Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 16 tháng 4 năm 2024  
Thứ hai, ngày 28 tháng 9 năm 2020 | 13:58

Nông hội nuôi dê, bò ở Ia Dreng: Chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi

Sau gần một năm hoạt động, mô hình nông hội nuôi dê ở xã Ia Dreng (huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai) đã giúp hội viên phát triển chăn nuôi, nâng cao thu nhập và vươn lên thoát nghèo bền vững.

t38.jpg
Chị Đỗ Thị Thanh Tuyền (thôn Tung Pai, xã Ia Dreng, huyện Chư Pưh) chăm sóc đàn dê của gia đình. Ảnh: Lê Nam

 

Gia đình ông Rơ Lan Thố (thôn Tung Neng) nuôi 10 con bò, 10 con dê. Trước đây, do chưa có kinh nghiệm chăm sóc cũng như cách phòng trừ dịch bệnh nên đàn dê, bò của gia đình ông chậm lớn, vào thời điểm chuyển mùa thường bị bệnh. Từ khi tham gia mô hình nông hội nuôi dê, bò, ông được học hỏi thêm nhiều kiến thức về chăm sóc vật nuôi.

“Qua các buổi sinh hoạt hội, tôi được các hộ có kinh nghiệm chỉ cách đỡ đẻ, chăm sóc dê con, cách sử dụng thức ăn giúp đàn dê lớn nhanh, sinh sản tốt. Ngoài ra, chúng tôi chia sẻ cho nhau kinh nghiệm phòng bệnh cho đàn vật nuôi. Tôi hy vọng mô hình này ngày càng lớn mạnh, có nhiều người tham gia để cùng trao đổi nhiều kinh nghiệm áp dụng vào chăn nuôi, giúp phát triển kinh tế gia đình”, ông Thố chia sẻ.

Nông hội nuôi dê, bò xã Ia Dreng khi mới thành lập có 55 hội viên, đến nay tăng lên 70 hội viên; trên tinh thần tự nguyện, hội viên cùng nghĩ, cùng làm, cùng trao đổi kinh nghiệm, cùng học hỏi và hỗ trợ nhau cách nuôi dê, bò để cải thiện thu nhập…

Toàn xã Ia Dreng hiện có hơn 1.900 con bò, 2.120 con dê. Ông Trương Văn Hạnh, Chủ nhiệm nông hội nuôi dê, bò xã, cho biết: Khi hội viên có nhu cầu về cách chăm sóc dê, bò, hỗ trợ kỹ thuật thì nông hội đứng ra mời các nhà chuyên môn của huyện về tập huấn, hướng dẫn.

Bên cạnh đó, các hội viên đều tích cực chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm chăm sóc dê, bò. Điều đáng mừng là, một số hộ người dân tộc thiểu số đã tích cực tham gia nông hội, qua đó tiếp cận thêm được nhiều kiến thức bổ ích giúp chăm sóc đàn dê, bò đúng kỹ thuật. Hiện phần lớn người dân trong xã đã biết trồng cỏ để chủ động nguồn thức ăn cho đàn dê, bò và làm chuồng trại đảm bảo vệ sinh môi trường. Đồng thời, đưa vào nuôi một số giống dê lai sinh sản, đạt hiệu quả kinh tế cao.

“Thời gian tới, ngoài việc tiếp tục phát triển thêm hội viên, chúng tôi sẽ chủ động phối hợp với cơ quan chuyên môn của huyện và một số doanh nghiệp trên địa bàn tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm, giúp hội viên có nguồn thu nhập cao hơn”, ông Hạnh cho biết thêm.

Ông Lê Văn Cửu, Chủ tịch UBND xã Ia Dreng, nhận xét: “Từ khi mô hình nông hội đi vào hoạt động, việc chăn nuôi gia súc của người dân đã có hiệu quả cao hơn. Đây là một trong những chủ trương giúp cho các hộ chăn nuôi có dịp học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc cũng như tìm kiếm đầu ra ổn định cho sản phẩm.

Đồng thời, nông hội cũng làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào chăn nuôi, nhất là trong đồng bào dân tộc thiểu số. Qua đó, giúp người dân tự tin chuyển đổi vật nuôi để nâng cao thu nhập và vươn lên thoát nghèo bền vững”..


 


 

Lê Nam
Ý kiến bạn đọc
Top