Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 25 tháng 4 năm 2024  
Thứ hai, ngày 15 tháng 8 năm 2022 | 13:35

Phát triển nền nông nghiệp xanh, bền vững bắt nhịp cùng tiến bộ khoa học kỹ thuật hiện đại

Các địa phương tăng cường áp dụng công nghệ số trong quản lý và thương mại sản phẩm để từng bước phát triển thương hiệu trên thị trường trong nước và hướng đến thị trường xuất khẩu, từng bước hình thành nền nông nghiệp xanh, bền vững.

 

635841157.jpg
Mô hình trồng rau trong nhà lưới ở Hoằng Hóa.

 

Thanh Hóa: Nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh cho các nông sản

Nhằm nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh cho các sản phẩm nông sản, ngành nông nghiệp và các địa phương đã tích cực tuyên truyền, khuyến khích các doanh nghiệp, HTX, hộ dân đầu tư ứng dụng các giải pháp về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp công nghệ cao Lam Sơn - Công ty CP Mía đường Lam Sơn (Thọ Xuân) là một trong những đơn vị tiên phong của tỉnh trong đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Đơn vị đã đầu tư hơn 300 tỷ đồng để xây dựng khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao có diện tích 124 ha; trong đó, đầu tư xây dựng hơn 20 ha nhà lưới, nhà màng theo công nghệ của Israel, trực tiếp sản xuất hoa, rau, củ, quả chất lượng cao. Ông Lê Huy Khiêm, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp công nghệ cao Lam Sơn, cho biết: Để sản xuất ra sản phẩm chất lượng cao, trung tâm đã áp dụng hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI) phân tích quy trình canh tác tối ưu, ứng phó với sự thay đổi thời tiết từng khu vực canh tác và cảnh báo cho ban kỹ thuật để điều chỉnh cho phù hợp. Toàn bộ các thông tin được tích hợp trên màn hình theo thời gian, người quản lý sản xuất tại trung tâm điều phối toàn bộ thông tin thực tế và đưa ra dự báo. Trong khâu thu hoạch và vận chuyển cũng sử dụng công nghệ cao, điều phối xe trên bản đồ, tránh ùn tắc, sai lộ trình hay chậm giờ. Việc ứng dụng các giải pháp công nghệ đã giúp trung tâm giải quyết được các khó khăn trong quá trình sản xuất, làm tốt dự báo được sản lượng năm sau để lên kế hoạch phù hợp và quan trọng nhất là giảm chi phí sản xuất.

Trong thời gian qua, để không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, trên địa bàn tỉnh đã phát triển và mở rộng diện tích sản xuất theo quy định thực hành sản xuất nông nghiệp tốt ở Việt Nam (VietGAP) ở các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Toàn tỉnh đã xây dựng được vùng lúa thâm canh chất lượng cao 67.000 hà; duy trì kiểm soát chất lượng và dán tem hàng năm cho 812,5 ha sản xuất rau quả an toàn tập trung, 101,18 ha sản xuất trong nhà lưới; 1.140 hộ chăn nuôi được cấp giấy chứng nhận VietGAP nông hộ... Ngoài ra, người nuôi tôm đã đầu tư xây dựng ao/bể nuôi trong nhà màng, nhà lưới khoảng 85 ha, tập trung ở các huyện Nga Sơn, Hoảng Hóa, Hậu Lộc, Quảng Xuơng vấ thị xã Nghi Sơn, năng suất đạt từ 30 - 50 tấn/ha/vụ, có thể nuôi 3 vụ/năm.

Nhằm từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 146/KH-UBND về việc đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông - lâm - thủy sản trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2022–2030. Trước mắt, trong giai đoạn 2022–2025, toàn tỉnh phấn đấu số cơ sở chăn nuôi, diện tích trồng trọt, nuôi thủy sản, được chứng nhận thực hành nông nghiệp tốt GAP (VietGAP hoặc tương đương) tăng 10%/năm. 100% cơ sản xuất, kinh doanh nông - lâm - thủy sản được chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm hoặc ký cam kết tuân thủ quy định an toàn thực phẩm. Tỷ lệ cơ sở sơ chế, chế biến thực phẩm nông - lâm sản và thủy sản được chứng nhận HACCP, ISO 22000 (hoặc tương đương) tăng tương ứng 10%/năm và 15%/năm. Tỷ lệ sản phẩm chế biến sâu tăng 10%/năm. Tỷ lệ mẫu thực phẩm nông - lâm - thủy sản được giám sát vi phạm các quy định an toàn thực phẩm giảm 10%/năm. 100% cán bộ quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm nông - lâm - thủy sản các cấp được bồi dưỡng, cập nhật hàng năm về chuyên môn nghiệp vụ.

Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu trên, ngành nông nghiệp và các địa phương tích cực tuyên truyền, phổ biến pháp luật và thông tin, truyền thông về chất lượng, an toàn thực phẩm nông - lâm - thủy sản. Bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý, người lao động tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, chuyển đổi số đảm bảo năng suất, chất lượng, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc. Xây dựng, phát triển vùng sản xuất nông sản tập trung, quy mô lớn, công nghệ cao, chứng nhận VietGAP. Khuyến khích các cơ sở sản xuất nông - lâm - thủy sản áp dụng, chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến HACCP, ISO 22000 (hoặc tương đương); xây dựng các mô hình chế biến sâu; mở rộng thị trường tiêu thụ...

Vĩnh Phúc: Phát triển nông nghiệp thông minh bắt nhịp với tiến bộ khoa học kỹ thuật hiện đại

Trước thách thức lớn về quỹ đất và sự biến đổi khí hậu, Vĩnh Phúc đã và đang tập trung sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản theo hướng lựa chọn các sản phẩm có thế mạnh; lấy ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số làm khâu đột phá... hướng tới mục tiêu phát triển nền nông nghiệp thông minh mang lại giá trị kinh tế cao.

 

1_1.jpg
Nông trại sạch HP Fam của gia đình anh Tạ Văn Hiệp, xã Văn Tiến (Yên Lạc) được đầu tư hiện đại với hệ thống nhà kính cho hiệu quả kinh tế cao.

 

Bắt nhịp với tiến bộ khoa học kỹ thuật hiện đại và ứng dụng công nghệ 4.0 trong chăn nuôi, năm 2019, anh Ngô Văn Bình xã Thanh Vân, huyện Tam Dương đã đầu tư nuôi gà đẻ theo hướng bán tự động; bao quanh chuồng trại là hệ thống quạt làm mát; các máng ăn, nước uống được cài đặt chế độ tự động đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật, vừa tiết kiệm chi phí nhân công vừa giúp đàn gà phát triển tốt. Chuồng nuôi còn được lắp đặt các camera nhằm theo dõi, quản lý đàn gà ngay cả khi anh Bình không có mặt tại trang trại cũng như hạn chế tối đa việc ra vào chuồng nuôi không cần thiết.

Nhờ ứng dụng công nghệ 4.0 trong chăn nuôi, với 3.500 con gà đẻ, mỗi ngày, gia đình anh Bình thu được khoảng 2.800 quả trứng, giá trứng hiện tại 2.400 đồng/quả, doanh thu đạt 6-7 triệu đồng, trừ các khoản chi phí cho lợi nhuận hơn 2 triệu đồng. Ngoài ra, gia đình anh Bình còn có thêm một khoản doanh thu đáng kể từ việc bán gà thịt khi thay đàn. Hiện, anh đang lên kế hoạch xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP trứng gà sạch.

Hiện nay, việc ứng dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp đang được nhiều nông dân, HTX, doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh chủ động đầu tư. Các mô hình nhà màng, nhà lưới, trồng cây trên giá thể, ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, tưới tự động, tự động điều chỉnh lượng gió, ánh sáng; ứng dụng các nền tảng công nghệ phục vụ truy xuất nguồn gốc đối với các sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP của tỉnh... ngày càng phổ biến và nhân rộng.

Bên cạnh đó, có 1.400 sản phẩm nông nghiệp của 82 DN, hợp tác xã, hộ sản xuất đã được kết nối, quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ trên 2 sàn thương mại điện tử postmart.vn và voso.vn; từ đó, góp phần nâng cao giá trị sản xuất, gia tăng thu nhập.

Nhằm tạo tiền đề hình thành chuyển đổi số, kinh tế số trong lĩnh vực nông nghiệp, Sở NN&PTNT đã chủ động xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu nông, lâm nghiệp, thủy sản theo biểu thống kê và bản đồ trên nền tảng số; kịp thời tham mưu để tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ DN, HTX, nông dân áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, xây dựng thương hiệu, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, cấp chứng chỉ quản lý chất lượng và các công cụ cải tiến năng suất, chất lượng sản phẩm.

Hỗ trợ truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu sản phẩm thông qua Chương trình OCOP, phát triển thương mại điện tử; ứng dụng công nghệ số tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh, quản lý, giám sát nguồn gốc, chuỗi cung ứng sản phẩm, bảo đảm nhanh chóng, minh bạch, chính xác, an toàn, vệ sinh thực phẩm.

Đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử trong nông nghiệp; tổ chức triển khai phổ cập kỹ năng số cho người nông dân; tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, hỗ trợ nông dân chuyển đổi số trong quá trình tổ chức sản xuất nông nghiệp và tham gia vào phát triển kinh tế số, xã hội số.

Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh vẫn còn mới mẻ. Thực tế cho thấy, ở lĩnh vực trồng trọt, phương thức sản xuất truyền thống vẫn rất phổ biến, chủ yếu dựa vào sức lao động của con người. Việc sử dụng mạng xã hội để kết nối thị trường, tiêu thụ nông sản chỉ dừng ở khâu chào hàng, giới thiệu sản phẩm.

Trong khi đó, nhiều người dân và DN đang thiếu vốn, thiếu thông tin để ứng dụng số hóa; cơ sở hạ tầng cho phát triển, ứng dụng các công nghệ mới chưa đồng bộ, kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn chưa đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa nông nghiệp...

Để phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng chú trọng nông nghiệp thông minh, nông nghiệp chính xác, tăng tỷ trọng của nông nghiệp công nghệ số trong nền kinh tế, mới đây, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch số 193/2022 về chuyển đổi số, phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.

Trong đó nhấn mạnh đến vai trò chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp; tập trung xây dựng các hệ thống dữ liệu lớn của ngành về đất đai, cây trồng, vật nuôi, thủy sản; xây dựng mạng lưới quan sát, giám sát tích hợp trên không và mặt đất phục vụ các hoạt động nông nghiệp; thúc đẩy cung cấp thông tin về môi trường, thời tiết, chất lượng đất đai để người nông dân nâng cao năng suất và chất lượng cây trồng, hỗ trợ chia sẻ các thiết bị nông nghiệp qua các nền tảng số.

Cùng với đó, tỉnh đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác dự báo, cảnh báo thị trường, quản lý quy hoạch, phát triển nông nghiệp hiện đại ứng phó với biến đổi khí hậu; tổ chức triển khai mô hình làng chuyển đổi số, xã chuyển đổi số.

Nhiệm vụ trọng tâm là gắn kết phát triển thương mại điện tử với Chương trình quốc gia mỗi xã một sản phẩm; tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn kỹ năng số cho người nông dân thông qua các nền tảng số, đào tạo trực tuyến, ưu tiên nhóm kỹ năng về sử dụng, khai thác các sàn giao dịch điện tử, thanh toán điện tử...

Bắc Ninh: Phát triển nông nghiệp xanh theo hướng kinh tế tuần hoàn

Đó là mục tiêu cứng trong phát triển nông nghiệp hiện đại giữa bối cảnh diện tích đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp. Một nền nông nghiệp sử dụng công nghệ tiên tiến, sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, thân thiện với môi trường, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu là yêu cầu cấp thiết trong chiến lược phát triển chung toàn tỉnh. Ngành Nông nghiệp đang vận dụng linh hoạt các giải pháp phát triển nông nghiệp xanh để người dân nông thôn có mức sống cao, có điều kiện sống xanh, sạch, đẹp ngang với các đô thị văn minh, góp phần chuyển đổi nền kinh tế theo hướng kinh tế tuần hoàn.

 

2.jpg
Trồng hoa cao cấp, hướng đi của nền nông nghiệp xanh, thân thiện môi trường.

 

Những năm gần đây, tỉnh ban hành nhiều chủ trương, chính sách về phát triển nông nghiệp, nhất là chủ trương tạo điều kiện hình thành và phát triển kinh tế trang trại theo hướng phát triển sản xuất hàng hóa trong nông nghiệp; chuyển ruộng trũng sang nuôi trồng thủy sản; dồn điền đổi thửa; phát triển chăn nuôi trang trại ngoài khu dân cư; phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao... Đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có khoảng gần 3.000 cơ sở sản xuất theo mô hình kinh tế trang trại. Trong đó có 195 trang trại đạt tiêu chí theo quy định, diện tích hơn 910 ha, tổng vốn đầu tư gần 900 tỷ đồng. Nhiều chủ trang trại đã áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, hình thành nhiều vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung như: Vùng nuôi trồng thủy sản tại xã Bình Dương, Nhân Thắng, Xuân Lai (Gia Bình); xã Trung Chính, Phú Hoà, An Thịnh (Lương Tài), cây ăn quả tại xã Hoài Thượng, Đại Đồng Thành, Đình Tổ (Thuận Thành), Đại Lai (Gia Bình), Cảnh Hưng (Tiên Du), Hán Quảng, Đào Viên (Quế Võ)… Phương thức chăn nuôi chuyển biến tích cực từ chăn nuôi nhỏ, chăn nuôi nông hộ sang chăn nuôi trang trại quy mô lớn, theo hướng sản xuất hàng hoá, thay thế dần chăn nuôi trong khu dân cư.

Để hình thành các cùng trang trại trọng điểm, tỉnh yêu cầu ngành chức năng, chính quyền các địa phương thành lập Tổ công tác hỗ trợ mô hình kinh tế trang trại, Nhóm Zalo kết nối giữa các trang trại, có trách nhiệm tập trung rà soát, kịp thời giải quyết các vướng mắc của các trang trại trên địa bàn tỉnh, nhất là vấn đề đất đai. Giao sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì phối hợp với các ngành liên quan hướng dẫn các thủ tục, quy trình, thẩm quyền giải quyết để các địa phương triển khai thực hiện. Đồng thời khai thác triệt để các chính sách hỗ trợ về vốn, về chuyển giao khoa học kỹ thuật áp dụng vào sản xuất. Các tiến bộ kỹ thuật áp dụng vào sản xuất như kỹ thuật nuôi cá thâm canh; kỹ thuật chăn nuôi lợn hướng nạc, chăn nuôi gà công nghiệp; lựa chọn bố trí cây trồng, vật nuôi hợp lý nhằm đem lại hiệu quả kinh tế cao được áp dụng rộng khắp.

Một số chủ trang trại có vốn lớn tiến tới đầu tư đồng bộ: Xây dựng chuồng trại chăn nuôi, bể nuôi, ươm con giống, mua máy móc, trang thiết bị tiên tiến để phục vụ sản xuất kinh doanh, từng bước thực hiện cơ giới hóa trong quá trình sản xuất nên năng suất và chất lượng sản phẩm vượt trội hơn so với hộ gia đình sản xuất đơn thuần. Đặc biệt, đối với những trang trại chăn nuôi áp dụng công nghệ chuồng kín có hệ thống làm mát, điều khiển nhiệt độ chuồng nuôi, máng ăn, nước uống tự động đã được ứng dụng rộng rãi ở hầu hết trong các trang trại chăn nuôi có quy mô lớn và vừa, nhằm tăng mật độ chăn nuôi gia súc, gia cầm trên một đơn vị diện tích và bảo vệ an toàn đàn vật nuôi trước những nguy cơ, diễn biến phức tạp của dịch bệnh. Và sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap hoặc theo hướng hữu cơ đang được phát triển mạnh mẽ.

Kinh tế trang trại thực sự có vai trò to lớn về tổ chức sản xuất hàng hóa trong sản xuất nông nghiệp, vừa tạo giá trị lớn về nông sản hàng hóa, vừa bảo đảm chất lượng nông sản theo hướng sản xuất sạch, hữu cơ, góp phần bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Tổng doanh thu từ kinh tế trang trại đạt hơn 1.000 tỷ đồng mỗi năm, năm sau cao hơn năm trước, lợi nhuận bình quân mỗi trang trại đạt khoảng gần 900 triệu đồng/ năm. Mức thu nhập này vượt trội so với sản xuất nông nghiệp thông thường. Do vậy, kinh tế trang trại là động lực mới phát huy năng lực kinh tế hộ, đây là điểm đột phá trong bước chuyển sang sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô vừa và lớn.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Đặng Trần Trung khẳng định: Nhiệm vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững là yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh kinh tế hội nhập sâu rộng. Ngành Nông nghiệp đã xây dựng Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược Phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, duy trì tốc độ tăng trưởng GRDP nông, lâm nghiệp và thủy sản bình quân giai đoạn 2021-2025 đạt từ 1,0 - 1,2%. Đến năm 2030 sẽ phát triển nền nông nghiệp xanh, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm ô nhiễm môi trường nông thôn. Để đạt mục tiêu đặt ra, ngành Nông nghiệp đang hoàn chỉnh cơ cấu sản xuất nông nghiệp gắn với lợi thế cạnh tranh và yêu cầu thị trường; tổ chức các khâu quan trọng trong sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả, bảo đảm phát triển bền vững; thúc đẩy hợp tác, liên kết, phát triển chuỗi giá trị, các mô hình nông nghiệp tiên tiến; xây dựng nông thôn văn minh, hiện đại gắn với đô thị hóa, giữ gìn văn hóa truyền thống; phát triển bao trùm, bảo đảm công bằng phúc lợi xã hội ở nông thôn.

Tỉnh đang tập trung phát triển các sản phẩm nông nghiệp có lợi thế cạnh tranh theo các nhóm sản phẩm chủ lực cấp tỉnh, đặc sản địa phương. Đồng thời xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn theo tiêu chuẩn và yêu cầu của thị trường, cung cấp đủ nguyên liệu cho công nghiệp chế biến; xây dựng cơ sở hạ tầng, tổ chức dịch vụ hỗ trợ đồng bộ, hệ thống hậu cần thông suốt; đổi mới mạnh mẽ hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị và thúc đẩy hợp tác, liên kết chặt chẽ giữa các địa phương và kết nối chuỗi giá trị toàn cầu.

Tiếp tục ưu tiên nguồn lực đầu tư, có cơ chế chính sách nhằm phát triển nhóm danh mục sản phẩm chủ lực quốc gia, chủ lực cấp tỉnh theo phương thức sản xuất bằng các quy trình sản xuất tốt và tương đương, đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, phù hợp với tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế; tăng cường chế biến để đa dạng hóa sản phẩm, phát triển các sản phẩm theo hướng có chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc rõ ràng, đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và tiến tới thị trường xuất khẩu.

Đối với các sản phẩm chủ lực cấp tỉnh có tiềm năng phát triển quy mô lớn, tăng cường liên kết vùng, liên kết ngành để tạo vùng sản xuất hàng hóa tập trung, áp dụng cơ giới hóa đồng bộ gắn với phát triển công nghiệp chế biến nông sản; vận chính sách, giải pháp và nguồn lực để mở rộng quy mô, chất lượng, thương hiệu sản phẩm bổ sung vào nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia khi đủ điều kiện. Tăng cường áp dụng công nghệ số trong quản lý và thương mại sản phẩm để từng bước phát triển thương hiệu trên thị trường trong nước và hướng đến thị trường xuất khẩu, từng bước hình thành nền nông nghiệp xanh, bền vững.

 

 

 

Thanh Tâm (T/h)
Ý kiến bạn đọc
Top