Tại những phiên làm việc và hội thảo gần đây, các đại biểu luôn tranh luận sôi nổi về quy hoạch lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp - được xác định là trụ đỡ quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Nam.
Từ thực tế
Theo theo liên danh tư vấn đồ án quy hoạch tỉnh, thời gian qua, Quảng Nam ban hành nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp, nhất là đối với các sản phẩm nông nghiệp chủ lực. Cơ cấu ngành có sự chuyển dịch theo hướng tích cực, các cây trồng thế mạnh được tập trung phát triển và nâng cao hiệu quả rõ rệt. Hình thành một số vùng sản xuất sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực tập trung, quy mô lớn theo quy hoạch và theo lợi thế của từng địa phương.
Sản xuất chuyển mạnh từ sản xuất truyền thống sang sản xuất thâm canh, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ theo hướng an toàn, hữu cơ. Chất lượng, mẫu mã sản phẩm ngày càng được nâng cao, chú trọng xây dựng thương hiệu sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản góp phần tăng giá trị gia tăng, sức cạnh tranh của sản phẩm và thu nhập của người dân.
Cùng với đó, kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản được tăng cường và không ngừng hoàn thiện đáp ứng yêu cầu phục vụ cho sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn, áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất. Một yếu tố quan trọng khác là nhận thức và trình độ sản xuất nông nghiệp hàng hóa của người nông dân được nâng lên.
Tuy nhiên, theo liên danh tư vấn, chuyển dịch cơ cấu nông lâm thuỷ sản chậm, tỷ trọng trồng trọt còn cao. Quy mô sản xuất nông, lâm, thuỷ sản còn nhỏ lẻ, manh mún, phân tán chủ yếu là quy mô hộ gia đình. Nhiều chuyên gia nhìn nhận, rào cản cho phát triển ngành nông nghiệp là thiếu sự liên kết giữa các khâu sản xuất chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông sản.
Thực tế, Quảng Nam chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông, lâm, thuỷ sản dẫn đến chưa hình thành chuỗi sản xuất trồng trọt, chăn nuôi. Công nghiệp chế biến nông, lâm, thuỷ sản, nhất là chế biến sâu chưa phát triển. Sản phẩm chủ yếu là sơ chế nên có giá trị gia tăng thấp. Công tác xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, tìm kiếm thị trường còn hạn chế.
Cần có cơ chế hỗ trợ
Ông Phan Văn Thắng - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu lâm sản ngoài gỗ nhận định, phát triển lâm nghiệp cũng sẽ là lợi thế lớn khi tài nguyên rừng ở Quảng Nam khá phong phú, là trung tâm đa dạng sinh học, sở hữu “quốc bảo” sâm Ngọc Linh. Tuy nhiên, sản xuất lâm nghiệp mới đạt giá trị chỉ hơn 1.500 tỷ đồng, là con số cần suy ngẫm khi chiếm chỉ khoảng 3,5% giá trị xuất khẩu.
"Tôi cho rằng, phải có mục tiêu tăng trưởng cao hơn, cân nhắc việc phát triển với bảo tồn, đồng thời, quy hoạch lâm nghiệp phải xác định ưu tiên đột phá so với các địa phương khác. Nên cân nhắc ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thông minh, tạo ra vùng sản xuất tương xứng, tạo chất lượng đạt chứng nhận tiêu chuẩn quốc tế” - ông Thắng nói.
Bà Phạm Thị Xuân Hương - Tổng Giám đốc Công ty CP Dược phẩm OPC cho biết, Quảng Nam đã thu hút đầu tư bằng nhiều hành động, tạo được niềm tin và sự yên tâm cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, bên cạnh cơ chế chính sách, mối liên kết hiện nay giữa doanh nghiệp và vùng sản xuất nguyên liệu hầu hết đều do doanh nghiệp tự tạo nên, vốn còn khá lỏng và là áp lực đối với doanh nghiệp.
"Trong đầu tư phát triển vùng dược liệu, doanh nghiệp là đầu tàu, nhưng chính quyền phải chỉ đạo trong liên kết. Quảng Nam là một trong 8 vùng dược liệu trọng điểm, có quá nhiều lợi thế, đặc biệt là cây sâm Ngọc Linh. Nếu chúng ta chậm vào cuộc, sẽ rất khó đi xa. Phải có sự liên kết chặt chẽ hơn, quy mô hơn, để đưa giá trị dược liệu đi xa” - bà Hương nói.
Vậy phải chăng, cần có cơ chế chính sách sản xuất theo chuỗi, hiện đại hoá dây chuyền để đưa quy hoạch lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp đến với mục tiêu mà toàn tỉnh đang phấn đấu đề ra.