Không nhận được sổ hồng như cam kết ban đầu, nhiều cư dân sinh sống tại các chung cư đã xuống đường căng băng rôn đòi quyền lợi.
Chủ đầu tư chây ì
Theo quy định tại Khoản 4, Điều 13, Luật Kinh doanh BĐS, chủ đầu tư nhà chung cư có trách nhiệm làm thủ tục xin cấp sổ hồng cho người mua căn hộ trong vòng 50 ngày kể từ ngày bàn giao căn hộ, trừ trường hợp chủ đầu tư và người mua căn hộ có thoả thuận khác.
Quy định là vậy nhưng thực tế có nhiều trường hợp người dân về ở nhiều năm, chủ đầu tư vẫn chây ì, chưa làm sổ.
Đơn cử mới đây nhất, ngày 10/6, hàng loạt cư dân đang sinh sông tại Dự án chung cư Westa Hà Đông (Hà Nội) đồng loạt căng băng rôn phản đối chủ đầu tư về việc họ sinh sống tại đây gần 5 năm nhưng chưa được trả sổ hồng.
Trao đổi với phóng viên, đại diện cư dân cho biết thêm, “300 căn hộ tại đây, mỗi căn hộ có giá trị trung bình 2,5 tỷ đồng, thì số tiền phí bảo trì 2% tạm tính cũng xấp xỉ 12 tỷ đồng, thế nhưng, Tổng công ty Cơ khí xây dựng (COMA 18) mới chỉ trả cho cư dân 200 triệu đồng. Đặc biệt, sau 5 năm đi vào hoạt động, nhiều hạng mục đã xuống cấp ở mức độ nghiêm trọng, nhưng không được sửa chữa, ảnh hưởng đến cuộc sống hàng trăm hộ đang sinh sống trong tòa nhà”.
Được biết, cư dân tòa nhà Westa Hà Đông đã làm nhiều đơn kiện chủ đầu tư COMA 18 về việc bàn giao sổ hồng và quỹ bảo trì. UBND TP. Hà Nội và Sở Xây dựng cũng đã yêu cầu COMA 18 khẩn trương bàn giao sổ hồng, cũng như quỹ bảo trì cho cư dân.
Nguyên nhân?
Theo số liệu của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, đến nay, thành phố có tới 190.000 căn hộ thuộc hơn 300 dự án đã được cấp sổ, chiếm 94% nhưng vẫn còn hơn 11.000 căn hộ chưa được cấp sổ. Trong số này, có những hộ dân đã sống cả 10 năm vẫn chưa được cấp sổ - một tài sản vô cùng quan trọng đối với những người khi đi mua nhà.
Một số nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trang trên có thể kể đến như: Chủ đầu tư chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính; thế chấp tài sản tại ngân hàng trước khi xin cấp Giấy chứng nhận cho người mua căn hộ và chưa giải chấp; chậm hoàn công hoặc không thể hoàn công do xây dựng không đúng bản vẽ thiết kế đã được phê duyệt; xây dựng lấn chiếm mốc bảo vệ các công trình hạ tầng kỹ thuật; đất xây dựng chung cư được chuyển mục đích sử dụng đất trái phép; chưa hoàn thành thủ tục pháp lý nhưng đã cho xây dựng và bán nhà ở; chậm nộp hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận.
Bên cạnh một số chủ đầu tư làm không đúng thủ tục pháp lý còn có những dự án chậm bàn giao sổ vì lý do khách quan. Trong đó có việc vướng một diện tích nhỏ đất thuộc sở hữu của Nhà nước nhưng quá trình định giá và bàn giao đất mất nhiều thời gian dù doanh nghiệp sẵn sàng nộp tiền sử dụng đất.
Trở lại dự án Dự án chung cư Westa Hà Đông đang làm nóng dư luận những ngày qua, theo tìm hiểu của phóng viên, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do, toàn bộ dự án đã được thế chấp vay vốn tại ngân hàng từ năm 2011 nên không đủ điều kiện làm sổ hồng cho cư dân.
Bên cạnh đó, nhiều dự án vi phạm về xây dựng, xây không đúng thiết kế cũng khiến người mua nhà lao đao, điêu đứng.
Chung cư Sakura Tower (Thanh Xuân, Hà Nội) có tiến độ thực hiện từ quý 4/2009 đến quý 2/2013. Đến nay, dự án đã hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng, trong đó, 161 căn hộ đã được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở. Hiện 78 căn hộ xây dựng sai phép đã bán cho các hộ dân (tầng 12 có 14 căn; tầng kỹ thuật trên tầng 11 (12B) là 14 căn; tầng 21 là 11 căn; tầng 22 là 13 căn; 2 tầng căn hộ xây vượt là tầng 24B có 13 căn, tầng 24C có 13 căn). Số căn hộ xây dựng sai phép nói trên, chủ đầu tư chưa làm việc với cơ quan chức năng để cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, gây bức xúc cho các hộ dân.
Sao chưa bị phạt?
Theo Nghị định 102/2014/NĐ-CP, trường hợp chủ đầu tư được Nhà nước giao đất xây dựng nhà ở để bán nhận trách nhiệm làm thủ tục cấp sổ hồng cho người mua nhà ở, người nhận quyền sử dụng đất ở mà chậm làm thủ tục cấp sổ hồng thì sẽ bị xử phạt hành chính từ 50 triệu đồng đến 1 tỷ đồng.
Mặc dù nghị định quy định như vậy, nhưng đến nay, một số chủ đầu tư vi phạm vẫn chưa bị xử phạt. Từ thực tế đó, có thể thấy, công tác quản lý vận hành các chung cư còn nhiều bất cập. Để giải quyết dứt điểm tình trạng trên, cần phải có chế tài hợp lý và đủ sức răn đe, các cơ quan công quyền cần sát sao và mạnh tay đối với đối với các chủ đầu tư chậm cấp sổ cho cư dân.
Cùng với đó, người dân cần tìm hiểu kỹ thủ tục pháp lý của dự án trước khi “xuống tiền” mua nhà. Trường hợp chủ đầu tư chậm làm sổ đỏ gây ảnh hưởng đến quyền lợi của mình, người mua nhà có thể yêu cầu chủ đầu tư nhanh chóng thực hiện thủ tục hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý hành vi vi phạm.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy khẳng định, dù thực hiện theo Luật Đất đai hay theo cơ chế thí điểm của Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất, tất cả các dự án đó đều phải tuân thủ quy hoạch, bảo đảm việc giữ ổn định 3,5 triệu ha đất lúa, bảo đảm độ che phủ rừng...
Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản sẽ hiệu lực từ ngày 1/8, sớm 5 tháng so với thời điểm đã được Quốc hội quyết định trước đó (1/1/2025), sẽ giúp khơi thông nguồn lực đất đai, tạo điều kiện cho nền kinh tế đất nước phát triển và đảm bảo các chính sách an sinh xã hội cho người dân.