Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 15 tháng 1 năm 2021 | 11:16

Nam Định: Chủ động chống rét cho thủy sản

Rét đậm, rét hại kèm theo sương mù làm ảnh hưởng đến hoạt động nuôi thủy sản. Để bảo vệ các đối tượng nuôi thủy sản trước diễn biến bất lợi của thời tiết, cần thực hiện các biện pháp chống rét kịp thời.

1.jpg
Các hộ nuôi thủy sản tại xã Xuân Hòa (Xuân Trường) chú trọng cân đối nguồn thức ăn bảo đảm đủ lượng dinh dưỡng tăng sức đề kháng cho đàn cá chống chịu tốt với điều kiện thời tiết rét đậm, rét hại.

 

Nuôi thủy sản: Nghề được quan tâm

Năm 2020, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh Nam Định đạt 16 nghìn hecta, trong đó thuỷ sản nước ngọt là 9.800ha. Đối tượng nuôi chủ yếu là các loại cá truyền thống (trắm, trôi, chép), cá điêu hồng, cá lóc bông…

Cụ thể, diện tích nuôi cá truyền thống là 9.400ha; cá điêu hồng 240ha, một số nơi người dân nuôi ghép cá điêu hồng với tôm thẻ chân trắng. Cá lóc bông là đối tượng có tốc độ sinh trưởng nhanh, thị trường tiêu thụ ổn định nên tiếp tục được nhiều người nuôi lựa chọn với diện tích 60ha.

Một số đối tượng thuỷ đặc sản có giá trị kinh tế cao như: ba ba, ếch, lươn, chạch đồng, ốc nhồi, trê lai... được người dân Nam Định quan tâm nuôi cũng mang lại thu nhập cao.

Diện tích nuôi thủy sản mặn lợ là 6.500ha, tăng 85ha so với năm 2019; trong đó, nuôi tôm nước lợ là 3.400ha, nuôi tôm sú 2.400ha. Tôm thẻ chân trắng vẫn được người nuôi quan tâm đầu tư với mức độ thâm canh ngày càng cao. Năm 2020, diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng là 1.000ha, tăng 60ha so với năm 2019.

Các vùng nuôi ngao thương phẩm phát triển ổn định trở lại với diện tích  2.165ha.

Cá biển đang ngày càng được các hộ nuôi thủy sản chú trọng tại các vùng nuôi mặn lợ bởi đây là đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao. Năm 2020, diện tích nuôi cá biển của Nam Định là 615ha…

Chủ động phòng tránh rét

Theo khuyến cáo của Chi cục Thủy sản (Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Nam Định), để hạn chế ảnh hưởng của thời tiết cực đoan đến các đối tượng nuôi, các địa phương và người nuôi thủy sản  cần thường xuyên theo dõi thông tin diễn biến tình hình thời tiết, chủ động các biện pháp phòng tránh rét khi nhiệt độ xuống thấp.

Về ao nuôi, người dân nên thiết kế mái che phủ toàn bộ diện tích nuôi bằng bạt, nylon để tránh gió lùa; thả bèo tây che một phần mặt ao, kết hợp dùng sọt nén rơm dìm xuống góc ao tạo chỗ trú ẩn tránh rét cho cá; nâng cao mực nước trong ao 1,5-2m để duy trì nhiệt độ nước ổn định.

Trong quá trình nuôi cần chú ý công tác chăm sóc, chế độ ăn bảo đảm đủ số lượng, chất lượng để đối tượng nuôi sinh trưởng, tăng sức đề kháng, tích lũy chất dinh dưỡng, chống chịu tốt trong điều kiện nhiệt độ xuống thấp; tùy vào nhiệt độ môi trường và giai đoạn sinh trưởng của đối tượng nuôi mà điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp, bổ sung độ đạm tối thiểu 28%, vitamin C, B-Complex vào thức ăn để tăng sức đề kháng, thời gian cho cá ăn từ 9-10 giờ hoặc 14 giờ hàng ngày.

Đối với cá lồng nuôi trên sông, khi có rét đậm, rét hại nên di chuyển lồng bè đến các eo, ngách kín gió hoặc hạ lồng xuống sâu hơn; thường xuyên treo các túi vôi xung quanh lồng để khử trùng nước. Khi môi trường ô nhiễm thì phải sử dụng chế phẩm sinh học có tác dụng làm sạch nước để cải thiện môi trường nuôi. Thường xuyên kiểm tra ao nuôi và các yếu tố môi trường để có biện pháp xử lý kịp thời khi phát hiện dấu hiệu bất thường trên đối tượng nuôi.

Trao đổi của một người nuôi

Từ nhiều năm nay, gia đình anh Phạm Ngọc Vượng ở thôn Trung Phu, xã Liên Bảo (Vụ Bản) luôn duy trì nuôi thả các giống cá truyền thống như: trắm, trôi, chép, mè kết hợp trê lai trên gần 2ha đầm. Trò chuyện với chúng tôi, anh Vượng cho biết: Nguồn thu chính của gia đình từ nuôi cá nên mỗi khi bước vào vụ nuôi mới, ngoài việc phải chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết, tôi còn chủ động tìm hiểu các biện pháp bảo vệ cá khi thời tiết thay đổi, nhất là khi trời rét. Trước khi bước vào mùa đông, gia đình  đều chuẩn bị ao nuôi thật kỹ, tiến hành diệt khuẩn, tu sửa, gia cố lại bờ vùng, hệ thống cống lấy nước, tiêu nước bảo đảm chắc chắn để tránh nước bị rò rỉ; thường xuyên kiểm tra, duy trì mực nước trong đầm trên 1,5m; thả bèo tây che phủ 1/2 mặt nước. Đồng thời, chủ động theo dõi các bản tin dự báo thời tiết trên đài phát thanh, truyền hình để biết nhiệt độ hàng ngày, từ đó điều chỉnh lượng thức ăn cho cá phù hợp.

Thực hiện đúng các khuyến cáo của cơ quan chức năng kết hợp các kinh nghiệm tự tích lũy phù hợp đặc tính vật nuôi về các biện pháp phòng, chống rét cho  thủy sản sẽ giúp các hộ nuôi bảo vệ an toàn sản xuất, đảm bảo nguồn thực phẩm tại chỗ phục vụ nhu cầu thị trường dịp cuối năm.

 

 

Văn Đại
Ý kiến bạn đọc
Top