Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 14 tháng 9 năm 2018 | 13:23

NƠXH và nhà ở thương mại giá rẻ: Cần cơ chế phù hợp thực tiễn

Mới đây, Hiệp hội bất động sản TP. Hồ Chí Minh (HoREA) có văn bản gửi Chính phủ và các bộ, ngành đề xuất cơ chế, chính sách phát triaển nhà ở xã hội (NƠXH) và nhà ở thương mại giá thấp phù hợp với thực tiễn của thành phố.

noxh.jpg
Việc phát triển NƠXH, nhà ở thương mại giá rẻ đang trở nên cấp bách trước nhu cầu về nhà ở của người dân TP. Hồ Chí Minh.

 

Kinh nghiệm Bình Dương

Với dân số khoảng 2 triệu người, trong đó có đến hơn 1 triệu người nhập cư, chiếm 52% dân số, Bình Dương là tỉnh có tỷ lệ dân nhập cư thuộc hàng cao nhất cả nước, với đại đa số là công nhân, lao động làm việc trong các khu công nghiệp. Diện tích nhà ở bình quân 25m2/người, người nhập cư là nguồn nhân lực rất quan trọng góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa nhưng cũng tạo áp lực nặng nề cho tỉnh trong việc giải quyết nhà ở và an sinh xã hội.

Từ nhu cầu về nhà ở rất cấp bách cho công nhân, lao động, người thu nhập thấp và người nhập cư, Bình Dương đã ban hành Chương trình phát triển nhà ở trong quá trình công nghiệp hóa, trọng điểm là phát triển NƠXH, với tên gọi là “nhà ở an sinh xã hội”.

Theo đó, trên địa bàn tỉnh đã có 85 dự án NƠXH, trong đó có 43 dự án do Tổng công ty Becamex làm chủ đầu tư với tổng diện tích 3,1 triệu m2, gồm 70.000 căn. Sau 4 năm thực hiện, đã có 25 dự án hoàn thành đưa vào sử dụng với tổng diện tích 491.262m2, trong đó, Becamex đã thực hiện 5 dự án với tổng diện tích 298.097m2 (6.595 căn hộ), chiếm 60,67% tổng số NƠXH đã được xây dựng. Bên cạnh đó,  khoảng 200 doanh nghiệp trong các khu công nghiệp đã đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân, lao động với tổng diện tích 270.000m2, đưa tổng diện tích sàn NƠXH toàn tỉnh lên 761.000m2 với khoảng 16.900 căn hộ, giải quyết được khoảng 17% nhu cầu của công nhân, lao động nhập cư.

Ngoài ra, các hộ gia đình, cá nhân cũng đã đầu tư xây dựng nhà trọ với số lượng khoảng 180.000 căn, đáp ứng  nhu cầu cho 540.000 côngnhân, lao động, sinh viên và người thu nhập thấp đô thị thuê, giải quyết được 55% nhu cầu nhà ở của công nhân, lao động, người nhập cư của tỉnh.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn tồn tại, vướng mắc, khó khăn, như việc phát triển NƠXH chưa theo kịp tốc độ tăng dân số cơ học rất lớn của tỉnh. Một số chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại đã dành 20% quỹ đất kinh doanh để phát triển NƠXH nhưng thiếu vốn để triển khai hoặc tại khu vực chưa có đủ cơ sở hạ tầng và các dịch vụ, tiện ích để tạo không gian sống thuận tiện cho người dân. Hoặc vấn đề người mua NƠXH vẫn chưa tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi theo quy định. Thực tế vẫn còn các căn hộ nhà ở an sinh xã hội trống, chưa có người thuê, mà nguyên nhân chủ yếu là còn thiếu tiện ích và dịch vụ cung ứng thực phẩm, hàng hóa  vừa túi tiền của công nhân, lao động, kể cả vấn đề đi lại.         

Năm 2020, thành phố sẽ có 45.000 căn NƠXH

TP. Hồ Chí Minh đã đề ra Chương trình đột phá thứ 7 “Chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị”, trong đó có chương trình xây dựng, nâng cấp các chung cư cũ. Chương trình di dời, tái định cư nhà trên và ven kênh rạch; Chương trình phát triển NƠXH, khu lưu trú công nhân, ký túc xá sinh viên. UBND thành phố và các sở, ngành, quận, huyện cũng đã đề ra chương trình hành động để tổ chức thực hiện.

Đây là các chương trình động lực tạo điều kiện để thực hiện xã hội hóa, huy động nguồn lực của các doanh nghiệp tích cực tham gia xây dựng, chỉnh trang và phát triển đô thị TP. Hồ Chí Minh có chất lượng sống tốt theo phương thức xây dựng - chuyển giao (BT), hoặc hợp tác công tư (PPP). Trong đó, có mục tiêu phát triển NƠXH, nhà ở tái định cư, nhà ở thương mại giá rẻ để bán, bán trả góp dài hạn, cho thuê cho người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, công nhân, lao động và người nhập cư.

Những năm gần đây, các doanh nghiệp đã đầu tư phát triển các dự án nhà ở thương mại vừa túi tiền, và đến nay đã có những doanh nghiệp tiên phong đầu tư NƠXH. Trong đó, có nhiều doanh nghiệp đã đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách, tại các quận ven và huyện ngoại thành.

Cụ thể, như Công ty Phú Cường đã đầu tư chung cư NƠXH tại phường Bình An (quận 2) với 1.087 căn hộ phục vụ cho cán bộ, công nhân viên ngành công an. Công ty Vạn Thái đã đầu tư chung cư Topaz Home 1 NƠXH tại phường Tân Thới Nhất (quận 12) với 1.100 căn hộ, Topaz Home 2 tại phường Tân Phú (quận 9) với 1.100 căn hộ. Công ty C.T có các dự án IHome, Bee Home; Công ty Phát triển nhà Thủ Đức có dự án TDH Apartments; Công ty Hưng Thịnh có các dự án nhà ở vừa túi tiền 12View, 8X, Melody, Florita, Mia; Công ty Phúc Khang có các dự án Eco City, Làng Sen, Diamond Lotus. Ngoài ra, các công ty như Him Lam, Nhà Mơ, Thuận Việt, Phương Việt, Thuận Kiều, Vạn Thái, Kiến Á, Địa Ốc Việt, Rio Land, An Gia, Hoàng Anh Gia Lai, Vietcomreal, Hưng Ngân, Tecco, Đất Lành... đã đầu tư phát triển nhiều dự án nhà ở vừa túi tiền, dự án căn hộ nhỏ đáp ứng nhu cầu của người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp đô thị, người nhập cư.

Tuy nhiên, dù doanh nghiệp đã quan tâm đến phát triển NƠXH nhưng vẫn còn gặp nhiều vướng mắc, khó khăn trong vấn đề này. Cụ thể, việc phát triển NƠXH vẫn tiến triển rất chậm, nhiều khó khăn, ách tắc do nguồn vốn để cấp bù lãi suất cho các tổ chức tín dụng để cho vay thực hiện chính sách NƠXH đến nay vẫn chưa được bố trí. Không có nguồn vốn để tiếp tục cho vay sau khi gói tín dụng 30.000 tỷ đồng theo quy định của Chính phủ đã giải ngân hết vào cuối tháng 12/2016.

Báo cáo của các địa phương cho thấy, hiện có 206 dự án NƠXH với quy mô xây dựng khoảng 168.700 căn hộ, tổng diện tích khoảng 8.435.000m2 đang bị chậm tiến độ hoặc tạm dừng thi công.

Trong số các nguyên nhân trên, việc không bố trí được vốn ngân sách để thực hiện chính sách hỗ trợ NƠXH theo quy định của Luật Nhà ở năm 2014 và Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 22/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý NƠXH là nguyên nhân chủ yếu.

Trước nhu cầu về nhà ở của người dân thành phố, Sở Xây dựng đã có kế hoạch từ nay đến năm 2020, phát triển 39 dự án với quy mô 45.000 căn hộ. Dự kiến đến năm 2020  hoàn thành đưa vào sử dụng 30.000 căn, trong đó có 20% dành để cho thuê, 60% căn hộ để bán trả góp dài hạn, 20% căn hộ dành cho chủ đầu tư bán thương mại để bù đắp chi phí. Đồng thời, từ nay đến năm 2020, thành phố sẽ xây dựng lại hoặc sửa chữa nâng cấp tối thiểu 50% trong tổng số 474 chung cư cũ đã được xây dựng từ trước năm 1975, với tổng số khoảng 35.000 căn hộ mới và triển khai thực hiện các dự án di dời, tái định cư trên 20.000 căn nhà trên và ven các kênh rạch.

Song song với đó, xu thế của các doanh nghiệp BĐS có sự chuyển hướng đầu tư vào phân khúc nhà ở vừa túi tiền, nhà ở giá rẻ, có giá bán khoảng từ 700 triệu đồng đến 1 tỷ đồng cũng sẽ cung ứng cho thị trường BĐS khoảng 100.000 căn hộ NƠXH, nhà ở thương mại giá rẻ, nhà ở thương mại vừa túi tiền cho cán bộ, công nhân viên.

 

Theo Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh, để phát triển NƠXH trên địa bàn thành phố, thời gian tới, thành phố sẽ đa dạng hóa sản phẩm, loại hình NƠXH. Cụ thể, đa dạng đối tượng phục vụ, đa dạng diện tích, đầu tư xây dựng NƠXH, nhà lưu trú công nhân… có diện tích từ 25 đến 35m2 để cho thuê; các căn hộ NƠXH có 1 phòng ngủ, 2 phòng ngủ với diện tích từ 25 đến 77m2 để bán, cho thuê, cho thuê mua các đối tượng NƠXH; đa dạng về giá, với nhiều loại giá khác nhau (từ 300 triệu đồng đến khoảng 1 tỷ đồng) để phù hợp với khả năng thanh toán của nhiều đối tượng; đa dạng về vị trí, đầu tư xây dựng NƠXH cho thuê tại các khu chế xuất, khu công nghiệp hoặc gần các khu chế xuất, khu công nghiệp để phục vụ cho công nhân; NƠXH trên các địa bàn quận, huyện để bán, cho thuê, thuê mua cho các đối tượng đang sinh sống và làm việc trên địa bàn các quận, huyện, phù hợp giữa nơi ở và nơi làm việc.

Đồng thời, thành phố sẽ tiếp tục rà soát, bố trí các quỹ đất xây dựng NƠXH trên địa bàn quận, huyện; phát triển NƠXH kể cả sử dụng vốn ngân sách và ngoài ngân sách, tạo điều kiện, khuyến khích các nhà đầu tư tham gia đầu tư xây dựng NƠXH bằng nguồn vốn ngoài ngân sách. Mặt khác, cân đối phân bố nguồn vốn ngân sách TP để phát triển NƠXH thuộc sở hữu nhà nước.


 

 

 

Thái An - Mạnh Tiến
Ý kiến bạn đọc
Top