KTNT - Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh (HoREA) vừa có báo cáo kết quả hoạt động năm 2015, theo đánh giá của HoREA, nhìn tổng quát, thị trường bất động sản TP. Hồ Chí Minh năm 2015 tiếp tục phục hồi và tăng trưởng mạnh so với năm 2014 trên tất cả các phân khúc thị trường.
Giao dịch tăng mạnh
Ở tất cả phân khúc gồm bất động sản nhà ở, văn phòng cho thuê, bất động sản công nghiệp (bao gồm cả khu chế xuất, khu kỹ thuật cao), bất động sản nghỉ dưỡng, bất động sản thương mại, y tế, dịch vụ đều có tiến triển.
Tổng diện tích sàn xây dựng nhà ở toàn thành phố có thêm 8,56 triệu m2, diện tích nhà ở bình quân đầu người đạt 17,32m2/người. Quy mô giao dịch nhà ở đạt trên 26.000 giao dịch, tăng 1 lần rưỡi so với năm 2014. Trong đó, phân khúc nhà ở thương mại có quy mô vừa và nhỏ (căn hộ 1 - 2 phòng ngủ) có giá bán vừa túi tiền (trên dưới 1 tỷ đồng/căn hộ) đang được phát triển tại tất cả các quận, huyện của thành phố vẫn là phân khúc phát triển bền vững - trụ cột của thị trường đáp ứng nhu cầu thật, mua để ở của đông đảo người tiêu dùng là cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước, cán bộ lực lượng vũ trang, người có thu nhập trung bình và thu nhập thấp đô thị, và hiện nay vẫn trong tình trạng cung không đủ cầu; nguồn cung sản phẩm căn hộ với giá bán vừa túi tiền, và nhà ở xã hội hiện rất thiếu trên thị trường.
Thị trường bất động sản hồi phục mạnh mẽ trong năm 2015
Giá bất động sản cũng tăng trung bình từ 5 - 6% so với năm 2014, cá biệt có dự án, có vị trí căn hộ giá tăng 10% - 15%; Trong đó, căn hộ bình dân có mức tăng giá thấp nhất (chỉ khoảng 2%), căn hộ trung bình có mức tăng giá khoảng 5%, căn hộ trung bình khá có mức tăng giá khoảng 5-8%, căn hộ cao cấp có mức tăng giá cao nhất khoảng từ 5-15%. Bên cạnh đó, cũng có doanh nghiệp không tăng giá bán bất động sản trong suốt cả năm.
Cũng trong năm 2015, thị trường TP. Hồ Chí Minh có thêm loại sản phẩm chung cư căn hộ cho thuê giá rẻ đầu tiên do công ty tư nhân đầu tư, là dự án căn hộ chung cư mini của Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Lê Thành gồm có 125 căn hộ, diện tích 19m2/căn, có đầy đủ tiện ích, cho thuê giá 1,5 triệu đồng/tháng (tương đương giá thuê phòng trọ), đặt cọc 01 tháng tiền thuê nhà. Theo ông Lê Hữu Nghĩa – Giám đốc Công ty Lê Thành, dự kiến tháng 04/2016, công ty sẽ tiếp tục đưa ra 175 căn và tháng 05/2016 sẽ khởi công xây dựng 1.860 căn hộ nhỏ cho thuê giá rẻ này.
Vốn ngoại chảy mạnh vào bất động sản
Năm 2015, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã thành công trong điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng thận trọng, chặt chẽ và linh hoạt đã góp phần tích cực thúc đẩy thị trường bất động sản phục hồi và tăng trưởng. Nhiều ngân hàng thương mại đã hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp bất động sản cung ứng nguồn vốn đầu tư cho doanh nghiệp và hỗ trợ người mua nhà, tín dụng toàn ngành tăng khoảng 18%, cao hơn năm 2014. Riêng tại TP. Hồ Chí Minh tín dụng bất động sản năm 2015 đạt khoảng 140.000 tỷ đồng, chiếm 12,3% tổng dư nợ; Lượng kiều hối chuyển về TP. Hồ Chí Minh đạt 5,5 tỷ USD bằng 38,69% cả nước, trong đó tỷ lệ kiều hối đầu tư vào lĩnh vực bất động sản chiếm khoảng 21,6%; Trong cả nước, đã thu hút được nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) khoảng 22,76 tỷ USD, trong đó, đầu tư vào lĩnh vực bất động sản đạt khoảng 2,32 tỷ USD (đứng hàng thứ 3), riêng tại TP. Hồ Chí Minh đã thu hút được nguồn vốn FDI khoảng 1,3 tỷ USD vào lĩnh vực bất động sản (đứng hàng thứ 2), như Công ty Đầu tư Nam Long đã hợp tác với quỹ đầu tư IFC thuộc World Bank, với Công ty Hankyu Realty và Công ty Nishi Nippon Railroad (Nhật Bản); Công ty An Gia hợp tác với quỹ đầu tư CREED (Nhật Bản) với tổng mức 200 triệu USD; Tổng Công ty Becamex tiếp tục hợp tác với Tập đoàn Tokyu (Nhật Bản); Tập đoàn Gamuda Land Malaysia đã đầu tư vào dự án Celadon City (quận Tân Phú); Công ty Phúc Khang hợp tác với quỹ đầu tư Providence và công ty Adam Khoo (Singapore); Công ty Trần Thái và Công ty Tiến Phước liên doanh với Qũy đầu tư GAW Capital; Quỹ đầu tư Vinacapital, Jen tiếp tục mở rộng đầu tư vào bất động sản... Các nhà đầu tư nước ngoài thường thực hiện đầu tư vào các doanh nghiệp bất động sản trong nước thông qua các phương thức chủ yếu là mua lại cổ phần; góp vốn đầu tư trực tiếp vào dự án; hoặc cho vay; Qua 6 tháng thực hiện Luật Nhà ở 2014, đến nay trên địa bàn thành phố đã có khoảng 1.000 người nước ngoài đặt chỗ mua nhà, tập trung vào các dự án bất động sản cao cấp của các doanh nghiệp có uy tín thương hiệu (so sánh với giai đoạn thí điểm từ năm 2008 đến tháng 07/2015 trên toàn quốc chỉ có khoảng 250 người nước ngoài mua nhà), số lượng Việt kiều mua nhà cũng gia tăng hơn trước.
Sự trở lại của doanh nghiệp Việt
Năm 2015, nhiều doanh nghiệp Việt ghi dấu ấn mạnh mẽ trên thị trường bất động sản. Những cái tên tiêu biểu như Công ty CP Phát triển Nhà Thủ Đức (TDH), Công ty CP Đầu tư Kinh doanh Địa ốc Hưng Thịnh, Công ty CP Đầu tư Nam Long, Công ty CP Novaland, Công ty CP Địa ốc Phú Long, Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Phúc Khang, Công ty CP Đầu tư Him Lam, Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Lê Thành, Công ty CP Đại Quang Minh, Công ty CP Tập đoàn Vincom, Công ty CP S.S.G, Công ty CP Đầu tư Thảo Điền, Công ty CP City Land, Công ty Liên doanh Phú Mỹ Hưng, Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Vạn Thịnh Phát, Công ty CP Phát triển Bất động sản Phát Đạt, Công ty CP Tập đoàn C.T, Công ty CP Xây dựng Kinh doanh Nhà Đại Phúc, Công ty CP Đầu tư và Phát triển Bất động sản An Gia, Công ty CP Xây dựng Kinh doanh Địa ốc Hòa Bình, Công ty CP Đầu tư Địa ốc Tiến Phát, Công ty CP Địa ốc Việt (Vietcomreal), Công ty T.N.R Holdings, Công ty CP Tập đoàn M.I.K, Keppel Land, Capitaland, Công ty TNHH XD KD Nhà Gia Hòa, Công ty CP Nhà Hưng Ngân, Công ty CP Xây dựng Phước Thành, Công ty TNHH Xây dựng Sản xuất Hưng Lộc Phát, Công ty CP Địa ốc Sài Gòn (Saigon Res), Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn (Resco), Công ty CP Đầu tư Thủ Thiêm, Công ty CP Sacomreal, Công ty CP Bất động sản Sài Gòn Vina...,
Những doanh nghiệp này đã cung ứng cho thị trường nhiều dự án nhà ở có chất lượng cao, sản phẩm phù hợp với nhu cầu và khả năng thanh toán của các tầng lớp dân cư, Việt kiều, người nước ngoài, người có thu nhập trung bình và thu nhập thấp đô thị. Một kết quả đáng mừng là các doanh nghiệp bất động sản Việt Nam đang thống lĩnh thị trường bất động sản, kể cả trong hoạt động mua bán chuyển nhượng dự án (M&A),mua bán sáp nhập doanh nghiệp, chứ không phải là doanh nghiệp nước ngoài. Đang dần dần hình thành những tập đoàn phát triển bất động sản trong nước lớn cả về quy mô hoạt động, năng lực tài chính, sản phẩm đa dạng để dẫn dắt thị trường bất động sản và hợp tác bình đẳng với bên nước ngoài.
Các huyện, thị thuộc các tỉnh giáp ranh TP. Hồ Chí Minh cũng đang phát triển mạnh các dự án bất động sản, hình thành nên các đô thị vệ tinh của thành phố như các dự án khu đô thị mới, khu nhà ở với đầy đủ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, nhiều dịch vụ, tiện ích tại các địa phương như huyện Đức Hòa, huyện Cần Giuộc, huyện Bến Lức (tỉnh Long An), thành phố Thủ Dầu Một, huyện Thuận An, huyện Dĩ An (tỉnh Bình Dương), thành phố Biên Hòa, huyện Long Thành, huyện Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai), huyện Tân Thành, thành phố Bà Rịa, TP. Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), đã góp phần tái cơ cấu dân cư và chia sẻ gánh nặng với TP. Hồ Chí Minh.
Theo đánh giá của HoREA, nhìn chung, thị trường bất động sản 2015 sôi động ở hầu hết các phân khúc và thị trường vẫn tiếp tục tăng trưỡng mạnh trong năm 2016./.
Thái An
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy khẳng định, dù thực hiện theo Luật Đất đai hay theo cơ chế thí điểm của Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất, tất cả các dự án đó đều phải tuân thủ quy hoạch, bảo đảm việc giữ ổn định 3,5 triệu ha đất lúa, bảo đảm độ che phủ rừng...
Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản sẽ hiệu lực từ ngày 1/8, sớm 5 tháng so với thời điểm đã được Quốc hội quyết định trước đó (1/1/2025), sẽ giúp khơi thông nguồn lực đất đai, tạo điều kiện cho nền kinh tế đất nước phát triển và đảm bảo các chính sách an sinh xã hội cho người dân.