Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 24 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 10 tháng 3 năm 2017 | 1:32

PetroVietnam Landmark mở thủ tục phá sản: Quyền lợi khách hàng?

Hơn 400 khách hàng mua căn hộ tại dự án PetroVietnam Landmark (PVC Land) tại quận 2 (TP.Hồ Chí Minh) đang “điêu đứng” trước quyết định mở thủ tục phá sản của TAND TP. Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, quyền lợi cho khách hàng đã mua nhà tại PetroVietnam Landmark cần được đảm bảo và đặt lên hàng đầu.

Hơn 400 khách hàng đã ký hợp đồng mua bán căn hộ với chủ đầu tư dự án PetroVietnam Landmark đang “ngồi trên đống lửa” khi tòa án công bố quyết định mở thủ tục phá sản.

Dự án đầy tai tiếng

Dự án PetroVietnam Landmark được triển khai từ những năm 2010 trên tổng diện tích gần 19.000m2, gồm tổ hợp cao ốc văn phòng - trung tâm thương mại - chung cư cao cấp do PVC Land làm chủ đầu tư với tổng số hơn 400 căn hộ. Trải qua hơn 6 năm triển khai dự án, PVC Land đã “cù nhầy” trong việc xây dựng, hoàn thiện dự án để bàn giao cho khách hàng. Dù đã thu được hàng trăm tỷ đồng từ hơn 400 khách hàng đã ký hợp đồng mua căn hộ nhưng PVC Land vẫn để dự án bị đình trệ hơn 6 năm qua, làm ảnh hưởng xấu tới niềm tin của khách hàng đối với thị trường bất động sản (BĐS) nói chung và BĐS TP.Hồ Chí Minh nói riêng.

Sau một thời gian dài “án binh bất động”, trước sự kêu cứu của hàng trăm khách hàng mua căn hộ tại dự án PetroVietnam Landmark lên các cấp lãnh đạo của thành phố, cuối năm 2016, phía chủ đầu tư cùng một số đối tác đã tái khởi động dự án với việc thi công nhằm hoàn thiện một số hạng mục. Cụ thể, một số hạng mục như tầng hầm để xe, thang máy, hoàn thiện tầng sân vườn, hồ bơi, trồng cây cảnh, hệ thống phòng cháy chữa cháy, điện nước… cũng được triển khai. Nhiều khách hàng mua căn hộ tại dự án đã cho đây là “tín hiệu” đáng mừng. Tuy nhiên, khi mà nhiều khách hàng đang tràn trề hy vọng được nhận căn hộ mình đã mua sau nhiều năm đã “té ngửa” khi liên tiếp nhận nhiều thông tin không hay về dự án. Cụ thể, Chi cục Thi hành án dân sự quận 3 đã ban hành Quyết định số 28/QĐ - CCTHADS ngày 20/1/2017 về việc tạm dừng đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản đối với 4.708,5m2 đất thuộc dự án PetroVietnam Landmark. Tiếp đến, Chi cục Thi hành án dân sự quận 2 cũng ban hành Quyết định số 66/QĐ - CCTHADS ngày 08/2/2017 về việc tạm dừng đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản đối với quyền sử dụng đất diện tích 15.320m2 tại dự án của PetroVietnam Landmark.

Bên cạnh đó, TAND TP.Hồ Chí Minh cũng ban hành Quyết định số 52/2017/QĐ - MTTPS về việc mở thủ tục phá sản đối với PVC Land địa chỉ tại lầu 6, số 11 Nguyễn Gia Thiều, quận 3, TP.Hồ Chí Minh. Quyết định của tòa án được đưa ra sau khi các cơ quan chức năng xem xét đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp của bà Trần Thị Châu Giang và các giấy tờ, tài liệu có liên quan đến yêu cầu mở thủ tục phá sản. Đồng thời, cơ quan chức năng xét thấy có các căn cứ chứng minh việc PVC Land mất khả năng thanh toán.

Trước đó, PetroVietnam Landmark vướng phải nghi vấn bán tháo căn hộ để thu hồi tiền trả nợ ngân hàng. Cụ thể, năm 2010, giá bán trung bình khoảng 23,8 triệu đồng/m2, nhưng đến cuối năm 2011 giá bán hạ xuống còn 15,5 triệu đồng/m2. Đồng thời, khách hàng mua nhà giá giảm buộc phải đóng 100% giá trị hợp đồng. Trong quá trình PVC Land bị khách hàng kiện đòi nhà từ năm 2013 - 2017, phía chủ đầu tư đã “lộ tẩy” việc bán căn hộ trái luật, thế chấp nhưng khi bán cho khách hàng lại thu đủ tiền mà không thực hiện việc giải chấp.

Cần đảm bảo quyền lợi cho người dân

Liên quan tới việc PVC Land bị tòa án ban hành quyết định mở thủ tục phá sản, câu chuyện quyền lợi của hơn 400 khách hàng đã ký hợp đồng mua bán căn hộ tại dự án phải được đảm bảo và cần phải được đặt lên hàng đầu. Theo đó, khi chính thức mở thủ tục phá sản đối với PVC Land, trong thời hạn 30 ngày tính từ ngày tòa án đăng báo lần cuối cùng để thông báo về việc tòa án mở thủ tục phá sản thì khách hàng nên chủ động liên hệ với quản trị viên để nộp giấy đòi nợ. Cụ thể, giấy đòi nợ phải thể hiện rõ các khoản nợ, số nợ đến hạn, chưa đến hạn, nợ có đảm bảo, không có đảm bảo để được hướng dẫn thực hiện các nội dung theo quy định của pháp luật.

Đặt trường hợp giá trị tài sản bảo đảm của doanh nghiệp bán ra không đủ để thanh toán số nợ thì phần nợ còn lại sẽ được thanh toán trong quá trình thanh lý tài sản của doanh nghiệp. Tuy nhiên, nếu sau khi kiểm kê tài sản của doanh nghiệp và đem chi trả theo thứ tự ưu tiên thì số tiền còn lại sẽ không đáng bao nhiêu. Thậm chí, nếu số nợ lớn hơn tài sản hiện có của doanh nghiệp thì phần thiệt thòi sẽ thuộc về khách hàng.

Luật sư Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Công ty Luật TNHH Trường Lộc, cho rằng, để đảm bảo quyền lợi của mình, khách hàng nên đề nghị chủ đầu tư thực hiện việc bàn giao căn hộ và bù trừ thanh toán theo Điều 63, Luật Phá sản, hoặc xây dựng phương án phục hồi kinh doanh để quyết định khi tổ chức hội nghị chủ nợ, các chủ nợ không bảo đảm là người có quyền biểu quyết việc thông qua phương án phục hồi kinh doanh để hoàn thiện và bàn giao cho người mua nhà. Theo luật sư Tuấn, trong trường hợp này, khách hàng sẽ không mất trắng, còn đòi được bao nhiêu thì tùy thuộc vào tình hình thực tế. Do đó, khách hàng cần thực hiện theo đúng yêu cầu của tòa án để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của mình.

Nhằm bảo vệ khách hàng, tránh những trường hợp rủi ro tương tự như dự án PetroVietnam Landmark, chuyên gia kinh tế, TS.Lê Bá Chí Nhân cũng khuyến cáo, trong Luật Kinh doanh BĐS năm 2014 đã bổ sung thêm Điều 56 quy định rõ tất cả dự án trước khi bán hoặc cho thuê, mua các tài sản hình thành trong tương lai phải được ngân hàng bảo lãnh nghĩa vụ tài chính. Khi đó, nếu chủ đầu tư không bàn giao đúng tiến độ, ngân hàng sẽ sử dụng tiền bảo lãnh để tiếp tục hoàn thiện dự án hoặc đền bù cho khách hàng. Cũng theo ông Nhân, nếu những trường hợp như dự án PetroVietnam Landmark không được kiểm soát tốt, chặt chẽ, những dự án “đột tử” như trên sẽ còn tái diễn, tạo tiền lệ xấu cho thị trường BĐS cũng như ảnh hưởng tới niềm tin của khách hàng.

Đình Hùng - Mạnh Tiến

 

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng hướng đến phát triển bền vững

    Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng hướng đến phát triển bền vững

    Tại Hội nghị Meet The Experts lần thứ 15 với chủ đề “Phát triển bền vững và yếu tố wellness” diễn ra mới đây, các đơn vị, nhân sự, chủ đầu tư đã cùng trau dồi kiến thức chuyên môn, cập nhật thông tin thị trường và xu hướng mới nhất trong ngành bất động sản (BĐS) nghỉ dưỡng vốn gặp nhiều khó khăn trong thời gian qua.

  • Phân khúc văn phòng hạng A được ưa chuộng tại Việt Nam

    Phân khúc văn phòng hạng A được ưa chuộng tại Việt Nam

    Theo báo cáo của Savills, phân khúc văn phòng hạng A trên toàn cầu ghi nhận mức tăng. Tại Việt Nam, phân khúc này tiếp tục là phân khúc được ưa chuộng.

  • TP. Hồ Chí Minh vận dụng cơ chế đặc thù để phát triển nhà ở xã hội

    TP. Hồ Chí Minh vận dụng cơ chế đặc thù để phát triển nhà ở xã hội

    Thực hiện Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh, lãnh đạo thành phố vừa giao Sở Xây dựng rà soát, hệ thống lại nhiệm vụ được giao, tham mưu UBND thành phố ban hành văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành và đơn vị có liên quan thực hiện các nội dung về đầu tư xây dựng nhà ở xã hội quy định tại khoản 3, Điều 6 của Nghị quyết.

Top