KTNT - Tại huyện Mê Linh (Hà Nội), Tổng công ty Đầu tư phát triển và Đô thị (HUD) có tới 3 dự án khu đô thị thì cả 3 đều chậm tiến độ. Nguyên nhân có phải do HUD không đủ năng lực tài chính?
>> Nhiều dự án nhà, khu đô thị chậm tiến độ: Huyện Mê Linh đề nghị thu hồi
>> Sai phạm của Công ty Phúc An Phương: Có phải do buông lỏng quản lý?!
>> Doanh nghiệp coi thường pháp luật, người dân bị đầu độc!
Theo Quyết định của UBND TP.Hà Nội, đến quý II/2015 phải hoàn thành toàn bộ dự án Khu đô thị mới Thanh Lâm - Đại Thịnh 2.
Dự án Khu đô thị mới Thanh Lâm - Đại Thịnh 1 có quy mô 53,57ha, hiện chưa thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng (GPMB) do phải tạm dừng theo thông báo kết luận của UBND TP. Hà Nội từ 1/2009.
Trên cơ sở phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch phân khu đô thị N1, tỷ lệ 1/2000 của UBND TP.Hà Nội, HUD tiếp tục triển khai công tác lập quy hoạch chi tiết 1/500. Ngày 26/4/2011, UBND TP. Hà Nội đã phê duyệt nhiệm vụ Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500.
Hiện nay, dự án đã hoàn thành hồ sơ Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, trình Sở Quy hoạch - Kiến trúc thẩm định. HUD cho biết, sau khi được UBND TP.Hà Nội phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500, Tổng công ty sẽ triển khai các bước tiếp theo theo quy định. Như vậy, trong thời gian hơn 6 năm (từ 4/2011 đến nay), HUD mới hoàn thành hồ sơ Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, hiện đang trình, thẩm định là quá chậm.
Dự án Khu đô thị mới Mê Linh - Đại Thịnh quy mô 136,6ha, hiện chưa thực hiện công tác đền bù, GPMB. Dự án được UBND tỉnh Vĩnh Phúc phê duyệt điều chỉnh địa điểm lập quy hoạch từ tháng 9/2005. Năm 2008, khi huyện Mê Linh sáp nhập vào TP.Hà Nội, chủ đầu tư đã lập quy hoạch trình Sở Quy hoạch - Kiến trúc thẩm định và UBND TP.Hà Nội phê duyệt. Tuy nhiên, UBND TP Hà Nội có ý kiến tạm dừng đợi quy hoạch phân khu N1 phê duyệt.
Ngày 28/02/2013, UBND TP.Hà Nội phê duyệt quy hoạch phân khu N1, tỷ lệ 1/2000. Sau khi quy hoạch phân khu N1 được phê duyệt, HUD tiếp tục triển khai công tác lập quy hoạch chi tiết 1/500.
Ngày 7/6/2016, UBND TP. Hà Nội phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500. Tuy nhiên, sau 9 tháng, ngày 7/03/2017, HUD mới phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu gói thầu quy hoạch chi tiết (điều chỉnh). Đến nay, Dự án vẫn chưa được UBND TP. Hà Nội phê duyệt theo quy định.
Dự án Khu đô thị mới Thanh Lâm - Đại Thịnh 2 có quy mô 55,3ha; tổng mức đầu tư 1.873,021 tỷ đồng. Dự án đã thực hiện công tác đền bù, GPMB từ năm 2005 theo các quyết định phê duyệt phương án của UBND tỉnh Vĩnh Phúc, kinh phí phê duyệt là 15.236.246.902 đồng, với tổng diện tích 551.289,7m2/795 hộ dân bị thu hồi. Tại xã Thanh Lâm, HUD tiến hành chi trả cho 300/301 hộ bị thu hồi đất; xã Đại Thịnh đã chi trả cho 21 hộ.
Tuy nhiên, năm 2008, huyện Mê Linh sáp nhập vào TP.Hà Nội nên có nhiều chính sách về đơn giá bồi thường, hỗ trợ bị thay đổi. Vì vậy, chủ đầu tư không thể tiến hành thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ theo quyết định của UBND tỉnh Vĩnh Phúc. Để giải quyết những khó khăn, vướng mắc tồn tại nêu trên, HUD đã kiến nghị Ban chỉ đạo giải phóng mặt bằng thành phố báo cáo, đề xuất với UBND TP.Hà Nội chấp thuận việc chi trả tiền đền bù, GPMB bổ sung theo quy định của thành phố.
Dự án Khu đô thị mới Thanh Lâm - Đại Thịnh 2 đã chậm 2 năm nhưng đến nay nhiều hạng mục hạ tầng kỹ thuật vẫn chưa được đầu tư xây dựng.
Tuy nhiên, phải đến cuối năm 2013, công tác GPMB của dự án này mới cơ bản hoàn thành (hiện còn 2 hộ chưa GPMB). Theo quyết định của UBND TP.Hà Nội, thời gian hoàn thành toàn bộ dự án là 4 năm (đến quý II/2015). Ngày 03/4/2017, HUD có văn bản gửi UBND TP.Hà Nội đề nghị điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án đến năm 2022. Nhưng đến nay, UBND thành phố chưa cho chấp thuận điều chỉnh dự án. Như vậy, cả về nguyên nhân khách quan và chủ quan, dự án này đã chậm 2 năm nhưng đến nay nhiều hạng mục hạ tầng kỹ thuật vẫn chưa được đầu tư xây dựng.
Về nguyên nhân dẫn tới các dự án chậm tiến độ, HUD cho biết, giai đoạn từ năm 2012 - 2016 thị trường bất động sản trầm lắng, tính thanh khoản thấp; vướng mắc trong công tác GPMB; một số hộ hộ dân chưa nhận tiền bồi thường GPMB do còn có những đề nghị không phù hợp với quy định về công tác bồi thường…
Điều đáng nói là, mới đây, UBND huyện Mê Linh đã đề nghị UBND TP.Hà Nội thu hồi 8 dự án nhà ở/khu đô thị do chậm tiến độ. Thiết nghĩ, UBND TP.Hà Nội cần rà soát lại tất cả các dự án, đồng thời thu hồi các dự án chậm tiến độ để giao cho cho chủ đầu tư khác hoặc chuyển mục đích sử dụng đất hiệu quả hơn.
Hoàng Văn
Bạn đọc khiếu nại, phản ánh, xin liên hệ: Báo Kinh tế nông thôn, 57 Hàng Chuối, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội. Đường dây nóng: 0913516232. E-mail: [email protected] |
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy khẳng định, dù thực hiện theo Luật Đất đai hay theo cơ chế thí điểm của Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất, tất cả các dự án đó đều phải tuân thủ quy hoạch, bảo đảm việc giữ ổn định 3,5 triệu ha đất lúa, bảo đảm độ che phủ rừng...
Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản sẽ hiệu lực từ ngày 1/8, sớm 5 tháng so với thời điểm đã được Quốc hội quyết định trước đó (1/1/2025), sẽ giúp khơi thông nguồn lực đất đai, tạo điều kiện cho nền kinh tế đất nước phát triển và đảm bảo các chính sách an sinh xã hội cho người dân.