Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 25 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 5 tháng 8 năm 2022 | 9:44

Phát triển kinh tế hợp tác trong ngành dừa theo tiêu chuẩn hữu cơ

Theo báo cáo của Trung tâm Khuyến nông giống và dịch vụ nông nghiệp (Sở NNN và PTNT Bến Tre), hiện nay, Bến Tre có 16.014,89ha dừa sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ (HC), chiếm 20,7% tổng diện tích dừa toàn tỉnh; trong đó, có 9.521,93ha đạt chứng nhận.

Phát triển kinh tế hợp tác

Điểm nổi bật của sản xuất HC là chất lượng nông sản được cải thiện, sản phẩm giữ được hương vị đặc trưng, đáp ứng các yêu cầu về truy xuất nguồn gốc, giúp tăng vị thế và khả năng cạnh tranh của sản phẩm, mở rộng thị trường xuất khẩu. Hiện nay, nhu cầu người tiêu dùng về sản phẩm chất lượng, an toàn ngày càng tăng trong khi sản phẩm HC chưa đủ sản lượng cung cấp cho nhu cầu của xã hội. Đồng thời, sản xuất HC góp phần bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên đất, nước, đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường và giảm ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nâng cao hiệu quả sản xuất và chất lượng cuộc sống của người dân.

 

z3615974026391_0f8b2b998f2217339f51723f727e5854.jpg
Vườn dừa hữu cơ xã Thới Thạnh, huyện Thạnh Phú.

  

Với tầm quan trọng và lợi ích của sản xuất nông nghiệp HC mang lại cho thấy phát triển nông nghiệp  HC là giải pháp tối ưu để duy trì nền sản xuất nông nghiệp an toàn, bền vững và thân thiện môi trường. Đây xu thế tất yếu của thời kỳ hội nhập, thật sự cần thiết trong thực hiện nhiệm vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp  theo hướng nâng cao giá trị gia tăng trong giai đoạn hiện nay và thời gian tới.

Thời gian qua, ngành nông nghiệp đã phối hợp với chính quyền địa phương và 8 doanh nghiệp (DN) chế biến, xuất khẩu dừa thực hiện xây dựng vùng nguyên liệu dừa HC. Trong 6 tháng đầu năm 2022, phát triển được 2.890,89ha dừa HC, nâng tổng diện tích dừa sản xuất theo tiêu chuẩn HC lên 16.014,89ha, chiếm 20,7% tổng diện tích dừa toàn tỉnh, trong đó, diện tích đạt chứng nhận là 9.521,93ha.

Việc phát triển kinh tế hợp tác trong ngành dừa hiện nay với quy mô chuỗi dừa 28 hợp tác xã (HTX), 32 tổ hợp tác (THT) với 5.648,6ha và 6.226 thành viên. Trong đó, dừa công nghiệp có 28 HTX, 20 THT với 5.467,3ha và 5.916 thành viên; dừa uống nước có 12 THT với 181.4ha và 310 thành viên.

Về hoạt động liên kết sản xuất và tiêu thụ: có 9/12 THT dừa uống nước thực hiện liên kết với DN, HTX tiêu thụ, 6 tháng đầu năm 2022, đã liên kết tiêu thụ được trên 1,25 triệu trái. Dừa công nghiệp có 15/20 THT, 21/28 HTX đã thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ dừa với các DN chế biến dừa, trong đó có 17/21 THT đã thực hiện được hoạt động sơ chế dừa, 6 tháng đầu năm liên kết tiêu thụ 2,745 triệu trái.

Trong chuỗi bước đầu đã hình thành liên kết ngang giữa 3 DN tham gia chuỗi, từ đó sử dụng hiệu quả nguồn nguyên liệu dừa đạt chứng nhận HC cho hoạt động chế biến và xuất khẩu.

Chuyển đổi sản xuất dừa hữu cơ

Theo Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT  Bến Tre - ông Huỳnh Quang Đức, Sở đang phối hợp với DN chế biến dừa, chính quyền địa phương, hội nông dân các cấp tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nông dân chuyển đổi sản xuất dừa HC; tập huấn nâng cao năng lực cán bộ Hội Nông dân về nông nghiệp  HC, các tiêu chuẩn HC và kỹ thuật canh tác dừa HC, xây dựng thí điểm mô hình “Hội Nông dân xã, Chi hội trưởng Nông dân ấp tham gia làm cộng tác viên sản xuất dừa HC, quản lý vùng sản xuất dừa HC”. Ngành phối hợp với các DN, chính quyền địa phương tổ chức tập huấn kỹ thuật canh tác dừa HC, tư vấn kỹ thuật canh tác dừa HC, tư vấn thực hành ủ phân HC từ phân chuồng và phụ phẩm NN bằng vi sinh. Trong đó, ngành sẽ hỗ trợ kỹ thuật ủ và vi sinh ủ phân, nông dân đối ứng phân chuồng, mụn dừa và phụ phẩm NN. Từ đó giảm tối đa chi phí đầu tư vật tư của nông dân cho sản xuất dừa HC.

Về chi phí quản lý vùng nguyên liệu HC và phí chứng nhận dừa HC, ngành đã tham khảo ý kiến một số DN chế biến dừa tham gia trong chuỗi, cũng như xét thấy nguồn lực tài chính của các DN cũng khá lớn và để đảm bảo tính bền vững trong phát triển vùng nguyên liệu dừa HC. Ngành không đề xuất chủ trương hỗ trợ chi phí quản lý thực hiện chứng nhận và phí chứng nhận HC cho DN. Các DN sẽ dựa trên nhu cầu thực tế và năng lực của đơn vị để xây dựng kế hoạch phát triển vùng nguyên liệu dừa HC.

Ngành Nông nghiệp Bến Tre sẽ phối hợp với các ngành và địa phương thực hiện tuyên truyền người dân thành lập, chuyển đổi THT theo Nghị định số 77/NĐ-CP của Chính phủ. Hình thành một số THT theo hướng dừa HC tại các huyện Bình Đại, Giồng Trôm. Phối hợp với Liên minh HTX tỉnh tuyên truyền thành lập Liên hiệp HTX Dừa tại huyện Thạnh Phú. Đồng thời, phối hợp với Liên minh HTX tỉnh thành lập 3 HTX tham gia vào chuỗi giá trị dừa.

 

 

 

Hoàng Lam
Ý kiến bạn đọc
Top