Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024  
Thứ ba, ngày 16 tháng 11 năm 2021 | 13:53

Liên kết xóa đói, giảm nghèo ở Điên Biên

Nhiều năm qua, Điên Biên đã thực hiện khá tốt Chương trình Mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, khi triển khai thực hiện Chương trình Giảm nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025, Điện Biên đối mặt với những thách thức không nhỏ bởi tác động của đại dịch Covid-19 và các dịch bệnh khác, đặc biệt là tiêu chí đánh giá chuẩn nghèo mới…

Để tiếp tục thực hiện thắng lợi nhiệm vụ an sinh, giảm nghèo bền vững trong giai đoạn mới cần có sự đổi mới trong công tác giảm nghèo và huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong tỉnh.

 

00.jpg

Mô hình chăn nuôi trâu, bò của gia đình ông Vũ Thái Thụy, Bí thư Đảng ủy xã Mường Nhé, huyện Mường Nhé cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.

 

Khắc phục khó khăn

Để thực hiện công tác giảm nghèo bền vững, hàng loạt chính sách đang được các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện. Tính riêng giai đoạn 2016 - 2020, tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh hơn 2.345 tỷ đồng (Chương trình Mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 chưa được Chính phủ phê duyệt).

Mặc dù nguồn lực đầu tư không nhỏ, nhưng công tác xóa đói giảm nghèo trên địa bàn tỉnh chưa thực sự bền vững. Thể hiện ở tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn cao (đầu năm 2021 còn 29,97%); riêng tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số còn 98,9%. Cùng với đó, mục tiêu đưa 7 huyện nghèo (gồm 5 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a và 2 huyện nghèo theo Quyết định 293/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ), nhưng đến nay toàn tỉnh vẫn còn 7 huyện nghèo, với tỷ lệ hộ nghèo 42,8%. Đối với các xã đặc biệt khó khăn, nếu như đầu năm 2016 toàn tỉnh có 98 xã đặc biệt khó khăn theo Chương trình 135/CP thì đến nay vẫn còn 96 xã.

Trông chờ, ỷ lại được xác định là một trong những nguyên nhân lớn, cản trở nỗ lực xóa đói giảm nghèo của tỉnh. Thực tế cho thấy chính sách hỗ trợ giảm nghèo thời gian qua được thiết kế theo hướng bao phủ rộng khắp các đối tượng thụ hưởng (hộ nghèo, cận nghèo, thoát nghèo). Đây là sự nhân văn, ưu việt nhưng điều này cũng khiến hiệu quả của việc giảm nghèo có lúc, có nơi phản tác dụng, tạo cớ cho người nghèo lười lao động, không muốn thoát nghèo để tiếp tục thụ hưởng sự hỗ trợ của Nhà nước.

Bên cạnh đó, cơ cấu, phân bố nguồn lực còn có sự chênh lệch lớn. Trong giai đoạn 2016 - 2020, tổng vốn dành cho công tác đầu tư phát triển hạ tầng chiếm hơn 77% tổng nguồn lực; trong khi đó, số vốn dành cho phát triển sự nghiệp chỉ chiếm khoảng 23%. Đồng tình với quan điểm hạ tầng phải đi trước một bước là đúng nhưng chưa toàn diện khi số hộ thoát nghèo vẫn chưa đạt như mong muốn.

Trong khi rõ ràng, hiệu quả công tác giảm nghèo không thể chỉ dựa vào chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng mà điều quan trọng hơn, cốt lõi hơn là phải thiết kế được những chính sách mềm, dựa trên nhu cầu của người dân và cần thay đổi cách tiếp cận, chuyển người nghèo, hộ nghèo từ đối tượng sang chủ thể, coi đây là đòn bẩy để giảm nghèo.

Ngược lại, các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn các xã ngoài Chương trình 30a và Chương trình 135 còn hạn chế. Đây là những mô hình tác động trực tiếp đến thu nhập của người dân, nhưng trong cả giai đoạn chỉ thực hiện được 14 mô hình nhân rộng cho 114 hộ dân; thực hiện hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, vật tư sản xuất với 114 hộ tham gia, hỗ trợ 27 con bò giống, hơn 3.700 con gia cầm…

Hạn chế tình trạng tái nghèo

Mục tiêu của tỉnh trong giai đoạn 2021 - 2025, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm bình quân hàng năm từ 4%, huyện nghèo giảm từ 5,5% trở lên; phấn đấu đến năm 2030, cơ bản không còn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên, sẽ là mục tiêu khó đạt nếu không có giải pháp triển khai thực hiện hiệu quả. Bởi theo Nghị định số 07/NĐ-CP ngày 27/1/2021 quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025, thì tiêu chí về thu nhập, khu vực nông thôn tăng lên 1,5 triệu đồng/người/tháng, khu vực thành thị 2 triệu đồng/người/tháng (trong khi đó mức chuẩn của khu vực nông thôn là 700 nghìn đồng/người/tháng, khu vực thành thị 900 nghìn đồng/người/tháng). Về tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản tăng từ 5 chiều lên 6 chiều, bổ sung chiều thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản về việc làm…

Nhận định của các cơ quan chuyên môn và các địa phương, khi áp mức chuẩn nghèo mới, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo sẽ tăng gấp đôi, gấp ba. Bởi vì với Điện Biên, đa phần người dân còn khó khăn, chủ yếu thu nhập từ nông nghiệp, trong khi một số địa phương thiếu đất sản xuất nông nghiệp. Đây cũng là giai đoạn người dân phải đối mặt với những thách thức to lớn từ đại dịch Covid-19 và những tác động từ biến đổi khí hậu lên sản xuất nông nghiệp. Báo cáo của UBND tỉnh cho thấy, 9 tháng đầu năm đã tổ chức tiếp nhận bàn giao 1.077 người lao động trở về từ tỉnh Bắc Giang; tiếp nhận trên 500 công dân trở về địa phương được các tỉnh Hòa Bình, Sơn La bàn giao do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Trở về địa phương, những người này nằm trong diện không có việc làm thường xuyên, dễ tái nghèo.

Để đạt được mục tiêu đề ra và hướng đến giảm nghèo đa chiều bền vững, cần có sự thay đổi toàn diện, đầu tư đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm và thay đổi tư duy, ý thức thoát nghèo của người dân. Xác định điều đó, trong 9 tháng đầu năm 2021, tỉnh đã chỉ đạo các cấp, ngành đẩy mạnh chi trả trợ cấp xã hội hàng tháng cho 17.423 đối tượng; phân bổ gần 1.200 tấn gạo cứu đói trong thời gian giáp hạt và cứu đói đứt bữa dịp tết Nguyên đán cho gần 78.000 nhân khẩu.

Tập trung triển khai có hiệu quả công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động. 9 tháng qua các cơ quan chức năng đã giải quyết việc làm mới cho 6.269 lao động; tuyển mới đào tạo nghề cho 5.531 lao động; xuất khẩu lao động 37 người và đưa được 1.148 lao động đi làm việc tại các doanh nghiệp, khu công nghiệp ngoài tỉnh. Đặc biệt, không để người dân tái nghèo sau đại dịch Covid-19, cơ quan, địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

Cùng với việc hỗ trợ, trong quá trình thực hiện công tác giảm nghèo cần rà soát, bảo đảm không để trùng lặp, bỏ sót nội dung, đối tượng hỗ trợ; có cơ chế lồng ghép chính sách, tích hợp nguồn lực giữa các chương trình mục tiêu quốc gia, bảo đảm hiệu quả nguồn lực đầu tư; cân đối, bổ sung ngân sách Trung ương để thực hiện tín dụng chính sách xã hội hỗ trợ giảm nghèo và có giải pháp huy động hợp lý các nguồn vốn ODA, vốn đầu tư của các thành phần kinh tế, vốn xã hội hóa cho chương trình. Đặc biệt, nâng cao nhận thức, tạo đồng thuận của các cấp, các ngành và toàn xã hội về giảm nghèo bền vững, khơi dậy tinh thần tự lực vươn lên thoát nghèo của người dân, cộng đồng.

Liên kết xóa đói giảm nghèo

Không “đi một mình” mà cùng nhau tiến lên, xây dựng cuộc sống ấm no, đoàn kết cùng nhau xóa đói giảm nghèo đã trở thành phong trào được nông dân Điện Biên hưởng ứng sâu rộng. Từ đó những mô hình kinh tế, liên kết sản xuất, tiêu thụ ngày càng phát huy hiệu quả, ý nghĩa, không chỉ làm giàu mà còn nâng cao vị thế cho người nông dân.

 

01.jpg

Nhân công HTX Hồng Phước đóng gói miến dong.

 

Nhắc đến anh Pâng “dong riềng”, nhiều nông dân trong tỉnh đều biết. Anh là người “mở đường” đưa cây dong riềng về xóa đói giảm nghèo cho bà con nhiều xã vùng cao, giúp họ có cuộc sống ấm no. Anh cũng là người đầu tiên triển khai kỹ thuật làm tinh bột dong, miến dong trên địa bàn, để việc sản xuất, tiêu thụ thành chuỗi liên kết khép kín, vừa đảm bảo giá thu mua nông sản, vừa tạo công ăn việc làm tại chỗ cho người dân.

Anh là Lò Văn Pâng, bản Tà Cáng, xã Nà Tấu, TP. Điện Biên Phủ. Hiện anh Pâng có 1 cơ sở làm miến dong và 4 cơ sở sản xuất bột dong riềng tại các xã: Nà Tấu (2 cơ sở), Pu Nhi (huyện Điện Biên Đông), Nậm Nèn (huyện Mường Chà). Mỗi cơ sở sản xuất bao tiêu sản phẩm cho bà con tại khu vực với sản lượng khoảng trên 3.000 tấn củ/vụ. Ngoài ra, anh còn đầu tư phân bón, giống, cam kết tiêu thụ cho gần 500ha dong riềng. Anh Pâng cũng đã thành lập Hợp tác xã (HTX) Hồng Phước trồng, tiêu thụ, chế biến nông sản. Sản phẩm tinh bột dong riềng và miến dong của anh Pâng cùng HTX phân phối không chỉ trong tỉnh mà còn đi nhiều tỉnh phía Bắc. Với mô hình này, anh không chỉ tạo vùng trồng dong riềng có giá trị kinh tế cao mà còn tạo việc làm thường xuyên cho hơn 100 người dân với mức thu nhập trung bình 7 - 8 triệu đồng/người/tháng.

Anh Pâng chia sẻ: “Tôi có dự định tiếp tục nhân rộng cơ sở sơ chế dong riềng đến các địa bàn khác như Tủa Chùa. Nhiều nơi bà con đã tự học hỏi, thử nghiệm trồng dong riềng trên nương cũ đã bạc màu. Nhưng do xa nơi thu mua, không có cơ sở chế biến tại địa bàn nên trồng không tập trung và bán giá không được cao. Nếu mình lập địa điểm thu mua, sơ chế tại chỗ thì sẽ đảm bảo được cho người dân giá cả và nơi tiêu thụ. Họ sẽ mạnh dạn phát triển tăng diện tích dong riềng. Giúp người dân làm giàu, xóa đói giảm nghèo thì mình cũng tăng quy mô sản xuất”.

Pu Nhi là một trong những địa bàn mới có cơ sở sơ chế dong riềng. Ông Lường Văn Thinh, Chủ tịch UBND xã Pu Nhi cho biết: Năm ngoái, anh Pâng đến xã đặt vấn đề lập tổ máy sơ chế, bắt đầu hoạt động vào vụ thu hoạch 2021. Nắm được thông tin đó, người dân trong xã đã mở rộng diện tích trồng dong riềng tăng lên hơn 20ha so với năm trước. Tổng diện tích dong riềng hiện có là 91,09ha. Cây dong riềng đã được người dân Pu Nhi trồng từ khi Nà Tấu phát triển dong riềng hiệu quả. Nhưng trước đây bà con phải bán cho thương lái hoặc vận chuyển hơn 30km sang Nà Tấu bán nên giá trị kinh tế giảm. Giờ có cơ sở sơ chế tại chỗ thì bà con được lợi hơn. Năm ngoái giá bán củ tươi tại địa bàn chỉ được 1.000 - 1.200 đồng/kg, năm nay 2.400 - 2.700 đồng/kg. Củ thu hoạch đến đâu được thu mua hết tới đó, năng suất trung bình đạt 60 tấn/ha. Tính bình quân 1.000m2 trồng dong riềng sau khi trừ chi phí sẽ cho thu lãi từ 7 - 9 triệu đồng.

Ngoài liên kết sản xuất, tiêu thụ, chế biến dong riềng, trên địa bàn tỉnh còn nhiều mô hình, cách làm mới đoàn kết cùng nhau làm giàu, giảm nghèo bền vững một cách sáng tạo, hiện đại, áp dụng khoa học kỹ thuât, tạo tiền đề cho nông dân tiếp cận thị trường. Đặc biệt là việc tham gia các mô hình chuỗi liên kết sản xuất, cung ứng thực phẩm an toàn, cánh đồng mẫu lớn... Có thể kể đến như cánh đồng lớn của HTX Thanh Yên, HTX Nông nghiệp công nghệ cao bản Mé (xã Thanh Hưng, huyện Điện Biên), HTX H’Mông (huyện Tủa Chùa), liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ chè Tủa Chùa, cà phê Mường Ảng... Những mô hình này khai thác lợi thế địa phương, làm giàu thêm tiềm năng địa bàn, giúp người dân thêm tin vào nông sản và giá trị nông sản mình sản xuất. Bởi họ được tập huấn, chuyển giao kỹ thuật, hỗ trợ, bao tiêu sản phẩm. Định vị thương hiệu nông sản cũng được xác lập.

Có thể kể đến HTX H’Mông (xã Trung Thu, huyện Tủa Chùa) với nông sản tiêu biểu khoai sọ tím đã trở thành sản phẩm OCOP địa phương, là món quà quê mà nhiều người nơi khác đến Tủa Chùa phải nhất định mua về. HTX có hơn 20 hộ thành viên, tập trung sản xuất, tiêu thụ các nông sản an toàn phù hợp với điều kiện khí hậu nơi đây. HTX không chỉ hỗ trợ giống, kỹ thuật, bao tiêu cho diện tích nông sản tại địa bàn theo cam kết mà còn mở rộng liên kết sang nhiều xã khác của huyện. Hàng trăm hộ các xã lân cận đăng ký liên kết sản xuất nông sản sạch, bao gồm: Su su, khoai sọ, chanh leo, bí... Hiện HTX liên kết sản xuất, bao tiêu gần 100ha nông sản trên địa bàn Tủa Chùa, trong đó khoảng 50ha khoai sọ.

Là một trong những hộ tham gia HTX, anh Thào A Làng, bản Phô, xã Trung Thu chia sẻ: Tham gia hợp tác liên kết sản xuất, tôi cùng gia đình học hỏi được nhiều kinh nghiệm, kỹ thuật trồng, chăm sóc các loại cây rau, củ quả. Có kiến thức và được HTX động viên, tôi mạnh dạn hơn đầu tư phát triển kinh tế. Tôi liên kết trồng gần 1,5ha su su, chanh leo, khoai sọ... với HTX. Trước đây, những diện tích này chỉ trồng ngô, lúa, nay trồng các loại rau, quả cho thu về cao gấp 3 lần. Khi vừa tham gia HTX, gia đình tôi là hộ cận nghèo, nay đã có cuộc sống đủ đầy hơn.

Từ một mô hình có thể lan tỏa, nhân rộng cách làm cho hàng trăm, nghìn hộ dân khác cùng học hỏi, mạnh dạn đầu tư, phát triển kinh tế gia đình, giảm nghèo bền vững, làm giàu chính đáng. Với sự hỗ trợ, giúp đỡ của Nhà nước và cố gắng vươn lên của người dân, bình quân mỗi năm tỉnh ta đã giảm nghèo được 3 - 4% (riêng các huyện thuộc chương trình 30a của Chính phủ giảm từ 5 - 6%) , đến nay toàn tỉnh còn 29,97% hộ nghèo.

Huy động tối đa nguồn lực để giảm nghèo

Mặc dù nguồn lực đầu tư của Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong công tác xóa đói, giảm nghèo nhưng vẫn còn thấp so với mục tiêu, nhiệm vụ Chương trình Mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh. Chính vì vậy, để xóa đói, giảm nghèo hiệu quả, những năm qua tỉnh Điện Biên đã tập trung huy động các nguồn lực xã hội, vận dụng linh hoạt và kết hợp nguồn lực các chương trình mục tiêu quốc gia đầu tư cho công tác giảm nghèo. Nhờ đó đã tạo ra sức mạnh tổng hợp trong tập trung vốn đầu tư cho công tác giảm nghèo của tỉnh; hàng năm toàn tỉnh có hàng trăm hộ nghèo vươn lên thoát nghèo.

 

02.jpg

Người dân xã Thanh Hưng, huyện Điện Biên chăm sóc rau xanh. Ảnh: Báo Điên Biên Phủ

 

Qua điều tra, phân tích về nguyên nhân nghèo thì có trên 90% số hộ nghèo trên địa bàn tỉnh thiếu vốn đầu tư, thiếu khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất, cơ sở hạ tầng… Xác định rõ nguyên nhân dẫn đến nghèo khó của người dân, các cấp, ngành chức năng của tỉnh đã đề ra những giải pháp nhằm phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và tiềm năng lợi thế của địa phương để thực hiện tốt chương trình, kế hoạch giảm nghèo; trong đó tập trung huy động tối đa nguồn lực đầu tư thực hiện các chính sách, chương trình giảm nghèo.

Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, giai đoạn 2016 - 2020, tổng nguồn vốn thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh hơn 2.345 tỷ đồng; trong đó vốn ngân sách Trung ương hơn 2.212 tỷ đồng; vốn viện trợ Chính phủ Ailen hơn 78 tỷ đồng. Tỉnh đã huy động tổng thể các nguồn lực khác (dưới hình thức lồng ghép), cùng với sự tham gia đóng góp tích cực của cộng đồng doanh nghiệp, tổ chức chính trị, xã hội và người dân để thực hiện. Trong giai đoạn này, vốn huy động trong nhân dân trên địa bàn tỉnh chỉ đạt gần 4 tỷ đồng. Nhưng ngược lại, người dân đã đóng góp hàng chục nghìn ngày công lao động; hiến đất thực hiện xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu phục vụ công tác giảm nghèo.

Điện Biên còn tranh thủ nguồn lực từ các tổ chức chính trị - xã hội quyên góp ủng hộ, chủ yếu hỗ trợ vật chất cho địa phương, cộng đồng dân cư, hộ nghèo về trang thiết bị văn hóa, giáo dục, y tế... Theo thống kê của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, tính từ tháng 10/2020 - 10/2021, Quỹ Vì người nghèo các cấp tỉnh Điện Biên đã tiếp nhận hơn 11,6 tỷ đồng. Từ nguồn quỹ vận động được, ban vận động Quỹ các cấp đã hỗ trợ làm mới, sửa chữa 149 nhà đại đoàn kết, tặng 5.724 suất quà cho hộ nghèo…

Song song với việc huy động các nguồn lực đầu tư, tỉnh đã phân bổ, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, tránh đầu tư dàn trải gây lãng phí. Từ nguồn vốn các chương trình đầu tư mang tính đặc thù của Trung ương như: Chương trình 135, 30a và nông thôn mới… tỉnh đã ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng ở những vùng khó khăn, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh có 654 công trình giao thông, thủy lợi, điện, văn hóa, giáo dục, nước sinh hoạt tại các xã, thôn/bản đặc biệt khó khăn, xã biên giới được đầu tư, sửa chữa mang lại hiệu quả thiết thực cho đời sống người dân, tạo diện mạo nông thôn mới và thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.

Ngoài ra, việc triển khai các dự án tạo sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo đã giúp các hộ nghèo được tiếp cận với các giống cây, con, khoa học kỹ thuật tiên tiến, góp phần đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở các địa phương, tăng thu nhập, nâng cao đời sống người dân. Trong giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh đã có 2.775 lượt hộ được hỗ trợ khai hoang, phục hóa; gần 15.500 hộ được hỗ trợ tiền mua giống, phân bón cho việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi; gần 650 hộ được hỗ trợ vay vốn lãi suất 0% làm chuồng trại chăn nuôi; gần 10.000 lượt hộ dân được hỗ trợ trên 63.000 con gia súc, gia cầm…

Thực hiện chương trình, chính sách giảm nghèo, cơ sở hạ tầng được đầu tư cải thiện, nâng cấp; nhiều mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chuyển đổi ngành nghề đã mang lại hiệu quả thiết thực. Mỗi năm toàn tỉnh đã có hàng trăm hộ dân thoát nghèo bền vững. Nếu như cuối năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo tỉnh là 48,14%, thì đến đầu năm 2021 giảm còn 29,97%. Người nghèo đã được cải thiện về điều kiện sống, tiếp cận tốt hơn các chính sách và nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước. Một số nhu cầu xã hội thiết yếu của người nghèo cơ bản được đáp ứng (y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh…). Về lâu dài, tác động của chương trình giúp người nghèo có được cơ hội vươn lên thoát nghèo bền vững, tự giải quyết được vấn đề nghèo đói cũng như những nhu cầu thiết yếu của gia đình mà không trông chờ ỷ lại vào sự trợ giúp của cộng đồng và Nhà nước.

Giai đoạn 2021 - 2025, Điện Biên xác định công tác giảm nghèo bền vững còn nhiều khó khăn, đòi hỏi phải có cách làm chủ động, sáng tạo và huy động được nhiều nguồn lực hơn nữa. Vì vậy, trong quá trình thực hiện cần đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững, chú trọng các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn; ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo dân tộc thiểu số, trẻ em, phụ nữ nghèo; hộ nghèo là gia đình có công với cách mạng.

Đồng thời rà soát, bảo đảm không để trùng lặp, bỏ sót nội dung, đối tượng hỗ trợ; có cơ chế lồng ghép chính sách, tích hợp nguồn lực giữa các chương trình mục tiêu quốc gia, bảo đảm hiệu quả nguồn lực đầu tư. Lồng ghép các nguồn vốn Trung ương với địa phương, giữa ngân sách với huy động trong dân để xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất, coi đây là giải pháp then chốt để giảm nghèo nhanh và bền vững. Đồng thời huy động vốn xã hội hiệu quả, linh hoạt, không để bị động, phụ thuộc quá nhiều vào ngân sách Trung ương.

 

V.N (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Ngày 19/4, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức sơ kết 1 năm triển khai chương trình vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở giai đoạn 2023-2025 (Chương trình 1838).

  • “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    Với 28 lần hiến máu nhân đạo, trình dược viên Từ Thị Tuyên (SN 1989), xã Thạch Thắng, Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã trở thành tấm gương sáng trong các hoạt động an sinh xã hội, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng…

  • PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    Với tinh thần tương thân tương ái, vừa qua, Đoàn Thanh niên Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã tổ chức chương trình từ thiện “Xuân tình nguyện 2024” để thăm hỏi, động viên và trao quà đến các em học sinh nghèo, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động hưởng ứng tinh thần Tháng Thanh niên và Năm Thanh niên tình nguyện của tuổi trẻ PVcomBank.

Top