Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 27 tháng 10 năm 2018 | 11:27

Những cuộc "nội chiến" chung cư cao cấp ở Hà Nội

Trong tháng 10, hàng loạt cư dân sinh sống tại một số chung cư cao cấp ở Hà Nội xuống đường phản đối CĐT bằng cách căng băng rôn, khẩu hiệu, nội dung chủ yếu xoay quanh các vấn đề về thu chi quản lý quỹ bảo trì, xây dựng không đúng thiết kế..

Cư dân tố CĐT sử dụng mặt bằng sai mục đích

Được quảng cáo khu căn hộ cao cấp đạt chuẩn 5 sao, thế nhưng, cư dân khu căn hộ Artemis, số 3 Lê Trọng Tấn (quận Thanh Xuân, Hà Nội) lại căng băng rôn, gửi đơn thư tới các nơi phản ánh về những tồn tại ở khu căn hộ này.

Tối 15/10, tại sảnh chính của tòa nhà Artemis, một số cư dân tập trung căng băng rôn thể hiện sự bức xúc với những nội dung như: "Công ty ACC Thăng Long cho Vuvuzela sử dụng mặt bằng sai mục đích", "chủ đầu tư mập mờ trong việc cấp phép".

Hàng trăm khách hàng mua nhà tại dự án cho biết, chủ đầu tư - Công ty ACC Thăng Long thuộc Quân chủng Phòng không không quân – Bộ Quốc Phòng - đang thiếu minh bạch trong thu chi, quản lý quỹ bảo trì của tòa nhà, kết luận sai về diện tích, chiều cao của phòng sinh hoạt cộng đồng; đánh số tầng không đúng hợp đồng mua bán; chủ đầu tư hợp thức hóa việc sở hữu khai thác, thu lợi từ khối nhà kỹ thuật máy phát tại khu đất số 3...

toa-nha-artemis-bb-baaac2qcrf.jpg
Người dân tòa nhà Artemis phản đối chủ đầu tư.

 

Tiếp đó, tối 21/10, cư dân tiếp tục  căng băng rôn, khẩu ngữ phản đối việc "chủ đầu tư Artemis cắt điện, nước vô lý", “chủ đầu tư Artemis coi thường tính mạng của cư dân, coi thường pháp luật, thách thức sở xây dựng". Ngay lập tức, lực lượng chức năng phải có mặt để đảm bảo an ninh trật tự.

Trao đổi với phóng viên, anh T., người dân sống tại tòa nhà cho rằng: "Chủ đầu tư đã tự ý thay đổi công năng tầng kỹ thuật cho thuê để mở quán bia Vuvuzela. Việc làm này chưa được cơ quan chức năng có thẩm quyền cấp phép”. Việc cho quán bia thuê, sử dụng mặt bằng khối nhà kỹ thuật gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến giao thông khu vực cửa xuống hầm xe.

"Các thiết bị trên nóc nhà tam giác như hệ thống điều hòa quán bia, hệ thống làm mát Big C, rạp chiếu phim CGV gây tiếng ồn làm ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt của các hộ dân và tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ. Khu vực quán bia hoạt động đến 12h đêm, còn rạp chiếu phim CGV hoạt động đến 02h sáng mỗi ngày làm đảo lộn cuộc sống sinh hoạ", anh T. cho biết thêm.

Liên quan đến một số vấn đề  trên ông Đoàn Thành Nhân - Phó Giám đốc Công ty ACC Thăng Long, lý giải: “Tòa nhà Artemis được thiết kế và thi công tuân thủ theo quy hoạch đã được Sở Quy hoạch - Kiến trúc phê duyệt, đồng thời cũng sử dụng những thiết bị, công nghệ có chất lượng cao, được thi công giám sát bởi các nhà thầu có uy tín. Do vậy, chất lượng công trình được đảm bảo".

Khi được hỏi về cách đánh số tầng, vị đại diện chủ đầu tư tòa nhà Artemis cho rằng: “Trước đây, Tòa nhà Artemis được UBND TP. Hà Nội và Sở Quy hoạch - Kiến trúc cho phép xây dựng 24 tầng và Công ty ACC Thăng Long đã đánh số tầng bao gồm bằng số và bằng chữ. Trong đó, có 3 tầng khu thương mại (khối đế) được đánh số là M, L, S. Trên cơ sở này, Công ty ACC Thăng Long ký hợp đồng mua bán với khách hàng".

Tuy nhiên, ngày 10/10/2016, Sở Quy hoạch - Kiến trúc có văn bản chấp thuận bản vẽ điều chỉnh tổng mặt bằng và phương án kiến trúc. Văn bản này cho phép tăng thêm 3 tầng từ 24 tầng lên 27 tầng nên việc đánh số tầng được điều chỉnh theo các số thứ tự, thay các tầng M, L, S bằng các số 2, 7, 8, dẫn đến việc tăng 3 số.

“Đây là cơ sở pháp lý để Công ty ACC Thăng Long điều chỉnh tên tầng mà không ảnh hưởng đến các căn hộ của cư dân và hợp đồng mua bán. Vấn đề này cũng đã được đơn vị quản lý tòa nhà trước đây (Công ty PMC) gửi thông báo đến cư dân về việc thay đổi nút bấm thang máy. Tuy nhiên, việc đánh số này đã bị cư dân phản đối”, ông Nhân nói.

Về khu vực nhà tam giác được cho thuê để mở quán bia Vuvuzela, Phó Giám đốc Công ty CP ACC Thăng Long cho hay: “Nhằm nâng cao chất lượng nhà trẻ, phục vụ cho cư dân, công ty đã có văn bản báo cáo Sở Quy hoạch - Kiến trúc. Để tránh lãng phí phần diện tích hiện không sử dụng tại khối công trình kỹ thuật, Công ty đề xuất điều chỉnh một phần diện tích của khu dịch vụ thương mại (khoảng 300m2) để kết nối, mở rộng diện tích sàn nhà trẻ, điều chỉnh phần diện tích của khối kỹ thuật thành diện tích dịch vụ thương mại để hoàn trả đủ diện tích thương mại của phần mở rộng diện tích nhà trẻ nêu trên và đã được Sở Quy hoạch - Kiến trúc chấp thuận”.

Mập mờ quỹ bảo trì

Mới đây, xảy ra 'cuộc chiến' giữa CĐT và cư dân dự án Star City (81 Lê Văn Lương, Thanh Xuân, Hà Nội). Do có nhiều vướng mắc về vấn đề tài chính với CĐT, sáng 26/10, hàng trăm cư dân sống tại tòa nhà đã kéo nhau lên trụ sợ chính của CĐT đòi quyền lợi.

Trong đơn kêu cứu của Ban quản trị (BQT) chung cư Star City Lê Văn Lương nêu rõ, đến thời điểm hiện tại, chủ đầu tư là Công ty CP Đầu tư & Thương mại Vneco Hà Nội (gọi tắt là Vneco) và Công ty CP Tập đoàn Đại Dương (gọi tắt là Ocean Group) đã vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ hoàn trả kinh phí bảo trì tòa nhà chung cư Star City cho Ban quản trị

Ttrao đổi với báo chí, bà Đinh Thị Cẩm Vân, đại diện BQT chung cư Star City cho biết, hiện nay, cư dân vô cùng bức xúc về việc Vneco và Ocean Group chiếm dụng trái phép quỹ bảo trì của cư dân. Sau 4 năm sinh sống tại tòa nhà, tòa nhà đã xuống cấp, thang máy thường xuyên hư hỏng, có thời điểm bị rơi… mà cư dân không có kinh phí để sửa chữa. 

“Cách đây hơn 1 tuần, một cô sống ở tầng 25 của tòa nhà đã bị rơi trong thang máy từ tầng 24 xuống tầng 7. Mặc dù không ảnh hưởng đến tính mạng, nhưng ai dám chắc sau này tình trạng trên không còn diễn ra, và tính mạng cư dân ai dám đứng ra đảm bảo?”, bà Vân bức xúc.

Theo Ban quản trị toà nhà, Vneco mới bàn giao một phần phí bảo trì trị giá 2.455.194.977 đồng cho Ban quản trị. Phần phí bảo trì còn lại trị giá hàng chục tỷ đồng đang bị Vneco và Ocean Group chiếm dụng, không bàn giao đầy đủ cho BQT. 

Cụ thể, toàn bộ phần căn hộ từ tầng 6 đến tầng 27, Vneco đã chuyển nhượng cho Ocean Group, sau đó Ocean Group bán cho các cư dân và thu 2% kinh phí bảo trì từ các căn hộ đã bán. Tại Công văn nhận nợ số 086/2018/CV-OGC ngày 17.05.2018 của Ocean Group gửi Vneco và Ban quản trị tòa nhà Star City Lê Văn Lương có nêu: “Tổng số tiền kinh phí bảo trì Tập đoàn Đại Dương đã thu của khách hàng là 17,9 tỷ đồng, tổng số tiền kinh phí bảo trì đã chuyển cho Vneco là 1,8 tỷ đồng”. 

mua-chung-cu-hang-sang-cu-dan-rong-ra-cang-bang-ron-doi-quy-bao-tri-44779505_2206550322966784_8325874410594500608_n-1540563582-width640height380.jpg
Cư dân Star City tập trung trước trụ sở Ocean Group đòi quỹ bảo trì.

 

Do vậy, tổng số tiền Ocean Group đã thu của khách hàng nêu trên, Ocean Group và Vneco phải liên đới chịu trách nhiệm và phải hoàn trả cho Ban quản trị.

Phần diện tích còn lại gồm: phần khối đế từ tầng 1 đến tầng 4 đã cho thuê và tầng 5 (Vneco đã bán 1 phần và phần còn lại là tài sản của Vneco). Theo quy định tại Điều 36, Thông tư số 02/2016/TT-BXD ngày 15/02/2016 thì chủ đầu tư phải có trách nhiệm chuyển giao kinh phí bảo trì đã thu của người mua và kinh phí bảo trì mà chủ đầu tư phải nộp đối với phần diện tích giữ lại không bán, không cho thuê mua hoặc chưa bán, chưa cho thuê mua.

Theo đại diện Ban quản trị chung cư Star City, việc này đã diễn ra từ rất lâu, thế nhưng chủ đầu tư tỏ ra khá thờ ơ cũng như coi thường pháp luật. Đáng nói, Đoàn kiểm tra liên ngành của Sở Xây dựng xuống kiểm tra 2 lần và kết luận họ phải trả phí bảo trì cho cư dân trước ngày 15/5 và sau đó gia hạn một lần đến 31/5 nhưng họ vẫn không thực hiện. 

Trong tháng 10, tháng 11/2017, Ban quản trị gửi liên tục gửi 2 văn bản đề nghị Vneco và Ocean Group chuyển giao kinh phí bảo trì nhưng 2 đơn vị này đều không nghiêm chỉnh thực hiện.

Ban quản trị đã nhiều lần gửi công văn tới lãnh đạo Vneco và Ocean Group yêu cầu hoàn trả đầy đủ kinh phí bảo trì theo quy định. Nhưng bên Vneco và Ocean Group vẫn “chây ỳ” không bàn giao và có dấu hiệu chiếm dụng quỹ bảo trì – là phần tài sản do BQT tòa nhà quản lý. Liên quan tới vấn đề này, tại Biên bản kiểm tra (lần 2) về công tác quản lý sử dụng nhà chung cư số 29/BB-ĐKT của Đoàn kiểm tra – Sở Xây dựng Hà Nội có kết luận: “Đến nay, chủ đầu tư đã bàn giao hơn 2,45 tỷ đồng trên khoảng 30 tỷ đồng phải bàn giao cho Ban quản trị”.

Thiết nghĩ, để "nội chiến" hạ nhiệt, các bên cần tăng cường đối thoại trên cơ sở hiểu biết, tìm lối thoát giải quyết các khúc mắc một cách hiệu quả, tránh để bức xúc leo thang vì suy cho cùng nếu biến mối quan hệ giữa CĐT và cư dân thành đối đầu thì cả hai bên đều thiệt hại và mệt mỏi.

 

Chí Thanh (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Lợi thế đắt giá đến từ vị trí của phân khu Victoria

    Lợi thế đắt giá đến từ vị trí của phân khu Victoria

    Là phân khu hưởng trọn lợi thế siêu kết nối của đại đô thị, cùng vị trí đắc địa khi nằm tách biệt với các dự án khác, The Victoria trở thành giao điểm kết nối giữa nhịp sống sôi động và yên bình để trở thành một điểm nhấn khác biệt của Vinhome Smart City.

  • The Miami 5: Không gian sống lý tưởng cho gia đình trẻ

    The Miami 5: Không gian sống lý tưởng cho gia đình trẻ

    The Miami 5 – Tòa tháp cuối cùng của phân khu The Miami là đáp án hoàn hảo cho bài toán không gian sống mà các gia đình trẻ Hà Nội đang kiếm tìm. Đó là chốn an cư lý tưởng với hệ thống tiện ích hoàn chỉnh và cộng đồng dân cư hiện hữu.

  • Thanh Hóa vận động hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo

    Thanh Hóa vận động hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo

    Mới đây, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã ban hành Chỉ thị số 22-VT/TU về Cuộc vận động hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ còn khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh trong 2 năm 2024-2025.

Top