Đó là thông tin được ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết tại Hội nghị phát triển thị trường BĐS an toàn, lành mạnh, bền vững diễn ra chiều 14/7.
Nhà ở xã hội cho thuê còn thấp
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, đối với phát triển nhà ở xã hội, giai đoạn 2016-2020, Hà Nội đã triển khai được 1,25 triệu m2 sàn, chiếm khoảng 27,17% so với cả nước. Hiện nay đang triển khai khoảng 4,14 triệu m2 sàn.
Các khu nhà ở xã hội của Hà Nội được đầu tư xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo quy hoạch, gắn với phát triển đô thị, chỉnh trang đô thị và đầu tư với nhiều hình thức đa dạng từ các nguồn lực xã hội. Ngoài ra, Hà Nội còn triển khai nghiên cứu thí điểm mô hình khu nhà ở xã hội tập trung với quy mô lớn, hạ tầng đồng bộ.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được nêu trên, công tác phát triển, quản lý nhà ở xã hội trên địa bàn thành phố Hà Nội còn một số tồn tại, hạn chế như: diện tích sàn nhà ở xã hội đạt tỷ lệ thấp so với tổng số diện tích sàn nhà ở đã phát triển trên địa bàn, mới đáp ứng được một phần nhu cầu về nhà ở xã hội của người dân; Tỷ lệ căn hộ nhà ở xã hội dành để cho thuê còn thấp (khoảng16% tổng số căn hộ nhà ở xã hội hoàn thành);
Các dự án nhà ở xã hội có quy mô nhỏ lẻ, chủ yếu tập trung tại một số quận nội thành gây áp lực nên hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của khu vực; nguồn lực tài chính của thành phố để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội từ nguồn vốn ngân sách còn hạn chế.
Nguyên nhân là do cơ chế chính sách ưu đãi hiện hành của pháp luật chưa đủ hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư tham gia phát triển nhà ở xã hội, nhất là nhà ở xã hội cho thuê. Nguồn vốn tín dụng dành để cấp bù lãi suất cho các chủ đầu tư dự án và các đối tượng được ưu đãi vay để mua, thuê mua nhà ở xã hội (trong đó có công nhân khu công nghiệp) vẫn còn thiếu…
Nhu cầu nhà ở xã hội lớn
Theo kết quả rà soát nhu cầu nhà ở xã hội trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn sau năm 2020 rất lớn khoảng 6,8 triệu m2 sàn nhà. Để đáp ứng nhu cầu nêu trên, thành phố Hà Nội đang tập trung chỉ đạo tập trung hoàn thành 19 dự án với khoảng 1,2 triệu m2 sàn nhà ở có khả năng hoàn thành giai đoạn 2021-2025; tiếp tục đẩy nhanh tiến độ triển khai 38 dự án còn lại dự kiến hoàn thành giai đoạn sau năm 2025; triển khai 5 khu nhà ở độc lập và tiếp tục nghiên cứu triển khai các khu nhà ở xã hội khác.
Để đạt được mục tiêu trên, thành phố Hà Nội tập trung một số giải pháp.
Nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh quy định pháp luật về nhà ở xã hội (điều chỉnh Luật Thủ đô) như: Được phép chủ động bố trí quỹ đất 20% để xây dựng nhà ở xã hội tại các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại thay thế ở vị trí khác.
Tỷ lệ căn hộ nhà ở xã hội dành để cho thuê còn thấp.
Thành phố Hà Nội không phát triển nhà ở xã hội là nhà ở liền kề thấp tầng; được sử dụng nguồn tiền thu được từ quỹ đất 20%, 25% tại các dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu đô thị để hỗ trợ, cho vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội.
Triển khai mô hình xây dựng một số khu nhà ở xã hội tập trung, có quy mô diện tích đất lớn, đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Rà soát quy hoạch các khu công nghiệp để bố trí quỹ đất xây dựng nhà ở cho công nhân một cách hợp lý.
Đa dạng hóa nguồn lực đẩy mạnh việc phát triển nhà ở xã hội phục vụ công nhân; ưu tiên bố trí quỹ đất, bố trí kinh phí từ nguồn tiền thu được từ quỹ 20%, 25% tại các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại (bao gồm cả khu đô thị, khu chức năng đô thị) để đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp trên địa bàn.
Cân đối, bố trí nguồn vốn từ ngân sách để thực hiện chuẩn bị đầu tư phục vụ đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư thực hiện dự án theo quy định của pháp luật hiện hành. Thực hiện cho vay ưu đãi để hỗ trợ nhà ở xã hội cho các đối tượng theo quy định tại Điều 49, 50 Luật Nhà ở.
Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính nhằm đẩy nhanh tiến độ phê duyệt, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp và người dân tích cực tham gia phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân…
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy khẳng định, dù thực hiện theo Luật Đất đai hay theo cơ chế thí điểm của Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất, tất cả các dự án đó đều phải tuân thủ quy hoạch, bảo đảm việc giữ ổn định 3,5 triệu ha đất lúa, bảo đảm độ che phủ rừng...
Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản sẽ hiệu lực từ ngày 1/8, sớm 5 tháng so với thời điểm đã được Quốc hội quyết định trước đó (1/1/2025), sẽ giúp khơi thông nguồn lực đất đai, tạo điều kiện cho nền kinh tế đất nước phát triển và đảm bảo các chính sách an sinh xã hội cho người dân.