Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 6 tháng 5 năm 2024  
Thứ hai, ngày 9 tháng 8 năm 2021 | 11:23

Nuôi dê Boer Nam Phi quy mô trang trại, mô hình sản xuất mới ở Bảo Lộc

Mới thành lập được gần 2 năm, nhưng trang trại nuôi dê Boer giống Nam Phi hơn 300 con của vợ chồng bà Nguyễn Thị Ngọc Huyền, Lại Quang Trung ở thôn 14, xã Đam B’ri (TP. Bảo Lộc - Lâm Đồng) được nhiều người biết đến với quy mô đầu tư hiện đại, hiệu quả.

1.jpg
Dê Boer là loài vật nuôi có trọng lượng lớn và mang lại giá trị kinh tế cao.

 

Rẽ trái, đầu tư nuôi dê

Đã bước qua tuổi lục tuần, nhưng nhắc đến vợ chồng bà Nguyễn Thị Ngọc Huyền và ông Lại Quang Trung, không chỉ người dân xã Đam B’ri mà cả TP. Bảo Lộc ai cũng biết về cách làm nông nghiệp hiện đại của ông bà.

Hơn 20 năm gắn bó với nghề trồng nấm, ông bà đã mang đến cho thị trường trong và ngoài nước những mặt hàng nấm mèo thương phẩm chất lượng cao. Nghề trồng nấm tuy ăn nên làm ra, nhưng ông bà cũng đã trải qua không ít gian truân. Ngoài sự vất vả thì trong suốt thời gian hơn 20 năm trồng nấm, không ít lần gia đình ông bà phải đổ bỏ và thua lỗ hàng trăm triệu đồng do mua phải nguyên vật liệu (mùn cưa) không đảm bảo chất lượng.

Đầu năm 2020, bà Huyền quyết định giao lại toàn bộ trại nấm cho người con trai quán xuyến để chuyển qua đầu tư trang trại nuôi dê Boer, giống dê thương phẩm có nguồn gốc từ Nam Phi. Để chuẩn bị cho hành trình đầu tư nuôi dê, bà Huyền đã tìm đến nhiều trang trại nuôi dê trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng và một số địa phương khác tìm hiểu kỹ thuật và lựa chọn con giống. Còn ông Trung (chồng bà Huyền) bắt tay vào việc đầu tư xây dựng trang trại nuôi dê theo hướng công nghệ cao khép kín.

Kiến thức đầy đủ, cơ sở vật chất chuẩn bị xong, vợ chồng bà Huyền mua 100 con dê giống Boer (hơn 20 triệu đồng/con) có nguồn gốc từ Nam Phi về nuôi; đồng thời, thuê người có chuyên môn chăn nuôi tới trang trại để theo dõi xử lý, chăm sóc, hướng dẫn và chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi. Nhờ vậy, chỉ sau hơn 1 năm chuyển từ trồng nấm qua nuôi dê, vợ chồng bà Huyền phát triển được đàn dê Boer F1 hơn 300 con.

Bà Huyền chia sẻ: “Qua tìm hiểu và từ thực tế chăn nuôi, so với giống dê truyền thống (dê cỏ, dê bách thảo), dê Boer có nhiều điểm nổi trội như dễ nuôi, phàm ăn, lớn nhanh, cho sản lượng thịt nhiều… Bình quân, mỗi con dê Boer trưởng thành nặng 80 - 110 kg, nên hiệu quả kinh tế mang lại cao hơn”.

Dẫn chúng tôi đi tham quan dãy chuồng nuôi, ông Lại Quang Trung chia sẻ: “Chuồng  nuôi dê được gia đình  xây dựng đảm bảo cao ráo, thoáng mát và vệ sinh môi trường. Trong quá trình chăn nuôi,  chủ yếu cho dê ăn cỏ, hạt bắp và bổ sung thêm cám. Dê Boer là giống dê có sức đề kháng tốt nên  phát triển rất nhanh, sinh sản hiệu quả, rất thuận lợi để gây đàn mở rộng quy mô chăn nuôi”.

Chú trọng xây dựng trại nuôi vệ tinh

Từ  hiệu quả bước đầu nuôi dê Boer giống Nam Phi, gia đình bà Huyền đang đầu tư mở rộng quy mô trang trại; đồng thời, bán con giống và hỗ trợ những người dân có nhu cầu xây dựng, phát triển các trang trại vệ tinh cùng hợp tác làm ăn.

Theo bà Huyền, hiện tại và cả về lâu dài, gia đình bà chú trọng phát triển trang trại chăn nuôi theo hướng sản xuất dê giống, còn dê thịt thì chỉ xuất bán những con đực hoặc dê cái không đạt chất lượng làm giống. Hiện tại, gia đình đã liên kết cung cấp giống cho một số hộ dân trên địa bàn xã Đam B’ri. Dê cái sinh sản khi cấp giống đều đã được phối giống mang bầu, với giá 12 - 14 triệu đồng/con.

“Từ sự phát triển ổn định, gia đình  đang tiếp tục đầu tư xây dựng trang trại, mở rộng quy mô chăn nuôi lên 1.000 con dê sinh sản. Đồng thời, nhập thêm những con dê đực thuần Boer Nam Phi để lai tạo ra nguồn dê giống F1 đảm bảo chất lượng tốt nhất đáp ứng nhu cầu của người dân. Ngoài việc cung cấp giống, gia đình sẽ đảm nhận việc tư vấn thiết kế chuồng trại và hỗ trợ kỹ thuật chăn nuôi cho bà con”, bà  Huyền cho biết.

Đến thời điểm hiện tại, trang trại chăn nuôi dê của gia đình bà Huyền có giá trị khoảng 3,5 - 4 tỷ đồng.

Nói về việc chọn giống dê Boer Nam Phi để đầu tư chăn nuôi phát triển kinh tế, bà Huyền chia sẻ: “Thời gian qua, làn sóng bất động sản tăng mạnh, nên nhiều người chú trọng đầu tư đất đai. Còn gia đình tôi, có truyền thống sản xuất nông nghiệp, nên chọn chăn nuôi để phát triển. Tôi tin hướng đi này sẽ mang lại hiệu quả cao và có tính bền vững. Thời gian này, có  nhiều khách hàng liên hệ đặt con giống nhưng tôi phải từ chối khéo. Vì hiện tại gia đình đang cần giống để mở rộng quy mô chăn nuôi; đồng thời, hợp tác để phát triển các trang trại vệ tinh”.

 Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Đam B’ri, đánh giá: Trang trại chăn nuôi dê Boer của gia đình bà Huyền là mô hình chăn nuôi mới và đang mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đây là trang trại chăn nuôi dê lớn nhất của địa phương, nơi cung cấp dê giống cho bà con có uy tín. Đây cũng là địa chỉ cho bà con nông dân trong và ngoài địa phương tới học tập kinh nghiệm chăm sóc dê để đầu tư phát triển kinh tế theo hướng bền vững.

 

 

Khánh Phúc
Ý kiến bạn đọc
Top