Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 28 tháng 4 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 20 tháng 11 năm 2021 | 20:41

Nhiều địa phương siết chặt pháp lý xử lý nghiêm việc sốt đất ảo, phân lô bán nền, xây dựng trái phép

Vừa qua, ở nhiều tỉnh, thành xảy ra "sốt đất", giá đất tăng vọt với các giao dịch bất thường. Do vậy, nhiều địa phương đã quyết liệt vào cuộc ngăn chặn ngay từ đầu đối với các hành vi vi phạm phân lô bán nền, xây dựng trái phép.

Khánh Hoà ngăn cản tình trạng sốt đất ảo ở huyện Cam Lâm 

Theo Tỉnh ủy Khánh Hòa, thời gian qua, công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại địa phương chưa sát với tình hình thực tế, chưa đáp ứng nhu cầu và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Các địa phương cũng xuất hiện tình trạng vi phạm trật tự xây dựng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, phân lô, bán nền không đúng quy định vẫn xảy ra; công tác thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng đất đai, trật tự xây dựng chưa được thực hiện thường xuyên, các vi phạm xảy ra nhưng chưa được xử lý kịp thời.

20211107152106-40h.jpg
Khánh Hoà siết chặt pháp lý, ngăn cản tình trạng sốt đất ảo ở thủ phủ phân lô tại huyện Cam Lâm.

 

Cá biệt, có địa phương có biểu hiện buông lỏng quản lý đất đai, trật tự xây dựng, làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự, môi trường đầu tư, định hướng phát triển bền vững kinh tế - xã hội của địa phương, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Để kịp thời chấn chỉnh, khắc phục ngay các tồn tại trong thời gian tới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo rà soát toàn bộ văn bản liên quan đến lĩnh vực quản lý đất đai, xây dựng để kịp thời điều chỉnh, bổ sung, thay thế, bảo đảm đúng thẩm quyền và quy định pháp luật hiện hành.

Đối với Huyện ủy, Thị ủy, Thành ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu phải tăng cường chấn chỉnh, siết chặt kỷ luật; tuyệt đối không được buông lỏng trách nhiệm quản lý, kiên quyết xử lý nghiêm theo đúng quy định đối với các trường hợp sai phạm.

Bên cạnh đó, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương chịu trách nhiệm trước cấp ủy, chính quyền cấp trên nếu để xảy ra sai phạm trong công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng thuộc địa bàn quản lý. 

Cán bộ, công chức, viên chức trực tiếp phụ trách, tham mưu công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng nếu có hành vi tiếp tay trục lợi hoặc cố tình vi phạm kể từ sau thời điểm ban hành Chỉ thị số 22 ngày 3/10/2019 thì cần được xem xét trách nhiệm kỹ lưỡng, nghiêm minh hơn, xử lý kỷ luật nghiêm khắc hơn.

Ngoài ra, Tỉnh ủy Khánh Hòa cũng yêu cầu lãnh đạo các cấp chính quyền địa phương tăng cường kiểm soát, rà soát kỹ khi xem xét, giải quyết đối với từng trường hợp cụ thể liên quan đến việc tách, nhập thửa, chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp, đất thương mại, dịch vụ và các loại đất khác sang đất ở.

Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng chuyển đổi mục đích sử dụng đất, phân lô bán nền không đúng quy định pháp luật, vi phạm trật tự xây dựng, đặc biệt là chuyển đổi mục đích đất, phân lô bán nền trái phép có quy mô lớn.

 

Mạnh tay với sai phạm

Bên cạnh việc siết chặt pháp lý, ngăn cản tình trạng sốt đất ảo, tỉnh khánh Hỏa cũng đẩy nhanh tiến độ kiểm tra, xác minh, xử lý các sai phạm tại 2 dự án Ocean View và Sea Park ở Nha Trang.

Cụ thể, đối với Dự án Ocean View Nha Trang, theo Quyết định 2646 ngày 16/10/2009 và điều chỉnh bổ sung năm 2011 của UBND tỉnh Khánh Hòa, dự án Ocean View Nha Trang có 69 lô, mật độ xây dựng 40% - 60% và cao 1-3 tầng, do Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Thiên Nhân II làm chủ đầu tư. 

Từ năm 2018, tỉnh Khánh Hòa đã phát hiện các biệt thự xây dựng trái phép nhưng sai phạm vẫn kéo dài. Đến năm 2019, báo chí phản ánh, cử tri lên tiếng, Hội đồng Nhân dân tỉnh Khánh Hòa nhiều lần chất vấn, cơ quan chức năng xác định dự án có 22 lô xây dựng sai phạm với mật độ 80%-100%, chiều cao nâng lên 5-8 tầng.

Tháng 9/2019, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có quyết định cưỡng chế đối với 13 công trình xây dựng này.

Đến tháng 4/2020, UBND tỉnh Khánh Hòa tiếp tục có văn văn bản yêu cầu hoàn thành việc cưỡng chế, tháo dỡ các công trình vi phạm tại Ocean View Nha Trang trước ngày 30/6/2020 nhưng mọi chuyện vẫn như cũ.

Đến tháng 7/2020, khi Hội đồng Nhân dân tỉnh Khánh Hòa họp, các đại biểu chất vấn về việc cưỡng chế 13 công trình sai phạm thì số công trình vi phạm đã tăng lên 15. Những công trình vi phạm thi công dang dở trước đây nay đã hoàn thiện và có công trình đưa vào sử dụng như khách sạn.

sfd.jpg
Dự án Ocean View Nha Trang do Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Thiên Nhân II làm chủ đầu tư, theo Quyết định 2646 ngày 16/10/2009 và điều chỉnh bổ sung năm 2011 của UBND tỉnh Khánh Hòa, dự án Ocean View Nha Trang có 69 lô, mật độ xây dựng 40% - 60% và cao 1-3 tầng.

 

Đầu năm 2021, UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành 15 quyết định về việc phê duyệt phương án tháo dỡ phần công trình sai phạm tại dự án Khu biệt thự cao cấp Ocean View Nha Trang.

Đối với dự án khu biệt thự Nha Trang - Seapark, mới đây UBND TP Nha Trang đã có văn bản yêu cầu chủ đầu tư là CTCP Phát triển Nhà và Đô thị HUD Nha Trang lập phương án tháo dỡ các công trình xây dựng vi phạm.

Dự án Nha Trang - Sea Park nằm trên núi Hòn Ông thuộc khu dân cư Hòn Rớ, xã Phước Đồng với quy mô 7,7 ha được UBND tỉnh Khánh Hòa cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu tháng 11/2008.

Dự án này đã có 6 căn biệt thự được xây dựng, một số đã hoàn thành đưa vào sử dụng. Qua kiểm tra, TP. Nha Trang phát hiện có 5 căn biệt thự xây vượt tầng so với quy hoạch, sai mật độ xây dựng và hệ số sử dụng đất.

Cụ thể, căn biệt thự tại lô BT01-05 theo quy hoạch được xây 3 tầng, mật độ xây dựng 40%, nhưng chủ đầu tư đã xây 4 tầng nổi, một tầng hầm. Biệt thự ở lô BT03-10 cũng xây vượt một tầng nổi, còn biệt thự ở lô BT03-12 xây vượt một tum thang.

Theo UBND TP. Nha Trang, các căn biệt thự BT01-05, BT03-10, BT01-03 và BT03-14 đều xây dựng vượt hệ số sử dụng đất từ 0,4 đến 0,8.

Trong tình trạng tương tượng như Khánh Hòa, hiện nay tại tỉnh Đồng Nai các sở ban ngành của tỉnh này, cũng đang ráo riết xử lý việc phân lô, bán nền, xây dựng trái phép và kết quả xử lý vi phạm đất đai, xây dựng trên địa bàn.

Theo  báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai trong thời gian qua tổng số vi phạm về đất đai, xây dựng trên địa bàn tỉnh là 1.081 trường hợp. Trong đó, phân lô bán nền có 94 trường hợp, sử dụng đất không đúng mục đích có 388 trường hợp, lấn chiếm đất công 599 trường hợp.

Nguyên nhân dẫn đến những tồn tại, hạn chế trên là do công tác quản lý, đất đai của chính quyền địa phương chưa chặt chẽ, còn lỏng lẻo, chưa chủ động kiểm tra, phát hiện sớm để xử lý kịp thời các vi phạm. 

Bên cạnh đó, tại một số địa phương vẫn để xảy ra nhiều trường hợp lấn chiếm đất công trong thời gian dài chưa xử lý được. Việc xử lý trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan đến các vi phạm về đất đai, xây dựng chưa được nghiêm, chưa cương quyết.

Theo ý kiến của các sở ngành, địa phương, những khu vực có công nghiệp phát triển, đô thị hóa nhanh, thì vi phạm về đất đai nhiều hơn. Vì nhiều người dân từ các tỉnh khác đến Đồng Nai làm việc trong các nhà máy nhu cầu về nhà ở, đất ở rất lớn, trong khi tỉnh có rất ít các dự án nhà ở cho người thu nhập thấp. Do đó, nhiều người lao động đã liều mua đất nông nghiệp xây dựng nhà trái phép để có nơi ở.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Phi cho rằng, muốn giải quyết tận gốc tình trạng vi phạm về đất đai, xây dựng, các sở ngành, địa phương phải phối hợp quy hoạch các dự án nhà ở xã hội, mời gọi nhà đầu tư, triển khai nhanh trong thời gian tới để có căn hộ bán cho người lao động ổn định cuộc sống.

Bên cạnh đó, ngành công an cần điều tra, xử lý thật nghiêm các đối tượng vẽ ra các dự án “ảo” rao bán đất nền trên mạng, bằng tờ rơi để lừa người dân. Các địa phương công khai quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng và phối hợp với báo đài tuyên truyền rộng rãi đến người dân để không bị lừa mua đất nông nghiệp phân lô bán nền.

Trước đó, theo báo chí phản ánh, những dự án phân lô bán nền "ma" mọc lên từ đất nông nghiệp ở phường An Hòa, TP. Biên Hòa (Đồng Nai) nhiều năm qua vẫn chưa được xử lý.

Theo đó, các khu đất này không lập dự án, không đóng thuế đất, không cần xin giấy tờ pháp lý, những "đại gia đất" ở phường An Hòa, TP.Biên Hòa (Đồng Nai) vẫn san lấp mặt bằng, làm đường, trồng cột điện trên diện tích hàng chục nghìn m2 đất nông nghiệp.

Mới đây, Viện KSND tỉnh Đồng Nai cho biết, vừa ra cáo trạng truy tố 6 lãnh đạo của một công ty bất động sản ở Đồng Nai có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức chuyển nhượng đất.

Cụ thể, theo cáo trạng truy tố đối với Đỗ Sơn Tùng (38 tuổi, Giám đốc Công ty CP Bất động sản nhà đất Đồng Nai), Hà Huy Huyền (Giám đốc điều hành), Lê Hữu Trung (Giám đốc truyền thông), Phạm Thành Lộc (Phó Giám đốc tổng hợp), Nguyễn Thành Tâm (Giám đốc Kinh doanh - truyền thông) và Nguyễn Bảo Trân (Giám đốc kinh doanh) về tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

 

Thanh Xuân
Ý kiến bạn đọc
  • Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng hướng đến phát triển bền vững

    Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng hướng đến phát triển bền vững

    Tại Hội nghị Meet The Experts lần thứ 15 với chủ đề “Phát triển bền vững và yếu tố wellness” diễn ra mới đây, các đơn vị, nhân sự, chủ đầu tư đã cùng trau dồi kiến thức chuyên môn, cập nhật thông tin thị trường và xu hướng mới nhất trong ngành bất động sản (BĐS) nghỉ dưỡng vốn gặp nhiều khó khăn trong thời gian qua.

  • Phân khúc văn phòng hạng A được ưa chuộng tại Việt Nam

    Phân khúc văn phòng hạng A được ưa chuộng tại Việt Nam

    Theo báo cáo của Savills, phân khúc văn phòng hạng A trên toàn cầu ghi nhận mức tăng. Tại Việt Nam, phân khúc này tiếp tục là phân khúc được ưa chuộng.

  • TP. Hồ Chí Minh vận dụng cơ chế đặc thù để phát triển nhà ở xã hội

    TP. Hồ Chí Minh vận dụng cơ chế đặc thù để phát triển nhà ở xã hội

    Thực hiện Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh, lãnh đạo thành phố vừa giao Sở Xây dựng rà soát, hệ thống lại nhiệm vụ được giao, tham mưu UBND thành phố ban hành văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành và đơn vị có liên quan thực hiện các nội dung về đầu tư xây dựng nhà ở xã hội quy định tại khoản 3, Điều 6 của Nghị quyết.

Top