Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ hai, ngày 27 tháng 9 năm 2021 | 13:57

Nuôi hàu theo công nghệ thân thiện môi trường

Việc sử dụng lốp xe cũ làm giá thể nuôi hàu ở đầm Lập An, thị trấn Lăng Cô (Phú Lộc, Thừa Thiên Huế) gây nhiều tranh cãi.

 

1.jpg
Nuôi hàu bằng vỏ lốp cao su được khuyến cáo hạn chế sử dụng.

 

Nhiều ý kiến lo ngại phương pháp nuôi bằng lốp cao su cũ sẽ ảnh hưởng đến chất lượng nguồn thịt hàu, cảnh quan môi trường mặt nước đầm Lập An cũng như tác động đến hoạt động du lịch, dịch vụ ở địa phương.

Nghề nuôi hàu là nguồn sinh kế của hơn 240 hộ dân và là đối tượng nuôi chính cho giá trị kinh tế cao, nên chính quyền, người dân thị trấn Lăng Cô rất quan tâm, mong sớm tìm ra loại giá thể phù hợp, vừa duy trì phát triển nghề nuôi hàu, vừa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và bảo vệ cảnh quan môi trường.

Hiện nay, diện tích nuôi hàu ở đầm Lập An khoảng 240ha. Gần 100% hộ nuôi hàu đều sử dụng lốp xe cũ làm giá thể, một số ít kết hợp nuôi bằng dây vỏ hàu, cọc tre, gỗ...

Để đánh giá hiện trạng nuôi và tác động của việc sử dụng lốp xe cũ làm giá thể, năm 2020, nhóm nghiên cứu do PGS. TS. Tôn Thất Chất, Trường đại học Nông Lâm, Đại học Huế, chủ nhiệm đề tài đã nghiên cứu đánh giá và đề xuất công nghệ nuôi hàu “thân thiện với môi trường” phù hợp với hiện trạng tại đầm Lập An. Nhóm nghiên cứu đã thực hiện phương pháp quan trắc một số chất gây ô nhiễm môi trường nước, thịt hàu ở đầm Lập An bằng cách tiến hành lấy mẫu nước và mẫu hàu nuôi tại 2 vị trí nuôi hàu bằng lốp cao su ở đầm Lập An và một điểm đối chứng nuôi hàu trên giá thể không phải là lốp cao su ở xã Lộc Bình (Phú Lộc). Ngoài ra, nhóm tiến hành phương pháp thử nghiệm và xây dựng quy trình công nghệ nuôi hàu “thân thiện với môi trường” trên loại giá thể dây cước vỏ hàu.

Kết quả, các hàm lượng kẽm, crôm, chì, lưu huỳnh và các hợp chất hữu cơ trong nước ở hai điểm nuôi bằng giá thể lốp xe tại đầm Lập An và điểm đối chứng ở Lộc Bình có sự sai khác. Các chất này trong nước ở vùng nuôi nhiều lốp có hàm lượng cao hơn, nhưng vẫn dưới ngưỡng cho phép theo tiêu chuẩn 10 QCVN-MT:2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Hàm lượng kẽm, crôm, chì trong thịt hàu trên các mẫu thịt hàu thu trên giá thể lốp xe và hàu bám trên giá thể tự nhiên (cọc gỗ) không có sự sai khác cần thống kê, nhưng chỉ số lưu huỳnh hàu bám trên giá thể lốp xe cao hơn hàu bám trên giá thể tự nhiên. Tuy nhiên, các chỉ số nằm trong ngưỡng cho phép theo quy chuẩn của Bộ Y tế.

Mặc dù các chỉ số như kẽm, lưu huỳnh, chì, crôm, các hợp chất hữu cơ đối với việc nuôi hàu dưới nước bằng lốp xe chưa biểu hiện vượt quá ngưỡng cho phép, nhưng kết quả nghiên cứu cho thấy, các vùng có mật độ nuôi giá thể lốp xe dày thì các chỉ số hàm lượng trên có xu hướng tăng.

Vì vậy, theo nhóm nghiên cứu đề tài, cần kiểm soát không để tăng mật độ nuôi bằng giá thể lốp cao su quá mức, vì về lâu dài, sẽ làm vượt ngưỡng cho phép.

Theo kết quả nghiên cứu, việc nuôi hàu bằng giá thể dây vỏ hàu cho tốc độ tăng trưởng, năng suất, sản lượng tương đương nuôi hàu bằng giá thể vỏ lốp cao su và việc nuôi bằng dây vỏ hàu giúp giảm thải lượng vỏ hàu thải ra hàng năm, góp phần làm đẹp cảnh quan môi trường. Ngoài ra, cần khuyến khích người nuôi sử dụng giá thể dây vỏ hàu có cấy giống nhân tạo để tăng tính chủ động và đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nghề nuôi.

 

Hoài Nguyên
Ý kiến bạn đọc
Top