Nhiều năm qua, khu triều trũng của thị trấn Tứ Kỳ (Hải Dương) là vùng đất chua phèn, cấy lúa năng suất thấp, nhiều hộ bỏ ruộng không canh tác để cỏ mọc um tùm.
Tuy nhiên, từ khi chuyển sang mô hình lúa- cá, vùng trũng này đã mang lại thu nhập cao cho nông dân.
Thị trấn Tứ Kỳ có hơn 40ha ở các khu vực Tông, Tin, An Phòng ở Liên khu An Nhân thường xuyên bị bỏ hoang. Những năm trước, sản xuất nông nghiệp trên những cánh đồng triều trũng, chua phèn, khó canh tác, cấy lúa 2 vụ bấp bênh, hiệu quả kinh tế thấp.
Tháng 3/2018, sau khi tham quan học tập mô hình canh tác lúa - cá tại Lý Nhân (Hà Nam), ông Đỗ Văn Do, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Dịch vụ nông nghiệp thị trấn Tứ Kỳ đã mạnh dạn thuê lại 38ha ruộng của các hộ dân với giá 200.000 đồng/sào/năm để triển khai thí điểm. HTX đầu tư làm đường giao thông, hệ thống điện, thủy lợi, chia diện tích ra hai phần: 1 phần đào ao nuôi cá, 1 phần trồng lúa.
Vụ mùa 2018, HTX thả trên 1,3 triệu con cá giống các loại, chủ yếu là trắm, chép, trôi, rô phi và mè. Ngoài lượng thức ăn công nghiệp, nguồn thức ăn cho cá còn được tận dụng từ những diện tích cỏ mọc hoang. Sau 6 tháng nuôi, cá phát triển tốt, trọng lượng trung bình đạt 2,5-5 kg/con, tùy loại cá, với tổng sản lượng trên 5 tấn, giá bán dao động 25.000-36.000 đồng/kg, HTX thu về hơn 300 triệu đồng, trừ chi phí, lãi 200 triệu đồng.
Còn diện tích lúa, HTX cấy giống lúa chất lượng cao TH3-3, áp dụng mạ khay cấy máy trên toàn bộ diện tích. Nhờ sự đầu tư, chăm sóc bài bản mà HTX thu hoạch được 80 tấn thóc, với giá bán 6.000 đồng/kg, thu lãi 200 triệu đồng.
Vụ chiêm 2019, sau khi gặt lúa xong, HTX đổi vùng nuôi cá sang vùng trồng lúa. Trên diện tích nuôi cá vụ trước không phải làm đất nên giảm được chi phí máy cày; cá quần ở đầm đánh thành bùn nên chỉ cần rắc gieo vãi, giảm được nhân công cấy. Bên diện tích nuôi cá, chau mọc dài, cá ăn lúa và chau dạ sẽ giảm được 2/3 lượng cám phải nuôi cá. Thông thường HTX phải đầu tư 50 tấn cám thì khi thực hiện nuôi mô hình lúa - cá, lượng cám giảm xuống chỉ còn 20 tấn.
Việc nuôi cá và lúa mang lại hiệu quả kép do cá và lúa có quan hệ cộng sinh. Cá ăn sâu bệnh hại nên lúa ít bị sâu bệnh; cá sục bùn diệt cỏ dại. Chất thải của cá có tác dụng làm phân bón, tăng độ phì của ruộng, giúp cây lúa sinh trưởng, phát triển thuận lợi, giảm lượng phân bón, không phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, giảm công làm cỏ và làm đất. Cùng với đó, ruộng lúa cung cấp rơm rạ mục, sâu bọ làm thức ăn cho cá nên tiết kiệm được chi phí thức ăn. Ngoài ra, việc không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sẽ giảm chi phí trong quá trình canh tác.
Chia sẻ kinh nghiệm nuôi cá trong ruộng lúa, ông Do cho biết: Khi nuôi cá trong ruộng lúa, đầu tiên phải lựa chọn giống cá phù hợp với hệ sinh thái đồng ruộng; chọn nuôi các loại cá không cạnh tranh thức ăn với nhau; phải chú ý về hệ thống thoát nước để điều tiết lượng nước trong ruộng cho phù hợp với từng thời điểm. Trong trường hợp mưa bão nước lớn phải bơm nước chuyển cá sang khu ruộng cấy để tránh thất thoát.
Mô hình lúa - cá dễ thực hiện, rủi ro thấp, chỉ cần đầu tư đắp bờ vùng, bờ thửa và tạo hệ thống kênh mương xung quanh thửa ruộng. Hiệu quả của mô hình cao gấp 3 - 4 lần so với cấy lúa thông thường.