Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 13 tháng 6 năm 2021 | 3:11

NGHỀ BÁO, bản lĩnh và thách thức

Nhiều người nghĩ rằng, làm nghề báo sướng vì được đi nhiều nơi, được tận hưởng nhiều thứ, được biết nhiều điều… Thậm chí, có người còn cho rằng làm nghề báo nhiều người nể sợ, lại giàu có?!

Còn tôi, người trong cuộc với thâm niên hàng chục năm trong nghề, lại nghĩ rằng, nghề báo là nghề vinh quang nhưng cũng đầy nguy hiểm, áp lực và cám dỗ. Chính từ lẽ đó, đòi hỏi người làm báo phải có bản lĩnh mới chiến thắng được những thách thức và sự cám dỗ…!

 
Bài 1: Nhọc nhằn, nguy hiểm nhưng rất vinh quang
 
Nghề báo là một trong những nghề vất vả, nguy hiểm nhưng cũng rất vinh quang. Nghề báo cũng rất khắt khe chọn người, nên người theo nghề báo cần hiểu được giá trị cao quý ấy, luôn tự hào với những vinh quang để vượt qua những thách thức vốn có. 

Làm nghề báo không những đòi hỏi người làm báo phải có phẩm chất đạo đức tốt, tác phong nhanh nhạy, yêu nghề, có năng khiếu viết, biết nhạy cảm với các vấn đề xã hội và quan hệ ngoại giao tốt mà còn đòi hỏi người làm báo phải có bản lĩnh, không ngại khó, ngại khổ, không quản ngày đêm, thời gian, giờ giấc và đặc biệt phải dũng cảm dám xông pha, sẵn sàng đối mặt với mọi thách thức trong mọi tình huống hiểm nguy…

1.jpg
11.jpgCùng Hội Nhà báo Việt Nam và các nhà hảo tâm ở Hà Nội tham gia cứu trợ đồng bào Hà Tĩnh bị thiệt hại lớn do lũ trong cơn bão số 9/2016.
 

Đặc biệt, ngoài những đòi hỏi trên, người làm báo cần ý thức được nghề báo là nghề cao quý, đầy trách nhiệm, nhiều khó khăn, nguy hiểm nhưng rất vinh quang. Mỗi tác phẩm được “ra đời” có khi phải đổi bằng cả mồ hôi và nước mắt, thậm chí có nhiều tác phẩm phải đánh đổi bằng cả tính mạng của chính bản thân mình và gia đình. Từ đó, chúng ta cần hiểu rằng, người làm báo không những chỉ là tác giả của mỗi bài viết và cũng là độc giả khi đón nhận góc nhìn đa chiều của xã hội.

Chẳng hạn, một bài báo được nhà báo viết đúng thực tế, chân thật nhưng đôi lúc lại phải trả cái giá đắt, thậm chí có khi phải đổi cả bằng máu, cho nên phải nói rằng: “không phải lúc nào sự thật cũng an toàn”. Nhưng với quan điểm chung, nhà báo ngoài chịu trách nhiệm chính về bài viết của mình, viết phải đúng sự thật, trung thực, khách quan. Nhà báo còn phải mang nặng trách nhiệm trước xã hội và độc giả của mình. Bởi mỗi bài báo viết ra không chỉ đơn thuần mang tính thời sự nhằm đáp ứng nhu cầu tin tức của độc giả mà họ còn canh cánh trong lòng sự định hướng, giáo dục và tác động của dư luận.

2.JPGĐại diện các hộ gia đình bị thu hồi đất xây chợ phía Nam thị trấn Chư Sê (Gia Lai) năm 2012 làm việc với phóng viên, đây là dự án tốn nhiều giấy mực, kéo dài nhiều năm nhưng thu lại được số tiền thất thoát không nhỏ.
 

Đơn thuần bài báo viết “khen” thì có lẽ không sao, nhưng viết phê bình, phản ánh những cái tồn tại, cái xấu, cái sai của các tổ chức, cá nhân hay cơ quan, đơn vị nào đó cho dù viết đúng đến 100% đi nữa, nhà báo cũng không thể tránh khỏi sự mất lòng, dẫn đến bị hù dọa hoặc thậm chí trả thù… Hay, có những tổ chức, cá nhân còn “sử dụng lực lượng bè phái, lợi ích nhóm” bằng mọi thủ đoạn để đưa những thông tin của nhà báo, tờ báo lên bôi nhọ trên mạng xã hội nhằm làm giảm uy tín của nhà báo và tờ báo với mục đích gây hoang mang dư luận, giảm “sức nóng” của những bài viết mà nhà báo đã phản ánh.

Thậm chí, có những nơi còn dùng “thế lực của mối quan hệ”, kể cả đồng tiền, để tạo nên một “sức mạnh” khi sẵn sàng “ép” các cơ quan chức năng quản lý tìm cách gây khó dễ hoạt động của nhà báo, tờ báo khi cho rằng “tôn chỉ, mục đích” của tờ báo ngành nào thì viết ngành đó chứ không được viết phản ánh những cái sai, cái xấu hay những vấn đề tiêu cực được phát hiện trong xã hội mà “trái” với ngành mình, mặc dù những bài viết phản ánh đó được nhà báo viết đúng. Chính từ đó, mà có nhiều người tự hỏi: “Nhà báo có công hay có tội”?

Cũng ở góc độ này, tôi cho rằng, “tôn chỉ, mục đích” được đăng ký là việc cơ quan chức năng mong muốn cơ quan báo chí tập trung chuyên sâu vào lĩnh vực chuyên môn của mình nhưng cũng không vì thế mà sao nhãng chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm trong công tác phòng chống tham ô, tham nhũng và các vấn đề tiêu cực trong xã hội.
3.jpgThực hiện phóng sự điều tra “Nhiều oan sai trong vụ án trốn thuế ở Khánh Hòa” năm 2016.
 
Bên cạnh đó, chúng ta cần hiểu rằng, trách nhiệm trong công tác phòng chống tham ô, tham nhũng và các vấn đề tiêu cực trong xã hội là của cả xã hội, trong đó có tất cả các cơ quan báo chí. Đây mới là “tôn chỉ, mục đích” cao nhất của báo chí cách mạng Việt Nam. Việc này, trong các văn kiện, bài nói, bài viết của các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước, Chính phủ nước ta đều nói rõ và luật pháp cũng như vậy. Tôi chỉ đơn thuần nêu ra ví dụ điển hình đó là vụ đại án Phan Văn Anh Vũ (Vũ nhôm), từ những bài viết của Tạp chí Giao thông vận tải đã đưa ra ánh sáng hàng loạt quan chức cấp cao TP. Đà Nẵng và nhiều quan chức cấp cao thuộc Trung ương quản lý phải chịu trách nhiệm trước pháp luật… 

Còn tôi, tôi đến với nghề báo bằng một chữ “duyên”. Là một cán bộ tuyên huấn trong Quân đội, tôi may mắn thường xuyên được tiếp xúc với các nhà báo, khi thì dẫn đường đưa nhà báo xuống các đơn vị cơ sở để viết bài, khi thì chuẩn bị nội dung để đơn vị cung cấp thông tin cho nhà báo… Trong số đó nhà báo Hồng Vân (Báo Quân khu 5) đã động viên tôi viết bài cộng tác. Được chị động viên, sửa bài, đăng bài, tôi đã “say” với nghề viết báo. Ngoài công việc chính ở cơ quan phải hoàn thành, hễ nghe tin gì ở đâu tôi đều xách máy ảnh chạy ngay để đưa tin, viết bài… Thấy tôi quá say mê viết báo, nhà báo Hồng Vân đã đề nghị Thủ trưởng Quân khu cử tôi tham dự lớp bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí toàn quân, vậy là nghề đã chọn tôi khi hoàn thành lớp tập huấn được Tổng Biên tập Báo Biên phòng xin Bộ Quốc phòng điều động tôi về Báo Biên phòng công tác.

4.jpgCác cựu cán bộ, đảng viên xã Phù Lưu Tế (Mỹ Đức, Hà Nội) trong vụ tố cáo kẻ đào ngũ trốn về quê nhưng “bỗng dưng” trở thành thương binh gây bất bình dư luận.

 

Với sự nỗ lực của bản thân, và sự giúp đỡ của đồng nghiệp, qua năm tháng tôi trưởng thành rất nhiều, yêu nghề và luôn gắn bó với nghề báo. Đặc biệt, tôi luôn được Tổng biên tập Báo Biên phòng tin tưởng giao nhiệm vụ với nhiều trọng trách khác nhau và tôi luôn hoàn thành. Hàng chục năm trong nghề, tôi không thể nhớ hết những chuyến đi, những đề tài, bài viết mà mình đã thực hiện khắp cả khu vực Tây Nguyên, miền Đông Nam bộ, Tây Nam bộ, Bắc Trung bộ và một số tỉnh phía Bắc… Trong số đó có nhiều đợt tác nghiệp không thể nào quên đó là những chuyến điều tra độc lập ở địa bàn các huyện Chư Sê, Đức Cơ, Đăk Đoa, Krông Pa, Tp. Pleiku… thuộc tỉnh Gia Lai. Ở các địa phương này, tôi đã có khá nhiều bài phóng sự điều tra đã phản ánh trung thực vấn đề  giúp các cơ quan quản lý Nhà nước thu hồi số tiền không nhỏ. Bên cạnh việc thu hồi tiền, hiện vật, những bài viết của tôi đã đưa ra ánh sáng không ít cán bộ thoái hóa tư tưởng, đạo đức, lối sống, tham ô, tham nhũng bị xử lý kỷ luật, đồng thời giúp nhân dân lấy lại được công lý, từ đó đã tạo được niềm tin tuyệt đối của nhà báo, tờ báo với chính quyền và nhân dân nơi đây.

Hay như những chuyến tác nghiệp đầy gian nan ở khu vực biên giới Tây Nam trong đợt tình hình biên giới Tây Nam bất ổn, rồi những chuyến tác nghiệp ở Khánh Hòa, Thừa Thiên - Huế, Quảng Bình, Bắc Ninh, Mỹ Đức (Hà Nội) và gần đây là ở Hà Tĩnh… Quá trình tác nghiệp, tôi đã không ít lần bị hù dọa, thậm chí có nhiều vụ việc khi tôi đang xác minh, tìm hiểu còn bị đối tượng thuê “dân xã hội” tìm xử lý, nhưng tôi may mắn thoát nạn nhiều lần. Thậm chí, nhiều lần có đối tượng còn nhắn tin, gọi điện đe dọa trả thù tôi và cả gia đình nhưng không thể khuất phục được bản lĩnh của người làm báo, để rồi cái kết cuối cùng là vụ việc được đưa ra ánh sáng và công lý được thực thi. Chưa nói đến, có những vụ việc không hù dọa được thì chuyển hướng mua chuộc nhưng đồng tiền đã không thể lung lay ý chí, bản lĩnh của người làm báo chuyên lĩnh vực điều tra có nền tảng rèn giũa thâm niên trong môi trường quân ngũ như tôi và nó mãi theo tôi đến tận bây giờ khi tôi đã chuyển về công tác tại Tạp chí Kinh tế nông thôn.

5.jpgBà Chu Thị Thái và ông Nguyễn Đình Diệu trực tiếp đến Văn phòng Đại diện Bắc Trung bộ (Kinh tế nông thôn) phản ánh và tố cáo những sai phạm của Sở LĐTBXH tỉnh Hà Tĩnh liên quan đến công tác tuyển dụng viên chức thiếu khách quan, minh bạch.
 

nghề báo thực sự là nghề nguy hiểm. Bởi, bây giờ chống tiêu cực không dễ dàng vì nhà báo phải đối mặt với những thế lực vừa có tiền vừa có quan hệ. Đặc biệt, đôi khi họ còn sử dụng mối “quan hệ” để bảo vệ những sai phạm.

Chính những khó khăn, thách thức như vậy, là người thực tế trong nghề, tôi nghiệm ra rằng, nghề báo đòi hỏi nhà báo phải có tính kiên nhẫn, bình tĩnh, xử lý khéo léo mọi tình huống và đặc biệt phải vượt qua được sự cám dỗ của đồng tiền, luôn giữ vững niềm tin, tâm thế, sức mạnh, tiếp tục rèn “bút sắc”, giữ “lòng trong”. Đồng thời, phải có nhãn quan chính trị sắc bén vừa góp phần chống tiêu cực nhưng phải kịp thời tuyên truyền các chính sách của Đảng, Nhà nước và địa phương, kịp thời lan tỏa những hành động đẹp, việc làm tốt, cổ vũ phong trào thi đua yêu nước, cùng góp sức dựng xây, phát triển kinh tế - xã hội vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Luôn xứng đáng với niềm tin tưởng của Bác Hồ kính yêu: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sỹ cách mạng, người cách mạng gặp khó khăn thì phải đánh thắng khó khăn…”.

Và lời căn dặn của Bác: “Việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh”.

Đây cũng yêu cầu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị khóa XII về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, triển khai Kết luân số 01 của Bộ Chính trị khóa XIII về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 05.

Tổng Bí thư yêu cầu tập trung làm tốt 3 vấn đề: Học tập, Làm theo Bác và Nêu gương của cán bộ, đảng viên. Chống tiêu cực không có vùng cấm, không có hạ cánh an toàn. Nhiệm vụ của báo chí là rất quan trọng, làm sao cho xứng niềm tin của Đảng, sự tin cậy của nhân dân.
 
Bài 2: Sự suy thoái đạo đức của một số người làm báo
 
 
Xuân Hoàng
Ý kiến bạn đọc
Top