Bờ sông ở nhiều tỉnh tại ĐBSCL đang bị sạt lở nghiêm trọng. Trong đó, An Giang và Trà Vinh đã phải ban bố tình huống khẩn cấp về tình trạng sạt lở đối với một số bờ sông, đê bao ven sông. Qua đây cho thấy diễn biến của BĐKH ngày một phức tạp.
Bờ sông Ô Môn sạt lở dài 60m
Mới đây, xảy ra vụ sạt lở bờ trái sông Ô Môn, đoạn qua khu vực Thới Trinh B thuộc phường Thới An (Ô Môn - Cần Thơ). Điểm sạt lở dài khoảng 60m, ăn sâu vào bờ khoảng 4m, làm sụp tuyến đường giao thông ven sông Ô Môn. Một đoạn đường bê tông rộng khoảng 3m bị đứt gãy hoàn toàn, một phần còn nằm trên bờ, phần còn lại chìm dưới sông.
Người dân ở đây cho biết, tại khu vực trên có dấu hiệu sạt lở nhiều tháng qua và đã được gia cố bằng cách đóng cừ tràm, thả bao cát… Tuy nhiên, sau trận mưa chiều 26/6 thì xảy ra tình trạng sạt lở nghiêm trọng. Sau khi thiên tai xảy ra, chính quyền địa phương đã cho rào chắn, cảnh báo người dân đến gần khu vực sạt lở, tránh nguy hiểm có thể xảy ra. Các hộ dân sinh sống ở đây đã tiến hành đốn hạ cây xanh dọc theo tuyến đường, bờ sông nhằm giảm tải, hạn chế sạt lở.
Bà Trần Thị Hồng, ở khu Thới Trinh B, phường Thới A, tâm sự: Chúng tôi mong Nhà nước sẽ sớm có giải pháp để khắc phục điểm sạt lở, khôi phục con đường để người dân đi lại, buôn bán thuận tiện như trước. Hiện đường đã mất, để đi ra trung tâm quận Ô Môn phải đi vòng xa, rất bất tiện.
Ông Lê Việt Sĩ, Chủ tịch UBND quận Ô Môn cho biết, tuyến sông Ô Môn (phía bờ trái), đoạn đi qua phường Thới An và phường Thới Hoà với chiều dài khoảng 5 km, thường xuyên xuất hiện sạt lở và nguy cơ sạt lở rất cao. Trong đó, có nhiều điểm sạt lở đặc biệt nguy hiểm, ảnh hưởng đến việc đi lại, sinh hoạt, nhà cửa của người dân.
Các ngành chức năng thành phố Cần Thơ đã lập dự án xây dựng kè và đưa vào danh mục công trình xây dựng khẩn cấp để phòng chống sạt lở. Tuy nhiên, nguồn kinh phí của địa phương còn hạn chế nên cần sự đầu tư, hỗ trợ của bộ, ngành Trung ương để triển khai.
Liên quan đến tình trạng sạt lở trên sông Ô Môn, cuối tháng 5 vừa qua, Chi cục Thuỷ lợi (Sở Nông nghiệp và PTNT thành phố Cần Thơ) đã khởi công xây dựng tuyến kè chống sạt lở sông Ô Môn phía bờ phải, đoạn từ bến đò Rạch Vàm đến bến đò Tầm Vu với chiều dài 950m. Công trình có vốn đầu tư hơn 114 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành sau 22 tháng thi công.
Ban bố tình huống khẩn cấp sạt lở bờ Đông sông Châu Đốc
Chủ tịch UBND tỉnh An Giang vừa ký Quyết định ban bố tình huống khẩn cấp sạt lở bờ Đông sông Châu Đốc tại tổ 44, ấp An Thạnh, thị trấn An Phú, huyện An Phú. Tỉnh An Giang yêu cầu UBND huyện An Phú theo dõi diễn biến sạt lở, kịp thời di dời người dân, tài sản ra khỏi khu vực có nguy cơ sạt lở đặc biệt nguy hiểm; thông báo, cắm biển cảnh báo sạt lở, rào chắn không cho người, phương tiện vào khu vực có nguy cơ sạt lở; phối hợp các đơn vị bố trí lực lượng trực canh theo dõi chặt chẽ diễn biến sạt lở và giữ gìn an ninh trật tự khu vực.
Sở Giao thông Vận tải phối hợp với công an tỉnh và các đơn vị liên quan tổ chức phân luồng, điều tiết giao thông qua khu vực sạt lở; khẩn trương lựa chọn đơn vị tư vấn, nhà thầu thi công có đủ năng lực, kinh nghiệm, tổ chức lập phương án xử lý khẩn cấp; huy động lực lượng, vật tư khẩn trương xử lý theo quy định của pháp luật.
Theo Sở Nông nghiệp và PTNT An Giang, tình trạng sạt lở trên địa bàn huyện An Phú diễn biến phức tạp trong những năm gần đây, đe dọa đến tính mạng, tài sản người dân sinh sống trong khu vực. Từ năm 2018 đến nay, trên địa bàn huyện đã xảy ra khoảng 45 vụ sạt lở, rạn nứt, sụp lún bờ sông, kênh, rạch, với tổng chiều dài 2.514 m, khiến 92 căn nhà phải di dời.
Đặc biệt, tại khu vực trên, ngày 5/6/2021 xảy ra sạt lở với chiều dài 70 m, ăn sâu vào đất liền 15 m, từ điểm sạt lở đến mé tỉnh lộ 957 khoảng 20 m làm ảnh hưởng đến 6 căn nhà và có khả năng ảnh hưởng đến những hộ dân lân cận trong thời gian tới.
Kết quả đo đạc của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang cho thấy, tại vị trí sạt lở tại tổ 44, ấp An Thạnh, thị trấn An Phú do dòng sông gấp khúc, có hố sâu bất thường, địa hình đáy sông dạng chữ U với độ sâu từ -10 m đến -21,46 m, chiều rộng lòng sông tại đây bị co hẹp còn 110 m trong khi 2 đầu rộng từ 170 m đến 190 m. Phía bờ đối diện đang bồi lắng mạnh, sạt lở tại bờ lõm của đoạn cua cong. Tại vị trí sạt lở xuất hiện lạch sâu có dạng thấu kính, chiều dài 550 m, rộng từ 10 - 80 m và cách bờ thị trấn An Phú từ 30 - 50 m độ sâu ghi nhận -15 m đến -21,46 m.
Nguyên nhân trượt, sạt lở khu vực này được xác định do nằm trên đoạn gấp khúc của sông, dòng chảy uốn cong, chuyển hướng và lệch về phía bờ lõm thị trấn gây xâm thực mạnh, tạo mái bờ dốc đứng gây ra khoét sâu chân bờ dưới dạng hàm ếch, đồng thời phương tiện đường thủy lưu thông, tạo nên sóng gây bào mòn chân bờ.
Ngoài các yếu tố tự nhiên, tình trạng người dân xây dựng nhà cửa, tường kè đôn cao nền lấn sông làm gia tăng tải trọng, không đảm bảo tải trọng giữa nền đất và mái dốc làm tăng nguy cơ sạt lở. Theo dự báo đoạn đường bờ dài 550 m từ cửa hàng vật liệu Quyên Phát đến Nhà máy nước đá Tân Long Hưng, thị trấn An Phú có nguy cơ xảy ra sạt lở trong thời gian tới và nhiều khả năng khoét sâu vào đất liền, đe dọa đến an toàn của tỉnh lộ 957.
Đê bao ven sông ở Trà Vinh sạt lở nghiêm trọng
Hiện, đoạn sông ở thuộc ấp Đức Mỹ A và Mỹ Hiệp A, xã Đức Mỹ, huyện Càng Long đang bị sạt lở nghiêm trọng. Đoạn sông này nằm ở phía sông Cổ Chiên (1 nhánh của sông Tiền) có tổng chiều dài gần 700m, bị sạt vào bờ từ 1-3m, có điểm sạt lở vào sâu gần mất cả thân đê.
Kéo theo đó, nhiều công trình đang bị mất an toàn, đe dọa tính mạng, tài sản của 66 hộ dân trong khu vực ven đê và chân đê. Ngoài ra, khi triều cường dâng cao còn làm thiệt hại, giảm năng suất của 10 ha vườn cây ăn trái, ảnh hưởng đến đời sống của 160 hộ dân trong khu vực.
Nhằm đảm bảo an toàn tính mạng của người dân, UBND tỉnh Trà Vinh đã chỉ đạo ngành nông nghiệp và chính quyền địa phương cắm biển cảnh báo khu vực sạt lở, thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về tình hình sạt lở tại khu vực này, để người dân biết chủ động phòng, tránh. Theo dõi chặt chẽ diễn biến sạt lở, sẵn sàng phương án hộ đê, ứng cứu, hỗ trợ người dân di dời khi sạt lở xảy ra, đảm bảo tuyệt đối an toàn tính mạng và tài sản của người dân. Sở Nông nghiệp và PTNT đề xuất nhanh phương án tổ chức thực hiện dự án khắc phục đoạn sông này.
Trước đó, UBND tỉnh Trà Vinh cũng quyết định công bố tình trạng khẩn cấp khắc phục sạt lở ở 3 đoạn đê bao ven sông Hậu thuộc xã An Quảng Hữu và xã Lưu Nghiệp Anh, huyện Trà Cú và chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương thực hiện các biện pháp khắc phục khu vực đang bị sạt lở.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng sạt lở bờ sông xảy ra ở các tỉnh ĐBSCL. Trước tình trạng biến đổi khí hậu, nước biển dâng và sự tác động của con người, chắc chắn thời gian tới tình hình này còn diễn biến phức tạp. Để chủ động thích ứng, các tỉnh cần có những giải pháp phù hợp với biến đổi khậu, chủ động nguồn lực, vật lực để kịp thời khắc phục khi sạt lở xảy ra, cũng như phân bố, quy hoạch lại nơi ở cho nhưng khu dân cư nằm trong diện có nguy co bị ảnh hưởng để tránh thiệt hại về người và tài sản.
Tối 22/11, tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến Tàu Không số”. Hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số (28/11/1964 – 28/11/2024).
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.