Anh Hoàng Ngọc Tuấn ở tại thôn Mai Xá, xã Gio Mai (Gio Linh - Quảng Trị) tự mày mò tìm hiểu và thực hiện thành công mô hình nuôi tôm “ao trong ao”.
Anh Tuấn kể, mặc dù đang rất thành công với nghề kinh doanh vật liệu xây dựng nhưng anh luôn trăn trở khi thấy người nuôi tôm trên địa bàn xã liên tiếp gặp khó khăn do tôm nuôi bị dịch bệnh. Qua tìm hiểu, anh nhận thấy, nguyên nhân tôm nuôi thường xuyên bị dịch bệnh là do mầm bệnh tồn tại trong đất, trong nguồn nước cấp vào ao và trong các ký chủ trung gian như cua, còng…
Để hạn chế tối đa nguy cơ dịch bệnh thì giải pháp tốt nhất là phải “cách ly” được mầm bệnh, không để vi rút, vi khuẩn gây bệnh xâm nhập được vào ao nuôi.
Sau khi tham quan, học tập các mô hình nuôi tôm trên cát bằng ao tròn từ các tỉnh phía Nam, anh quyết định dồn toàn bộ số tiền hơn 1,2 tỉ đồng dành dụm được mua lại một số ao nuôi tôm bỏ hoang ở khu vực Đồng Soi, xã Gio Mai để đầu tư xây dựng khu nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh trong ao nổi.
Với tổng diện tích 2ha, khu nuôi tôm siêu thâm canh của anh Tuấn gồm 4 ao nuôi hình tròn có đường kính 35m, cao 1,2m; được trang bị đầy đủ hệ thống máy sục khí, ống dẫn khí, máy quạt nước, máy cho tôm ăn tự động… Ngoài ra còn có các ao cấp, ao xử lý nước và áp dụng kỹ thuật tách chất thải rắn, tái sử dụng nước, không chỉ tiết kiệm chi phí đầu tư mà còn hạn chế nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
Quy trình nuôi được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, tôm giống được ương nuôi khoảng 30 ngày trong 1 ao nổi, mật độ nuôi khoảng 3.000 con/m2. Giai đoạn 2, tôm giống được chuyển sang các ao nổi còn lại để nuôi thương phẩm, mật độ nuôi khoảng 300 con/m2. Sau 90 - 100 ngày nuôi, tôm đạt trọng lượng khoảng 40 con/kg thì tiến hành thu hoạch.
Anh Tuấn chia sẻ, ở vụ nuôi đầu tiên, với mật độ thả 300 con/m2, sau hơn 3 tháng nuôi tôm trong ao nổi đạt trọng lượng trung bình 40 con/kg, sản lượng đạt hơn 8 tấn. Trừ chi phí và khấu hao tài sản, anh thu lãi khoảng 300 triệu đồng. “Hiện nay, tôi đang thả nuôi vụ tiếp theo và tôm đang phát triển khá tốt”, anh Tuấn cho hay.
Phó trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Gio Linh Nguyễn Xuân Phương đánh giá, ngoài giảm chi phí đầu tư, mô hình nuôi tôm “ao trong ao” này còn dễ dàng trong quá trình quản lý, chăm sóc, hạn chế tối đa nguy cơ ô nhiễm môi trường, dịch bệnh.
“Đây được xem là mô hình nuôi tôm bằng công nghệ mới với nhiều ưu điểm vượt trội, an toàn, bền vững và mang lại hiệu quả kinh tế; có khả năng áp dụng rộng rãi do vốn đầu tư và quy trình kỹ thuật ở mức độ vừa phải, phù hợp với điều kiện và khả năng các hộ nuôi tôm”, ông Phương nhấn mạnh.