Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 21 tháng 11 năm 2024  
Thứ hai, ngày 21 tháng 3 năm 2022 | 10:26

Lợi ích kép từ liên kết chăn nuôi gà

Nhờ liên kết chăn nuôi gà gia công theo hướng an toàn sinh học, ứng dụng công nghệ cao, gia đình ông Phạm Hóa, ở thôn Dương Đại Thuận, xã Triệu Thuận (Triệu Phong - Quảng Trị) đã có hướng làm giàu hiệu quả.

Cách đây vài năm, ông Hóa làm thủ tục mua lại hơn 2,7 ha đất sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả, nhiều năm bỏ hoang của các hộ dân ở khu vực thôn Dương Đại Thuận. Ông Hóa nhớ lại: “Ban đầu khi tiếp nhận một vùng đất bỏ hoang thấp trũng với lau sậy mọc um tùm, tôi cũng hơi nản lòng. Khi tiến hành san ủi khu vực này, làm đến đâu thấy rắn đến đó, tôi rất hoang mang, nghĩ bụng nhiều rắn rết thì biết làm gì với mảnh đất này. Để sớm hoàn thành việc san ủi mặt bằng, tiến hành đổ đất trên diện tích hơn 2,7ha, tôi phải thuê máy móc làm ngày đêm”.

 

ga.jpg
Ông Phạm Hóa (bên trái) giới thiệu mô hình chăn nuôi gà khép kín liên kết với doanh nghiệp.

 

Qua sự khâu nối của một người bạn, ông Hóa liên hệ với Công ty Japfa tìm hiểu mô hình chăn nuôi gà gia công và tiến hành ký kết hợp đồng triển khai thực hiện từ tháng 7/2021. Trên diện tích 2,7ha, ông Hóa dành 5.400m2 xây dựng 3 trại gà công nghệ cao, công suất 54.000 con/lứa, với chi phí xây dựng 5,4 tỉ đồng. Hệ thống chuồng trại xây dựng đảm bảo theo quy chuẩn, có hệ thống phun sương hóa chất để ngăn ngừa dịch bệnh, nền chuồng cao ráo với mức nhiệt độ giữ ổn định 27-30 độ  C nhờ hệ thống biogas sưởi ấm và nền nhà được rải vỏ trấu. Bên cạnh đó, chuồng có gắn hệ thống camera, máng ăn tự động nên dễ kiểm soát, điều chỉnh lượng thức ăn, nước uống cho phù hợp với đàn gà.

Ông tính toán các phương án và triển khai theo hình thức cuốn chiếu, thi công xong trại nào thì thả gà nuôi ngay trại đó để tiết kiệm thời gian và tận dụng tối đa cơ sở vật chất đầu tư. Đến tháng 12/2021, toàn bộ 3 trại chăn nuôi gà của ông bắt đầu hoạt động ổn định, mỗi trại thả nuôi 18.000 con gà.

Về liên kết chăn nuôi, Công ty Japfa cung cấp con giống, thức ăn, thuốc thú y, cử nhân viên kỹ thuật chịu trách nhiệm thường xuyên tư vấn, hướng dẫn, giám sát thực hiện theo quy trình kỹ thuật; sau khi nuôi gà đủ 80 ngày, công ty tiến hành đánh giá tiêu chuẩn và bao tiêu sản phẩm nên ông không lo lắng về đầu ra. Trên diện tích này, ông Hóa đầu tư đào hồ vừa để nuôi cá kinh doanh, vừa góp phần xử lý môi trường. Ông cũng dành riêng một phần diện tích đất trồng ngô để chủ động tạo nguồn thức ăn bổ sung cho gà nhằm tiết kiệm chi phí.

Đến nay, ông Hóa đã cho xuất bán tổng cộng 5 lứa gà, doanh thu gần 900 triệu đồng. Ngoài ra, ông có thêm nguồn thu từ việc bán phân gà cho Công ty CP Tổng công ty Thương mại Quảng Trị để làm phân hữu cơ với mức giá 700.000 đồng/tấn. Hiện nay, trang trại chăn nuôi gà ông Hóa giải quyết việc làm thường xuyên cho 4 lao động tại địa phương với mức thù lao bình quân 6,5 triệu đồng/người/tháng.

Qua thực tế triển khai mô hình chăn nuôi liên kết, điều ông Hóa tâm đắc nhất là hình thức chăn nuôi với quy mô lớn và theo quy trình khép kín sẽ giúp người chăn nuôi nâng cao chất lượng sản phẩm, đầu ra sản phẩm và giá bán ổn định, đảm bảo vệ sinh môi trường và an toàn dịch bệnh.

Bảo Bình
Ý kiến bạn đọc
Top