Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 27 tháng 4 năm 2024  
Thứ tư, ngày 4 tháng 5 năm 2022 | 11:27

Lục Ngạn chủ động phòng trừ sâu đục cuống trên quả vải

Hiện, các trà vải ở huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) đang bước vào thời kỳ phát triển quả, đây là thời điểm quan trọng trong chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh gây hại, đặc biệt là sâu đục cuống quả vải.

Năm 2022, diện tích vải thiều của huyện Lục Ngạn đạt hơn 15,7 nghìn hecta, sản lượng ước đạt gần 95,5 nghìn tấn. Trong đó, diện tích vải sớm gần 2,8 nghìn hecta, sản lượng hơn 20,8 nghìn tấn. Diện tích sản xuất vải theo tiêu chuẩn VietGAP là 12,7 nghìn hecta, vải GlobalGAP là 117ha.

Theo kết quả điều tra của Trung tâm Dịch vụ Kỹ thuật nông nghiệp huyện Lục Ngạn giai đoạn hiện nay, sâu đục cuống quả trưởng thành lứa 3 đang phát sinh mạnh trên các trà vải, với mật độ trung bình từ 3 đến 5 con trên cành, có vị trí mật độ lên tới 5 đến 6 con trên cành.

Nếu không phòng trừ kịp thời sâu non sẽ gây hại nặng trên vải sớm giai đoạn hình thành cùi, vải chính vụ giai đoạn phát triển hạt và chuẩn bị hình thành cùi, gia tăng phát triển gây hại các giai đoạn sau và ảnh hưởng lớn đến năng suất và chất lượng quả vải.

Để phòng trừ sâu bệnh trên cây vải, ông Lâm Nguyên Năng, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Kỹ thuật nông nghiệp huyện Lục Ngạn đưa ra khuyến cáo, bà con cần tỉa cành thông thoáng cho cây vải, tỉa cành cả những cây không đậu quả và cả những cây khác trong vườn, vệ sinh vườn sạch sẽ để hạn chế các đối tượng sâu trú ngụ trên cây và trong vườn.

 

 Ông Lâm Nguyên Năng, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Kỹ thuật nông nghiệp Lục Ngạn kiểm tra vườn vải.

 

Tập trung phòng trừ các đối tượng sâu bệnh hại bằng các biện pháp hóa học. Sâu đục cuống quả trưởng thành lứa 3 đang ra rộ và kéo dài, nếu phát hiện trưởng thành nhiều thì các nhà vườn cần chủ động phun kép 2 lần, lần 1 từ 22 -30/4, lần 2 phun cách lần 1 từ 7-9 ngày bằng một trong những hoạt chất như: Emamectin, Abamectin, Matrine...các loại thuốc như: Taisieu 1.0EC, Mikmire 2.0EC, Sudoku 22EC, Confitin 36EC, Centerosin 242WP...

Đối tượng sâu đục cuống quả vải, là đối tượng sâu hại rất khó phòng trừ, phòng trừ chủ yếu là phun trừ sâu trưởng thành, nếu để sâu non đục vào quả thì hiệu quả phòng trừ không cao. Về kỹ thuật phun, cần phun vào buổi chiều mát, phun kỹ trên tán lá, trong tán cây, trên cành cấp 2, cấp 3 vì trưởng thành sâu đục cuống quả vải tập trung ở trong tán cây, trên cành cấp 2, cấp 3. Cùng với đó, Trung tâm Dịch vụ Kỹ thuật nông nghiệp cũng khuyến cáo, bà con thường xuyên thăm vườn, kịp thời phát hiện để có biện pháp phòng trừ sâu bệnh hiệu quả, góp phần cho mùa vụ vải thiều thắng lợi.

Để nâng cao chất lượng quả vải, năm nay, huyện Lục Ngạn xây dựng mô hình vải sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ với quy mô 10 ha tại 2 xã Thanh Hải và Hộ Đáp. Đồng thời, thực hiện số hóa vùng sản xuất vải tập trung xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản và Mỹ; xây dựng mô hình phun thuốc bảo vệ thực vật phòng trừ sâu bệnh, quy mô 200ha bằng thiết bị bay không người lái. Hỗ trợ kinh phí cấp Giấy chứng nhận VietGAP cho từ 60-70 ha, GlobalGAP cho 20 ha. Hỗ trợ giá thuốc bảo vệ thực vật và phân tích mẫu sản phẩm tại các xã Quý Sơn, Thanh Hải, Tân Sơn và Hộ Đáp trước khi xuất khẩu sang các thị trường cao cấp với diện tích 143 ha. 

Cùng với đó, Lục Ngạn đã chỉ đạo rà soát cấp mới 3 mã số vùng trồng với diện tích 30 ha, nâng tổng số mã số vùng trồng năm 2022 lên 30 vùng để xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản và các thị trường khác có yêu cầu về mã số vùng trồng… Thời điểm này, khoảng 70% diện tích vải của Lục Ngạn đã trổ hoa và được chăm sóc tốt.

 

 

 

Hoàng Văn
Ý kiến bạn đọc
Top