Sau khi chủ trương xây cầu Cát Lái nối TP. Hồ Chí Minh với huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) được thông qua, thị trường bất động sản tại đây đã lên cơn sốt đất nền mới. Bên cạnh nhu cầu thực tế của nhiều khách hàng, cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro từ cơn sốt này.
Nhiều khu vực tại Đồng Nai đang được chia lô bán nền ăn theo cơn sốt đất.
Môi giới lộng hành, thị trường tăng giá ảo
Ngày sau khi thông tin Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương xây dựng cầu Cát Lái thay thế cho phà Cát Lái hiện hữu (nối quận 2, TP. Hồ Chí Minh và huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai) được thông qua, thị trường nhà đất tại huyện Nhơn Trạch đã chứng kiến việc tăng giá chóng mặt. Cụ thể, tại xã Long Thọ giáp với khu công nghiệp, trung tâm hành chính huyện Nhơn Trạch, giá đất nông nghiệp tăng gấp đôi, từ 2 triệu đồng/m2 lên 4 triệu đồng/m2 chỉ trong vòng hai tháng. Còn tại một số trục đường chính ở xã Long Tân, giá đất cũng tăng lên và dao động trong mức 3 - 8 triệu đồng/m2.
Từ phà Cát Lái, quận 2 đi theo đường Lý Thái Tổ về hướng trung tâm huyện Nhơn Trạch để ra Quốc lộ 51, dọc tuyến đường nhiều bảng hiệu rao bán, hình ảnh người dân khẩn trương phân lô, xây chòi tạm rồi rao bán trên khu đất của mình. Thậm chí nhiều quán cà phê đơn thuần trước đây giờ kiêm luôn dịch vụ giới thiệu nhà đất. Giới “cò đất” các nơi quần tụ tại các điểm dọc tuyến đường về hướng trung tâm huyện Nhơn Trạch (các xã Đại Phước, Long Tân, Phú Hội) để mua bán, trao đổi xôm tụ. Bên cạnh việc hàng loạt các dự án tại khu đô thị mới Thủ Thiêm, khu đô thị mới Phước An, khu đô thị mới Nhơn Trạch, dự án khu dân cư thương mại xã Long Tân - Phú Hội… được triển khai. Giới cò đất cũng “té nước theo mưa”, ăn theo các dự án này tạo lên cơn sốt ảo. Thậm chí dự án của Công ty CP Địa ốc Kim Oanh, khu đô thị RichLand City tại xã Hiệp Phước (gần trung tâm hành chính huyện Nhơn Trạch) với 700 nền nhà phố, với giá chào bán mà chủ đầu tư đưa ra từ 4,5 - 5,7 triệu/m2, trong khi giá đất khu vực này 2 tháng trước chỉ khoảng 3 triệu/m2.
Theo một người dân tại xã Đại Phước, tình trạng mua bán đất tại đây khá xôm tụ, nhiều người từ TP. Hồ Chí Minh cũng đổ về đây “săn” đất, nhưng chủ yếu là mua đi bán lại kiếm lời, giới cò đất “quần tụ” ở đây khoảng 2 tháng nay. Giá đất tại đây tăng từng ngày, đất vườn, đất ruộng cũng được đưa ra giới thiệu để bán.
Từ số điện thoại trên bảng rao bán đất, phóng viên liên hệ qua số điện thoại 0901557*** thì được người này giới thiệu là “cò” đất, cho hay cần loại đất gì, diện tích bao nhiêu, khu vực nào anh này đều đáp ứng được. Cũng theo cò môi giới này “phán” thì tương lai giá nhà đất còn tăng nữa vì cầu Cát Lái sắp xây. Cò đất này dẫn ví dụ 2 tháng trước giá đất nền ở Nhơn Trạch đã tăng từ 2 – 4 triệu đồng/m2, có nơi tăng từ 3 – 8 triệu đồng/m2.
Cẩn thận kẻo “chết lâm sàng” lần 2
Thị trường đất nền Nhơn Trạch cũng từng lên “cơn sốt” khi hàng loạt các dự án “ăn theo” tuyến đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây hoặc việc xây dựng sân bay quốc tế Long Thành. Thời điểm đó giá đất đã bị đẩy lên chóng mặt. Nhiều nhà đầu tư “ôm tiền đi mua bán” để giờ đây khi cơn sốt đi qua không ít nhà đầu tư phải “ôm hận”. Cách đây 8 năm, khi khu công nghiệp Nhơn Trạch mở rộng, hàng loạt dự án bất động sản cũng ra đời trong đó có dự án của Tổng Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Xây dựng (DIC Corp) làm chủ đầu tư với biệt thự phố, chung cư cao tầng. Giờ đây qua cơn sốt đất đi qua, dự án này vắng bóng người ở, cỏ mọc um tùm và những block chung cư chưa hoàn thành xong đã “chết lâm sàng”, nhiều người ví von là “thành phố ma” ngay trung tâm hành chính huyện Nhơn Trạch.
Theo lãnh đạo Hiệp hội bất động sản TP. Hồ Chí Minh (HoREA), đây là cái giá phải trả của việc chạy theo hạ tầng, dự án. Đi qua cơn sốt thì các dự án này đều đóng băng, không ít dự án trong cảnh “đắp chiếu”. Cũng theo vị lãnh đạo này, người dân không nên chạy theo cơn sốt hạ tầng mà đổ xô đi đầu cơ đất tại đây và chịu rủi ro lớn, tiềm ẩn.
Thông tin về cầu Cát Lái đã có từ nhiều năm về trước, tuy nhiên mỗi lẫn có thông tin mới tạo ra những cơn sốt đất ảo. Việc chấp thuận chủ trương cho tới việc triển khai công trình đó trong thực tế tới khi hoàn thiện mất rất nhiều thời gian. Do đó, khách hàng cần tỉnh táo để không bị “dính bẫy” mà cò nhà đất giăng.
Bên cạnh đó, việc ăn theo thông tin để tạo ra các cơn sốt đất kéo theo việc không chỉ nhà đầu tư gặp rủi ro còn có thể còn phá vỡ quy hoạch về lâu dài. Theo một chuyên gia bất động sản phân tích, những công trình lớn như cầu Cát Lái, sân bay Long Thành, đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây phải nằm trong quy hoạch vùng. Khi công bố phải có quy hoạch cụ thể về hạ tầng để tạo khung cho việc phát triển các công trình dân sinh, trong đó có cả việc mua bán bất động sản. Chính điều này, nếu khách hàng không tỉnh táo “ôm tiền” đi đầu tư có nguy cơ tiềm ẩn nhiều rủi ro, thậm chí có thể “chết lâm sàng” trên chính bất động sản đã đầu tư.
Lại Hùng – Thái An
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy khẳng định, dù thực hiện theo Luật Đất đai hay theo cơ chế thí điểm của Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất, tất cả các dự án đó đều phải tuân thủ quy hoạch, bảo đảm việc giữ ổn định 3,5 triệu ha đất lúa, bảo đảm độ che phủ rừng...
Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản sẽ hiệu lực từ ngày 1/8, sớm 5 tháng so với thời điểm đã được Quốc hội quyết định trước đó (1/1/2025), sẽ giúp khơi thông nguồn lực đất đai, tạo điều kiện cho nền kinh tế đất nước phát triển và đảm bảo các chính sách an sinh xã hội cho người dân.