Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 23 tháng 4 năm 2024  
Thứ tư, ngày 6 tháng 10 năm 2021 | 10:14

Phát triển sản xuất tôm - lúa hữu cơ ở Cà Mau: Nâng cao giá trị, thích ứng biến đổi khí hậu

Mô hình sản xuất tôm - lúa hữu cơ ở Cà Mau không chỉ mang lại hiệu quả về kinh tế mà còn thích ứng với biến đổi khí hậu. Hiện, Cà Mau đang chỉ đạo mở rộng liên kết, hợp tác với doanh nghiệp để nâng cao giá trị sản xuất.

1.jpg
Việc hợp tác phát triển mô hình sản xuất tôm - lúa sẽ góp phần tăng năng suất, sản lượng, thúc đẩy sự phát triển ngành nông nghiệp Cà Mau.

 

Mô hình hiệu quả

Diện tích sản xuất lúa - tôm hàng năm của tỉnh Cà Mau khoảng 35.000 - 40.000ha, năng suất tôm đạt 300 - 350kg/ha/năm, năng suất lúa 4 - 5 tấn/ha/năm; lợi nhuận bình quân đạt trên 50 triệu đồng/ha/năm. Qua đó, giúp tăng thu nhập, nâng cao đời sống người dân.

Hợp tác xã Dịch vụ - Sản xuất lúa tôm Trí Lực (HTX Trí Lực) ở xã Trí Lực (Thới Bình) thành lập năm 2018, thời gian đầu kêu gọi người dân tham vào HTX rất khó. Tuy nhiên, khi được cơ quan chức năng vận động, một số hộ tham gia cùng HTX trồng lúa - tôm hữu cơ mang lại lợi nhuận cao thì nhiều hộ dân đã tự nguyện tham gia HTX. Từ diện tích vài chục hecta ban đầu, nay HTX Trí Lực có vùng nguyên liệu hơn 500ha.

Theo ông Lê Văn Mưa, Giám đốc HTX Trí Lực, trồng lúa hữu cơ không chỉ dừng ở việc nâng cao năng suất, chất lượng mà còn tạo ra môi trường sạch để nuôi tôm. Thực hiện mô hình, nhiều thành viên HTX có thu nhập khá cao, từ đó nhiều người dân chủ động tham gia vào liên kết của HTX.

Liên kết giữa người dân và doanh nghiệp tại HTX Trí Lực đã tạo ra sản phẩm lúa hữu cơ, tôm sinh thái. Đây là ưu điểm lớn nhất của mô hình tôm - lúa, là điều kiện doanh nghiệp rất cần để có sản phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm xuất khẩu.

Ông Lý Minh Vững, Phó Chủ tịch UBND huyện Thới Bình, cho biết, đến nay, khoảng 70%  diện tích sản xuất lúa - tôm của huyện đã chuyển đổi sang trồng các loại giống lúa ngắn ngày, chất lượng cao. Chỉ riêng vụ mùa 2020, huyện hỗ trợ cho nhà nông áp dụng giống lúa mới ngắn ngày vào sản xuất gần 500 tấn, chủ yếu những loại giống chất lượng gạo tốt và thích nghi với điều kiện hạn, mặn.

Theo ông Nguyễn Trần Thức, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Cà Mau, thời gian đã chứng minh, lúa - tôm là mô hình sản xuất thuận thiên, bền vững và có triển vọng ở ĐBSCL và Cà Mau. Để nâng cao hiệu quả mô hình, ngoài thực hiện tốt các giải pháp né hạn - mặn để “ăn chắc” vụ lúa, tùy vào điều kiện của từng địa phương, cần tổ chức lại sản xuất theo vùng chuyên canh một cách khoa học, bài bản. Khi đó, việc chỉ đạo sản xuất sẽ thuận lợi và đầu tư hạ tầng cho vùng chuyên canh sẽ được tập trung.

Ông Lê Thanh Triều, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Cà Mau cho biết, tỉnh đã tạo ra sản phẩm tôm - lúa an toàn (hơn 2.200ha) và lúa hữu cơ (380 ha) đạt các tiêu chuẩn quốc tế như: USDA của Mỹ, EU của châu Âu, GAP của Nhật Bản… Cà Mau còn phân chia các tiểu vùng ngăn mặn - giữ ngọt để chủ động trong sản xuất lúa - tôm. Xây dựng phương án phòng, chống thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn, mưa bão, triều cường cho vùng chuyên canh lúa - tôm nhằm hạn chế tối đa tác động bất lợi của thiên tai.

 

2.jpg
Lãnh đạo tỉnh Cà Mau cùng đại diện doanh nghiệp khảo sát thực tế để triển khai thí điểm mô hình hợp tác tại xã Tân Bằng, huyện Thới Bình.

 

Đẩy mạnh liên kết

Tuy mô hình tôm - lúa mang lại hiệu quả kinh tế nhưng diện tích sản xuất ở Cà Mau chưa nhiều. Năm 2020, diện tích xuống giống lúa - tôm chỉ đạt trên 25.950ha. Trước thực trạng này, tỉnh đã tăng cường triển khai nhiều giải pháp cho sản xuất, trong đó, chú trọng mở rộng liên kết hợp tác với các công ty, doanh nghiệp, HTX để triển khai thực hiện mô hình và tìm hướng tháo gỡ, phục hồi, phát triển sản xuất.

Ông Lê Văn Quang, Tổng Giám đốc Tập đoàn Thủy sản Minh Phú cho biết: Việc hợp tác phát triển mô hình sản xuất tôm - lúa trên địa bàn Cà Mau sẽ giúp người dân có thu nhập cao hơn và doanh nghiệp cũng có lợi trong liên kết này. Chúng tôi mong muốn tạo ra vùng liên kết sản xuất quy mô lớn, đảm bảo an toàn sinh học, ứng dụng khoa học công nghệ, cơ giới hóa để giảm giá thành, tăng hiệu quả, đạt năng suất cao nhất trong sản xuất.

Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ triển khai áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế, đa chứng nhận để bán được sản phẩm tôm của người dân trong tỉnh ở tất cả các thị trường trên thế giới. Khi mô hình sản xuất tôm - lúa được mở rộng, chúng tôi sẽ góp kinh phí cùng tỉnh tiến hành quy hoạch. Qua đó, nhằm góp phần tối đa hóa lợi nhuận, tối đa hóa nguồn thu tốt nhất đối với con tôm và cây lúa, để người dân có được thu nhập cao nhất”. 

Ông Lê Quân, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, nay là Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, cho biết, mô hình sản xuất tôm - lúa được triển khai sẽ thu hút sự tham gia của những tập đoàn lớn về thủy sản, doanh nghiệp rất kinh nghiệm về lĩnh vực lúa gạo. Cùng với người nông dân có đất, còn doanh nghiệp có công nghệ, có vốn, có thị trường đầu ra, chúng ta sẽ giải quyết được bài toán về các vấn đề thủy lợi, thị trường,…

 

Tỉnh Cà Mau phấn đấu đến cuối năm 2025, chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa - tôm đạt từ 30 - 50% tổng diện tích lúa - tôm toàn tỉnh. Phấn đấu đến cuối năm 2025, mô hình liên kết phát triển sản xuất giữa nhà nông với với doanh nghiệp ở vùng lúa - tôm đạt khoảng 5.000ha.

 

Ngoài ra, mô hình hợp tác này cũng cho phép chúng ta cùng nhau chia sẻ lợi nhuận và đây là vấn đề rất quan trọng, nhưng để làm được thì cần bắt đầu thí điểm từ mô hình nhỏ, nếu thành công, người dân thấy có lợi thì  tiếp tục nhân rộng. Trong quá trình hợp tác, đòi hỏi phải đảm bảo lợi ích hài hòa, đảm bảo đất đai và việc làm cho người dân, tiến tới ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, giải quyết bài toán tổng thể về thích ứng biến đổi khí hậu.

Theo ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT,  Cà Mau cần xây dựng vùng mô hình tôm - lúa (lúa thơm, tôm sạch), mô hình tôm rừng, mô hình nuôi tôm hữu cơ, xây dựng chuỗi cung ứng thu mua tôm, hệ thống chế biến phân phối tôm trên cả nước và xuất khẩu. Cùng với đó, tỉnh cần xây dựng chuỗi cung ứng để các nhà bán lẻ, doanh nghiệp chế biến xuất khẩu gần hơn với vùng nguyên liệu.

 

Hoàng Văn
Ý kiến bạn đọc
Top