Nhiều ngày liên tiếp, cứ vào chiều tối và đêm, Hà Nội và các tỉnh Đồng bằng sông Hồng lại rơi vào ô nhiễm nghiêm trọng do tình trạng đốt rơm rạ.
Chất lượng không khí ở mức kém
Hà Nội và các tỉnh miền Bắc đang trong thời kỳ chất lượng không khí tốt nhất năm (tháng 5 đến tháng 8 hàng năm). Tuy nhiên, những ngày qua, cứ vào tối, chất lượng không khí Hà Nội lại giảm đột ngột.
Ví dụ vào 16h chiều ngày 2/6, vẫn có 67/74 điểm quan trắc không khí của hệ thống PAM Air ghi nhận chất lượng không khí ở mức tốt nhưng đến 23h00 đêm 2/6 có tới 40 điểm chất lượng không khí kém và 22 điểm ở mức xấu, cá biệt có những điểm đo, chất lượng không khí lên ngưỡng tím (ngưỡng rất xấu- rất có hại cho sức khỏe mọi người) như điểm đo tại Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Nam Từ Liêm và Hà Đông.
Vào 17h ngày 4/6, tất cả các điểm đô ở cac quận huyện, chất lượng không khí vẫn ở ngưỡng tốt nhưng đến 21h, hầu hết đã chuyển sang kém và xấu.
Không chỉ với nội thành Hà Nội, tình trạng cũng diễn ra tương tự tại vùng ven đô và các tỉnh Đồng bằng sông Hồng, thậm chí các khu vực trên còn ô nhiễm hơn nội đô Hà Nội.
Theo bà Hà Hương, Quản lý dự án PAM Air, nguyên nhân của tình trạng này do hiện tượng đốt rơm rạ sau mùa gặt tại vùng ven đô Hà Nội và các tỉnh Đồng bằng sông Hồng. Xu hướng ô nhiễm xảy ra từ chiều tối, tối đến đêm, buổi sáng thì được cải thiện. “Đây là vấn đề đến hẹn lại lên từ nhiều năm qua nhưng chưa được cải thiện”, bà Hương nói và cho biết thêm, tình trạng ô nhiễm không khí cục bộ, đột ngột tại các điểm đo thường gắn liền với hoạt động đốt ngoài trời không kiểm soát, trong đó có đốt rơm rạ.
Bà Hà Hương cho rằng, tình trạng này sẽ còn tiếp tục trong những ngày tới nếu hoạt động đốt rơm rạ người dân tiếp tục mà không có sự can thiệp của chính quyền địa phương.
Từ ô nhiễm không khí đến gây hại với sức khỏe con người
Báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, sau mỗi vụ thu hoạch, hoạt động đốt rơm rạ đã gây hiện tượng khói mù cho các vùng lân cận. Việc đốt rơm rạ ngoài trời là quá trình đốt không kiểm soát, trong đó sản phẩm chủ yếu là các chất khí bụi, CO2, CO, NOx. Khi rơm rạ cháy không hết có thể tạo ra hợp chất Anđêhit và bụi mịn là những chất gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe con người.
Trước tình trạng đốt rơm rạ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, đại diện Sở Tài Nguyên và Môi trường Hà Nội từng đề xuất, cấm đốt rơm rạ trong dự thảo Luật Bảo vệ Môi trường sửa đổi (vừa được trình Quốc hội).
Chia sẻ về vấn đề này, lãnh đạo Tổng cục Môi trường cho biết, quá trình dự thảo Luật Bảo vệ Môi trường sửa đổi, việc cấm đốt rơm rạ cũng được đề cập đến. Tuy nhiên, sau đó nhiều ý kiến cho rằng, quy định này không phù hợp vì nhiều hộ gia đình nông thôn vẫn dùng rơm rạ làm chất đốt trong sinh hoạt.
Ngoài ra, nhiều đề tài nghiên cứu cho thấy, rơm rạ có thể tận dụng làm nấm, phân hữu cơ. Vì vậy, dự thảo luật tạo cơ sở để các địa phương có chính sách hỗ trợ, khuyến khích để người dân tận dụng rơm rạ nhằm mục đích tái chế, tái sử dụng.
Theo các chuyên gia môi trường, việc xử phạt đốt rơm rạ gây ô nhiễm khó khả thi trong thực tế. Vì vậy, trước hết cần tập trung tuyên truyền nhận thức cho người dân thấy được tác hại của việc đốt rơm rạ với chính bản thân họ. Ngoài ra, có thể thiết lập một đường dây nóng để người dân báo về khi phát hiện ra hoạt động đốt rơm rạ, đốt rác, giúp cơ quan chức năng có biện pháp xử lý kịp thời.
Mất an toàn giao thông từ việc đốt rơm, phơi thóc lúa trên đường bộ
Sau mỗi vụ thu hoạch lúa, nông dân thường xử lý rơm rạ bằng cách đốt ngay tại ruộng. Việc làm này không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn trực tiếp tạo nên hiện tượng mù khói, hạn chế tầm nhìn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn cho người tham gia giao thông.
Nhất là tại một số địa phương ngoại thành Hà Nội như Ứng Hòa, Mỹ Đức, Thanh Oai, Đan Phượng, Sóc Sơn..., tình trạng này diễn tương đối phổ biến. Khói bụi phát sinh từ việc đốt rơm rạ ngay gần đường quốc lộ còn gây mất an toàn giao thông, tiềm ẩn nguy cơ cao xảy ra tai nạn. Đáng nói, khi được hỏi nhiều người dân vẫn chưa ý thức được việc mình làm sẽ gián tiếp gây nguy hiểm cho người đi đường.
Đặc biệt ngày 17/9/2019, Cảng vụ Hàng không miền Bắc đã phải có văn bản đề nghị UBND huyện Sóc Sơn và 5 xã quanh sân bay ngăn chặn việc người dân đốt rơm rạ sau 2 ngày liên tục bị khói từ các đám cháy làm hạn chế tầm nhìn của phi công khi hạ cánh xuống sân bay. Việc nhiều người dân đốt rơm rạ trong mùa thu hoạch phát sinh nhiều khói, tiềm ẩn nguy cơ gây uy hiếp trực tiếp đến hoạt động bay tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài.
Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, ước tính mỗi năm, thành phố phát sinh khoảng 1 triệu tấn rơm rạ và phụ phẩm nông nghiệp, rất nhiều trong số đó bị người dân đốt bỏ trên cánh đồng. Nhiều chuyên gia môi trường cho biết, sau khi rơm rạ bị đốt thành tro thì chất hữu cơ biến thành chất vô cơ, khiến cho đất ruộng bị chai cứng, khô cằn.
Ô nhiễm môi trường từ việc đốt rơm rạ là vô cùng nghiêm trọng. Trong khói đốt rơm rạ có các hạt bụi nhỏ, bồ hóng muội than, khí CO, CO2, SO2, NO2... Khói rơm rạ có tính cay, làm chảy nước mắt, gây kích thích phản ứng ở họng, khiến người hít khói rơm rạ dễ bị ho, ngạt thở. Nếu hít phải loại khói này trong thời gian dài sẽ rất dễ dẫn đến mắc những bệnh liên quan đến hô hấp.
Các chuyên gia cũng khuyến cáo, thay vì đốt rơm rạ ngay trên đồng ruộng, bà con nên thu gom về nhà phơi khô làm nguồn thức ăn sẵn cho trâu, bò. Đối với những gia đình không có trâu, bò, nên sử dụng phương pháp ủ rơm rạ tại ruộng để tận dụng làm nguồn phân bón. Rơm rạ là những phụ phẩm nông nghiệp sau quá trình thu hoạch lúa nếu tận dụng sẽ mang lại rất nhiều lợi ích.
Để chấn chỉnh tình trạng trên, Ban An toàn giao thông thành phố Hà Nội đề nghị UBND các huyện và thị xã Sơn Tây tổ chức tuyên truyền, vận động người dân trên địa bàn không phơi thóc, phơi rơm và các sản phẩm nông nghiệp trên lòng đường giao thông.
Mức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm quy định về sử dụng, khai thác trong phạm vi đất dành cho đường bộ (đối với hành vi phơi thóc, lúa, rơm, rạ, nông, lâm, hải sản trên đường bộ; đặt máy tuốt lúa trên dường bộ) theo Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.
Ngoài ra có phương án tổ chức các hoạt động xử lý phơi hoặc sấy nông sản và các sản phẩm phụ của nông nghiệp sau thu hoạch, phục vụ nhu cầu của nhân dân trên địa bàn. Chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường tuyên truyền, vận động kết hợp với đẩy mạnh tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân sử dụng lòng đường, vỉa hè trái quy định của pháp luật.
Ban An toàn giao thông thành phố Hà Nội cũng đề nghị Phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố) tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm về trật tự, an toàn giao thông. Nhất là vi phạm sử dụng lòng đường, vỉa hè trái quy định.
Đồng thời Thanh tra Sở Giao thông vận tải phối hợp với lực lượng Cảnh sát giao thông và các lực lượng của UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân sử dụng lòng đường, vỉa hè, hành lang an toàn giao thông trái quy định.
Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.