Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ hai, ngày 9 tháng 5 năm 2022 | 11:32

Phát triển cây thanh long bền vững: Chuẩn hóa chất lượng

Thời gian gần đây, do tiêu thụ thanh long gặp nhiều khó khăn, nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh Long An đã phá bỏ thanh long.

Trước tình hình này, ngành Nông nghiệp tỉnh Long An khuyến cáo người dân cân nhắc kỹ, không nên vội vàng phá bỏ; đồng thời, cần duy trì các giải pháp kỹ thuật chăm sóc nhằm tránh làm vườn thanh long bị suy kiệt.

Không nên vội vàng phá bỏ

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và PTNT Long An, đến nay, tổng diện tích thanh long trên địa bàn tỉnh khoảng 11.650ha, đạt 97,11% kế hoạch, bằng 98,6% so cùng kỳ; trong đó có khoảng 11.375ha cho trái, tập trung ở các huyện: Châu Thành, Tân Trụ, Bến Lức và TP.Tân An với tổng sản lượng khoảng 330.000 tấn/năm. Hiện thanh long tiêu thụ tại thị trường nội địa khoảng 15% sản lượng, còn lại tập trung cho xuất khẩu, trong đó lượng thanh long xuất khẩu chủ yếu sang thị trường Trung Quốc.

Thời gian qua, do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, Trung Quốc thực hiện chính sách “Zero Covid” khiến việc xuất khẩu thanh long sang thị trường này gặp nhiều khó khăn, giá thanh long giảm mạnh, khiến nông dân thua lỗ. Một số nơi, bà con đã phá bỏ cây thanh long (chủ yếu là các vườn già cỗi, năng suất, chất lượng trái thấp).

 

nông-dân-phá-bỏ-thanh-long-nhưng-thiếu-vốn-để-trồng-lại-hay-chuyển-đổi-cây-trồng.jpg
Một số hộ phá bỏ thanh long nhưng thiếu vốn để trồng lại hoặc chuyển đổi cây trồng.

 

Vừa phá bỏ vườn thanh long ruột đỏ 1ha hơn 7 năm tuổi, ông Nguyễn Văn Minh (ấp 5, xã Phước Tân Hưng, huyện Châu Thành) cho biết: “Hơn 2 năm qua, việc tiêu thụ thanh long rất khó khăn, nhiều vụ thu hoạch không đủ trả chi phí xông đèn, phân, thuốc. Ước tính, gia đình thua lỗ khoảng 200 triệu đồng. Sau khi phá bỏ vườn thanh long, gia đình vẫn chưa biết sẽ phải trồng cây gì hay tiếp tục trồng lại thanh long. Tuy nhiên, hiện nay, chi phí đầu tư để trồng lại thanh long khá cao, 80-100 triệu đồng/ha nên gia đình còn đang cân nhắc”.

Vừa phá bỏ vườn thanh long, anh Võ Thanh Phong (xã Phước Tân Hưng, huyện Châu Thành) chia sẻ: “Gắn bó với cây thanh long hơn 10 năm, tôi đã trải qua gần như mọi giai đoạn thăng trầm của cây thanh long. Gia đình hiện có hơn 7ha thanh long, trong đó có khoảng 1,5ha vừa trồng lại sau khi phá bỏ. Lúc đầu, tôi định phá bỏ để chuyển sang trồng các loại cây khác, tuy nhiên, thật không dễ dàng gì để chuyển đổi, khi các loại máy móc, công cụ sản xuất ở địa phương đều gắn liền với cây thanh long và sau khi chuyển đổi thì cũng không biết phải tiêu thụ như thế nào”.

Trong bối cảnh này, Sở Nông nghiệp và PTNT Long An khuyến cáo, nông dân cần bình tĩnh, tránh hoang mang và cân nhắc kỹ việc chặt bỏ cây thanh long. Bởi, thanh long là cây ăn trái lâu năm, nếu phá bỏ, khi xây dựng lại vườn cây sẽ rất tốn kém chi phí đầu tư và phải nhiều năm sau mới cho thu hoạch. Trong khi đó, với thị trường Trung Quốc, việc xuất khẩu gặp khó khăn có thể chỉ diễn ra trong thời gian trước mắt. Vì vậy, trong khi chờ việc xuất khẩu thanh long được khơi thông trở lại, nông dân nên tạm dừng khai thác trái, duy trì vườn thanh long, tránh tình trạng cây bị suy kiệt, teo cành, tóp cành, phát sinh dịch hại.

Từ sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần - 2022 đến nay, ông Lê Văn Nam (xã An Lục Long, huyện Châu Thành) đã áp dụng biện pháp dừng sản xuất trái và duy trì vườn thanh long bằng cách bón phân hữu cơ. Ông Nam cho biết, gia đình có hơn 0,7ha thanh long, với khoảng 1.000 trụ. Để duy trì vườn thanh long, ông đã tỉa bớt cành; đồng thời, bón mỗi gốc thanh long 1-2kg phân hữu cơ. Cứ cách khoảng 2 tháng, ông lại bón phân hữu cơ cho cây thanh long nên đã tiết kiệm chi phí đầu tư. Hiện vườn thanh long của gia đình vẫn duy trì tốt, ra nhiều cành non. “Tôi quyết giữ vườn thanh long vì cây trồng này vẫn còn nhiều cơ hội giúp nông dân nâng cao thu nhập. Hơn nữa, ngành Nông nghiệp địa phương vẫn xác định thanh long là cây chủ lực. Cũng vì ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 nên thanh long mới khó tiêu thụ như thời gian qua. Khi việc xuất khẩu được ổn định trở lại, tin rằng, giá thanh long sẽ tăng lên”, ông Nam nói.

Để bảo đảm duy trì vườn thanh long với chi phí thấp, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng nông sản tỉnh Long An Nguyễn Văn Cường cho biết, nông dân nên dọn cỏ trong vườn sạch sẽ, tưới nước cho cây thanh long và bón ít phân hữu cơ để duy trì vườn. Trung bình mỗi trụ thanh long, nông dân cần bón vào gốc khoảng 2-3kg phân hữu cơ để duy trì sự sống cho cây.

Chuẩn hóa chất lượng thanh long

Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Châu Thành Võ Văn Vấn cho biết: “Thời gian qua, nhiều nông dân trên địa bàn huyện phá bỏ thanh long. Tuy nhiên, hầu hết diện tích phá bỏ, cây đều già cỗi, năng suất không cao và sẽ trồng lại mới vào cuối mùa mưa năm nay (cuối tháng 8). Hiện nay, huyện phối hợp với các xã, thị trấn khuyến cáo người dân nên duy trì chăm sóc vườn thanh long; đồng thời, tập trung chuyển đổi sản xuất theo hướng VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ,... để chuẩn hóa chất lượng thanh long, ổn định đầu ra”.

Ông Võ Văn Bé (ấp Cầu Ông Bụi, xã An Lục Long, huyện Châu Thành) bộc bạch: “Gia đình có gần 1ha thanh long ruột đỏ, thời gian qua, việc tiêu thụ gặp khá nhiều khó khăn. Vì vậy, tôi quyết định phá bỏ 0,2ha để chuyển sang trồng thanh long ruột trắng và trồng theo hướng GlobalGAP. Nếu hiệu quả, tôi sẽ chuyển đổi phần diện tích còn lại. Hy vọng, việc tiêu thụ thanh long trong thời gian tới sẽ ổn định để nông dân an tâm sản xuất”.

 

cần-đồng-bộ-từ-khâu-sản-xuất-đến-cơ-sở-đóng-gói-sơ-chế-bảo-quản-để-chủ-động-phục-vụ-xuất-khẩu.jpg
Cần đồng bộ từ khâu sản xuất đến cơ sở đóng gói, sơ chế, bảo quản để chủ động phục vụ xuất khẩu.

 

Về giải pháp thúc đẩy tiêu thụ thanh long trong thời gian tới, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Long An Nguyễn Thanh Truyền cho biết, Sở đã và đang phối hợp UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện rà soát cụ thể quy mô, tình hình sản xuất, chế biến thanh long trên địa bàn; đồng thời, thường xuyên nắm bắt thông tin tình hình sản lượng, giá cả các loại nông sản theo từng thời điểm để có kế hoạch hỗ trợ kết nối sản xuất, chế biến và tiêu thụ.

Bên cạnh đó, Sở phối hợp với Sở Công Thương theo dõi, cập nhật thông tin tình hình tiêu thụ thanh long để cung cấp kịp thời cho người dân, doanh nghiệp chủ động xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh phù hợp. Sở tăng cường phát triển các vùng nguyên liệu nông sản hàng hóa tập trung, bền vững, bảo đảm chất lượng phục vụ xuất khẩu, tiêu thụ và chế biến; tăng cường công tác quản lý về chất lượng, an toàn thực phẩm; bảo đảm kiểm soát chặt chẽ tình hình sử dụng hóa chất, chất kích thích, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên nông sản. Đồng thời, Sở triển khai việc cấp và quản lý chặt chẽ mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói; tăng cường hướng dẫn người dân, doanh nghiệp thực hiện chuẩn hóa chất lượng theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ..., đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn quy định của thị trường nhập khẩu.

“Thời gian tới, Sở sẽ triển khai quyết liệt các biện pháp nâng cao chất lượng trái thanh long theo hướng bảo đảm an toàn thực phẩm và xem đây là yếu tố then chốt để cây thanh long phát triển ổn định, bền vững và lâu dài. Theo đó, Sở sẽ tăng cường công tác vận động, tuyên truyền đến người dân về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ,...; triển khai đồng bộ từ khâu sản xuất đến cơ sở đóng gói, sơ chế, bảo quản để chủ động phục vụ xuất khẩu. Nghiên cứu, phát triển giống thanh long mới thay thế giống bị thoái hóa để đa dạng sản phẩm và nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cây thanh long.

Đẩy mạnh công tác chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, nhân rộng các mô hình hiệu quả. Vận động, tuyên truyền nông dân đẩy mạnh phát triển các mô hình liên kết, hợp tác sản xuất thanh long theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ, cũng như nâng cao nhận thức trong thực hiện liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị ngành hàng thanh long để giảm chi phí đầu vào, giúp sản phẩm nâng cao sức cạnh tranh và hiệu quả sản xuất, kinh doanh, góp phần hạn chế rủi ro trong sản xuất và tiêu thụ”, ông Truyền cho biết thêm.

 

 

Bùi Tùng
Ý kiến bạn đọc
Top