nhiều dự án mới triển khai đã chồng vào diện tích đất dự kiến chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa được rà soát từ lần đầu. Thế nên, đến nay diện tích phù hợp có thể chuyển đổi đã giảm đi nhiều.
Cụ thể, diện tích chuyển đổi cây ăn quả trên đất cốt cao lúc đầu rà soát dự kiến khoảng 140 ha, nay diện tích phù hợp để chuyển đổi chỉ còn 85,8 ha. Diện tích chuyển sang nuôi trồng thủy sản kết hợp với trồng lúa từ 650,6 ha xuống còn 343 ha. Diện tích trồng chuối, cỏ, ngô từ 94,1 ha nay chỉ còn 67,8 ha. Biến động về sử dụng đất đã tác động lớn đến công tác lập kế hoạch chuyển đổi đất lúa.
Ông Nguyễn Thành Thăng, Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Nhân chia sẻ: Lý Nhân đang có một số quy hoạch các dự án phi nông nghiệp giai đoạn 2020-2025, huyện băn khoăn không biết có nên cho phép chuyển đổi cơ cấu cây trồng hay không. Mỗi địa phương lại có một lợi thế riêng nên cần định hướng cho nông dân những loại cây trồng phù hợp, tránh tình trạng đến một lúc nào đó lại phải giải cứu dưa, giải cứu bưởi. Quan điểm của huyện chỉ đạo mỗi xã làm điểm một vùng, làm cẩn trọng được đến đâu tốt đến đó.
Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo một số xã khẳng định, nhiều vùng hiện nay trồng lúa kém hiệu quả, nông dân muốn chuyển sang cây trồng khác, nhưng lại vướng quy hoạch. Vấn đề là, quy hoạch đó không biết đến khi nào mới thực hiện, thế nên một vài năm nay, vùng đất đó gần như bị bỏ hoang hoặc chỉ sản xuất được một vụ. Nếu không cho chuyển đổi cơ cấu cây trồng hoặc chuyển sang nuôi trồng thủy sản kết hợp với trồng lúa, nông dân sẽ bỏ ruộng…
Lập kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa cần phải thực hiện bài bản, tránh lãng phí đầu tư khi chưa sản xuất được bao lâu đã bị thu hồi đất nông nghiệp. Nhu cầu chuyển đổi cơ cấu cây trồng của nông dân tăng cao, song nếu để nông dân tự chuyển đổi theo nhu cầu thì rất khó quản lý. Trong công tác quy hoạch, ngoài yêu cầu về diện tích tối thiểu cũng nên xem xét đến quy mô chuyển đổi của từng hộ để khuyến khích các hộ tập trung ruộng đất mới đạt được mục tiêu về sản xuất tập trung.
Ở nhiều địa phương, nông dân muốn thuê đất để chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Nhưng khó ở chỗ, những hộ muốn chuyển đổi sang trồng cây ăn quả cần thời gian thuê đất ít nhất từ 10 năm trở lên, còn các hộ cho thuê đất chỉ muốn kí hợp đồng trong khoảng thời gian 5 năm. Nhiều nông dân có tư tưởng chuyển đổi tự phát, thiếu nguồn lực tài chính nên không thực hiện được theo nguyên tắc, yêu cầu về diện tích chuyển đổi tập trung từ 3 ha trở lên và có 60% cây trồng chủ lực.
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa là nội dung quan trọng để tái cơ cấu lĩnh vực trồng trọt, góp phần nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, không vì vậy mà tiến hành chuyển đổi một cách ồ ạt. Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, cần phải thống nhất quan điểm về việc thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa. Dựa trên nhu cầu chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở địa phương để thực hiện, không nhất thiết phải chuyển sang trồng cây ăn quả, có thể chuyển sang trồng cây hàng năm. Vì có loại cây ăn quả phải mất nhiều năm mới được cho thu hoạch, chuyển đổi sẽ vướng vào những quy hoạch khác…
Tối 22/11, tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến Tàu Không số”. Hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số (28/11/1964 – 28/11/2024).
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.