Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 9 tháng 5 năm 2019 | 21:0

Phát triển nhanh DN công nghệ: Việt Nam sớm sánh vai các cường quốc

Muốn “thoát bẫy thu nhập trung bình”, cần thúc đẩy phát triển mạnh công nghệ thông tin. Đổi mới công nghệ là yếu tố sống còn của nền kinh tế.

 

ttg.jpg

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh như vậy tại Diễn đàn quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam với chủ đề “Khát vọng, tầm nhìn và định hướng phát triển vì một Việt Nam hùng cường” cùng khẩu hiệu hành động “Make in Vietnam”.

Chìa khóa để Việt Nam thành nước phát triển

Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Việt Nam là cái nôi để các doanh nghiệp (DN) công nghệ Việt Nam đi ra toàn cầu. Sử dụng công nghệ nhân loại, phát triển công nghệ mới, từ đó làm ra giải pháp và sản phẩm để thay đổi Việt Nam, thay đổi thế giới.

Ông cho rằng, “Make in Vietnam” sẽ không chỉ giúp Việt Nam thịnh vượng mà còn giúp Việt Nam có hoà bình lâu dài, khi góp phần phát triển ngành công nghiệp quốc phòng hùng mạnh. Chiếc nỏ thần Việt Nam sẽ chỉ có thể do người Việt Nam làm ra. Trên thế giới, hầu hết các công ty công nghệ đều có mảng công nghiệp quốc phòng. Báo chí Việt Nam gần đây có nói đến một start-up công nghệ của Trung Quốc, Công ty LinkSpace, công ty tư nhân đầu tiên sản xuất tên lửa tái sử dụng. Được thành lập năm 2014 bởi những kỹ sư trẻ dưới 30 tuổi. Tại sao các kỹ sử trẻ Việt Nam lại không thể làm điều tương tự ?.

Theo Bộ trưởng Hùng, bất kỳ công ty nào, dù là cung cấp sản phẩm hay dịch vụ, đều liên quan đến công nghệ. Các công ty sẽ không thể sản xuất và marketing hiệu quả nếu không sử dụng công nghệ, nhất là các công nghệ mới. Chính vì thế mà phát triển DN công nghệ Việt Nam được coi là ưu tiên số 1.

Muốn có các DN công nghệ thì việc tạo ra thị trường là quan trọng nhất. Do vậy, Chính phủ nên mua sắm hướng vào các sản phẩm công nghệ thì sẽ góp phần đáng kể, nhất là cho giai đoạn đầu, để sinh ra các công ty công nghệ. Việt Nam sẽ tạo điều kiện thuận lợi để thu hút nhân tài nhằm phát triển công nghệ, đã đến lúc các nhân tài người Việt ở nước ngoài về Việt Nam hoặc kết nối Việt Nam để xây lên những DN công nghệ Việt Nam.

Thúc đẩy các mảng kinh doanh mới

Bắt đầu từ khẩu hiệu “Khát vọng, tầm nhìn trở thành Việt Nam hùng cường”, ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch Tập đoàn CMC, cho biết, sau 26 năm phát triển, CMC luôn trăn trở làm sao để đưa Việt Nam sánh vai cùng các cường quốc năm châu. Ông cho rằng: “Công nghệ số sẽ giúp Việt Nam cất cánh”.

Hiện, internet đang tác động đến mọi khía cạnh của đời sống. Xu thế của cách mạng 4.0 là hệ thống nền tảng và kinh doanh nền tảng ra đời. Thách thức của DN là năng suất, trí tuệ, tốc độ, kết nối và cung cấp công nghệ mọi lúc mọi nơi. Với bất kỳ DN nào, việc kết nối là yếu tố quan trọng trong kỷ nguyên số.

Phó chủ tịch Tập đoàn Vingroup, Chủ tịch Công ty Vinfast Lê Thị Thu Thuỷ cho biết, chỉ sau 8 tháng chuyển đổi số, Vingoup đã đạt được nhiều kết quả ở hầu hết các mảng kinh doanh. Trong đó, đơn vị thành lập khối Vintech, Vinfast, VinSmart cùng nhiều công ty công nghệ con khác. Riêng dự án VinTech City sẽ hướng đến trở thành thung lũng Silicon tại Việt Nam, ươm mầm cho các công ty công nghệ mới thành lập.

Vingoup cũng hợp tác với những tập đoàn hàng đầu thế giới để học hỏi và chuyển giao công nghệ sản xuất. Đây là cơ sở để DN sản xuất ra những sản phẩm như ô tô, xe máy, điện thoại chỉ trong thời gian ngắn.

Đại diện Vingoup kiến nghị, cần có sự thúc đẩy, tạo động lực và thậm chí là buộc những DN phải chuyển đổi số. Bên cạnh đó là mở rộng chính sách ưu tiên thị trường cho những DN lớn như Vingroup.

Bài học Hàn Quốc

Năm 2017, GDP đạt 1.530 tỷ USD, gấp 765 lần so với năm 1960, nhờ nền khoa học công nghệ Hàn Quốc phát triển như vũ bão.

Giáo sư Yongrak Choi, nguyên thành viên Ban cố vấn của Tổng thống Hàn Quốc chia sẻ kinh nghiệm, điểm mạnh cốt lõi của Hàn Quốc là chuyển mình thành công từ nhập khẩu công nghệ thành quốc gia đi đầu về công nghệ, sở hữu nhiều DN tư nhân lớn mạnh và có năng lực chế tạo, nắm bắt công nghệ. Hàn Quốc cũng tiến hành tái cấu trúc sản xuất.

Hàn Quốc có DN tư nhân hàng đầu thế giới như Samsung, Hyundai... Thời gian đầu, Samsung đẩy mạnh nhập khẩu công nghệ, đầu tư nguồn lực lớn để học hỏi công nghệ. Sau 10 năm phát triển, Samsung trở thành một trong những tập đoàn lớn nhất thế giới về sản xuất công nghệ.

Phát triển lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông cũng là động lực tăng trưởng quan trọng của Hàn Quốc, chiếm tỷ trọng 34% trong tổng sản lượng xuất khẩu. Chính phủ đã xác định một số ngành mũi nhọn như viễn thông, bán dẫn, điện thoại di động...

Giáo sư Youngrak Choi cũng đưa ra một số khuyến nghị cho DN công nghệ tại Việt Nam. Một là, Việt Nam cần tích hợp khoa học công nghệ một cách hệ thống vào nền kinh tế và sản xuất công nghiệp; hỗ trợ mạnh mẽ về mặt chính trị cho việc phát triển khoa học công nghệ. Hai là, Chính phủ cần kết hợp tốt với các DN, theo đuổi động lực tăng trưởng dài lâu thay vì ngắn hạn. Đối với ngành kinh doanh mang tính mạo hiểm cao, Chính phủ cần có khoản bảo lãnh tốt để khuyến khích các DN.

Cần hành động nhanh hơn 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng: Thời gian không chờ đợi nên cần hành động nhanh hơn trong thời đại kỹ thuật số. Những phương thức kinh doanh cũ kỹ cần nhường cho những giải pháp đổi mới sáng tạo và công nghệ. Cơ hội đến và không bao giờ trở lại, Việt Nam cần hành động ngay.

 

ttg1.jpg
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham quan Triển lãm công nghệ Việt Nam.

“Công nghệ là nhân tố chính cho tăng trưởng, thoát bẫy thu nhập trung bình, đưa Việt Nam thành nước phát triển. Muốn tăng thu nhập trung bình phải phát triển doanh nghiệp công nghệ để đến năm 2045, nước ta phải trở thành nước công nghiệp thịnh vượng. Việt Nam có thể theo kịp các nước phát triển nếu nắm bắt được cơ hội của cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư. Muốn thoát bẫy thu nhập trung bình, cần làm chủ công nghệ, quản lý, có năng lực phát minh ra những công nghệ mới, đi đầu trong thiết kế, sản xuất chất lượng cao”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo Thủ tướng, hiện Việt Nam mới mua các dây chuyền công nghệ, công nghệ nguồn còn rất ít. Trong tương lai, nước ta không chỉ hấp thụ, làm chủ công nghệ mà cần phát minh, sáng chế công nghệ. Đó là con đường duy nhất dẫn đến một quốc gia hùng cường. Dùng công nghệ nhân loại để giải quyết vấn đề Việt Nam, bài toán Việt Nam, từ đó vươn ra giải quyết bài toán toàn cầu.

DN công nghệ là hạt nhân để thực hiện khát vọng về một dân tộc “hoá rồng” vào năm 2045. Với xu thế sôi động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, các DN công nghệ có vai trò bản lề trong việc phát triển kinh tế đất nước. Nền kinh tế nhiều tài nguyên không còn là lợi thế, đổi mới sáng tạo là yếu tố sống còn của DN và nền kinh tế. Đây là một trong những động lực mới để phát triển nền kinh tế Việt Nam.

Công nghệ là cơ hội cho những ý tưởng, sáng tạo mới. Việt Nam cần nhận thức điều đó để đối mặt. Cơ hội đến từ chính sự nỗ lực trong thách thức đó, phát huy lợi thế trong thời đại số. Cần chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu nền kinh tế, chủ yếu dựa vào nhân lực công nghệ chất lượng cao…

Để nắm bắt cơ hội, DN cần nhận thức đúng về cuộc cách mạng lần thứ tư. Cần khuyến khích DN lớn đã thành công thể hiện tinh thần trách nghiệm, đặt sứ mệnh DN gắn liền với sứ mệnh quốc gia.

Chính phủ cùng các bộ liên quan sẽ sớm ban hành chiến lược chuyển đổi số quốc gia nhằm tạo thị trường cho các DN công nghệ. Muốn có DN công nghệ cần tạo ra thị trường. Đầu tiên và then chốt nhất là hoàn thiện nền kinh tế thị trường, đổi mới sáng tạo. Sau đó là hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh để tạo điều kiện cho DN phát triển.

“Cái chúng ta cần làm ngay là hành động, hành động và hành động kịp thời hơn nữa”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định.

 

Năm 2018, Việt Nam có hơn 50.000 DN kinh doanh trong lĩnh vực ICT. Mục tiêu đến năm 2030 sẽ có 100.000 DN.

Trong năm 2018, ngành công nghiệp ICT Việt Nam đã góp 50.000 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước và tạo hơn 1 triệu việc làm. 

 

D.T
Ý kiến bạn đọc
  • Thanh Hóa thu ngân sách đứng đầu khu vực Bắc Trung Bộ

    Thanh Hóa thu ngân sách đứng đầu khu vực Bắc Trung Bộ

    Theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh tỉnh Thanh Hóa năm 2024, tại phiên họp thường kỳ tháng 11/2024, thu ngân sách Nhà nước tỉnh Thanh Hóa dự kiến đạt hơn 50 nghìn tỷ đồng, đứng đầu khu vực Bắc Trung Bộ.

  • Du lịch sinh thái ở Cà Mau: Tiềm năng và vận hội

    Du lịch sinh thái ở Cà Mau: Tiềm năng và vận hội

    Cà Mau được thiên nhiên ưu đãi với địa lý, thiên nhiên án ngữ vùng cực Nam của Tổ Quốc. Nơi đây tồn tại 3 hệ sinh thái ngập nước ngọt, lợ, mặn riêng biệt, tạo nên một môi trường phát triển kinh tế thuận lợi. Đối với du lịch, môi trường tự nhiên của tỉnh này đang là tiềm năng, vận hội mới cho ngành công nghiệp không khói phát triển.

  • Kỳ vọng của Quỹ tín dụng nhân dân đối với Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam trong giai đoạn phát triển mới

    Kỳ vọng của Quỹ tín dụng nhân dân đối với Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam trong giai đoạn phát triển mới

    Bài viết này tập trung vào chính sách bảo hiểm tiền gửi (BHTG) đối với hoạt động của các tổ chức tín dụng (TCTD) trong nền kinh tế thị trường; vai trò của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) đối với hệ thống QTDND trong thời gian qua, những đóng góp tích cực và những mặt còn hạn chế.

Top