Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 13 tháng 6 năm 2021 | 3:40

NGHỀ BÁO, bản lĩnh và thách thức - Bài 2: Sự suy thoái đạo đức của một số người làm báo

Đạo đức người làm báo là việc ứng xử trên cơ sở đạo đức của xã hội, thể hiện “tâm vững, lòng trong, bút sắc”. Vậy nhưng, không ít người đã suy thoái đạo đức, lợi dụng nghề nghiệp, cố tình vi phạm tính chân thực, khách quan để thực hiện hành vi trục lợi.

Báo chí Việt Nam có vai trò rất quan trọng trong đời sống xã hội. Do đó, đạo đức nghề nghiệp báo chí cũng luôn được đề cao. Bởi, đạo đức nghề nghiệp là yếu tố thuộc giá trị của con người, mà nổi lên là tinh thần trách nhiệm, thái độ trung thực, khách quan, nghiêm túc đối với mọi thông tin và trong công việc. Vì thế, người làm báo cần tạo dựng uy tín trong xã hội và bạn đọc. Chính từ lẽ đó, đạo đức nghề nghiệp của người làm báo cũng đã được quy định cụ thể trong Luật Báo chí năm 2016 và 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam do Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam ban hành. Đây là các chuẩn mực rất cụ thể nhằm xác định trách nhiệm đạo đức người làm báo trong hoạt động nghề nghiệp.
anh-1.jpgPhóng viên tác nghiệp tại phiên tòa xét xử vụ án ly hôn giữa vợ chồng “vua” cà phê Trung Nguyên

 

 

Với quá trình phát triển, 96 năm qua, báo chí cách mạng Việt Nam đã góp phần rất lớn vào sự phát triển đất nước và đời sống xã hội. Các cơ quan báo chí không chỉ tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước mà còn luôn phản ánh kịp thời những tấm gương tập thể và cá nhân tiêu biểu, gương người tốt, việc tốt trong chiến đấu, lao động và sản xuất nhằm cổ vũ mọi người hăng hái tham gia góp sức mình cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc…
 
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, hiện nay không ít người làm báo đã suy thoái đạo đức dẫn đến vi phạm pháp luật. Điển hình trong đó là những vụ lợi dụng danh nghĩa hoạt động báo chí, như một số nhà báo cố tình vi phạm tính chân thực, khách quan để thực hiện hành vi trục lợi, tống tiền doanh nghiệp, đe dọa các cá nhân có vị trí công tác có những việc làm không minh bạch, hay có hành vi lừa đảo người dân và các tổ chức… Cụ thể của sự suy thoái trên, những năm gần đây, trên cả nước xảy ra không ít vụ vi phạm pháp luật khi nhiều cá nhân lấy danh nghĩa người làm báo đi săn tìm những doanh nghiệp được cho là có sai sót trong thi công công trình, hay sản xuất kinh doanh có vấn đề, để tìm cách gạ gẫm, hù dọa buộc doanh nghiệp phải chung chi nếu không sẽ viết bài đăng báo…
1.jpgTang vật vụ án lợi dụng danh nghĩa nhà báo để tống tiền doanh nghiệp ở Thanh Hóa, tháng 10/2018. (Ảnh: TTXVN)

 

 
Trước thực trạng trên, buộc các cơ quan chức năng vào phải cuộc can thiệp và đã có không ít vụ “tống tiền doanh nghiệp” bị cơ quan Công an bắt giữ, khởi tố. Ví dụ như mới đây, vào ngày 19/5/2021, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hà Tĩnh đã khởi tố, bắt tạm giam đối Đinh Bảo Trung (32 tuổi, trú quán Phường Nguyễn Du, TP. Hà Tĩnh) và Nguyễn Quốc Khánh (37 tuổi, trú quán  phường Bắc Hồng, thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh) để điều tra về hành vi cưỡng đoạt tài sản. Theo cơ quan công an, thời gian gần đây, Trung thu thập thông tin viết bài có nội dung phản ánh liên quan đến chất lượng công trình đường cứu hộ, cứu nạn đoạn qua huyện Lộc Hà của một công ty xây dựng có trụ sở ở TP. Hà Tĩnh đang thi công. Sau khi bài viết này được đăng trên Tạp chí điện tử TTV, Trung xưng là phóng viên, gửi bài báo cho anh B nhân viên công ty xây dựng có liên quan đến bài viết. Anh B đã báo cáo lãnh đạo công ty và liên lạc với Trung nhờ giúp gỡ bài thì Trung yêu cầu phải đưa 45 triệu đồng. Khi lãnh đạo công ty này đưa tiền cho Trung trên xe ô tô, Trung đã bị Công an Hà Tĩnh bắt quả tang ngay sau đó. Mở rộng điều tra, Công an tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục bắt giữ Phan Văn Minh (30 tuổi) và Lê Đức Hiệp (31 tuổi, cùng trú huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh), để điều tra về hành vi cưỡng đoạt tài sản.
2.jpgThời gian gần đây, không ít người làm báo vi phạm pháp luật bị Công an bắt giữ - Ảnh minh họa.

 

 

 
Trước đó, vào ngày 27/10/2020, Công an tỉnh Đắk Nông bắt giữ và khởi tố Trưởng Văn phòng Đại diện và phóng viên tạp chí Thương hiệu và Pháp luật tống tiền doanh nghiệp cũng là một điều đáng buồn cho sự suy thoái đạo đức nghề nghiệp. Theo cơ quan Công an, ông Nguyễn Thanh Hải có giấy giới thiệu là Trưởng đại diện Tạp chí điện tử Thương hiệu và Pháp luật khu vực Nam Trung Bộ - Tây Nguyên; còn ông Trần Bá Nhật được giới thiệu là phóng viên của tạp chí này. Theo điều tra ban đầu, ông Hải đã thực hiện bài viết phản ánh tiêu cực tại một doanh nghiệp xăng dầu ở địa bàn huyện Tuy Đức (Đắk Nông). Sau khi bài viết được đăng, ông Hải “gợi ý” doanh nghiệp đưa 150 triệu đồng để bỏ qua, không phản ánh tiếp trên tạp chí này nữa.
 
Cũng thời gian gần đây, vào tháng 7/2020, Công an tỉnh Bắc Giang đã thi hành lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp, ra Quyết định tạm giữ đối với 2 đối tượng: Trần Tuyết Nhung - nguyên phóng viên  của Tạp chí Môi trường và Sức khỏe, nguyên phóng viên tập sự tại Tạp chí Môi trường và Đô thị; và Bùi Thị Xuân - phóng viên Tạp chí Môi trường và Sức khỏe. Hai phụ nữ này liên quan đến vụ Trần Trọng Lâm (Phó Trưởng ban Báo Sức khỏe và Đời sống) cưỡng đoạt 210 triệu đồng của một phòng khám trên địa bàn tỉnh Bắc Giang…
3.jpgLợi dụng danh nghĩa nhà báo tống tiền doanh nghiệp, họ là những “con sâu làm rầu nồi canh”, làm xấu đi hình ảnh của những người làm báo chân chính - Ảnh minh họa.
 
Bên cạnh sự suy thoái đạo đức nghề nghiệp để trục lợi bằng các thủ đoạn tống tiền doanh nghiệp còn có một số người làm báo lại suy thoái luôn cả tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Điển hình trong đó là nhà báo Phan Bùi Bảo Thy, Trưởng văn phòng đại diện miền Trung - Tây Nguyên của Báo Giáo dục và Thời đại. Ngày 10/2/2021, Công an tỉnh Quảng Trị đã khởi tố, bắt tạm giam ông Thy để điều tra làm rõ hành vi lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Liên quan đến vụ việc trên, Công an tỉnh Quảng Trị cũng đã khởi tố và bắt giam ông Lê Anh Dũng (56 tuổi, quê tỉnh Quảng Trị, trú tại TP.HCM) vì hành vi lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
 
Theo Công an tỉnh Quảng Trị, thời gian vừa qua, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều tài khoản Facebook như “Thu Hà”, “Hoàng Lê” và các fanpage “Lý Dương Tú”, “Quảng Trị 357”, “Quảng Trị 246”... đăng tải nhiều bài viết, hình ảnh, video... có nội dung nói xấu, bôi nhọ, xúc phạm đến uy tín, danh dự của cá nhân, trong đó có một số đồng chí lãnh đạo tỉnh, bộ, ngành ở Trung ương, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, danh dự của cá nhân các đồng chí lãnh đạo cũng như vai trò, vị trí, chức năng của các cơ quan Nhà nước trong một thời gian dài.
 
Trước tình hình đó, Công an tỉnh Quảng Trị đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ xây dựng kế hoạch đấu tranh ngăn chặn. Sau một thời gian triển khai, cơ quan chức năng đã tổ chức khám xét đối với Lê Anh Dũng, qua đó phát hiện nhiều tài liệu liên quan. Từ lời khai của Dũng, Công an tỉnh Quảng Trị đã tiến hành khám xét khẩn cấp nơi ở của Phan Bùi Bảo Thy. Qua quá trình đấu tranh khai thác, Phan Bùi Bảo Thy khai nhận đã cùng Lê Anh Dũng soạn thảo nhiều bài viết có nội dung nói xấu, bôi nhọ cá nhân các lãnh đạo và cho đăng tải lên mạng xã hội.
 
4.jpgĐiều đáng buồn cho sự suy thoái đạo đức nghề nghiệp khi người làm báo vi phạm pháp luật - Ảnh minh họa.

 

 
Trên đây chỉ là một số ví dụ vụ việc điển hình về sự suy thoái đạo đức của người làm báo. Họ là những “con sâu làm rầu nồi canh”, làm xấu đi hình ảnh của những người làm báo chân chính. Bởi, trên thực tế, đại đa số nhà báo đều hành nghề đúng pháp luật quy định và có đạo đức nghề nghiệp trong sáng. Chính vì vậy, báo chí mới phát triển vững mạnh và thu hút được niềm tin của công chúng như hiện nay. Tuy nhiên, trong suốt quá trình phát triển của chặng dài lịch sử báo chí vẫn còn một số người cầm bút, mang danh “nhà báo” nhưng lại vi phạm pháp luật là một điều đáng tiếc.
 
Theo đánh giá chung, mặc dù số người làm báo hiện nay suy thoái đạo đức nghề nghiệp chỉ là số ít, nhưng len lõi vào trong đó vẫn còn những người làm báo vi phạm pháp luật đã làm ảnh hưởng không nhỏ tới hình ảnh đẹp đẽ của đội ngũ làm báo nói chung, nhất là đối với những người làm báo chân chính. Đồng thời, làm giảm sút niềm tin của công chúng vào những người cầm bút luôn giữ trong mình tinh thần trách nhiệm, thái độ nghiêm túc đối với công việc. Chính vì vậy, mỗi nhà báo chúng ta phải tự thấy vai trò và trách nhiệm của mình đối với xã hội, thường xuyên trau dồi phẩm chất, đạo đức, lối sống, kiên quyết loại bỏ tư tưởng lệch lạc, tha hóa, biến chất, quyết giữ gìn “mắt sáng, lòng trong, bút sắc”.
 
Bài 3: Cam go trên mặt trận chống tham nhũng, tiêu cực
 
 
 
 
Xuân Hoàng
Ý kiến bạn đọc
  • Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hàng ngàn người đổ về thị trấn Sông Đốc (Trần Văn Thời - Cà Mau) để xem cuộc đua vỏ lãi kỳ thú. Thị trấn ven biển này cũng là nơi 70 năm trước diễn ra sự kiện tập kết ra Bắc lịch sử.

  • Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Hòa cùng không khí cả nước, chào mừng 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/1982 - 20/11/2024, tri ân sự đóng góp, hy sinh của thầy, cô giáo - những “Người lái đò” thầm lặng, đưa nhiều thế hệ học trò đến với bến bờ tri thức.

  • Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.

Top