Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 7 tháng 5 năm 2024  
Thứ hai, ngày 21 tháng 3 năm 2022 | 10:47

Liên kết nuôi thỏ, mở ra kỳ vọng mới ở Ea Nuôl

Từ hỗ trợ bước đầu về giống và kỹ thuật, một số nông dân xã Ea Nuôl (Buôn Đôn - Đắk Lắk) đã phát triển nuôi thỏ theo hướng liên kết, mang lại thu nhập ổn định.

Thu lãi trên 6 triệu đồng/tháng

Ông Giã Minh Thới (thôn Tân Phú) bắt đầu nuôi thỏ từ đầu năm 2020 với 30 con giống New Zealand do Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp và Du lịch Phú Nông - Buôn Đôn hỗ trợ. Ngoài việc được tập huấn, hỗ trợ kỹ thuật từ HTX, ông còn mày mò tìm hiểu thêm kiến thức về nuôi thỏ trên sách báo, internet. Vừa làm vừa học, ông tăng dần quy mô chuồng trại để mở rộng chăn nuôi. Đến cuối năm 2021, ông hoàn chỉnh chuồng trại, duy trì đàn thỏ ổn định với 110 thỏ sinh sản và gần 400 thỏ thịt. Mỗi tháng ông xuất bán 200 - 300 con thỏ thịt và thỏ giống, thu lãi trên 6 triệu đồng.

Nhờ nắm vững kỹ thuật chăm sóc, phòng trị bệnh nên tỷ lệ thất thoát của thỏ sinh sản tại trại của ông Thới khá thấp. Bình quân mỗi thỏ mẹ đẻ 5 - 7 con/lứa trong mỗi chu kỳ khoảng 2 tháng. Thỏ con một tháng tuổi có thể xuất bán hoặc tách sang chuồng nuôi thỏ thịt.

 

trang-trại-thỏ-new-zealand-của-ông-giã-minh-thới.jpg
Trang trại thỏ New Zealand của ông Giã Minh Thới.

 

Với thỏ thịt, ông cho ăn cân bằng dinh dưỡng giữa cám viên tổng hợp và thức ăn xanh gồm các loại rau, cỏ. Mỗi tháng, thỏ thịt tăng trọng gần 1kg, đến khi đạt trọng lượng từ 2 kg/con trở lên là có thể xuất bán. Đầu ra của thỏ khá rộng mở, khi HTX đã liên kết với một số đầu mối thu mua, phân phối đi nhiều tỉnh, thành. Ngoài lợi nhuận từ thỏ giống, thỏ thịt, ông Thới còn thu được nguồn phân chuồng khá dồi dào để ủ vi sinh bón cho vườn cây ăn trái.

Kỳ vọng mới

Tại trang trại của ông Đỗ Phú Minh (thôn Tân Phú) hiện cũng  duy trì ổn định hơn 100 thỏ sinh sản và khoảng 500 thỏ thịt, thỏ giống. Ông chia sẻ, việc nuôi thỏ không vất vả nhưng đòi hỏi nhiều thời gian. Trong đó, quan trọng nhất là nắm bắt được chu kỳ sinh sản của thỏ, điều tiết thức ăn và nhiệt độ chuồng nuôi hợp lý để đảm bảo thỏ phát triển tốt nhất theo từng giai đoạn.

Không chỉ nắm vững kỹ thuật chăn nuôi và phòng trị bệnh, ông Minh còn tìm hiểu và ứng dụng thêm chế phẩm vi sinh học IMO để lên men các phụ phẩm, phế phẩm trong quá trình chăn nuôi, đảm bảo môi trường chuồng trại luôn thông thoáng, hạn chế thấp nhất mùi hôi và chủ động nguồn phân bón giàu dinh dưỡng cho cây trồng trong vườn.

 

ông-đỗ-phú-minh-chăm-sóc-đàn-thỏ-trong-trại-của-mình.jpg
Ông Đỗ Phú Minh chăm sóc đàn thỏ trong trại của mình.

 

Bên cạnh việc nuôi nhốt, ông còn thử nghiệm nuôi thỏ thả rông trong 5.000m2 vườn để thỏ tăng sức đề kháng và giảm phụ thuộc vào nguồn thức ăn tổng hợp. Với mỗi con thỏ thịt, ông thu lãi 30.000 - 40.000 đồng và kỳ vọng mức lợi nhuận sẽ tăng nếu áp dụng nuôi thỏ thả rông thành công.

Với điều kiện canh tác trong vùng, bà con đa số trồng cây ăn quả, cây công nghiệp dài ngày nên lượng cỏ và phụ phẩm có thể tận dụng làm thức ăn cho thỏ khá dồi dào. Sau khoảng 2 năm triển khai mô hình liên kết nuôi thỏ tại xã Ea Nuôl, đã có 3 trang trại nuôi thỏ với quy mô 500 - 1.000 con và hàng trăm hộ chăn nuôi nhỏ lẻ.

Với vai trò là cầu nối dẫn dắt thành viên hợp tác sản xuất, HTX Nông nghiệp và Du lịch Phú Nông - Buôn Đôn tiếp tục chuyển giao kỹ thuật, con giống cho nhiều nông dân cùng phát triển nuôi thỏ, giúp bà con tăng thu nhập và chủ động nguồn phân bón hữu cơ cải tạo vườn cây.

Theo ông Trần Văn Toàn, Giám đốc HTX, thị trường hiện có nhu cầu khá lớn nên các sản phẩm thỏ thịt, thỏ giống của thành viên HTX chưa đủ cung ứng. Ngoài xuất bán cho đầu mối thu mua, HTX còn kỳ vọng xây dựng các sản phẩm từ thỏ trở thành mặt hàng phục vụ hoạt động du lịch, trải nghiệm tại đây.

Đinh Nga
Ý kiến bạn đọc
Top