Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 25 tháng 3 năm 2021 | 14:31

Nuôi ngỗng sư tử thu lợi kép

Mạnh dạn thử nghiệm mô hình nuôi ngỗng sư tử trong vườn chanh, ông Lê Văn Tịnh ở ấp Gò Rùa, xã Nghĩa Thành, huyện Châu Đức (Bà Rịa - Vũng Tàu) bước đầu thu hiệu quả kép.

ngong_sutu_brvt_2.jpg
Nuôi ngỗng giúp ông Tịnh đỡ công dọn cỏ cho vườn chanh.

 

Ông  Tịnh từng có nhiều năm chăn nuôi và trồng cây ăn trái, chủ yếu là cây chanh trên diện tích khoảng 4.000m2. Tuy nhiên, việc chăm sóc cho vườn cây chiếm khá nhiều thời gian, đặc biệt là công cắt cỏ trong vườn cây. Trong dịp ra miền Bắc, tình cờ biết người quen nuôi ngỗng sư tử, ông ghé thăm và cảm thấy khá ấn tượng bởi từ lâu ngỗng được xem như là loài vật “ăn của giả, nhả của thật”, nhất là khả năng gặm cỏ. Chúng được ví như những cỗ máy xén cỏ, có thể ăn tận gốc rễ cây cỏ.

Qua tìm hiểu, ông biết ngỗng sư tử hay ăn, chóng lớn, ít mắc bệnh hơn gà vịt, nên đầu năm 2020, ông Tịnh mạnh dạn nhập thử 50 con ngỗng sư tử giống từ Hà Nội về thả nuôi trong vườn cây chanh của mình.

Sau 6 tháng nuôi, vườn chanh vẫn xanh tốt, sai quả, không thấy sự xuất hiện cỏ dại bởi cỏ mọc đến đâu ngỗng ăn sạch đến đấy, lượng phân bón cho cây cũng giảm, ngỗng sinh trưởng và phát triển tốt, lượng thức ăn cung cấp không nhiều. Từ những ưu điểm này, ông tăng đàn ngỗng sư tử lên 100 con.

Ngỗng sư tử là loài thủy cầm có sự tăng trọng nhanh, sau 3 tháng nuôi, trọng lượng tăng 40 - 45 lần so với ban đầu. Thức ăn của ngỗng sư tử chủ yếu là các loại thức ăn thô dễ kiếm trong tự nhiên như cỏ dại, rau, bèo, chuối… Thức ăn tinh chiếm tỷ lệ nhỏ nên kinh phí đầu tư không nhiều. Để ngỗng tăng trưởng nhanh hoặc khi ngỗng bước vào thời kỳ sinh sản sử dụng thêm thóc, bột bắp, cám gạo, bã đậu nành phối trộn cho chúng ăn ngày 2 lần vào lúc 6 giờ  và 17 giờ. Thức ăn đặt tại vị trí cố định, tập phản xạ cho ngỗng để ngỗng đến ăn đều hơn.

Theo kinh nghiệm của ông, ngỗng sư tử được nuôi theo hình thức chăn thả tự nhiên trong vườn cây chanh, thức ăn chủ yếu là rau xanh, cỏ dại, bổ sung thêm bột ngô, thóc nên thịt ngỗng chắc, thơm ngon, thời gian tăng trưởng nhanh. Trọng lượng cơ thể ngỗng 5 tháng tuổi đạt 5 – 6 kg/con (cá biệt nuôi 2-3 năm ngỗng sư tử nặng 9-10 kg/con). Ngỗng đẻ 4 - 5 lần/năm, sản lượng trứng trung bình 40 quả/con/năm.

Ông Tịnh cho biết: “Trước đây, chưa nuôi ngỗng, việc dọn cỏ cho toàn bộ diện tích cây ăn quả này mất rất nhiều thời gian. Từ khi có đàn ngỗng sư tử “giúp”, tôi có thời gian để làm công việc khác”. 

Ngỗng sư tử là đối tượng mới ở khu vực phía Nam nên nhu cầu tiêu thụ ngỗng thương phẩm cũng như con giống rất lớn. Ngoài việc cho ấp nở để tăng số lượng đàn, ông còn nhận đặt hàng bán trứng ngỗng, con giống, ngỗng thịt ra thị trường. Hiện, giá thịt ngỗng sư tử 100.000 đồng/kg, ngỗng sư tử giống 120.000 đồng/con, trứng ngỗng 30.000 đồng/quả.

Mô hình nuôi ngỗng sư tử trong vườn chanh của ông Tịnh cũng chính là cách làm giàu điển hình trong sản xuất nông nghiệp tổng hợp khi biết kết hợp, lồng ghép đối tượng nuôi cây - con trên cùng một đơn vị diện tích. Không làm giàu cho riêng mình, ông sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm của mình với những ai có nhu cầu tham quan, học tập áp dụng vào sản xuất.

 

 

Trọng Hoàng
Ý kiến bạn đọc
Top