Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 12 tháng 5 năm 2024  
Thứ năm, ngày 24 tháng 6 năm 2021 | 15:46

Mở bán dự án bất động sản khi chưa đủ điều kiện: Cần siết chặt để hạn chế hệ lụy

Thời gian gần đây, xuất hiện tình trạng giao dịch, rao bán sản phẩm bất động sản (BĐS) tràn lan trên internet. Đáng chú ý, nhiều dự án chưa đủ điều kiện để thực hiện các giao dịch theo quy định của pháp luật.

t23a.JPGDự án Eco Smart City Cổ Linh chưa có GPXD đã được rao bán rầm rộ. 

 

Rầm rộ “bán lúa non”

Tình trạng “bán lúa non” - thuật ngữ để nói về việc các chủ đầu tư bán sản phẩm khi chưa được cấp giấy đủ điều kiện huy động vốn bán nhà hình thành trong tương lai - diễn ra từ nhiều năm nay với những hình thái khác nhau, gây rủi ro lớn cho người mua nhà.

Theo quy định hiện hành, trước khi bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai, chủ đầu tư phải có văn bản thông báo cho cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh về việc nhà ở đủ điều kiện được bán, cho thuê mua.

Tuy nhiên, quy định này dường như chỉ nằm trên giấy, trên thực tế, nhiều dự án dù chưa hoàn thiện cơ sở hạ tầng đã thông qua các sàn giao dịch BĐS, app điện thoại, mạng xã hội để quảng cáo, rao bán rầm rộ dưới nhiều hình thức.

Cụ thể, tại Hà Nội, thời gian gần đây, hoạt động quảng cáo, giới thiệu căn hộ dự án chung cư Eco Smart City Cổ Linh (Long Biên - Hà Nội) diễn ra rầm rộ trên nhiều kênh rao vặt và trang mạng.

Theo ghi nhận của PV,  dự án chung cư Eco Smart City Cổ Linh hiện chỉ là bãi đất trống, cỏ mọc um tùm, xung quanh quây tôn kín mít, đồng thời dựng biển bảng quảng cáo về dự án, tiện ích… mà chưa hề có hoạt động thi công xây dựng nào.

Đặc biệt, dự án Eco Smart City Cổ Linh chưa có giấy phép xây dựng.

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, chưa nhận được văn bản, hồ sơ nào liên quan đến việc cấp giấy phép xây dựng đối với dự án Eco Smart City Cổ Linh. Bên cạnh đó, Sở Xây dựng Hà Nội cũng chưa nhận được văn bản, hồ sơ nào liên quan đến việc nghiệm thu hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật dự án nêu trên.

Tương tự, dự án Lavender Garden (176 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội) đang trong giai đoạn thi công phần móng. Tuy nhiên, ngay ngoài cổng dự án, văn phòng giao dịch đã mọc lên, cùng đông đảo nhân viên môi giới rao bán dự án một cách công khai, rầm rộ ngay giữa mùa dịch.

Việc phân phối dự án không trực tiếp qua chủ đầu tư, mà do Công ty cổ phần Đầu tư và Kinh doanh BĐS Thăng Long Capital ủy quyền cho sàn giao dịch phân phối dự án là Công ty cổ phần Dịch vụ BĐS Bắc Hà (Công ty Bắc Hà) rao bán và thu tiền đặt chỗ của khách hàng có nhu cầu.

Môi giới bán dự án này tư vấn, dự kiến giá 30 - 35 triệu đồng/m2, tùy theo từng tầng và tăng theo tiến độ. Khách hàng chuẩn bị 25% tổng giá nhà, ngân hàng hỗ trợ 70%, khi nhận nhà sẽ đóng tiếp 5%.

Dự án chung cư Lavender Garden đang thi công phần móng được chụp tháng 6/2021. Ảnh: Trần Kháng

 

Còn tại Bắc Giang, mới đây, Sở Xây dựng tỉnh Bắc Giang đã thực hiện kiểm tra một số dự án khu đô thị, khu dân cư trên địa bàn. Qua kiểm tra, đơn vị phát hiện dự án Khu đô thị Kosy (phường Xương Giang, TP. Bắc Giang) vi phạm hành chính về kinh doanh BĐS. Cụ thể, dự án này có dấu hiệu nhận đặt cọc, mua bán, chuyển nhượng… khi chưa đảm bảo điều kiện theo quy định. 

Căn cứ quy định hiện hành, Sở Xây dựng Bắc Giang đề nghị xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty cổ phần Kosy số tiền 250 triệu đồng.

Bộ Xây dựng vào cuộc

Để chấn chỉnh tình trạng “bát nháo” dự án BĐS chưa đủ điều kiện vẫn mở bán, Bộ Xây dựng vừa ban hành công văn quy định về thông báo dự án nhà ở hình thành trong tương lai đủ điều kiện được bán, cho thuê.

Theo đó, tại Quyết định 406/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 22/03/2021 phê duyệt danh mục dịch vụ công trực tuyến tích hợp, cung cấp trên cổng thông tin dịch vụ công quốc gia năm 2021, Bộ Xây dựng được giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng, tích hợp cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia đối với dịch vụ công về thủ tục hành chính: “Thông báo nhà ở hình thành trong tương lai đủ điều kiện được bán, cho thuê mua”.

Để triển khai nhiệm vụ trên, Bộ Xây dựng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan chức năng thực hiện việc kiểm tra, rà soát và thực hiện nghiêm các quy định của Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Nghị định số 99/2015/NĐ-CP, Nghị định số 76/2015/NĐ-CP về trình tự, thủ tục, điều kiện đối với các giao dịch bất động sản, nhà ở hình thành trong tương lai trên địa bàn.

Bộ Xây dựng  đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổng hợp báo cáo kết quả, tình hình thực hiện quy định về thông báo nhà ở hình thành trong tương lai đủ điều kiện được bán, cho thuê, mua.

Hàng loạt dự án bị “tuýt còi”

Ngay sau khi nhận được văn bản của Bộ Xây dựng, nhiều địa phương như: Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nam, Nghệ An, Bình Định… đã ra thông báo danh sách dự án đủ điều kiện và chưa đủ điều kiện giao dịch. Qua đó, khuyến cáo trước khi thực hiện việc mua bán, chuyển nhượng đất tại các dự án, khu đô thị, khu dân cư mới, người dân nên tìm hiểu thông tin về các dự án, tránh để bị lừa bởi các đối tượng lợi dụng nhu cầu mua nhà của người dân để trục lợi.

Theo Sở Xây dựng tỉnh Bình Định, hiện trên địa bàn tỉnh có 50 dự án BĐS là các khu đô thị, khu dân cư, chung cư thương mại, condotel, nhà ở xã hội...

Đáng chú ý, trong số đó có 30 dự án đang trong tình trạng chưa được giải phóng mặt bằng, đền bù giải tỏa chưa xong, chưa được giao đất, chưa được cấp phép xây dựng công trình và hạ tầng kỹ thuật chưa hoàn thiện... nhưng đã giới thiệu, chào bán công khai tràn lan khắp các mạng xã hội.

 

Song song với việc thông báo danh sách dự án đủ điều kiện và chưa đủ điều kiện giao dịch, Sở Xây dựng một số địa phương đã yêu cầu chủ đầu tư phải liên hệ với các tổ chức, cá nhân, sàn giao dịch BĐS có liên quan đã đăng tin quảng cáo rao bán sản phẩm nhà ở trên các trang mạng đính chính và gỡ các thông tin này.

Có thể nói, tình trạng “bán lúa non”  diễn ra từ nhiều năm nay nhưng chưa hề suy giảm, diễn ra ở nhiều hình thái khác nhau, gây rủi ro lớn cho người mua nhà. Vì vậy, để “siết” chặt hơn nữa đối với tình trạng này, thời gian tới , chính quyền địa phương, ngành xây dựng cần  tăng cường công tác quản lý, giám sát, thanh - kiểm tra, xử phạt hoạt động của doanh nghiệp BĐS thực hiện chưa theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, cần có chế tài đủ mạnh, tránh tình trạng “bắt cóc bỏ đĩa”, trường hợp chủ đầu tư cố tình tái phạm, không thực hiện, cần bị xử lý vi phạm hành chính; ngừng hoặc chấm dứt hoạt động dự án…

 

 

Thanh Xuân
Ý kiến bạn đọc
Top