Vườn dừa của ông Dương Truyền Thống ở xã Đồng Nơ (Hớn Quản - Bình Phước) được chọn là mô hình điểm về hiệu quả kinh tế để bà con học tập kinh nghiệm, nhất là về tư duy làm kinh tế nông nghiệp.
Việc nhân rộng mô hình trồng dừa sẽ kết hợp với xây dựng đề án phát triển thành tổ hợp tác sản xuất, qua đó liên kết tiêu thụ để đảm bảo sản xuất bền vững.
Thu nhập cao
“Mỗi cây dừa có 7-10 bẹ, mỗi bẹ trổ 1 buồng, mỗi buồng đậu 8-10 trái. Cứ cách 20 ngày, cây lại trổ 1 buồng mới. Do vậy, trên cây dừa lúc nào cũng có mấy lứa trái và cho thu hoạch quanh năm, chỉ tính bình quân 10.000 đồng/trái thì 1 cây cho thu trên 1 triệu đồng/năm. 1ha trồng được 200 cây dừa thì kinh tế sẽ cao gấp nhiều lần so với trồng điều và cao su”, ông Dương Truyền Thống tâm đắc nói về mô hình trồng dừa xiêm xanh cho thu nhập cao của gia đình.
Năm 2003, trong lần đi thăm gia đình người bạn, ông Thống nhận thấy phía sau vườn nhà bạn có mấy cây dừa rất sai trái nên tìm hiểu về cây trồng mà trước đó ông nghĩ chỉ phù hợp với vùng đất miền Tây. Những buồng dừa sai lúc lỉu, đầy ắp ngọn cây khiến ông mau chóng bị cuốn hút và nung nấu ý tưởng chuyển đổi sang cây trồng này. Thời điểm đó, gia đình ông cũng như nhiều nông hộ liên tục gặp khó khăn trong việc chọn cây trồng để phát triển. Sự biến đổi của thời tiết, tình hình dịch bệnh, giá thị trường và nhất là ảnh hưởng của phong trào trồng cây tự phát, dẫn đến hệ lụy cứ trồng rồi chặt và ngược lại, khiến kinh tế của đa số nông dân gặp khó khăn. Sau khi nghiên cứu và tìm hiểu giá trị kinh tế, ông Thống quyết định chuyển 1ha điều sang trồng dừa xiêm xanh.
Ông Thống cho biết: Dừa trồng sau 5 năm cho thu hoạch. Những năm đầu, cây cho thu bói, số lượng ít nên chỉ đủ bán lẻ cho người dân xung quanh. Từ năm thứ 7 trở đi, cây trưởng thành cho nhiều buồng, nhiều trái, do vậy, gia đình ông đã có thương lái tới đặt mua sỉ. Nếu gia đình tự chặt thì bán giá 12-13 ngàn đồng/trái, còn thương lái vào vườn chặt thì bớt 1.000 đồng/trái. Lợi thế ở đây là, tiểu thương mua bao nhiêu, mình cung cấp bấy nhiêu. Trong khi dừa ở miền Tây, mỗi lần mua phải lấy nhiều và bán nhiều ngày, khiến trái dừa bị giập, trầy xước, giảm mẫu mã. Ngoài ra, giá xăng, dầu và các chi phí khác tăng cao. Do vậy, thương lái ưa lấy dừa của gia đình mình hơn vì tươi, xanh, mẫu mã đẹp, giá bán lại bằng nhau nên nhiều khi không có đủ dừa cung cấp cho thương lái.
Cũng theo lão nông này, trồng cây gì cũng phải tốn công chăm sóc. Tuy nhiên, so với cây điều và cao su thì trồng dừa nhàn hơn và kinh tế hơn khá nhiều. “Nếu như trồng cao su, mình phải đầu tư máng, chén, dây buộc, thuê người cạo, quản lý, nhiều khi còn bị ảnh hưởng bởi mưa, gió dẫn đến giảm sản lượng mủ. Mùa khô phải phòng, chống cháy, mà chỉ cạo mủ được 9 tháng. Bình quân 1ha cao su cũng chỉ thu khoảng 80 triệu đồng/năm. Trong khi cây dừa cho trái quanh năm, giá trị kinh tế cao gấp nhiều lần so với trồng điều và cao su”, ông Thống phân tích.
Nhân rộng mô hình
Trồng dừa, bán dừa, ông Thống càng đam mê, yêu thích cây trồng này. “Tôi là người gốc miền Tây nên cũng có chút hiểu biết về cây dừa, việc chăm sóc, phát triển cũng không khó. Dừa cần trồng thành hàng, có luống, gốc dừa phải được thoáng mát, cho rễ ăn nổi. Cách mỗi hàng nên múc rãnh để giữ nước, tránh bị úng. Dừa phù hợp với nhiều loại đất nhưng muốn cây khỏe mạnh, giữ được vòng đời dài, liên tục ra buồng và trái có nhiều nước thì cần bón phân chuồng đã ủ hoai mục như phân heo, bò, gà.
Trồng dừa sợ nhất là con đuông phá hoại nhưng bây giờ trị nó cũng dễ. Trong một lần tiếp xúc với tiến sĩ nông nghiệp người Thái Lan, bà ấy chỉ cho tôi cách trị con đuông dừa bằng cách bỏ những viên long não vào các bẹ dừa. Một năm bỏ khoảng 3 lần, mỗi lần 1 viên. Mỗi khi mưa, viên long não sẽ tan ra, không những trị được đuông dừa mà còn trị được cả các côn trùng tấn công gây hại khác. Viên long não không gây hại sức khỏe con người cũng như chất lượng của dừa và có bán nhiều ở các tiệm tạp hóa nên dễ mua”, ông Thống chia sẻ.
Ông Hoàng Sơn Đông, Phó chủ tịch UBND xã Đồng Nơ, cho biết: Hội Nông dân xã đã chọn vườn dừa của ông Dương Truyền Thống là mô hình điểm về hiệu quả kinh tế để bà con học tập kinh nghiệm, nhất là về tư duy làm kinh tế nông nghiệp. Việc nhân rộng mô hình trồng dừa sẽ được Hội xây dựng đề án phát triển thành tổ hợp tác sản xuất, qua đó liên kết tiêu thụ để đảm bảo sản xuất bền vững, tránh rủi ro kinh tế của nhà vườn cũng như làm vỡ quy hoạch về cây trồng trên địa bàn.
Nhiều năm qua, trái dừa không chỉ là thức uống thơm, ngon, bổ dưỡng tốt cho sức khỏe và được nhiều người ưa dùng; dịp Tết, trái dừa còn được bán rất chạy làm trái cây cúng hoặc trưng bày trong mỗi gia đình. Mấy năm gần đây, những trái dừa nhỏ, xinh còn được tiểu thương mua về vẽ chữ thư pháp hoặc khắc hình các con giáp bán rất hút khách. Vì giá trị kinh tế từ cây dừa mang lại nên trên địa bàn huyện Hớn Quản đã có nhiều nông dân chọn trồng. Hộ có diện tích ít thì trồng để phục vụ gia đình, nhiều thì thay thế cây có hiệu quả kinh tế thấp.
Nắm bắt nhu cầu này, ông Thống sẵn sàng tuyển chọn, nhân giống dừa xiêm xanh của gia đình để cung cấp cho bà con có nhu cầu. Cây khỏe mạnh, nhiều trái sẽ được ông chọn làm giống. Khi dừa đủ chín sẽ tự rụng xuống gốc, ông sẽ mang đi ươm cho nảy mầm. Hiện, ngoài thị trường, giá bán dừa giống dao động 70-80 ngàn đồng/cây, còn ông chỉ bán 50 ngàn đồng/cây và đã có nhiều hộ đặt mua.