Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 26 tháng 4 năm 2024  
Thứ tư, ngày 17 tháng 8 năm 2022 | 10:27

Phát triển nuôi cá lồng bè trên biển bền vững, thích ứng BĐKH: Cần đồng bộ nhiều giải pháp

Dù có nhiều tiềm năng, lợi thế nhưng nghề nuôi biển nói chung và nuôi cá lồng bè nói riêng ở nước ta vẫn chưa phát triển xứng tầm và đang gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Để phát triển nuôi cá lồng bè trên biển bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu, cần phải triển khai đồng thời nhiều giải pháp, trong đó chú trọng áp dụng công nghệ, tiến bộ kỹ thuật.

 

lãnh-đạo-trung-tâm-khuyến-nông-quốc-gia-thảo-luận-với-chuyên-gia-tại-mô-hình.jpg
Lãnh đạo TT Khuyến nông Quốc gia thảo luận với chuyên gia tại mô hình.

 

Nhiều tiềm năng nhưng thiếu quy hoạch

Theo thông tin từ Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và PTNT), nước ta có nhiều vùng vịnh kín, bãi triều ven biển và một phần ở các hải đảo, vùng biển xa bờ. Tổng diện tích tiềm năng nuôi biển ở nước ta khoảng 500.000ha. Trong đó, nuôi vùng bãi triều ven biển 153.300ha; nuôi vùng vũng vịnh, eo ngách và ven đảo 79.790ha; nuôi vùng biển xa bờ 100.000ha.

Một số đối tượng chính được đưa vào phát triển như cá song, cá giò, cá hồng, cá vược, cá tráp, cá chim vây vàng, cá ngừ, cá măng biển...

TS. Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, thông tin, những năm gần đây, Đảng và Nhà nước đã ban hành một số chính sách khuyến khích phát triển nuôi hải sản trên biển và hải đảo, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực nuôi trồng hải sản trên biển.

Ông Lê Tấn Bản, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Khánh Hòa, cho biết, Khánh Hòa nói riêng và các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ nói chung có nhiều điều kiện tự nhiên và lợi thế để phát triển nghề nuôi lồng bè trên biển. Trong thời gian tới, UBND các tỉnh sẽ tham mưu đề xuất với Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và PTNT nhiều giải pháp và chính sách nhằm phát triển nghề nuôi biển nói chung và nuôi lồng bè nói riêng. Bên cạnh đó, các tỉnh sẽ ban hành những cơ chế, chính sách hỗ trợ riêng về nghề nuôi biển nhằm khai khác tối đa tiềm năng, lợi thế tại mỗi địa phương.

Tuy nhiên, theo ông Thanh, dù có nhiều tiềm năng, lợi thế nhưng nghề nuôi biển nói chung và nuôi cá lồng bè nói riêng của nước ta vẫn đang gặp phải nhiều khó khăn, thách thức.

Hoạt động nuôi còn nhỏ lẻ, tự phát, chưa bám theo quy hoạch hoặc chưa có quy hoạch cho từng khu vực cụ thể; công nghệ, kỹ thuật nuôi còn thấp chưa tạo được số lượng hàng hóa tập trung. Điều kiện tự nhiên các vùng khác nhau, phức tạp, nhiều bão lũ cùng với vốn đầu tư cho nuôi lồng biển cũng cao hơn nhiều so với hoạt động nuôi bình thường trong đất liền khiến cho người dân còn e dè, chưa mạnh dạn đầu tư.

Các sản phẩm của nuôi biển nói chung hiện chưa có các nhà máy thu mua chế biến chuyên sâu, chủ yếu tiêu thụ ở hình thức mặt hàng tươi sống tại chợ và các nhà hàng, một phần nhỏ được xuất khẩu qua đường tiểu ngạch…

“Thêm vào đó là sự ô nhiễm môi trường nước do các hoạt động sản xuất, sinh hoạt của người dân dọc theo bờ biển và lưu vực các sông gây ra các dịch bệnh thiệt hại nặng nề cho người nuôi cá lồng bè”, TS.Thanh nhấn mạnh.

Đề xuất nhiều giải pháp

Thông tin về kết quả một số mô hình nuôi cá lồng bè trên biển và giải pháp phát triển trong thời gian tới tại Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp chủ đề “Phát triển nuôi cá lồng, bè trên biển bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu” do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Khánh Hòa vừa tổ chức, đại diện Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết: Mô hình nuôi cá mú trong lồng biển tại Quảng Ninh đem lại hiệu quả kinh tế tính cho 100m3 lồng/vụ đạt trên 84 triệu đồng, nhờ tuyển chọn kỹ nguồn giống và đảm bảo quy trình chăm sóc.

 

các-đại-biểu-đã-đi-tham-quan-mô-hình-nuôi-cá-chim-vây-vàng-và-mô-hình-nuôi-cá-bớp-bằng-lồng-nhựa-hdpe-tại-xã-vạn-giã-huyện-vạn-ninh.jpg
Các đại biểu đã đi tham quan mô hình nuôi cá chim vây vàng và mô hình nuôi cá bớp bằng lồng nhựa HDPE tại xã Vạn Giã, huyện Vạn Ninh.

 

Cùng với đó, mô hình nuôi cá Hồng Mỹ trong lồng trên biển tại Hải Phòng cho lợi nhuận đạt trên 110 triệu đồng. Có được kết quả này là nhờ nông dân chịu khó học hỏi áp dụng tiến bộ kỹ thuật, mạnh dạn đầu tư cơ sở vật chất để thực hiện tốt mô hình.

Trong khi đó, mô hình nuôi cá giò trong lồng HDPE trên biển tại Quảng Ngãi và Khánh Hoà sau chu kỳ nuôi từ 12 tháng, cá đạt cỡ thương phẩm trên 5kg/con, năng suất trên 10kg/m3, doanh thu cho một lồng nuôi trên 250 triệu đồng. Mô hình nuôi cá mú trân châu trong lồng HDPE trên biển tại Kiên Giang sử dụng phương pháp cho ăn bằng thức ăn cá tạp kết hợp thức ăn công nghiệp thời gian đầu cho kết quả cao, khẳng định sự thích nghi với điều kiện biến đổi khí hậu...

Để phát triển bền vững nghề nuôi biển, Tổng cục Thủy sản đề xuất cần có cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, hỗ trợ phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển. Cùng với đó, đầu tư xây dựng hạ tầng thiết yếu cho các vùng nuôi tập trung, vùng nuôi giống nuôi biển tiềm năng. Đồng thời, tổ chức triển khai thực hiện Luật Thủy sản 2017 và các quy định hiện hành; tổ chức lại sản xuất theo hướng áp dụng khoa học công nghệ, kỹ thuật mới từ khâu con giống cho đến đầu ra của sản phẩm.

TS. Huỳnh Minh Sang, Viện Hải dương học chia sẻ, việc mở rộng nuôi trồng thủy sản đòi hỏi những công nghệ mới và mang tính đột phá. Một số công nghệ mới nổi và đột phá có tiềm năng cách mạng hóa ngành nuôi trồng thủy sản.

Những công nghệ này bao gồm công nghệ chọn giống dựa trên kiểu gen, robot, thông tin/công nghệ kỹ thuật số, nuôi trồng ngoài khơi, RAS, thay thế bột cá và các loại dầu với protein thay thế và dầu cá, vắc xin uống.

Ông Nguyễn Xuân Hòa, người nuôi biển trên vịnh Vân Phong (Khánh Hòa) bày tỏ, bà con chủ yếu nuôi theo quy trình truyền thống, quy mô nhỏ. Hầu hết lồng nuôi làm từ vật liệu gỗ truyền thống; đa số người dân sư dụng thức ăn tươi, mật độ nuôi tại các vùng nuôi chưa đảm bảo dẫn đến môi trường nuôi bị ô nhiễm…

Bàn về giải pháp gỡ khó cho người nuôi thủy sản, ông Hoàng Văn Lợi, Công ty TNHH MTV Dịch vụ và Công nghệ nuôi trồng thủy sản, cho biết, đến nay, cả nước có 91.180 lồng bè, trong đó có 68.080 lồng bè nuôi thủy sản nước mặn lợ và 23.100 lồng bè nuôi thủy sản nước ngọt. Tuy nhiên, đa phần là loại lồng truyền thống làm bằng vật liệu tre, nứa, mét, gỗ và sắt thép.

 

Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, mục tiêu đến năm 2025 diện tích nuôi biển đạt khoảng 280.000ha, thể tích lồng nuôi khoảng 10,5 triệu m3, sản lượng đạt khoảng 850.000 tấn, giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 0,8-1 tỷ USD.

Đến năm 2030, diện tích nuôi biển đạt khoảng 290.000ha, thể tích lồng nuôi khoảng 12 triệu m3, sản lượng đạt khoảng 1,45 triệu tấn, giá trị kim ngạch xuất khẩu hải sản nuôi đạt 3-4 tỷ USD.

Tầm nhìn đến năm 2045, Việt Nam có nền công nghiệp nuôi biển tiên tiến, phát triển bền vững, với công nghệ hiện đại và phương thức quản lý khoa học; công nghiệp nuôi biển trở thành bộ phận chính của kinh tế biển nước ta; sản lượng nuôi biển đạt 3 triệu tấn/năm, giá trị thương mại và xuất khẩu trên 10 tỷ USD. 

 

Vì vậy, giải pháp là phải đảm bảo an toàn lồng nuôi hiện nay. Hiện có lồng nuôi bằng nhựa HDPE hình tròn, hình vuông do công ty sản xuất có độ bền rất cao, lên đến 30 - 40 năm đối với khung lồng và 10 năm với hệ thống túi lưới. Điều này, giúp người nuôi có thể điều chỉnh lồng chìm khi gặp mưa bão, giảm thiểu rủi ro do thiên tai.

TS. Thanh cho biết, với quan điểm của Trung ương, Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và PTNT là phải có cách tiếp cận mới với biển, phải bám vào chiến lược phát triển biển và đề án nuôi biển do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và PTNT làm thế nào để tiếp cận ngư dân, ngư nghiệp và ngư trường một cách hài hòa nhất, lấy tinh thần giảm đánh bắt, tăng nuôi trồng. Đây là quan điểm hết sức quan trọng.

Theo TS. Lê Quốc Thanh, việc đưa công nghệ mới, đưa giải pháp mới, cách nhìn mới trong nuôi biển cần phải có chiến lược. Bởi không chỉ phát triển cho ngư dân mà còn phát triển tổng hợp kinh tế - xã hội, đặc biệt vấn đề môi trường biển. Việc nuôi biển không chỉ riêng của Tổng cục Thủy sản, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, mà tất cả các cơ quan của Bộ Nông nghiệp và PTNT, các địa phương, các ngành khoa học công nghệ.

 

 

Tuệ Châu
Ý kiến bạn đọc
Top