Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 28 tháng 4 năm 2024  
Thứ hai, ngày 28 tháng 2 năm 2022 | 12:1

Những mô hình sinh kế cho người dân vùng lũ Đồng bằng sông Cửu Long

Nhiều mô hình sinh kế mùa lũ cho người dân như trồng lúa mùa nổi, trồng sen và chuyển giao kỹ thuật rút tơ sen… đã và đang triển khai thực hiện với hiệu quả khá tốt và có nhiều triển vọng nhân rộng tại Đồng bằng sông Cửu Long.

Tạo sinh kế mùa nước nổi

Từ năm 2018, Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) đã triển khai thực hiện dự án sinh kế mùa lũ  tại ba tỉnh vùng thượng nguồn Đồng bằng sông Cửu Long gồm An Giang, Đồng Tháp và Long An với các mô hình trồng sen lấy hạt, trồng sen lấy ngó, trồng lúa mùa nổi, rút tơ sen.

Theo kết quả đánh giá thực hiện mô hình dự án sinh kế mùa nước nổi (trồng sen) của tỉnh An Giang, nhiều mô hình thí điểm đã chứng minh tính bền vững, hiệu quả và có tiềm năng nhân rộng. Điển hình là hiệu quả về môi trường của dự án ruộng sen tại xã Tà Đảnh (huyện Tri Tôn). Ruộng sen mang lại phù sa hằng năm trung bình từ 0,5-0,7cm, trữ bình quân 0,9m nước, qua đó, giúp cho đất có thêm phù sa, người dân tốn ít chi phí hơn trong vụ lúa đông xuân.

 

001.jpg
Hàng năm, khi nước lũ tràn về các cánh đồng ở những huyện đầu nguồn của tỉnh Đồng Tháp đã tạo sinh kế cho người dân với hoạt động đánh bắt thủy sản.

 

Hiệu quả về xã hội, ước 1ha sen tạo việc làm cho 4 lao động trực tiếp, 4 lao động gián tiếp. Đồng thời, mô hình này giúp người dân có sinh kế trong mùa nước, tăng thêm thu nhập…

Tại Long An, mô hình trồng sen lấy hạt được thực hiện tại các xã Vĩnh Lợi, Vĩnh Châu A (huyện Tân Hưng) và Thái Trị (huyện Vĩnh Hưng) với tổng diện tích gần 50ha.

Theo người dân, bình quân chi phí sản xuất là 24,8 triệu đồng/ha,  trừ chi phí, nông dân còn lợi nhuận 50,2 triệu đồng/ha. Mô hình trồng sen lấy ngó thực hiện tại các xã Vĩnh Châu B, Vĩnh Thạnh và Vĩnh Lợi (huyện Tân Hưng), tổng diện tích 24ha. Chi phí sản xuất bình quân cho 1ha ruộng sen là 20,7 triệu đồng, trừ chí phí, người trồng lãi 29,3 triệu đồng/ha.

Mô hình sản xuất lúa mùa nổi hiện không còn xa lạ với người dân ở ấp Láng Sen, xã Vĩnh Đại, huyện Tân Hưng. Nếu như năm trước, diện tích trồng lúa mùa nổi chưa tới 30ha nhưng đến vụ này tăng lên 100ha.

Qua đánh giá của nông dân, năm trước chi phí sản xuất bình quân cho 1ha là 7,6 triệu đồng, sau khi thu hoạch, trừ các khoản đầu tư, vẫn thu  lợi nhuận 10 triệu đồng/ha. 

Theo Phó trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Tân Hưng Phan Văn Nỉ, một trong những yếu tố quan trọng để người dân tham gia mở rộng diện tích lúa mùa nổi là bởi được doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm ngay từ đầu vụ. Trong quá trình canh tác, doanh nghiệp còn nhiệt tình hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân.

Anh Nguyễn Văn Nghĩ, ở ấp Láng Sen, xã Vĩnh Đại (Tân Hưng - Long An) tham gia sản xuất trong mô hình này, cho biết: “Qua theo dõi thấy, lúa mùa nổi phát triển tốt, ít bị chuột cắn nên khả năng năm nay năng suất cao. Năm trước chuột phá nhiều, năng suất chỉ xấp xỉ 1 tấn/ha, còn năm nay dự đoán có thể lên tới 1,5 - 2 tấn/ha”.

Còn tại Đồng Tháp, người dân quan tâm, khôi phục vùng trồng sen với diện tích trồng mới 100 ha/31 hộ. Cùng với đó, doanh nghiệp quan tâm đầu tư chế biến sen, giải quyết việc làm cho nhiều lao động từ trồng sen, nuôi cá. Ngoài ra, người dân còn phát triển các mô hình sinh kế mùa lũ khác như: nuôi cá, sản xuất tơ sen..., góp phần nâng cao năng lực cộng đồng trong việc thích ứng biến đổi khí hậu, người dân đạt trình độ về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi...

 

002.jpg
Dự án hướng dẫn cho phụ nữ trong vùng về sản xuất sợi tơ có giá trị cao từ cọng sen.

 

Nâng cao thu nhập

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và PTNT Long An, 4 mô hình trồng lúa mùa nổi, trồng sen lấy ngó, trồng sen lấy hạt và chuyển giao kỹ thuật rút tơ sen trong dự án tạo sinh kế mùa lũ đã mang lại thu nhập cao hơn thâm canh 2-3 vụ lúa/năm; tạo việc làm cho người dân trong mùa lũ, tăng thu nhập hằng ngày từ sản phẩm sen, lúa mùa, cá và tơ sen. Cùng với đó, những mô hình trong dự án sinh kế mùa lũ giúp chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý, cải tạo đất, làm tốt hơn môi trường, đa dạng sinh học, tạo ra sản phẩm mới, thân thiện với môi trường từ hạt sen, ngó sen, lúa sạch, cá tự nhiên và tơ sen. 

 

Ông Andrew Wyatt, Phó giám đốc Liên minh Bảo tồn thiên nhiên Quốc tế tại Việt Nam, Campuchia, Myanmar cho biết, từ năm 2018 - 2021, IUCN tạiViệt Nam triển khai Dự án mô hình sinh kế dựa vào mùa nước nổi tại 3 tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Long An. Các mô hình sinh kế dựa vào mùa nước nổi bao gồm: du lịch sinh thái sen, mô hình kết hợp cá-sen, lúa mùa nổi, nuôi cá mùa lũ và các loại cây rau nổi khác nhau (ấu, hẹ nước...).

Mục tiêu của dự án là trình diễn các mô hình sinh kế dựa vào mùa nước nổi trên diện tích là 470ha, góp phần bảo tồn và khôi phục 8,6 triệu mét khối nước lũ. Thông qua việc trình diễn các mô hình thực tế thích ứng với biến đổi khí hậu; bảo tồn và khôi phục chức năng hệ sinh thái đồng lũ vùng đồng Tháp Mười và Tứ Giác Long Xuyên, dự án đã góp phần hỗ trợ thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu của Chính phủ ban hành ngày 17/11/2017.

 

Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Long An Nguyễn Chí Thiện cho biết, mô hình trồng sen, lúa mùa nổi trong dự án đã góp phần tạo thêm vùng trữ nước, tạo môi trường sinh thái đa dạng cây, con, các loại thủy sản trong mùa lũ, tái hiện văn hóa mùa nước nổi địa phương. Ngoài ra, các mô hình sinh kế này dần tạo cho cộng đồng nơi đây kỹ năng sống tốt và thích ứng linh hoạt hơn với điều kiện biến đổi khí hậu, nhất là khi hạn hay lũ lớn và bất thường. 

Qua quá trình thực hiện dự án sinh kế mùa lũ và từng mô hình cụ thể còn một số hạn chế, khó khăn cần được giải quyết. Đó là thị trường tiêu thụ ngó sen và gương sen không ổn định; người dân chưa biết chế biến sản phẩm từ sen để tăng giá trị sản phẩm; thông tin thị trường về loại lúa nổi mùa lũ cho người dân còn rất ít; việc sản xuất các mô hình thuộc dự án cần nhiều lao động (do chưa cơ giới hóa) nhưng hiện tại, người dân có xu hướng di chuyển vào làm tại nhà máy, khu, cụm công nghiệp nên thiếu nhân công...

“Hiệu quả mang lại từ các mô hình là cơ sở để nhân rộng cho các vùng lân cận có điều kiện tương tự, giúp những hộ trồng lúa chuyển đổi mô hình canh tác trong mùa lũ để nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống”, ông Thiện nhấn mạnh.

 

 

Đông Kỳ
Ý kiến bạn đọc
Top