Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 18 tháng 5 năm 2024  
Thứ ba, ngày 22 tháng 2 năm 2022 | 15:23

Nông dân miền Trung tích cực chống rét bảo vệ vật nuôi, cây trồng

Bà con nông dân đã không quản ngại khó khăn thường xuyên thăm đồng, che chắn kịp thời cho mạ, rau xanh, vật nuôi khỏi gió lùa, bảo đảm cho vật nuôi, cây trồng không bị chết do thời tiết.

Từ trước Tết Nguyên đán đến nay, miền Bắc nước ta chịu ảnh hưởng của nhiều đợt không khí lạnh làm nền nhiệt độ giảm sâu, có những ngày nhiệt độ chỉ khoảng 8 đến 10 độ C. Thời điểm này cũng là thời điểm bà con nông dân xuống đồng cấy lúa cho vụ Xuân, nhiệt độ giảm làm ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất cũng như sự phát triển của mạ.
 
Bám đồng chống rét cho cây trồng, vật nuôi
 
Trong những ngày vừa qua, do ảnh hưởng của đợt không khí lạnh tràn về làm cho nhiệt độ xuống thấp kỷ lục, gây bất lợi cho việc gieo cấy lúa Đông Xuân. Để chăm sóc và bảo vệ lúa khỏi bị chết, bà con nông dân đã bất chấp thời tiết lạnh giá ra đồng theo dõi và có biện pháp khắc phục kịp thời.
 
bà-hương-nghệ-an.jpg
Bà Nguyễn Thị Hương ở xã Quỳnh Hồng (Quỳnh Lưu) dùng ni lông che chắn cho ruộng lúa. Ảnh: Thanh Phúc
Gia đình bà Nguyễn Thị Hương ở xã Quỳnh Hồng trồng 5 sào lúa Long Hương, 9h sáng, khi trời đỡ rét hơn, bà tất tả ra đồng để tháo nước từ kênh cho chảy vào ruộng nhằm giữ ấm cho cây lúa. Trong 2 ngày qua, nhiệt độ xuống thấp dưới 12 độ C khiến gia đình bà vô cùng lo lắng khi diện tích lúa xuân mới kịp bén rễ.
 
Bà con nông dân ở đây đã ra đồng để tháo nước từ kênh cho chảy vào ruộng nhằm giữ ấm cho cây lúa. Theo bà con chưa năm nào ra Tết lại có đợt rét đậm, rét hại như hiện giờ. Cây lúa đang trong quá trình phát triển nếu không chăm bón cẩn thận sẽ còi cọc, giảm năng suất, thậm chí chết rét. Theo kinh nghiệm lâu nay là dẫn nước vào ruộng để làm ấm cho cây lúa; đồng thời kiểm tra xem vùng nào bị thưa lúa thì dặm lại; tập trung diệt chuột và ốc bươu vàng cắn phá.
 
Ông Trịnh Xuân Hướng ở xã Châu Nhân (Hưng Nguyên) sử dụng ni lông để phủ lên những luống lạc của gia đình mình, theo ông Hướng lạc phủ ni lông nên khả năng chống chịu rét cũng tốt hơn. Đồng thời, ông cũng tháo kiệt nước ở các rãnh, tránh nước đọng làm úng rễ, héo cây; chỗ nào cây lạc chưa vượt ra khỏi ni lông thì chọc thủng để cây lạc quang hợp, phát triển.
 
Tại vùng trồng rau màu Nam Anh, Nam Xuân, diện tích cà dừa, bí xanh, rau mồng tơi, rau gia vị... đang cho thu hoạch. Không quản rét đậm, người dân vẫn tích cực thu hái để cây trồng không bị ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng lứa sau khi nhiệt độ giảm sâu.
 
Đối với hơn 700 ha rau màu tại Bãi Ngang của huyện (Quỳnh Lưu), người dân bám đồng làm cỏ, xịt tưới nước trên mặt lá nhằm giảm tác động của sương muối. Đồng thời, bón phân kali giúp cây rau màu tăng khả năng chống rét.
 
Gia đình anh Nguyễn Văn Đồng  ở xóm 2, xã Diễn Trung (Diễn Châu), đang tập trung vào việc tái đàn. Lứa gà mới này gia đình anh Đồng nuôi hơn 20.000 con tại 5 trại. Thời điểm này, khi gặp thời tiết rét đậm, rét hại, gia đình anh Đồng đã phải căng bạt xung quanh trại, đồng thời tiến hành đốt than, lắp đặt hệ thống sưởi bằng gas để sưởi ấm cho gà.
 
bna_c_img_14735302114_2122022.jpg
Đàn gà ngoài việc được sưởi ấm bằng than còn được sưởi ấm bằng bóng điện hồng ngoại. Ảnh: Tiến Đông

 

Hiện tại, ngoài việc rải trấu làm lớp lót giữ ấm sàn, anh Đồng đã đầu tư mỗi gian nuôi từ 5-7 lò than đá cùng với lò sưởi bằng gas, vào ban đêm hoặc sáng sớm khi nhiệt độ xuống thấp, anh sẽ đốt lò lên để sưởi ấm cho đàn gà.
 
Theo ghi nhận, những ngày qua, trên địa bàn xã Cẩm Mỹ (Cẩm Xuyên - Hà Tĩnh), nhiệt độ có lúc xuống dưới 10 độ C. Là xã miền núi nên nhiệt độ ban ngày và ban đêm chênh lệch rất lớn, nhiệt độ có nơi xuống dưới 8 độ C. Để đảm bảo việc phòng chống rét cho đàn gia súc, người dân trên địa bàn xã đã có những chuẩn bị kĩ lưỡng.
 
117d1103613t54211l0.jpg
Người dân xã Cẩm Mỹ, Cẩm Xuyên lùa gia súc về chuồng và đốt lửa sưởi ấm.

 

Gia đình bà Lê Thị Bé (thôn Mỹ Phú, xã Cẩm Mỹ, Cẩm Xuyên) – hộ chăn nuôi lớn nhất xã, hiện nay, 53 con trâu, bò thả rông trong rừng đã được gia đình bà lùa về chuồng, tránh tình trạng gia súc bị chết đói, chết rét.
 
Tăng cường công tác kiểm tra, chỉ đạo phòng chống rét cho cây trồng, vật nuôi
 
Vụ xuân năm 2022, toàn huyện Quỳnh Lưu gieo trồng 7.500 ha lúa. Để cây trồng vụ xuân phát triển tốt, khỏe mạnh và hạn chế dịch bệnh xảy ra, huyện đã chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành liên quan tăng cường công tác tuyên truyền để người dân tích cực bám đồng, chăm sóc và kịp thời chống rét cho cây trồng.
 
Ông Trần Đức Hữu - Chủ tịch UBND xã Quỳnh Hậu cho biết: “Thực hiện chỉ đạo của các ngành chức năng huyện, địa phương tập trung công tác tuyên truyền, chỉ đạo HTX Dịch vụ nông nghiệp Phú Thành hướng dẫn bà con cách phòng, chống rét cho lúa xuân. Việc quan trọng ngay bây giờ là bà con cho nước vào ruộng, để mực nước trong ruộng luôn ở mức 1/2 cây lúa nhằm giữ ấm cho cây lúa và giúp bộ rễ phát triển”.
 
Còn ông Phan Duy Hải - Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVT tỉnh Nghệ An cho biết: “Để chống rét cho cây trồng trong những ngày nhiệt độ giảm sốc, xuất hiện sương muối, bà con cần nắm vững các kỹ thuật sau: Đối với cây lúa mới cấy cần dẫn nước vào ruộng, để mực nước trong ruộng luôn ở mức ½ cây lúa, để giữ ấm cho cây lúa và bộ rễ cây lúa; Đối với những ruộng gieo sạ thẳng thì rải đều tro bếp hoặc phân lân lên khắp ruộng để giữ ấm.
 
Tại Hà Tĩnh, trước tình hình thời tiết khắc nghiệt do liên tục các đợt không khí lạnh tràn về làm nhiệt độ giảm sâu, để bảo đảm cho cây trồng không bị chết do quá lạnh, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình thời tiết, khí hậu để chỉ đạo triển khai thực hiện kịp thời, có hiệu quả các biện pháp phòng, chống rét cho cây trồng, vật nuôi theo hướng dẫn của ngành nông nghiệp.
 
Tỉnh đã tổ chức các đoàn kiểm tra ở một số địa phương trọng điểm để đôn đốc, hướng dẫn nhân dân các biện pháp phòng, chống rét. Tuyệt đối không cho nhân dân gieo mạ và cấy lúa vào những ngày nhiệt độ xuống thấp dưới 15oC; thực hiện các biện pháp che phủ ni-lông, bón phân chuồng hoai và tro bếp để giữ ấm cho diện tích mạ đã gieo cấy, thường xuyên giữ mực nước nhất định ở những diện tích lúa đã cấy. Khuyến cáo dùng bón phân, ka-li, giảm bón đạm để chăm sóc cây khỏe mạnh, tăng khả năng chống rét. Sau khi xác định chính xác số mạ bị thiệt hại do rét, tỉnh sẽ trích ngân sách các cấp để mua, cấp bù đủ số giống bị thiếu hụt, quyết không tăng diện tích do rét hại gây ra.
 
Xã Thượng Lộc (Can Lộc) – địa phương miền núi có hơn 2.000 con gia súc, 78.000 con gia cầm, địa phương phối hợp với ngành chuyên môn khuyến cáo người dân không thả rông gia súc lên đồi núi, chủ động nuôi nhốt tại chuồng.
 
Ông Nguyễn Xuân Diệu – Chủ tịch UBND xã Thượng Lộc cho hay: “Để đảm bảo an toàn cho đàn vật nuôi khi nền nhiệt độ xuống thấp, ngoài việc tăng cường tuyên truyền để người dân chủ động các biện pháp, chúng tôi còn cử cán bộ xuống trực tiếp hướng dẫn bà con chăm sóc đàn vật nuôi trong thời điểm này. Quan trọng nhất trong chống rét là tăng sức đề kháng cho đàn vật nuôi nên chúng tôi lưu ý bà con cho gia súc, gia cầm ăn đầy đủ thức ăn đảm bảo chất dinh dưỡng, uống nước ấm có bổ sung thêm muối ăn; thức ăn cần bổ sung thêm chất đạm…”.
 
105d2061201t9028l8-105d1111055t18163l0.jpg
Lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh đi kiểm tra công tác phòng chống rét cho vật nuôi

 

 
Tỉnh Hà Tĩnh đã chỉ đạo chính quyền địa phương và người dân sự chủ động trong công tác bảo vệ chăm sóc đàn trâu, bò từ việc tích trữ thức ăn thô, thức ăn tinh đến che chắn chuồng trại, tiêm phòng dịch bệnh.
 
Đồng thời, tỉnh cũng chỉ đạo ngành NN&PTNT và chính quyền, người dân các địa phương cần tiếp tục triển khai tốt giải pháp để bảo vệ trâu bò và các loại gia súc, gia cầm.
 
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, đợt rét đậm, rét hại còn kéo dài từ nay đến hết ngày 24/2, sau đó vẫn còn có những đợt rét ảnh hưởng đến miền Bắc nước ta, do đó chú trọng bảo vệ vật nuôi, cây trồng để không bị thiệt hại là việc hết sức quan trọng và cần thiết.
 
 
 
Ngọc Thủy (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Quảng Nam giới thiệu Nhà bảo tàng đa dạng sinh học

    Quảng Nam giới thiệu Nhà bảo tàng đa dạng sinh học

    Bảo tàng đa dạng sinh học tỉnh Quảng Nam – nơi trình diễn, quảng bá các giá trị tài nguyên đa dạng sinh học, sự phong phú của các loài động, thực vật quý hiếm, đặc hữu, đặc trưng mà thiên nhiên ban tặng; đồng thời góp phần thúc đẩy lối sống có trách nhiệm với thiên nhiên, phục hồi đa dạng sinh học.

  • Đặc sắc chương trình kỷ niệm 15 năm “Lăng Cô – Vịnh đẹp thế giới”

    Đặc sắc chương trình kỷ niệm 15 năm “Lăng Cô – Vịnh đẹp thế giới”

    Chương trình kỷ niệm diễn ra từ ngày 10-12/5 với nhiều hoạt động, chương trình nghệ thuật đặc sắc, các hoạt động văn hoá, thể thao truyền thống và hiện đại.

  • Ấn tượng Lễ hội Hoa Phượng đỏ Hải Phòng năm 2024

    Ấn tượng Lễ hội Hoa Phượng đỏ Hải Phòng năm 2024

    Điểm nhấn của Lễ hội Hoa Phượng đỏ năm 2024 là chương trình nghệ thuật "Hải Phòng - Bừng sáng miền di sản". Đêm hội đã để lại ấn tượng đẹp cho hàng vạn người dân, du khách về một thành phố phát triển, trẻ trung, năng động.

Top