Theo PGS.TS. Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám-chữa bệnh (Bộ Y tế): “Đổi mới từ cách nghĩ, cách làm, cách kiểm tra trong hệ thống các bệnh viện và cung cấp các dịch vụ y tế, trở thành người phục vụ, phục vụ làm sao cho người bệnh được hài lòng
Theo PGS.TS. Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám - chữa bệnh (Bộ Y tế): “Đổi mới từ cách nghĩ, cách làm, cách kiểm tra trong hệ thống các bệnh viện và cung cấp các dịch vụ y tế, trở thành người phục vụ, phục vụ làm sao cho người bệnh được hài lòng, người bệnh được an toàn. Sự thay đổi của cả hệ thống chung theo tư duy đó để chúng ta cùng thực hiện sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân”.
Lấy người bệnh làm trung tâm phục vụ
Theo Cục Quản lý khám - chữa bệnh (Bộ Y tế), kết quả khảo sát trực tuyến trên 1 triệu người bệnh cho thấy, tỉ lệ hài lòng khi điều trị nội trú đạt 75,6%, ngoại trú 66,3%, nhiều bệnh viện (BV) có tỉ lệ người bệnh hài lòng tới 80-90%. Tỉ lệ bệnh nhân phải nằm ghép giảm từ 58% (năm 2012) xuống 16,7% ở tuyến Trung ương; và ở tuyến tỉnh từ 47% xuống 11,4%. Mạng lưới 117 BV vệ tinh đã giúp giảm tỉ lệ chuyển tuyến Trung ương đối với chuyên khoa tim mạch, ngoại khoa là 98,5%, ung thư 97%, sản khoa 99%, nhi khoa 73%...
PGS.TS. Lương Ngọc Khuê cho biết, cải tiến chất lượng BV đã trở thành phong trào và là động lực để các BV hướng đến sự hài lòng của người bệnh. Sau 5 năm triển khai, Bộ Tiêu chí chất lượng BV đã góp phần thay đổi tư duy tại nhiều cơ sở y tế. Người bệnh được đặt ở vị trí trung tâm.
Bộ Y tế đã ban hành 83 tiêu chí về chuẩn chất lượng BV. Cùng với đó là các giải pháp giảm tải BV, đặc biệt là đề án BV vệ tinh, Đề án 1816 chuyển giao nhiều kỹ thuật từ tuyến Trung ương đến tuyến tỉnh.
Tỷ lệ bao phủ BHYT toàn dân đã được nâng cao. Mặc dù giá BHYT thấp nhưng người dân đến khám - chữa bệnh đã được thụ hưởng những dịch vụ y tế chất lượng, kể cả dịch vụ kỹ thuật can thiệp tim mạch, ghép tạng...
Nhiều BV tích cực cải thiện chất lượng, thái độ phục vụ từ những việc nhỏ nhất như giữ gìn môi trường, BV sạch đẹp, vệ sinh, thái độ phục vụ người bệnh tận tình, áp dụng nhiều phương pháp điều trị hiện đại… Sự an toàn, hài lòng của người bệnh là ưu tiên hàng đầu.
“Chất lượng BV đã có những cải tiến vượt bậc trong 5 năm trở lại đây. Đổi mới từ cách nghĩ, cách làm đến cách kiểm tra với mục tiêu “lấy người bệnh làm trung tâm phục vụ”. Sự chuyển mình của các BV đã thu hút thêm nhiều người dân đến khám - chữa bệnh, qua đó góp phần nâng cao nguồn thu, cải thiện điều kiện làm việc, đời sống cho nhân viên y tế”, ông Lương Ngọc Khuê nhận xét.
Tuy nhiên, trong hệ thống vẫn còn một số BV chưa đánh giá đúng vai trò của cải tiến chất lượng, chưa mạnh dạn thay đổi tư duy để theo kịp với yêu cầu của người bệnh trong tình hình mới, vẫn còn tình trạng quá tải BV cũng như xảy ra các sự cố y khoa đáng tiếc.
Chất lượng y tế tuyến dưới còn thấp
Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV vừa qua, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, “bộ mặt” của BV giờ đã khá khang trang. Việc xây mới BV tuyến tỉnh, tuyến huyện; xây mới, nâng cấp, sửa chữa BV tuyến trung ương được thực hiện, đề án xanh, sạch, đẹp, đổi mới toàn diện thái độ, phong cách hướng tới sự hài lòng của người bệnh đã được triển khai quyết liệt trong toàn ngành. Các BV rộng rãi, khang trang, ứng dụng công nghệ thông tin, có nơi chờ, có lấy số, có quạt, có người hướng dẫn, có bộ phận tiếp dân, có đường dây nóng để phản ánh… Qua đường dây nóng, đã có khoảng 10.000 cán bộ y tế từ tuyến xã đến trung ương bị xử lý kỷ luật.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Tiến thừa nhận việc quá tải tại các BV Trung ương tuyến cuối ở khoa khám bệnh. Có BV có đến 5 -6 nghìn người khám/ngày. Nguyên nhân là người dân bị bệnh nhẹ cũng vào khám bệnh, không tin tưởng tuyến dưới. Điển hình như dịch tay, chân, miệng vừa qua thì độ 1, độ 2 cũng vào trong viện nằm, gây sự quá tải không cần thiết, gây nhiễm trùng chéo và thậm chí ảnh hưởng đến chất lượng cũng như tăng tỷ lệ tử vong đối với bệnh nhân nặng.
Việc chăm sóc tại BV chưa toàn diện, một bệnh nhân vào viện thì có đến 3 - 4 người nhà chăm sóc. Có nhiều nguyên nhân, trong đó cơ chế tài chính chưa thể đủ chi trả để có đủ chất lượng cán bộ. Chất lượng y tế cơ sở chưa đáp ứng được yêu cầu cả về số lượng, chất lượng cán bộ, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị và không đồng đều giữa các miền.
Bộ trưởng Tiến cho biết, chất lượng khám - chữa bệnh giữa thành thị với vùng núi, vùng sâu, vùng xa đã cải thiện nhiều. Tuy vậy, vẫn còn khoảng cách. Để thu hẹp khoảng cách này, trong xây dựng đề án sắp tới, sẽ đưa bác sĩ trẻ đến vùng huyện và phải là bác sĩ giỏi, tăng cường cơ sở vật chất và ODA ưu tiên cho vùng núi.
Lợi kép từ hệ thống BV vệ tinh
Sau 5 năm thực hiện Đề án BV vệ tinh (2013-2018), cả nước hiện đang có 23 BV hạt nhân, 127 BV vệ tinh, bao gồm 109 BV tuyến tỉnh, 13 BV tuyến huyện và năm BV tư nhân. Trong 23 BV hạt nhân đã chuyển giao được gần 2.000 kỹ thuật cho các BV vệ tinh tuyến dưới. Trong đó, nhiều kỹ thuật cao chuyên sâu đã được chuyển giao trong đề án, như phẫu thuật cắt gan của BV E, phẫu thuật tuyến giáp nội soi của BV Nội tiết T.Ư, phẫu thuật ung thư tiêu hóa, tiết niệu của BV K… Nhờ đó, 85,5% số BV trong đề án BV vệ tinh có xu hướng giảm tỷ lệ chuyển tuyến.
Đạt hiệu quả rõ nét trong đề án này là mạng lưới chuyên khoa tim mạch, với BV hạt nhân là BV Tim Hà Nội và 16 BV vệ tinh là BV đa khoa của các tỉnh Bắc Ninh, Thái Nguyên, Bắc Cạn, Cao Bằng, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Nghệ An, Hà Tĩnh, Gia Lai...
Phó giám đốc BV Tim Hà Nội Vũ Quỳnh Nga cho biết, 100% số cán bộ, nhân viên y tế trong nhóm tiếp nhận kỹ thuật của 16 BV vệ tinh được đào tạo đã làm chủ các kỹ thuật về nội tim mạch; 15/16 BV làm chủ được các kỹ thuật can thiệp tim mạch… Ngoài ra, BV Tim Hà Nội và 100% BV vệ tinh thực hiện được việc đào tạo, hội chẩn và tư vấn khám - chữa bệnh từ xa thông qua hệ thống Telemedicine.
Còn tại BV Đa khoa Thái Bình, thực hiện Đề án BV vệ tinh, BV đã cử 62 bác sĩ tham gia đào tạo bốn chuyên khoa: Ung bướu, ngoại - chấn thương, tim mạch và huyết học từ các BV hạt nhân là BV Bạch Mai, BV Hữu nghị Việt Đức, BV E và Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư. Nếu như trước đây, nhiều ca bệnh khó, đòi hỏi kỹ thuật cao phải chuyển lên tuyến trên, thì đến nay, với sự đào tạo bài bản, “cầm tay chỉ việc”, đội ngũ cán bộ, y bác sĩ tại BV đã làm chủ được nhiều kỹ thuật mới, chuyên sâu. Tính trung bình, số bệnh nhân chuyển tuyến giảm rõ rệt, từ 3.000 ca/năm, nay chỉ còn 1.000 - 1.500 ca/năm, góp phần giảm áp lực cho các BV tuyến trên.
Mô hình BV vệ tinh cũng phát triển và có nhiều hình thức phù hợp cho từng địa phương. BV vệ tinh phát triển rộng khắp các tỉnh, thành trong cả nước, không chỉ dừng lại phát triển ở các BV đa khoa, chuyên khoa tỉnh mà còn được thực hiện ở nhiều BV tuyến huyện như BVĐK Mộc Châu (Sơn La), BVĐK Mường Khương (Lào Cai); BV, Trung tâm Y tế huyện Tam Đường... BV vệ tinh không chỉ là những BV công lập mà còn ở các BV ngoài công lập. Tại TP. Hồ Chí Minh, xuất hiện phòng khám - bệnh viện vệ tinh thu hút đông bệnh nhân đến khám và điều trị.
Những kết quả của Đề án BV vệ tinh đã từng bước giảm tình trạng quá tải của các BV, đặc biệt là tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Đề án đã góp phần nâng cao năng lực cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh của các BV vệ tinh, củng cố lòng tin của người dân với BV vệ tinh, tăng tỷ lệ người bệnh tới khám, điều trị tại bệnh viện vệ tinh, giảm tỷ lệ chuyển tuyến từ bệnh viện vệ tinh lên BV hạt nhân ở tuyến trung ương, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.
PGS.TS. Lương Ngọc Khuê cho biết, nhiều dự án mới trong đề án vẫn đang được thực hiện, một số BV đang xây dựng mới, như BV Phổi T.Ư, nên cần kéo dài Đề án BV vệ tinh đến năm 2025. Để BV vệ tinh phát huy vai trò của mình thì cần trang bị đầy đủ máy móc, trang thiết bị y tế, thuốc phục vụ kỹ thuật chuyển giao. Ngoài ra, bổ sung nhân lực tại các BV được hỗ trợ, đặc biệt là bác sĩ. Tăng cường chuyển giao các kỹ thuật và đào tạo tại chỗ, kết hợp chặt chẽ với giám sát sau đào tạo để đạt hiệu quả tốt nhất cho người bệnh.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đề nghị, thời gian tới, các BV tuyến cuối như Việt Đức, Bạch Mai, Nhi Trung ương, K Trung ương... cùng với việc tiếp tục hỗ trợ các BV vệ tinh ở tuyến dưới, cần tập trung xây dựng các trung tâm đào tạo ngang tầm quốc tế và triển khai thực hiện các kỹ thuật cao.
Cần minh bạch để nâng cao chất lượng Tại Diễn đàn quốc gia về chất lượng BV lần thứ IV vừa diễn ra, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam gợi ý thêm một số vấn đề cần chú trọng trong thời gian tới. Mục tiêu là các BV có dịch vụ khám - chữa bệnh tốt nhất, thuốc điều trị phù hợp, chi phí hợp lý, môi trường xanh, sạch, đẹp, văn minh. Theo đó, ngành y tế phải đẩy mạnh thực hiện cơ chế tự chủ gắn với chế độ giá dịch vụ y tế, bảo hiểm y tế từ tuyến Trung ương, tuyến tỉnh đến tuyến huyện, trạm y tế cơ sở. Đây là động lực để các cơ sở y tế nâng cao chất lượng khám -chữa bệnh, thái độ phục vụ, trình độ chuyên môn…, có như vậy mới tạo uy tín, sự tin tưởng của người dân, thu hút người bệnh đến điều trị. Tự chủ chỉ là một hai từ nhưng sẽ lan toả rất nhiều. Ngoài ra, vai trò của ứng dụng công nghệ thông tin là rất quan trọng để tiếp tục công khai, minh bạch từ địa chỉ, hoạt động đến phác đồ điều trị… của BV cho cộng đồng, xã hội, người dân cùng giám sát, đánh giá. “Chúng ta đang xây dựng Hệ tri thức Việt số hoá, trong đó có phân hệ về khám - chữa bệnh, chăm sóc sức khoẻ. Đây là cơ sở để thúc đẩy nhiều ứng dụng nhằm giải quyết những khó khăn mà ngành y tế đang gặp phải, trong đó có chất lượng BV. Do vậy, ngành y tế cần khẩn trương cập nhật thông tin thuộc lĩnh vực mình phụ trách”, Phó thủ tướng yêu cầu. |
Tối 22/11, tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến Tàu Không số”. Hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số (28/11/1964 – 28/11/2024).
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.