Trước việc một số chủ đầu tư dự án sau khi được cấp Giấy phép quy hoạch nhưng sau đó thực hiện việc thay đổi quy hoạch nhưng không lấy ý kiến cộng đồng dân cư, Hiệp hội bất động sản TP. Hồ Chí Minh (HoREA) đã có văn bản gửi các cơ quan Trung ương kiến nghị việc buộc chủ đầu tư phải lấy ý kiến của cộng đồng dân cư trong việc cấp Giấy phép quy hoạch.
Trong thời gian qua, để chuẩn bị đầu tư dự án bất động sản (BĐS), việc lấy ý kiến đại diện cộng đồng dân cư được cơ quan chức năng thực hiện khi chủ đầu tư xin cấp Giấy phép quy hoạch. Tuy nhiên, sau khi đã được cấp Giấy phép quy hoạch, nếu chủ đầu tư đề nghị có sự thay đổi một số nội dung quy hoạch thì phải làm lại thủ tục lấy ý kiến đại diện cộng đồng dân cư. Đối với dự án đang được xây dựng dở dang, nếu chủ đầu tư đề nghị có sự thay đổi một số nội dung quy hoạch, thiết kế hạng mục thì cũng phải làm lại thủ tục lấy ý kiến đại diện cộng đồng dân cư.
Việc ban hành mẫu “phiếu góp ý của cộng đồng dân cư liên quan” có quá nhiều nội dung nặng về chuyên môn quy hoạch. Cụ thể như, cơ cấu sử dụng đất, các chỉ tiêu sử dụng đất, mật độ xây dựng; hệ số sử dụng, khoảng lùi công trình so với ranh lộ giới các tuyến đường tiếp giáp khu đất, các yêu cầu về hạ tầng kỹ thuật, các yêu cầu về hạ tầng xã hội, các yêu cầu về bảo vệ môi trường, các yêu cầu về tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan, mà chỉ có những chuyên gia về quy hoạch xây dựng mới am hiểu, dẫn đến việc lấy ý kiến đại diện cộng đồng dân cư chưa thật sự sát thực, có thể dẫn đến tính hình thức, mất rất nhiều thời gian và công sức. Vì vậy, Hiệp hội đề nghị chỉ giữ lại các nội dung cần thiết như: về phạm vi, ranh giới dự án, về chức năng công trình, về quy mô dân số, về tầng cao công trình, về các vấn đề có liên quan khác để lấy ý kiến đại diện cộng đồng dân cư thì thiết thực hơn và người dân hoàn toàn có thể tham gia ý kiến được.
HoREA cho rằng phải lấy ý kiến của cộng đồng dân cư trong việc cấp Giấy phép quy hoạch, trường hợp bán nhà hình thành trong tương lai phải tổ chức hội nghị khách hàng
Ngoài ra, HoREA đồng ý việc phải tổ chức thực hiện lấy ý kiến đại diện cộng đồng dân cư trước khi cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép quy hoạch của dự án. Theo HoREA, đây là công tác cần thiết nhằm bảo đảm cho đại diện cộng đồng dân cư có quyền tham gia ý kiến đóng góp về dự kiến quy hoạch, dự kiến triển khai dự án có tác động đến quyền và lợi ích của cộng đồng dân cư trong khu vực. Sau khi đã có Giấy phép quy hoạch, nếu chủ đầu tư đề nghị điều chỉnh một số chỉ tiêu quy hoạch của dự án ở mức độ không quá 20% chỉ tiêu quy hoạch đã được duyệt, hoặc đối với dự án khu đô thị, khu dân cư có quy mô lớn thì đề nghị giao trách nhiệm cho Hội đồng Quy hoạch Kiến trúc thành phố, Sở Quy hoạch Kiến trúc, Ủy ban nhân dân quận, huyện nơi có dự án xem xét trình cấp có thẩm quyền quyết định điều chỉnh Giấy phép quy hoạch. Đối với trường hợp chủ đầu tư xin điều chỉnh một số chỉ tiêu quy hoạch của dự án đã bán nhà ở hình thành trong tương lai thì phải tổ chức hội nghị lấy ý kiến khách hàng trước khi cơ quan có thẩm quyền cho phép điều chỉnh Giấy phép quy hoạch./.
Mạnh Tiến
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy khẳng định, dù thực hiện theo Luật Đất đai hay theo cơ chế thí điểm của Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất, tất cả các dự án đó đều phải tuân thủ quy hoạch, bảo đảm việc giữ ổn định 3,5 triệu ha đất lúa, bảo đảm độ che phủ rừng...
Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản sẽ hiệu lực từ ngày 1/8, sớm 5 tháng so với thời điểm đã được Quốc hội quyết định trước đó (1/1/2025), sẽ giúp khơi thông nguồn lực đất đai, tạo điều kiện cho nền kinh tế đất nước phát triển và đảm bảo các chính sách an sinh xã hội cho người dân.