Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 22 tháng 5 năm 2024  
Thứ năm, ngày 7 tháng 4 năm 2022 | 10:2

Nuôi sá sùng, nhiều triển vọng mới

Sau nhiều tháng “cùng ăn, cùng ngủ, cùng làm”, các kỹ sư nuôi trồng thủy sản đã nhân giống và chuyển giao thành công công nghệ sản xuất giống sá sùng nhân tạo và mô hình nuôi thí điểm tại các hộ dân ở TX Sông Cầu (tỉnh Phú Yên).

Bước đầu, dự án có nhiều tín hiệu tích cực, tạo sinh kế cho người dân trên địa bàn...

Đối tượng nuôi mới đầy triển vọng

Sau nhiều năm nuôi tôm thất bại, cuối năm 2021, khi nghe thông tin về dự án nuôi sá sùng, ông Trần Xuân Ngọc, ở khu phố Lệ Uyên (phường Xuân Yên), đã mạnh dạn đăng ký nuôi sá sùng thương phẩm. Được Sở Khoa học và Công nghệ Phú Yên phối hợp Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 3 và Công ty CP Tập đoàn đầu tư Vạn Phát Đạt hỗ trợ về giống, thức ăn, hướng dẫn quy trình kỹ thuật nuôi sá sùng thương phẩm kết hợp với tôm thẻ chân trắng, ông Ngọc đã thả nuôi hàng chục ngàn con sá sùng và tôm thẻ chân trắng trên diện tích 5.000m2 ở hai ao nuôi của gia đình. Hiện nay, sau gần 4 tháng thả nuôi, cả sá sùng và tôm thẻ chân trắng đều sinh trưởng, phát triển khỏe mạnh.

 

cán-bộ-kỹ-thuật-viện-nghiên-cứu-nuôi-trồng-thủy-sản-iii-đóng-trên-địa-bàn-tỉnh-phú-yên-đang-kiểm-tra-sá-sùng-giống-ảnh-anh-ngọc.jpg
Cán bộ kỹ thuật Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III (trên địa bàn tỉnh Phú Yên) đang kiểm tra sá sùng giống. Ảnh ANH NGỌC.

 

“Trước đây, gia đình nuôi tôm công nghiệp. Những năm đầu có lãi, nhưng về sau dịch bệnh hoành hành, nguồn giống không đảm bảo nên nuôi bị thua lỗ. Hiện nay, tôi nuôi sá sùng thương phẩm và sá sùng kết hợp với tôm thẻ chân trắng; thủy sản nuôi phát triển rất tốt, an toàn và không xảy ra dịch bệnh. Tôi thấy nuôi sá sùng chi phí không cao, nhiều triển vọng”, ông Ngọc kể.

Ông Ngô Văn Hòa, ở xã Xuân Phương (TX Sông Cầu), cũng tham gia mô hình thí điểm nuôi sá sùng thương phẩm kết hợp với tôm thẻ chân trắng trên diện tích hơn 3.000m2. Đầu năm 2022, ông Hòa thả gần 9.000 con giống sá sùng, sau đó một tháng, ông tiếp tục thả nuôi thêm 12.000 con giống tôm thẻ chân trắng. Hiện sá sùng và tôm thẻ chân trắng trong ao nuôi kết hợp đạt trọng lượng 150 con/kg.

“So với nuôi tôm thì nuôi sá sùng khả năng thành công cao, không sợ dịch bệnh, được hỗ trợ khoa học kỹ thuật, con giống... Hơn nữa, đầu ra của sá sùng rất rộng, giá thị trường mỗi năm một tăng, hiện ở mức 200.000-300.000 đồng/kg sá sùng tươi”, ông Hòa chia sẻ.

 

Sá sùng là loài hải sản quý hiếm. Từ thời xưa, chúng được khai thác để làm cống vật cho vua. Chỉ có những người giàu có mới đủ điều kiện sử dụng.

Theo Đông y, sá sùng có thể sử dụng như một vị thuốc cường dương, tăng sinh lực. Chúng có thể dùng để chế biến để làm thuốc bằng cách ngâm nước muối, luộc chín, căng ra phơi khô. Muốn ăn lại thì đem luộc lần nữa rồi cắt thành từng miếng nhỏ nấu với thuốc Bắc hoặc bỏ vào bụng gà ác hầm nhừ rồi ăn.

Ngoài ra, sá sùng còn được sử dụng cả lúc còn tươi (nấu canh, xáo) hay khô (rang).

 

Theo kỹ sư Nguyễn Duy Trinh, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn đầu tư Vạn Phát Đạt, trước tình trạng môi trường nuôi thủy sản bị ô nhiễm, việc tìm ra đối tượng nuôi mới phù hợp với điều kiện tự nhiên cho người dân là rất quan trọng. Công ty đồng hành cùng Sở Khoa học và Công nghệ Phú Yên và Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 3 triển khai dự án Ứng dụng công nghệ sản xuất giống và nuôi thương phẩm sá sùng theo hướng bền vững tại Phú Yên nhằm mở ra hướng nuôi trồng mới có hiệu quả kinh tế cao, góp phần tạo sinh kế bền vững cho người dân.

Nhân rộng mô hình

Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Phú Yên Dương Bình Phú cho biết: Dự án Ứng dụng công nghệ sản xuất giống và nuôi thương phẩm sá sùng theo hướng bền vững có tổng kinh phí hơn 9,4 tỉ đồng. Trong đó, ngân sách nhà nước hỗ trợ 2,5 tỉ đồng, còn lại do Công ty CP Tập đoàn đầu tư Vạn Phát Đạt hỗ trợ. Dự án được triển khai từ tháng 4/2021 và chia thành hai giai đoạn. Giai đoạn đầu từ năm 2021-2022, chuyển giao công nghệ sản xuất giống sá sùng cho địa phương để chủ động về con giống và phát triển nghề nuôi sá sùng tại Phú Yên. Giai đoạn hai, từ năm 2022-2023, triển khai nuôi thương phẩm sá sùng kết hợp với tôm thẻ chân trắng.

 

ts-thái-ngọc-chiến-phổ-biến-kỹ-thuật-nuôi-sá-sùng-thương-phẩm-cho-người-dân-tx-sông-cầu-ảnh-lệ-văn.jpg
TS. Thái Ngọc Chiến phổ biến kỹ thuật nuôi sá sùng thương phẩm cho người dân T.X Sông Cầu. Ảnh LỆ VĂN

 

“Dự án hướng đến chuyển giao công nghệ sản xuất giống và nuôi thương phẩm sá sùng bền vững, nâng cao thu nhập cho người dân nuôi trồng thủy sản, đồng thời từng bước ứng dụng khoa học – công nghệ vào phục vụ cuộc sống. Hiện dự án triển khai thí điểm tại TX. Sông Cầu và cho thấy nhiều triển vọng. Sắp tới, chúng tôi tiếp tục thí điểm ở TX. Đông Hòa, sau đó có đánh giá cụ thể để tiếp tục nhân rộng đối tượng nuôi mới này, giúp người dân có thêm thu nhập”, ông Phú nói.

 

 

TS. Thái Ngọc Chiến cho biết, nuôi thương phẩm sá sùng sẽ mang lại cho người nuôi 3 lợi ích. Thứ nhất, sá sùng ăn mùn bã hữu cơ đáy, làm giảm quá trình ô nhiễm từ hoạt động nuôi tôm thẻ chân trắng, giảm ô nhiễm và mầm bệnh.

Thứ hai, sá sùng đã chuyển dạng năng lượng thấp (chất thải) sang dạng năng lượng cao và hữu ích (protein của thịt sá sùng).

Thứ ba, sá sùng sẽ cung cấp thêm sản lượng phụ làm tăng thu nhập cho toàn bộ hệ thống nuôi, nâng cao thu nhập của người nuôi tôm thẻ chân trắng.

 

Theo TS Thái Ngọc Chiến, Trưởng Phòng Nghiên cứu khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản (Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 3), qua nghiên cứu và triển khai dự án, đơn vị nhận thấy Phú Yên có nhiều địa điểm nuôi tôm thẻ chân trắng không hiệu quả và cũng có nhiều diện tích nuôi bị bỏ không… Khi đã làm chủ được con giống, chúng ta có thể tận dụng những vùng nuôi này để phát triển đối tượng nuôi mới rất phù hợp như sá sùng. Một thuận lợi nữa là vốn đầu tư nuôi sá sùng không cao, công nghệ nuôi không phức tạp, lại an toàn, hiệu quả hơn nhiều loại thủy sản khác.

Ông Nguyễn Nhật Trại, Phó Chủ tịch Hội Nông dân phường Xuân Yên (TX Sông Cầu), cho biết, gần đây, môi trường vùng nuôi tôm bị ô nhiễm, dịch bệnh phát sinh tại các ao nuôi nên nhiều hộ dân không dám tái đầu tư nuôi tôm, bỏ trắng các ao nuôi. Vì vậy, khi được Sở Khoa học và Công nghệ Phú Yên, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 3 và Công ty CP Tập đoàn đầu tư Vạn Phát Đạt chuyển giao kỹ thuật, con giống để nuôi thí điểm sá sùng, người dân rất phấn khởi. “Chúng tôi rất mong muốn các đơn vị tổ chức tập huấn kỹ thuật nuôi, chuyển giao con giống và nhân rộng mô hình này để người dân địa phương có thêm đối tượng nuôi mới hiệu quả, phát triển kinh tế gia đình”, ông Trại nói.

 

Văn Tài
Ý kiến bạn đọc
Top