Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 19 tháng 4 năm 2024  
Thứ ba, ngày 7 tháng 12 năm 2021 | 13:26

Nâng cao giá trị nhãn hiệu tập thể “Trâu Chiêm Hóa”

Tuyên Quang có điều kiện thuận lợi để phát triển đàn trâu, bò theo hướng thương phẩm. Phát huy lợi thế này, bên cạnh việc nuôi thương phẩm, Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Tiến Quang đã đẩy mạnh chế biến thịt trâu khô để nâng cao giá trị sản phẩm.

Nâng cao giá trị nhãn hiệu tập thể

Những năm gần đây, “Trâu ngố” Chiêm Hoá đã trở thành sản phẩm hàng hóa chủ lực, có thương hiệu của huyện Chiêm Hoá. Năm 2015, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã cấp nhãn hiệu tập thể “Trâu Chiêm Hóa” cho Hội Nông dân huyện. Theo đó, nhãn hiệu tập thể bảo hộ độc quyền cho 3 nhóm sản phẩm, bao gồm: nhóm trâu thịt đã qua chế biến; nhóm chăn nuôi trâu giống và chăn nuôi trâu thịt; nhóm mua bán trâu giống, trâu thịt và thịt trâu đã chế biến.

 

1.jpg
Chăn nuôi trâu thương phẩm tại HTX Tiến Quang cho thu lãi 5-6,5 triệu đồng/con/lứa.

 

Thấy được hiệu quả từ việc liên kết chăn nuôi trâu thương phẩm, không muốn chỉ dừng lại chăn nuôi ở quy mô nhỏ lẻ, cuối năm 2017, anh Lê Văn Thứ ở xã Vinh Quang (Chiêm Hóa) vận động người chăn nuôi trâu trong khu vực thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Tiến Quang (HTX Tiến Quang) nhằm đáp ứng mục tiêu khép kín từ chăn nuôi, sản xuất, chế biến và tiêu thụ thực phẩm sạch, trong đó có sản phẩm thịt trâu khô.

 

Huyện Chiêm Hóa  lâu nay nổi tiếng về giống trâu Ngố. Đặc điểm của giống trâu Ngố là tầm vóc to khỏe, trọng lượng trâu đực bình quân gần 500 kg/con; trâu cái trung bình gần 400 kg/con. Trong những đợt bình tuyển trâu khỏe giống tốt để nhân đàn, Chiêm Hóa đã chọn lọc được con trâu đực có trọng lượng lên tới 700 kg/con; trâu cái 526 kg/con.

 

Anh Lê Văn Thứ, Giám đốc HTX Tiến Quang, cho biết, khi thành lập, HTX có 7 thành viên, đến nay lên tới 40 thành viên, thời gian đầu nuôi 30 con/lứa, nay tăng lên 250 con/lứa, nuôi 2 lứa/năm (năm 2019, HTX nuôi 350 con/lứa, 3 lứa/năm - PV). Nuôi trâu bỗ béo mang lại hiệu quả khá cao, người dân canh tác trên chính mảnh đất của gia đình, tận dụng các phế phẩm trong nông nghiệp, giải quyết việc làm cho nhiều lao động. Trừ chi phí, thu lãi 5-6,5 triệu đồng/con/lứa.

Chiêm Hoá đang đẩy mạnh thực Đề án Phát triển chăn nuôi trâu hàng hóa theo chuỗi liên kết trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2019 - 2025. Trong đó, tập trung phát triển chăn nuôi trâu theo hướng sản xuất hàng hóa nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế về đất đai, nguồn trâu giống tốt (trâu Ngố), lao động và kinh nghiệm trong nuôi trâu; ứng dụng khoa học công nghệ trong chăn nuôi. Xây dựng chuỗi giá trị liên kết giữa chăn nuôi, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, đồng thời xây dựng, quảng bá rộng rãi sản phẩm trâu giống và trâu thịt Tuyên Quang.

Đẩy mạnh chế biến

Thịt trâu khô được biết đến là món đặc sản của người dân huyện Chiêm Hóa. Đặc biệt, thịt trâu khô đã trở thành món ăn quen thuộc không thể thiếu trong những ngày lễ, Tết, nhất là những dịp có khách quý đến chơi nhà của bà con.

Năm 2020, sau khi xây dựng được vùng nguyên liệu ổn định, HTX Tiến Quang đầu tư xây dựng khu vực sản xuất, kinh doanh trên diện tích hơn 2.000m2, trang bị lò sấy thực phẩm, máy hút chân không, bắt đầu tổ chức chế biến và sản xuất thịt trâu khô mang thương hiệu thịt trâu khô Tiến Quang. HTX đã được Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chiêm Hóa cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.

Dự kiến trong năm 2021, HTX cung cấp ra thị trường khoảng 1.500kg thịt trâu khô, với giá bán 1-1,1 triệu đồng/kg. Thị trường tiêu thụ được mở rộng  ra nhiều tỉnh, thành  như: Hà Giang, Vĩnh Phúc, Hà Nội...; bước đầu tạo công ăn việc làm cho các thành viên của HTX, phát huy tiềm năng phát triển của vùng nguyên liệu sẵn có, gia tăng giá trị sản phẩm chăn nuôi và tạo sinh kế cho người dân địa phương.

Anh Thứ  cho biết, thịt trâu khô Tiến Quang được làm từ các nguyên liệu thịt của những con trâu mang nhãn hiệu tập thể “Trâu Chiêm Hóa”, nổi tiếng với tầm vóc to khỏe, thịt ngon, trọng lượng trâu lớn. Khi chế biến thịt trâu khô, HTX chỉ chọn con trâu khỏe mạnh làm thịt và chỉ lấy phần thịt nạc ngon nhất để chế biến. Kết hợp với những bí quyết phối trộn gia vị tự nhiên của núi rừng để làm nên sản phẩm đặc thù của thịt trâu khô Tiến Quang.

Miếng thịt trâu khô thành phẩm có màu sẫm cánh gián, gia vị và khói bếp thẩm thấu đều vào từng thớ thịt. Khi ăn, xé thịt ra, bên trong thịt có màu đỏ tự nhiên, đặm vị ngọt ngọt, dai dai của thịt trâu, cay cay và đậm đà của gia vị, thơm thơm và ấm nồng khói bếp... Ưu điểm của thịt trâu khô Tiến Quang chính là ngoài hương vị thơm ngon nhưng không hề chứa chất bảo quản nên khi thưởng thức đảm bảo sức khỏe người dùng. 

 

3.jpg
Sản phẩm thịt trâu khô Tiến Quang được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, tạo thuận lợi trong việc tiêu thụ.

 

Theo anh Thứ, để xây dựng thương hiệu sản phẩm, khẳng định được thương hiệu, chất lượng, tạo lòng tin của khách hàng, HTX đã hoàn thiện mã vạch, logo, truy xuất nguồn gốc, đặc biệt, thịt trâu khô Tiến Quang đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa. Đây là sản phẩm tham gia thi chấm điểm sản phẩm OCOP của huyện và tỉnh năm 2021.

Ông Nguyễn Văn Thuấn, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông - lâm sản và thủy sản tỉnh Tuyên Quang, cho biết, trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp, có định hướng chế biến sâu các mặt hàng nông sản. HTX Tiến Quang đã xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, xây dựng sản phẩm OCOP khá tốt. Việc các HTX, doanh nghiệp đi sâu vào chế biến sẽ đa dạng hoá sản phẩm, tạo công ăn việc làm cho người lao động địa phương, từ đó nâng cao giá trị sản phẩm.

Đình Tùng
Ý kiến bạn đọc
Top