Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 9 tháng 5 năm 2024  
Thứ tư, ngày 24 tháng 5 năm 2017 | 10:0

Nhiều dự án được UBND cho chuyển mục đích sử dụng không đấu giá đất: Thất thu ngân sách không nhỏ

Bộ Tài chính vừa có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về rà soát việc sử dụng đất của các doanh nghiệp cổ phần hoá trên địa bàn cả nước. Cụ thể là 60 trường hợp doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp Nhà nước cổ phần được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Công văn này khiến nhiều doanh nghiệp bất động sản (BĐS) và người mua nhà hoang mang.

Công văn của Bộ Tài chính khiến nhiều doanh nghiệp BĐS hoang mang, lo lắng.

Nhiều dự án chưa thực hiện đấu giá đất khi chuyển đổi

Theo công văn của Bộ Tài chính, căn cứ vào báo cáo rà soát của Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính), tính từ ngày 1/7/2014 đến ngày 30/11/2016, cả nước có 60 trường hợp doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp Nhà nước cổ phần được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

“Khi cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước, nhất là những doanh nghiệp Nhà nước đang được cho thuê đất ở những vị trí có giá trị thương mại tại trung tâm thành phố, việc xác định giá trị doanh nghiệp không tính giá trị quyền sử dụng đất vào doanh nghiệp để cổ phần hoá nhưng không thực hiện đấu giá khi cổ phần hoá”, nội dung văn bản của Bộ Tài chính nêu rõ.

Cũng theo văn bản này, việc xác định giá đất để thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất chủ yếu dựa vào kết quả của doanh nghiệp tư vấn nhưng không đầy đủ và chưa sát với giá thị trường.

Bộ Tài chính cho rằng, việc thực hiện sắp xếp lại cơ sở nhà, đất được UBND tỉnh, thành phố cho chuyển mục đích để xây dựng trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê và nhà ở để bán nhưng không thực hiện đấu giá theo quy định tại Luật Đất đai. Cụ thể, theo Luật Quản lý sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp năm 2014: “Việc chuyển nhượng vốn liên quan đến quyền sử dụng đất phải tuân thủ quy định pháp luật về đất đai; việc chuyển nhượng vốn tại công ty cổ phần chưa niêm yết hoặc chưa đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán phải thực hiện đấu giá công khai. Trường hợp đấu giá không thành công thì chào bán cạnh tranh. Trường hợp chào bán không thành công thì thực hiện theo phương thức thỏa thuận”. Cùng với đó, Luật Đất đai 2013 quy định Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất theo hình thức đấu giá quyền sử dụng đất trong các trường hợp: “Đầu tư xây dựng nhà ở để bán, cho thuê, cho thuê mua; giao đất, cho thuê đất đối với đất nhà nước thu hồi do sắp xếp, xử lý trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh mà tài sản gắn liền với đất thuộc sở hữu nhà nước”. 

Để chấn chỉnh, xử lý các tồn tại trong quản lý và sử dụng đất đai, Bộ Tài chính đề xuất Thủ tướng Chính phủ thực hiện kế hoạch thanh tra năm 2017. Theo đó, Thanh tra Chính phủ đã có kế hoạch thanh tra đối với dự án có dấu hiệu không thực hiện đúng mục đích đầu tư, có dấu hiệu vi phạm pháp luật về đất đai và xác định tiền sử dụng đất, tiền thuê đất chưa sát với giá thị trường, làm thất thu ngân sách nhà nước.

Trong danh sách các dự án bị đề nghị thanh tra, có nhiều dự án lớn, thậm chí có những dự án đã đưa dân vào ở khiến nhiều doanh nghiệp và cả người mua nhà như ngồi trên đống lửa.

Thận trọng trước quyết định thanh tra

Theo Hiệp hội BĐS TP. Hồ Chí Minh (HoREA), có nhiều dự án đã hoàn thành, người dân sinh sống ổn định, có dự án đang triển khai thi công, có dự án đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư... nên cần có giải pháp xử lý phù hợp để đảm bảo quy trình chuyển đổi mục đích sử dụng đất đúng pháp luật, xác định giá đất sát giá thị trường, không làm thất thu ngân sách nhà nước, đảm bảo lợi ích chính đáng của nhà đầu tư, nhất là phải tôn trọng và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người mua nhà.

HoREA cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét các đề xuất về hành lang pháp lý, đảm bảo quyền lợi người mua nhà cũng như chủ đầu tư dự án.

Cũng liên quan đến vấn đề này, ngày 28/4/2017, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn 4393/VPCP-ĐMDN truyền đạt ý kiến của Phó thủ tướng Vương Đình Huệ. Theo đó, Chính phủ chỉ đồng ý với kiến nghị thứ hai là: “Bộ Tài chính chuyển danh sách các cơ sở nhà, đất chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện các dự án đầu tư cho Thanh tra Chính phủ tham khảo, phục vụ công tác thanh tra về việc quản lý đất đai theo kế hoạch thanh tra năm 2017 đã được Thủ tướng phê duyệt”. Như vậy, công văn này không đề cập đến việc tạm đình chỉ thi công các dự án theo đề xuất của Bộ Tài chính.

Theo đánh giá của ông Trần Văn Dũng, Tổng giám đốc Công ty Quản lý BĐS Trường Phát, trong bối cảnh thị trường BĐS đang có dấu hiệu chững lại, việc Bộ Tài chính đưa ra những kiến nghị nêu trên là  tin xấu cho thị trường, khiến nhiều doanh nghiệp hoang mang, người mua nhà lo lắng.

Nhằm đảm bảo quyền lợi của khách hàng và chủ đầu tư, HoREA kiến nghị Thủ tướng Chính phủ vẫn cho phép các chủ đầu tư được tiếp tục triển khai thi công dự án với điều kiện chủ đầu tư  phải có văn bản cam kết thực hiện nghĩa vụ tài chính phát sinh (nếu có) đối với dự án sau khi đã có kết luận thanh tra, kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền, để hoàn thành dự án đưa vào sử dụng, tránh lãng phí thời gian và của cải xã hội, đảm bảo quyền lợi của người mua nhà trong dự án. Cùng với đó, người mua nhà đã giao kết và thực hiện hợp đồng mua nhà tại các dự án này, không có lỗi, nên không phải chịu trách nhiệm đối với các nghĩa vụ tài chính phát sinh của chủ đầu tư dự án nếu có.

Thái An


 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top