Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 19 tháng 4 năm 2024  
Thứ năm, ngày 16 tháng 9 năm 2021 | 9:34

Nuôi cá dìa trong ao đất ở Quảng Trị: Ít rủi ro, cải thiện môi trường

Với mục tiêu chuyển đổi đối tượng nuôi, cải tạo môi trường sinh thái, giảm thiểu rủi ro về dịch bệnh, năm 2021, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Trị đã đưa vào thí điểm mô hình nuôi cá dìa trong ao đất.

Sau gần 4 tháng triển khai, mô hình đã mang lại kết quả khả quan.

 

1.jpg
  Cá dìa trong mô hình đạt kích cỡ bình quân 4-5 con/kg - Ảnh: T.QThục Quyên

 

Mô hình được thực hiện tại khu phố Vĩnh Phước (phường Đông Lương, TP. Đông Hà) trên diện tích 0,4 ha, thả nuôi 8.000 con cá dìa giống kích cỡ 5 - 6cm.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Tiến, hộ thực hiện mô hình cho biết, đây là lần đầu tiên ông nuôi cá dìa, lại sử dụng ao vốn nuôi tôm bỏ hoang hơn 3 năm nay nên trước khi thả nuôi ông đã dùng máy đào sâu thêm 20cm để loại bỏ chất thải ở đáy ao. Sau đó, cày lật đáy ao, bón vôi và phơi đáy ao trong 10 ngày để loại bỏ các loại mầm bệnh, khí độc.

Cá giống thả nuôi được lấy từ cơ sở có uy tín, có giấy kiểm định chất lượng. Theo kinh nghiệm của ông Tiến, cá dìa rất nhạy cảm với môi trường nên trong quá trình nuôi nếu phát hiện cá có hiện tượng khác thường, tấp vào bờ thì phải xử lý ngay bằng cách chạy máy quạt nước, máy sục khí và bổ sung thêm chế phẩm sinh học. Mỗi ngày cho cá ăn 2 lần, do sử dụng thức ăn công nghiệp nên phải cân đối từng bữa nếu không sẽ rất dễ gây ô nhiễm nguồn nước trong ao.

“Sau 4 tháng nuôi, mô hình cho thu hoạch hơn 1,4 tấn cá dìa (4 - 5 con/kg). Với giá bán 140.000 đồng/kg, trừ chi phí, tôi thu lãi trên 50 triệu đồng. Mặc dù không cao bằng lúc nuôi tôm thâm canh được mùa nhưng nuôi cá dìa mức độ rủi ro thấp; ít khả năng thua lỗ vì vốn đầu tư không nhiều. Sản phẩm thu hoạch đạt kích cỡ lớn, đảm bảo yêu cầu về chất lượng và bán được giá cao trên thị trường. Đầu ra của cá dìa cũng rất thuận lợi, đến vụ thu hoạch, thương lái đến thu mua nên người nuôi rất yên tâm”, ông Tiến chia sẻ.

Kỹ sư Phan Mỹ Nhung, cán bộ trực tiếp chỉ đạo mô hình cho biết, tham gia mô hình, hộ nuôi được Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ 50% cá giống và thức ăn. Cá dìa là đối tượng nuôi mới, lần đầu tiên được đưa vào nuôi thử nghiệm trong ao đất. Đây là loài cá được đánh giá là có sức sống rất tốt, sinh trưởng nhanh, trọng lượng khá và chất lượng thịt ngon. So với nuôi tôm và một số loại cá khác thì cá dìa dễ nuôi hơn nhiều và ít tốn công chăm sóc; tỉ lệ sống trên 90%. 

Điều quan trọng là phải đảm bảo môi trường nước trong sạch, xử lý kịp thời khi thời tiết thay đổi bất thường như định kỳ bổ sung lượng nước hao hụt do nắng nóng, đảm bảo độ sâu từ 1,4 m trở lên.

Định kỳ sử dụng vôi nông nghiệp, khoáng chất, chế phẩm sinh học… để ổn định môi trường nước. Cá dìa là loại ăn tạp, do vậy, trong nuôi thâm canh có thể sử dụng các loại thức ăn công nghiệp tổng hợp có độ đạm từ 35% trở lên để làm thức ăn cho cá. Tuy nhiên, khi sử dụng loại thức ăn này, hộ nuôi phải có kinh nghiệm trong quá trình cho ăn mới có thể quản lý tốt lượng thức ăn và có chế độ cho ăn phù hợp bởi đây là loại thức ăn chìm.

 

Cá dìa (cá nâu) là tên gọi chỉ các loài cá thuộc chi duy nhất của họ Cá dìa thuộc bộ Cá vược. Đây là loại cá da trơn thân dẹp, tròn, dày, đầu và miệng cá ngắn, vây sắc, da màu nâu xám hoặc màu xanh đậm ở phần lông, màu bạc ở bụng lấm tấm hoa màu vàng trên thân.

Cá dìa có kích thước  bằng bàn tay người lớn và có trọng lượng trung bình 250 g/con.

Cá dìa còn được gọi tên dân gian là cá thuốc bắc vì thịt rất ngon và có giá trị dinh dưỡng cao, có chức năng như một liều thuốc an thần nhẹ, chống mất ngủ và giảm tress rất hiệu quả.

 

Cụ thể, thức ăn không được rải trực tiếp xuống ao nuôi mà được cho vào các sàng ăn và kiểm tra sau mỗi lần cho ăn. Nếu cá ăn chưa hết thì phải giảm lượng thức ăn lần sau xuống để tránh tồn đọng. “Việc sử dụng thức ăn có hàm lượng đạm cao sẽ giúp cho cá dìa có tốc độ sinh trưởng nhanh hơn. Tại mô hình, chỉ sau chưa đầy 4 tháng thả nuôi đã cho thu hoạch với kích cỡ bình quân 5 con/kg. Qua đó, giúp hộ nuôi rút ngắn thời gian nuôi, tránh được mùa mưa lũ mà hoàn toàn có thể đảm bảo về mặt hiệu quả kinh tế cũng như kỹ thuật”, kỹ sư Nhung cho hay.

Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Trị Phan Văn Phương cho biết: “Mô hình nuôi cá dìa trong ao đất tạo tiền đề để chúng tôi bổ sung đối tượng cá dìa vào nuôi luân canh, xen canh với các đối tượng truyền thống (tôm, cua...). Qua đó góp phần đa dạng hóa đối tượng nuôi thủy sản, thay đổi thế độc canh con tôm có nhiều rủi ro do dịch bệnh, cải thiện môi trường trong ao nuôi tôm, tiến tới nuôi bền vững. Trên cơ sở này, trong những vụ tới, Trung tâm sẽ nhân rộng mô hình ra các địa phương khác, nhất là ở vùng nuôi thủy sản đang bị ảnh hưởng do dịch bệnh”.

 

Thục Quyên
Ý kiến bạn đọc
Top