Bằng nhiều nỗ lực của chính quyền và người dân, đến nay, nhiều địa phương ở miền núi phía Bắc đang từng bước thoát nghèo.
Giảm nghèo nơi 12 tầng dốc
Sì Lở Lầu là xã biên giới xa nhất của huyện Phong Thổ (Lai Châu). Những năm qua, cấp ủy, chính quyền và Nhân dân nơi đây nỗ lực triển kinh tế, nâng cao thu nhập để thoát nghèo. Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo của toàn xã giảm còn dưới 20%.
Người dân bản Gia Khâu, xã Sì Lở Lầu (huyện Phong Thổ) chăm sóc ngô. Ảnh: Báo Lai Châu
Vượt qua quãng đường dài hơn 100km từ trung tâm thành phố Lai Châu, sau gần 4 tiếng đồng hồ với những đoạn đường cua, dốc cao, chúng tôi có mặt tại xã Sì Lở Lầu. Cái bắt tay, nụ cười của cán bộ, công chức xã biên giới đã giúp chúng tôi xua tan đi cái mệt giữa trưa hè; cảm nhận không khí nơi đây thật yên bình, con người thân thiện và mến khách.
Trong câu chuyện giao tiếp ban đầu, khi chúng tôi phân vân tại sao xã lại có tên gọi độc đáo: “12 tầng dốc”; đồng chí Tẩn Sài Đông, Chủ tịch UBND xã cho hay: Theo nghĩa dịch ra tiếng phổ thông “Sì” là 10, “Lở” là 2, “Lầu” là tầng, ghép lại là 12 tầng; còn từ “dốc” ghép vào gắn với câu chuyện của người xưa là khi đến với Sì Lở Lầu phải vượt qua 12 khúc cua dốc lên cao. Trước đây, đến được với xã là cả một ngày dài; bây giờ thì dễ đi hơn nhiều rồi.
Đầu năm 2019, sau khi sáp nhập với xã Ma Li Chải thì xã Sì Lở Lầu có 10 bản, 1.128 hộ dân, trên 6 nghìn nhân khẩu thuộc các dân tộc: Dao, Hà Nhì, Thái, Kinh, Mông (trong đó 2 dân tộc: Dao, Hà Nhì chiếm phần lớn dân số). Được biết, trước đây người dân của xã trong độ tuổi lao động đã sang nước bạn Trung Quốc làm thuê với đủ ngành, nghề. Vất vả là vậy nhưng họ luôn ý thức được rằng cái đói, cái nghèo sẽ đeo bám mãi nếu không biết tự vươn lên bằng sức của mình. Mấy năm gần đây, khi 2 nước thắt chặt đường biên giới, ảnh hưởng của dịch bệnh, thiên tai, mới nhất là dịch Covid-19, nên người dân không đi làm thuê bên Trung Quốc nữa.
Đồng chí Tẩn Lao San, Phó Chủ tịch UBND xã Sì Lở Lầu cho biết: Trong phát triển kinh tế, xã tập trung triển khai thực hiện hiệu quả các dự án hỗ trợ cho Nhân dân từ nguồn vốn sự nghiệp của chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo 30a/CP, 135/CP, Nghị quyết 51 của Hội đồng Nhân dân tỉnh. Cụ thể năm 2020, xã hỗ trợ 50 máy cày bừa mini, 40 máy cắt lúa cầm tay, 25 máy tẽ ngô, 126 máy thái đa năng; trên 3 nghìn con gà mía giống, hơn 3 tấn thức ăn; gần 5 nghìn con ngan giống ngoại R71 cho hơn 400 hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn xã. Xã chỉ đạo các bản đôn đốc bà con tích cực tham gia các dự án trồng cây ăn quả, chăn nuôi đại gia súc, gia cầm theo hướng hàng hóa thị trường; nhân rộng mô hình trồng cây dược liệu tại các bản nằm trong dự án được phân bổ nguồn vốn. Đồng thời, vận động bà con tham gia bảo vệ rừng để hưởng chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Từ nguồn vốn chương trình nông thôn mới, xã chủ động xây dựng kế hoạch, triển khai làm đường nội đồng, đường ra khu sản xuất ở các bản nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc đi lại, nhất là thời điểm vào vụ sản xuất và thu hoạch.
Toàn xã có gần 377ha lúa, 351ha ngô, 75ha sắn, 221ha thảo quả, 60ha lạc, đậu tương, 63ha cây ăn quả. Hiện tại, xã chỉ đạo các bản đôn đốc nông dân đẩy nhanh tiến độ cấy lúa vụ mùa đảm bảo đúng khung lịch thời vụ, hoàn thành trong tháng 6; chăm sóc diện tích ngô, cây ăn quả. Đồng thời, xây dựng kế hoạch, tuyên truyền, vận động bà con trồng khoai tây vào vụ đông xuân tới đây. Năm qua, sản lượng lương thực cả xã đạt trên 3.700 tấn. Tổng đàn gia súc gần 4.300 con, đàn gia cầm trên 13 nghìn con.
Từ sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền và Nhân dân trong việc giảm nghèo bền vững, năm 2020, thu nhập bình quân của người dân xã Sì Lở Lầu đạt 19,5 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 19,67%.
“Năm nay, xã phấn đấu giảm thêm 4,87% tỷ lệ hộ nghèo, thu nhập tăng lên 21 triệu đồng/người/năm. Để đạt và vượt những chỉ tiêu này, cấp ủy, chính quyền xã tiếp tục tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa cây, con giống có năng suất, giá trị kinh tế cao vào gieo trồng, chăn nuôi; áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật. Lồng ghép nguồn vốn hỗ trợ từ các chương trình giảm nghèo quốc gia, nông thôn mới đầu tư đồng bộ hạ tầng giao thông, đường sản xuất; hỗ trợ giống cây, con, tạo động lực để bà con lao động sản xuất; thay đổi phương thức sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, nâng cao thu nhập” - đồng chí Tẩn Lao San, Phó Chủ tịch UBND xã Sì Lở Lầu cho biết thêm.
Văn Chấn: Trồng bí lấy hạt cho hiệu quả kinh tế cao
Cùng với các mô hình chuyển đổi trồng ngô, trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả hay nuôi cá, vài năm gần đây, nhân dân xã Sơn Lương, huyện Văn Chấn đã chuyển đổi một số diện tích đất nông nghiệp sang trồng bí ngô lấy hạt cho hiệu quả cao gấp 5 - 6 lần trồng lúa.
Nông dân xã Sơn Lương thu hoạch bí lấy hạt giống. Ảnh: Báo Yên Bái
Những ngày cuối tháng 5, nhân dân thôn Tành Hanh, xã Sơn Lương tất bật thu hoạch bí ngô lấy hạt. Năm nay là năm thứ 7, gia đình chị Vì Thị Nga ký hợp đồng với Công ty TNHH Hạt giống Tân Lộc Phát, thành phố Hồ Chí Minh triển khai trồng bí lấy hạt. Những năm trước, vì không có nhân lực, gia đình chị Nga chỉ trồng 500 m2 nhưng năm nay do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nên chồng chị không đi làm ăn xa nên gia đình chủ động nhận trồng 1.000 m2 bí ngô và 800 m2 bí đao.
Chị Nga cho biết: "Vụ này năm trước, gia đình thu được gần 50 kg hạt bí ngô giống, với giá 400.000 đồng/kg, trừ chi phí thu về 15 triệu đồng. Năm nay, thời tiết thuận lợi, số quả thu về nhiều hơn, hạt rất chắc, gia đình dự ước thu được 1 tạ hạt bí ngô và 60 kg hạt bí đao. Sau khi trừ mọi chi phí, gia đình tôi thu về trên 50 triệu đồng”.
Là địa phương có truyền thống phát triển nông nghiệp, trước đây, nhân dân xã Sơn Lương chủ yếu độc canh cây lúa nên đời sống gặp nhiều khó khăn. Thực hiện chủ trương chuyển dịch cơ cấu cây trồng, người dân đã chuyển đổi một số diện tích lúa kém hiệu quả sang trồng màu, trồng cây ăn quả nhưng hiệu quả chưa cao.
Năm 2014, Công ty TNHH Hạt giống Tân Lộc Phát đã về Sơn Lương vận động bà con trồng bí bán hạt giống cho doanh nghiệp. Với hình thức nhân dân bỏ đất, bỏ công, doanh nghiệp cung ứng hạt giống, phân bón và cử cán bộ kỹ thuật hướng dẫn quy trình trồng, chăm sóc và thu hoạch. Sản phẩm hạt bí được doanh nghiệp thu mua hết với giá từ 400 - 600.000 đồng/kg tùy thời điểm. Nhận thấy hiệu quả kinh tế, một số hộ đã chủ động trồng thử nghiệm.
Sau 7 năm triển khai, các mô hình trồng bí ngô đã được nhân rộng và ngoài trồng bí ngô lấy hạt, nay mở rộng trồng bí đao, bầu và mướp đắng lấy hạt. Giá thu mua hạt bí luôn giữ được ổn định trung bình từ 400.000 - 800.000 đồng/kg tùy loại hạt. Từ chỗ chỉ có vài hộ đăng ký thực hiện, đến nay, đã có trên 120 hộ ở xã Sơn Lương tham gia.
Ông Hà Văn Toán, Trưởng nhóm trồng bí lấy hạt ở thôn Bản Tủ, xã Sơn Lương cho biết: "Mỗi héc - ta trồng bí ngô có thể thu hoạch 800 - 1.000 kg hạt, trừ chi phí nông dân có thể thu lãi trên 200 triệu đồng/ha. Ngoài ra, nhân dân còn tận thu lá, quả làm thực phẩm, thức ăn chăn nuôi. Đặc biệt, việc ký kết hợp đồng với đơn vị bao tiêu sản phẩm rất uy tín và đơn vị luôn cử cán bộ theo dõi, hướng dẫn sát sao, quá trình sản xuất, nếu gặp bất lợi, thiệt hại do thời tiết đơn vị còn hỗ trợ thêm, cá nhân làm tốt còn được thưởng thêm nên nhân dân rất yên tâm, phấn khởi”.
Với cách thức triển khai và giá trị mang lại, mô hình này đang thực sự chứng minh lợi ích và trách nhiệm của doanh nghiệp đã gắn liền với nông dân. Đây là mô hình cần được nhân rộng để nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp ở Văn Chấn.
Hiệu quả từ dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo ở Mông Hóa
Năm 2019, dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo nuôi ong lấy mật được thực hiện tại xã Mông Hóa (TP Hòa Bình). Đến nay, mô hình đem lại hiệu quả thiết thực, trở thành động lực cho người dân vươn lên thoát nghèo.
Được hỗ trợ từ dự án, mô hình nuôi ong lấy mật đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần giảm nghèo tại xã Mông Hóa (TP Hòa Bình).
Dự án có 45 hộ thuộc diện nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo có nhu cầu và tự nguyện tham gia mô hình. Cuối năm 2017, các hộ tham gia dự án nhận đầy đủ đàn ong giống (tổng cộng 450 đàn, 10 đàn/hộ) và các dụng cụ, vật tư phục vụ cho việc phát triển đàn ong. Tổng kinh phí thực hiện dự án 560,5 triệu đồng, trong đó, ngân sách Nhà nước 436,5 triệu đồng (chiếm 80%), người dân đối ứng 124 triệu đồng. Mô hình thực hiện dưới hình thức Nhà nước và Nhân dân cùng làm để tránh sự ỷ lại của người dân. Đàn ong giống và các dụng cụ, vật tư nuôi ong được Ban quản lý dự án họp thống nhất lựa chọn nhà cung cấp đủ điều kiện, đảm bảo theo yêu cầu của dự án để cung cấp cho người dân. Thời gian qua, UBND xã đã phối hợp Phòng LĐ-TB&XH TP Hòa Bình tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về phát triển nghề nuôi ong lấy mật cho người dân.
Sau hơn 3 năm triển khai, mô hình đã đem lại hiệu quả thiết thực đối với công cuộc xóa đói, giảm nghèo ở xã Mông Hóa. Điển hình như gia đình anh Nguyễn Văn Di trước đây thuộc diện hộ nghèo. Anh là người khuyết tật gặp khó khăn trong lao động, tìm kiếm việc làm. Là một trong những hộ được hưởng lợi từ dự án, đến nay, gia đình anh đã thoát khỏi hộ nghèo. "Khi tham gia dự án, chúng tôi được hỗ trợ về giống, tập huấn kỹ thuật. Đàn ong phát triển tốt, đầu ra khá ổn định. Nhờ mô hình này gia đình tôi có thu nhập ổn định hơn, mua sắm được nhiều vật dụng có giá trị. Cảm ơn chính quyền địa phương rất nhiều” - anh Di bày tỏ.
Theo lãnh đạo xã Mông Hóa, đến tháng 2/2021, tổng đàn ong của dự án có 540 đàn, giá bán dao động từ 180 - 200 nghìn đồng/lít mật. Các hộ tham gia dự án đã xây dựng câu lạc bộ nuôi ong lấy mật. Các thành viên luôn giúp đỡ nhau về kỹ thuật, cùng phát triển số lượng đàn và sản lượng mật. Từ đó nhằm xây dựng thành nghề nuôi ong lấy mật, tạo việc làm cho lao động nhàn rỗi, người khuyết tật, người hết tuổi lao động.
Đáng giá về mô hình, ông Nguyễn Xuân Phục, Chủ tịch UBND xã Mông Hóa cho biết: Mô hình nuôi ong lấy mật rất phù hợp với những hộ nghèo trên địa bàn, bởi chi phí đầu tư ít hơn các mô hình chăn nuôi khác, khi hộ nuôi phải đầu tư chuồng trại, thức ăn chăn nuôi. Thức ăn của ong ở ngoài thiên nhiên, sản xuất ra mật phục vụ đời sống con người. Sản phẩm mật ong có giá trị kinh tế cao, tăng thêm thu nhập cho hộ gia đình. Với sự hỗ trợ của dự án, xã đã có 12 hộ thoát nghèo, thoát cận nghèo, góp phần vào kết quả chung trong công tác giảm nghèo của xã. Đến nay, toàn xã còn 28 hộ nghèo. Ngoài ra, thông qua dự án đã khơi dậy tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, hỗ trợ lẫn nhau giữa các hộ.
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao hiệu quả sản xuất
Người dân xã Quảng Khê (Ba Bể) trồng dưa lưới trên ruộng cạn. Ảnh: Báo Bắc Kạn
Vụ đông xuân năm 2020-2021, các địa phương trên toàn tỉnh tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây có giá trị kinh tế cao, góp phần đa dạng sản phẩm nông nghiệp, nâng cao giá trị trên cùng đơn vị diện tích.
Thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hằng năm, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên cơ sở rà soát kế hoạch chuyển đổi của các địa phương, đảm bảo phù hợp với kế hoạch chung của tỉnh. Theo đó, tập trung chuyển đổi đối với những diện tích đất trồng lúa, ngô khó khăn về nước tưới tiêu sang trồng các loại cây khác. Đây là một giải pháp quan trọng để tăng hiệu quả sử dụng đất, tăng thu nhập cho người nông dân.
Triển khai sản xuất vụ xuân năm 2021, toàn tỉnh đã chuyển đổi được 165,8ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây có giá trị kinh tế cao. Đồng thời, duy trì diện tích đã chuyển đổi từ những năm trước 1.555ha. Các loại cây trồng được chuyển đổi thay thế cây lúa như: Khoai tây, khoai lang, dong riềng, khoai môn, thuốc lá, nghệ, gừng, bí xanh, đậu tương, lạc, thạch đen,… Một số loại không nằm trong kế hoạch cũng được trồng nhiều như: Dưa lưới, dưa lê, dưa hấu, giảo cổ lam, mía. Trên diện tích chuyển đổi, hầu hết các mô hình sản xuất, thâm canh theo hướng sản xuất an toàn thực phẩm, công nghệ cao, cho thu nhập từ 100 triệu đồng/ha/năm trở lên.
Có thể thấy, đây là chủ trương đúng đắn của tỉnh được Nhân dân đồng tình hưởng ứng, mang lại hiệu quả kinh tế cao, không những thế còn thay đổi nhận thức của người dân trong phát triển kinh tế nông nghiệp. Thực tế cho thấy, hầu hết các địa phương đều chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa, tạo ra sản phẩm cạnh tranh trên thị trường. Nhiều sản phẩm được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP, VietGAP,… khẳng định được chất lượng, thương hiệu và có sức tiêu thụ mạnh trên thị trường.
Việc chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng ở từng địa phương trong tỉnh không những cho thu nhập vượt trội mà còn giải quyết được tình trạng đất bỏ hoang, áp lực tưới tiêu, phòng tránh sâu bệnh hại... Đồng thời còn có tác dụng cải tạo đất, khiến cho đất tơi xốp, góp phần đa dạng sản phẩm nông nghiệp, nâng cao giá trị trên cùng đơn vị diện tích canh tác.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…