Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 19 tháng 4 năm 2024  
Thứ năm, ngày 17 tháng 9 năm 2020 | 14:50

Mong được đóng tiền sử dụng đất để làm sổ đỏ cho khách hàng!

Tại Hội thảo “Tắc tiền sử dụng đất” vừa diễn ra, nhiều doanh nghiệp (DN) mong muốn được tháo gỡ những vướng mắc trong việc thẩm định xác định tiền sử dụng đất cho DN bất động sản (BĐS) trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh.

Nhiều DN tha thiết được đóng tiền sử dụng đất để làm sổ đỏ cho khách hàng.

 

t33.jpg
Hiện, nhiều dự án trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đang bị “tắc” trong việc thẩm định, xác định tiền sử dụng đất.

Giảm thủ tục hành chính 

Hiệp hội BĐS TP. Hồ Chí Minh (HoREA) vừa có công văn gửi UBND TP. Hồ Chí Minh và các cơ quan có thẩm quyền kiến nghị về một số dự án cụ thể xung quanh vấn đề này. Tuy nhiên, đến nay, hàng loạt dự án vẫn bị tắc sổ hồng vì tắc tiền sử dụng đất.

Theo số liệu của Cục Thống kê TP. Hồ Chí Minh mới công bố, trong 6 tháng đầu năm nay, tổng thu cân đối ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố ước thực hiện 163.173 tỉ đồng, chỉ đạt 40,2% dự toán, giảm 14,4% so cùng kỳ năm trước, trong đó thu tiền sử dụng đất giảm 21%.

Bản thân các DN BĐS cũng đã nhiều lần lên tiếng, không cần hỗ trợ tiền, chỉ cần hỗ trợ bằng cơ chế, chính sách mà trong đó, trọng tâm là tháo gỡ các vướng mắc về quy trình thủ tục hành chính để các dự án được khởi công, thi công, hoàn thiện.

“Chúng tôi nghĩ rằng, tháo gỡ những vướng mắc đang gây tắc nghẽn tiền sử dụng đất không chỉ giúp ngân sách có thêm nguồn thu, DN hoàn thiện thủ tục cho dự án, giữ chữ Tín với khách hàng mà quan trọng hơn là đảm bảo quyền lợi của những cư dân đã mua BĐS tại các dự án đang vướng vấn đề này, đặc biệt là các dự án đã bàn giao cho cư dân vào ở, các dự án đã hoàn thiện thủ tục pháp lý...”, ông Nguyễn Ngọc Toàn, Phó Tổng biên tập Báo Thanh Niên, đơn vị đồng hành với DN phát biểu tại hội thảo.

Chủ tịch HoREA, ông Lê Hoàng Châu, cũng cho rằng, việc các cơ quan Nhà nước rà soát lại quy trình, thủ tục thực hiện các dự án đầu tư kinh doanh BĐS của một số DN là cần thiết, Hiệp hội rất hoan nghênh UBND thành phố đã chỉ đạo các sở, ngành phải làm khẩn trương, rất khẩn trương công tác kiểm tra rà soát một số dự án BĐS.

Tuy nhiên, trao đổi về vấn đề tắc tiền sử dụng đất, ông Châu cho biết, đây là vấn đề bức xúc của người dân lẫn DN thời gian qua. Hệ quả của việc tắc tiền sử dụng đất là người dân không được cấp sổ hồng, quyền và lợi ích hợp pháp của người mua nhà và cũng là quyền, lợi ích hợp pháp của DN. Bởi khi có sổ hồng thì DN mới thu được 5% còn lại sau khi bàn giao nhà ở, nếu chậm ngày nào DN khó khăn ngày đó, trong khi áp lực dòng vốn với DN rất lớn.

Bên cạnh đó, người dân khiếu kiện, thậm chí tập trung căng băng rôn, khiếu nại gay gắt ở các dự án, ảnh hưởng đến uy tín của chủ đầu tư.

Theo ông Châu, dự án lâu nhất là hơn 20 năm vẫn chưa được nộp tiền sử dụng đất. Trong 4 năm trở lại đây, thành phố đã có nhiều cuộc họp trực tiếp với DN, người dân để giải quyết vấn đề này nhưng vẫn có dự án bị vướng mắc, vì nhiều lý do nên cư dân chưa được cấp sổ hồng.

Minh chứng được ông Châu đưa ra như Tập đoàn Novaland có 11 dự án, Hưng Thịnh có 2 dự án đã tạm đóng tiền sử dụng đất  nhưng nay xin xác nhận cho số tiền sử dụng đất chính xác là bao nhiêu để hoàn tất nghĩa vụ tài chính để được cấp sổ hồng cho người dân nhưng vẫn chưa nhận được câu trả lời chính xác... Số liệu thống kê của Hiệp hội cho thấy, có 11 DN với 44 dự án gồm hơn 22.000 căn hộ chưa được cấp sổ hồng. Nghĩa là, 22.000 hộ gia đình bức xúc.

Quá nhiều nguyên nhân

Nhận định về nguyên dân dẫn đến việc tắc tiền sử dụng đất cũng như chậm cấp sổ đo, sổ hồng cho khách hàng tại các dự án, theo ông Lê Hoàng Châu, quy trình sử dụng tính tiền đất phải qua rất nhiều khâu và bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân.

Cụ thể, việc chủ đầu tư đã tạm nộp tiền sử dụng đất; đã nộp và được cấp sổ hồng một phần nhưng nay không được cấp tiếp vì có vướng mắc phải xác định lại tiền sử dụng đất. Bên cạnh đó, Sở Tài nguyên và Môi trường mới đề nghị xác định đất ở bao gồm diện tích đất xây dựng chung cư khối đế, hồ bơi, sân vườn, sân chơi, lối đi nội bộ... nhưng đây là quy định không đúng với quy định hiện tại, nhất là với chung cư lớn. Đặc biệt, từ quan điểm của Sở Tài nguyên và Môi trường thì toàn bộ dự án đều bị tắc trong vấn đề này.

Ngoài ra, chủ đầu tư xin điều chỉnh quy hoạch kiến trúc, thậm chí có trường hợp đã được thành phố xác nhận hệ số sử dụng đất không thay đổi nhưng gần cả năm vẫn chưa được cấp sổ hồng. Hay có việc góp vốn đầu tư thì xác định là chuyển nhượng dự án hay chuyển nhượng quyền sử dụng đất cũng khó khăn khiến dự án không được cấp sổ hồng.

Điểm chung là, hồ sơ trình lên Sở Tài nguyên và Môi trường hiện nay xin được cấp sổ hồng đều được giải quyết rất chậm. Tạo điều kiện xác định tiền sử dụng đất đầu tiên hay có nghĩa vụ tài chính bổ sung cho DN, khi nhận hồ sơ thì ký nhanh hơn. Hiệp hội cũng sẽ kiến nghị, sắp tới, khi sửa Luật Đất đai, nên có thể phân quyền việc ký cấp sổ hồng cho các quận huyện để nhanh hơn, thay vì chỉ tập trung vào Sở Tài nguyên và Môi trường. Vấn đề này được giải quyết nhanh sẽ giảm bức xúc cho người dân, tăng thêm nguồn thu cho nền kinh tế và tạo sự lan tỏa, phục hồi thị trường BĐS.

Dưới góc nhìn của DN, ông Trần Quốc Dũng, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Hưng Thịnh, cho rằng, có nhiều nguyên nhân, trong đó có nhiêu khê về thủ tục. Cụ thể, trước đây khâu tính tiền sử dụng đất do Sở Tài chính phụ trách theo Luật Đất đai 2003, nhưng sau năm 2014, Luật Đất đai 2013 và Nghị định 44/2014/NĐ-CP quy định công tác này phân chia cho hai đầu mối, gồm Sở Tài nguyên và Môi trường lập kế hoạch định giá đất cụ thể và tổ chức thực hiện việc xác định giá đất; Sở Tài chính làm thường trực Hội đồng thẩm định giá đất cấp tỉnh để thẩm định phương án giá đất. Vì phải qua nhiều thủ tục, thời gian bị kéo dài hơn, nhiều DN BĐS chưa thể đóng tiền sử dụng đất cho dự án.

Câu chuyện “tắc” vì sợ trách nhiệm cũng được đề cập. Cụ thể, một bộ phận cán bộ, công chức có thái độ thụ động, sợ trách nhiệm trong việc xác định phương án giá đất, dù rằng việc thẩm định và xác định nghĩa vụ tài chính được thực hiện trên cơ sở quy định của pháp luật.

Nguyên nhân xa hơn là do TP. Hồ Chí Minh chưa xây dựng hoàn chỉnh “khung cơ chế” về công thức tính “giá đất cụ thể” theo quy định của Luật Đất đai phù hợp với điều kiện thực tiễn của thành phố.

 

 

Mạnh Tiến
Ý kiến bạn đọc
  • Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng hướng đến phát triển bền vững

    Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng hướng đến phát triển bền vững

    Tại Hội nghị Meet The Experts lần thứ 15 với chủ đề “Phát triển bền vững và yếu tố wellness” diễn ra mới đây, các đơn vị, nhân sự, chủ đầu tư đã cùng trau dồi kiến thức chuyên môn, cập nhật thông tin thị trường và xu hướng mới nhất trong ngành bất động sản (BĐS) nghỉ dưỡng vốn gặp nhiều khó khăn trong thời gian qua.

  • Phân khúc văn phòng hạng A được ưa chuộng tại Việt Nam

    Phân khúc văn phòng hạng A được ưa chuộng tại Việt Nam

    Theo báo cáo của Savills, phân khúc văn phòng hạng A trên toàn cầu ghi nhận mức tăng. Tại Việt Nam, phân khúc này tiếp tục là phân khúc được ưa chuộng.

  • TP. Hồ Chí Minh vận dụng cơ chế đặc thù để phát triển nhà ở xã hội

    TP. Hồ Chí Minh vận dụng cơ chế đặc thù để phát triển nhà ở xã hội

    Thực hiện Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh, lãnh đạo thành phố vừa giao Sở Xây dựng rà soát, hệ thống lại nhiệm vụ được giao, tham mưu UBND thành phố ban hành văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành và đơn vị có liên quan thực hiện các nội dung về đầu tư xây dựng nhà ở xã hội quy định tại khoản 3, Điều 6 của Nghị quyết.

Top