Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 27 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 28 tháng 7 năm 2017 | 1:29

Mỹ áp dụng Farm Bill với cá tra: Đi tìm cửa mới

KTNT - Việc Mỹ chính thức áp dụng Đạo luật nông trại (Farm Bill) theo hướng tăng kiểm tra đối với sản phẩm cá tra nhập khẩu, bao gồm sản phẩm của Việt Nam, sẽ khiến con cá tra vào Mỹ vốn đã khó nay càng thêm chật vật. Mở rộng thị trường mới là đòi hỏi cấp thiết lúc này.

Các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra cần đẩy mạnh tìm kiếm thị trường mới để giảm thiếu rủi ro khi phụ thuộc vào thị trường Mỹ. 

Rào cản kỹ thuật mới?

Thống kê của Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và PTNT) cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2017, tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra ước đạt hơn 500 triệu USD, tăng gần 3% so với cùng kỳ năm 2016. Trung Quốc tiếp tục là thị trường chủ lực của cá tra Việt Nam khi đạt hơn 133 triệu USD (tăng gần 41%), châu Âu đạt trên 78 triệu USD (giảm 28%), châu Á đạt gần 53 triệu USD.

Cách đây 10 năm, Đạo luật nông nghiệp (Farm Bill 2008) được Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đưa ra những quy định theo hướng tăng kiểm tra đối với sản phẩm cá tra nhập khẩu, bao gồm sản phẩm của Việt Nam. Tuy nhiên, phải đến ngày 2/8/2017, xuất khẩu cá tra của Việt Nam mới bị siết chặt khi 100% lô hàng cá tra nhập khẩu vào Mỹ sẽ bị kiểm tra.

Câu hỏi đặt ra là tại sao cần đến 10 năm, Mỹ mới chính thức “nhấn nút” cho vấn đề này?

Một chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp lý giải, theo cam kết của Việt Nam khi đàm phán gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), đến năm 2018, Việt Nam sẽ là nước có nền kinh tế thị trường nên trong khoảng thời gian này, cá tra vẫn có thể bị Bộ Thương mại Mỹ (DOC) áp thuế chống bán phá giá.

Bằng chứng là trong những năm qua, cứ vào tháng 3, DOC đều đưa ra kết quả sơ bộ của đợt rà soát hành chính thuế chống bán phá giá (CBPG) và sau đó đến tháng 9 là có kết quả đánh giá cuối cùng. Và thực tế thấy, nếu năm nào DOC đưa ra mức thuế cao thì giá trị xuất khẩu cá tra của Việt Nam vào thị trường này có xu hướng giảm. Tuy nhiên, qua năm 2018, mọi việc sẽ khác nếu Việt Nam được công nhận là nền kinh tế thị trường như dự kiến, tức là cá tra của Việt Nam không phải bị rào cản về thuế khi xuất vào thị trường Mỹ.

Như vậy, thuế sẽ không còn là công cụ hữu hiệu được sử dụng để “bảo hộ” ngành sản xuất nội địa của Mỹ. Do đó, để tiếp tục “bảo hộ” ngành sản xuất trong nước, cách đơn giản nhất và hiệu quả nhất là dựng lên hàng rào kỹ thuật. Vì thế, sau nhiều năm cá tra của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Mỹ bình thường thì đến ngày 2/8 sẽ chính thức bị kiểm tra 100% lô hàng. Hàng loạt tiêu chí sẽ được áp dụng, bao gồm dư lượng đối với các chỉ tiêu kháng sinh (89 chất), thuốc bảo vệ thực vật (108 chất), thuốc nhuộm (4 chất), kim loại (17 chất). Trong trường hợp phát hiện có thể kiểm khẳng định lại để xác định vi phạm.

Theo ý kiến chung của doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản, đây là những tiêu chí quá khắt khe nếu được áp dụng cho an toàn thực phẩm, vì lâu nay, cá tra xuất sang Mỹ vốn đã đáp ứng các tiêu chí về an toàn thực phẩm và do đó, việc Mỹ thực hiện Farm Bill được hiểu như một hàng rào kỹ thuật dưới danh nghĩa bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Mỹ, bảo vệ sản xuất trong nước.

Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, do thời điểm kiểm tra 100% lô hàng bắt đầu từ 2/8 nên hiện tại chưa thể nói trước điều gì nhưng với những tiêu chí nói trên, cá tra xuất sang Mỹ thời gian tới sẽ gặp những khó khăn nhất định.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết: “Việc phía Mỹ thay đổi lộ trình kiểm tra 100% lô hàng từ ngày 1/9 sang ngày 2/8 khiến nhiều doanh nghiệp (DN) xuất khẩu cá tra Việt Nam bất ngờ. Vì đã có sự chuẩn bị trước nên các vấn đề về chất lượng, chỉ tiêu kiểm soát không đáng lo ngại”.

“Vấn đề đáng lo nhất là các kho được chỉ định (i-house) ở Mỹ liệu có đủ cho nhu cầu của DN Việt Nam khi phải kiểm tra 100% hay không, vì nếu không đáp ứng đủ, các lô hàng sẽ xảy ra tình trạng lưu kho kéo dài hoặc hàng phải lưu kiểm tra tại các kho mới, ở xa nơi bán hàng, sẽ gây nhiều khó khăn cho DN”, ông Hòe tiếp tục.

Theo VASEP, trước đây DN có quyền chọn kho trong quá trình chờ thông quan nhưng theo quy định mới, kho chứa sẽ được chỉ định. Ở Mỹ hiện có khoảng 40 kho được chỉ định, cho nên cơ quan chức năng Việt Nam cần sớm làm việc với phía Mỹ nhằm tháo gỡ những vướng mắc, tránh tình trạng hàng hóa bị ách tắc, chậm hợp đồng.

Bên cạnh những lo ngại về tình trạng lưu kho tăng, chi phí kiểm hàng cũng là vấn đề khiến các DN xuất khẩu cá tra Việt Nam phải “chùn bước”, thậm chí nhiều DN phải từ bỏ ý định xuất khẩu sang thị trường Mỹ, chuyển hướng sang các thị trường châu Âu, châu Á.

Mở cửa thị trường mới

Ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT, nhận định: “Sẽ còn rất nhiều việc phải làm để tháo gỡ khó khăn cho cá tra tại thị trường Mỹ. Song ngành thủy sản Việt Nam cần xác định Mỹ vẫn là thị trường chủ lực của cá tra. Bộ sẽ cùng các cơ quan liên quan tích cực đàm phán, tháo gỡ những khó khăn tại thị trường Mỹ, đặc biệt là đấu tranh với Đạo luật Farm Bill (Luật Nông trại)”.

Tuy nhiên, để đảm bảo tốc độ tăng trưởng, cá tra Việt Nam cần những giải pháp bền vững, toàn diện hơn. Ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Hùng Vương, cho rằng: “Ngoài việc tìm giải pháp “vượt rào” vào thị trường Mỹ, các DN cần linh động thay đổi chiến lược xuất khẩu sang thị trường EU với các sản phẩm cao cấp, chất lượng cao, bởi vì giá thấp không phải là yếu tố quyết định lựa chọn của người tiêu dùng khu vực này”.

Bên cạnh thị trường EU, nhiều DN cá tra Việt Nam cũng đang chuyển hướng sang thị trường Trung Quốc. Theo ông Đạo, sức tiêu thụ của thị trường Trung Quốc ngày càng lớn, chi phí vận chuyển thấp, không có rào cản kỹ thuật, áp thuế bất hợp lý như thị trường Mỹ.

Top Valu ở Nhật Bản

Theo thông tin từ Bộ Công Thương, Siêu thị Aeon Nhật Bản đã báncác sản phẩm cá tra của Việt Nam được chế biến và tẩm ướp theo gia vị truyền thống.

Đáng chú ý, sản phẩm cá tra của Việt Nam bày bán tại siêu thị Aeon Nhật Bản được xếp vào danh sách các mặt hàng “Top Valu” - tiêu chuẩn đánh giá sản phẩm hàng đầu bán tại các siêu thị Nhật Bản.

Tại Nhật Bản, những ngày này là thời điểm nóng nhất trong mùa hè. Do đó, người dân Nhật Bản có truyền thống lựa chọn những loại thực phẩm mát để dùng, duy trì thể trạng. Thực phẩm truyền thống được ưa thích là các loại cá da trơn như cá tra hay lươn.

Để đáp ứng nhu cầu này, siêu thị Aeon Nhật Bản đã bán ra sản phẩm cá tra Việt Nam được chế biến và tẩm ướp theo gia vị món lươn truyền thống nước này.

Ông Keisuke Hino, quản lý bộ phận hàng thủy sản Aeon khu vực Bắc Kanto Niigata, nêu rõ, để đạt được tiêu chuẩn “Top Valu”, các mặt hàng phải đáp ứng thị hiếu của khách hàng và được chế biến theo quy trình chặt chẽ của Aeon đảm bảo độ tin cậy và chất lượng.

Cũng theo ông Hino, sản phẩm cá tra Việt Nam được chế biến và tẩm ướp theo gia vị của món lươn truyền thống Nhật Bản được bày bán tại siêu thị Aeon từ tháng 6 năm nay, trong tương lai, Aeon dự kiến có đề án mở rộng bán ra sản phẩm này.

Cùng với các mặt hàng nông sản như chuối, xoài, thanh long ruột đỏ, cá tra cũng được coi là mặt hàng chiến lược, góp phần nâng kim ngạch thương mại của Việt Nam đối với Nhật Bản.

Ông Tạ Đức Minh, Tham tán, Trưởng đại diện Bộ Công Thương tại Nhật Bản cho biết, năm 2016, kim ngạch xuất khẩu cá tra sang Nhật Bản đạt khoảng 14 triệu USD; trong 5 tháng đầu năm, kim ngạch mặt hàng thủy sản này đạt khoảng 7 triệu USD.

Theo ông Tạ Đức Minh, để đẩy mạnh xuất khẩu cá tra Việt Nam vào thị trường Nhật Bản, ngoài việc đảm bảo vệ sinh, an toàn theo tiêu chuẩn của Nhật Bản, quy trình nuôi, đóng gói bao bì, nhãn mác cũng rất quan trọng.

Đối với thị trường Nhật Bản, trước mắt Việt Nam cần duy trì xuất khẩu ổn định đối với thị trường này, sau đó nghiên cứu bổ sung thêm danh mục hàng hóa xuất khẩu mới.

Các mặt hàng thuộc “Top Valu” phải đảm bảo được 5 tiêu chí: sản phẩm được tạo ra theo thị hiếu người tiêu dùng; sản phẩm hướng tới sự an tâm của khách hàng bởi sự an toàn, thân thiện môi trường; thông tin cần thiết về sản phẩm được thể hiện đầy đủ, dễ hiểu; sản phẩm có giá thành hợp lý; và có cam kết luôn làm hài lòng khách hàng.

Những mặt hàng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Nhật Bản không chỉ có cá tra, mà còn có tôm…, không chỉ đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng nước này, mà còn hướng tới nhu cầu của người Việt Nam tại Nhật Bản, trong bối cảnh số lượng người Việt sinh sống và làm việc tại Nhật Bản không ngừng tăng. Nhiều người Việt Nam tại Nhật đã chọn hàng của Việt Nam để mua. Điều này chứng tỏ sản phẩm thủy sản của Việt Nam này càng có uy tín trên thị trường thế giới, bao gồm cả Nhật Bản.

 

Thủ tướng Chính phủ vừa có ý kiến chỉ đạo liên quan đến việc Chính phủ Mỹ chính thức áp dụng Đạo luật nông trại (Farm Bill). Theo đó, Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, cơ quan, hiệp hội liên quan theo dõi sát tình hình, nghiên cứu, nắm chắc quy định và việc thực thi Đạo luật nông trại của Mỹ.

"Các cơ quan, hiệp hội liên quan có biện pháp chỉ đạo, điều hành phù hợp, hướng dẫn doanh nghiệp chuẩn bị các điều kiện cần thiết để đáp ứng quy định nhập khẩu của Mỹ; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong hoạt động xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ", chỉ đạo của Thủ tướng nêu rõ.

Khánh Nguyên (tổng hợp)

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top