Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 16 tháng 4 năm 2024  
Thứ hai, ngày 25 tháng 3 năm 2019 | 22:52

Phó Chánh Văn phòng Thành ủy TP.HCM bị cách các chức vụ

Ủy ban Kiểm tra Trung ương đưa tin, Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh vừa thi hành kỷ luật bằng hình thức cách tất cả các chức vụ trong Đảng đối với ông Phạm Văn Thông.

Ngày 25/3, Trang thông tin điện tử Ủy ban Kiểm tra Trung ương đưa tin, Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh vừa thi hành kỷ luật bằng hình thức cách tất cả các chức vụ trong Đảng đối với ông Phạm Văn Thông.
 
Ông Thông là nguyên Phó Chánh Văn phòng Thành ủy, nguyên Đảng ủy viên Đảng ủy Cơ quan Văn phòng Thành ủy nhiệm kỳ 2015-2020. Ông Phạm Văn Thông được xác định đã có những khuyết điểm, vi phạm trong quá trình công tác.
 
Ông Thông được phân công giúp đồng chí Chánh Văn phòng Thành ủy chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ đại diện chủ sở hữu các doanh nghiệp của Đảng bộ Thành phố.
 
Ông Thông đã thiếu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ được giao; vi phạm quy chế làm việc, quy định của Thành ủy về quản lý, sử dụng tài sản tại doanh nghiệp thuộc sở hữu của Đảng bộ Thành phố.
 
Ông Thông vi phạm các quy định của pháp luật về quản lý đất đai, kinh doanh bất động sản, quản lý doanh nghiệp trong việc tham mưu, đề xuất chấp thuận chủ trương cho Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận thực hiện hợp tác kinh doanh, chuyển nhượng phần đất đã đền bù tại Dự án Khu dân cư Phước Kiển, xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè.
thông.jpg
Dự án Khu dân cư Phước Kiển và ông Phạm Văn Thông. (Ảnh: H.L)
Ông Thông ký chấp thuận chủ trương cho Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận thực hiện hợp tác kinh doanh, chuyển nhượng dự án, chuyển nhượng 45% vốn góp là giá trị quyền sử dụng đất tại Dự án Khu dân cư ven sông, phường Tân Phong, quận 7.
 
Ông Thông đã tham mưu, đề xuất chấp thuận chủ trương cho Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Xây dựng và Kinh doanh nhà Phú Nhuận hợp tác đầu tư, chuyển nhượng Dự án Khu nhà ở phường An Phú, quận 2.
 
Ngoài ra, ông Phạm Văn Thông còn tham mưu, đề xuất chấp thuận chủ trương cho nhóm người đại diện vốn của Thành ủy biểu quyết việc huy động vốn thông qua phát hành cổ phần để tăng vốn điều lệ tại Công ty Cổ phần Phát triển Nam Sài Gòn không đúng quy định.
 
Vi phạm của ông Thông là rất nghiêm trọng, gây dư luận bức xúc trong xã hội, làm ảnh hưởng đến uy tín của Thành ủy.

Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Đắk Nông bị Kỷ luật khiển trách

Ngày 25-3 vừa qua, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đắk Nông - Ngô Thanh Danh cho biết, Tỉnh ủy Đắk Nông vừa quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách với Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Đác Nông, nhiệm kỳ 2016-2021.

Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Đắk Nông đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc; buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, để UBND tỉnh có nhiều khuyết điểm, vi phạm trong công tác giao/thuê đất, rừng; quản lý, bảo vệ rừng và bồi thường tài sản gắn liền với đất, gây thiệt hại và thất thu ngân sách Nhà nước. Để mất rừng, rừng bị phá, lấn chiếm với diện tích lớn, phát sinh tranh chấp, khiếu kiện phức tạp, ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

Bên cạnh đó, tham gia ý kiến, đề xuất bổ nhiệm, bổ nhiệm lại một số cán bộ khối chính quyền thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý không đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định.

 

dac-nong.jpg
Rừng tại Công ty Nguyên Vũ, thuộc xã Quảng Sơn, huyện Đắk G’long bị tàn phá tràn lan.(Theo Chấn Hưng - Báo nhân dân)

Trước đó, tại kỳ họp thứ 32, UBKT Trung ương kết luận, thi hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách đồng chí Nguyễn Bốn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông vì thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, để xảy ra nhiều vi phạm, khuyết điểm trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; trực tiếp ký quyết định cho thuê đất, giao rừng, bồi thường rừng không đúng quy định pháp luật.

Cảnh cáo đồng chí Trương Thanh Tùng, Tỉnh ủy viên, Ủy viên Ban Cán sự Đảng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông. UBKT Trung ương yêu cầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Nông xem xét, thi hành kỷ luật Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Đắk Nông nhiệm kỳ 2016-2021 theo thẩm quyền.

Xử lý nghiêm các sai phạm liên quan đất rừng Sóc Sơn

Thanh tra thành phố Hà Nội vừa thông báo kết luận thanh tra toàn diện việc quản lý, sử dụng đất rừng trên địa bàn huyện Sóc Sơn. Các vi phạm đã được chỉ rõ, nhưng điều dư luận quan tâm là việc xử lý trách nhiệm của tập thể, cá nhân để xảy ra sai phạm, cũng như các công trình vi phạm quy định về đất đai, trật tự xây dựng, gây bức xúc trong dư luận thời gian qua.

Từ nhiều năm nay, các vi phạm trên đất rừng tại hai xã Minh Trí, Minh Phú (huyện Sóc Sơn) đã diễn ra rất nghiêm trọng. Năm 2006, Thanh tra Chính phủ đã có kết luận thanh tra liên quan các sai phạm tại đây, Thủ tướng Chính phủ, UBND thành phố Hà Nội đã có ý kiến chỉ đạo, nhưng UBND huyện Sóc Sơn đã không nghiêm túc thực hiện, không thu hồi hai giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) cấp không đúng đối tượng.

Lợi dụng kẽ hở này, chủ sử dụng đất đã chuyển nhượng để hưởng lợi và sau đó diện tích đất này còn được UBND huyện, Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội chi nhánh huyện Sóc Sơn làm thủ tục cấp đổi sổ đỏ vào năm 2009 và 2017.

Đối với những lô đất ở nằm trong quy hoạch rừng đã được cấp sổ đỏ, UBND huyện Sóc Sơn đã ban hành quyết định và thông báo thu hồi đối với 63 trường hợp, nhưng lại chưa tiến hành thu hồi sổ đỏ và các hộ dân vẫn sử dụng đất để ở.

Đáng chú ý, các trường hợp chuyển nhượng trái phép đất rừng, nhất là khu vực ven hồ Đồng Đò, hồ Đồng Quan, huyện Sóc Sơn không có biện pháp ngăn chặn, xử lý dẫn đến tình trạng mua đi, bán lại nhiều lần để hưởng lợi.

Trong khi đó, UBND các xã không căn cứ vào giấy tờ sử dụng đất, đã chứng thực, xác nhận vào hợp đồng mua bán của người dân khiến tình trạng xây dựng trái phép nở rộ. Năm 2006, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra gần 660 công trình vi phạm trật tự xây dựng trên đất rừng, nhưng huyện Sóc Sơn không có biện pháp xử lý.

Mãi đến năm 2017, huyện mới kiểm tra, rà soát và kết quả số công trình vi phạm là 555 công trình. Không những vậy, nhiều công trình vi phạm quy mô lớn tiếp tục mọc lên và đến nay lên tới gần 800 công trình vi phạm.

Kết luận thanh tra còn chỉ rõ nhiều vi phạm của xã Minh Trí, xã Minh Phú (huyện Sóc Sơn) trong việc quản lý, sử dụng đất đai, trật tự xây dựng thuộc quy hoạch rừng phòng hộ được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt năm 2008. Lãnh đạo hai xã đã buông lỏng quản lý, không xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, khi có gần 2.950 thửa đất nằm trong quy hoạch rừng, diện tích hơn 470 ha, nhưng chỉ có gần 380 thửa đất có ranh giới, chủ sử dụng đất. Gần 660 trường hợp mua bán, chuyển nhượng trái phép; gần 690 công trình xây dựng trên đất rừng. Điển hình là tổ hợp Hoàng Lê Gia Garden của bà Lê Thị Lan Hương, gồm năm biệt thự, với diện tích xây dựng gần 1.100 m2, trên khu đất gần 20 nghìn m2. Hay trường hợp hộ gia đình ông Ngô Văn Cam xây dựng khu du lịch Thiên phú lâm trên diện tích gần 60 nghìn m2, với 21 hạng mục công trình lớn như nhà ăn, nhà hàng, nhà ở.

 

99.jpg
Thanh tra thành phố Hà Nội vừa thông báo kết luận thanh tra toàn diện việc quản lý, sử dụng đất rừng trên địa bàn huyện Sóc Sơn. (Theo Minh Vân - Nhân Dân)

Ngoài ra, sau khi được UBND huyện Sóc Sơn cho mượn đất, ông Cam đã chuyển nhượng gần 130 nghìn m2 cho 55 hộ khác để hưởng lợi và tại đây đã mọc lên gần 70 công trình xây dựng trái phép. Nghiêm trọng hơn, khi xây dựng nông thôn mới, UBND huyện Sóc Sơn đã phê duyệt đồ án quy hoạch chồng lên quy hoạch đất rừng hơn 190 ha, sau đó các xã đầu tư xây dựng nhiều tuyến đường giao thông trên đất rừng.

Cùng với hai xã Minh Trí và Minh Phú, khi phê duyệt đồ án quy hoạch xây dựng nông thôn mới của các xã Bắc Sơn, Phù Linh, Hồng Kỳ, Hiền Ninh, Nam Sơn, Tiên Dược, UBND huyện Sóc Sơn cũng chồng lên quy hoạch đất rừng gần 150 ha và sau đó các xã cũng đầu tư xây dựng nhiều tuyến đường giao thông trên đất rừng.

UBND các xã nêu trên cũng buông lỏng quản lý đất đai, không lưu giữ hồ sơ quản lý đất đai, không xác định được số hộ được mượn đất, cấp sổ lâm bạ và không xác định được tình trạng sử dụng đất của người dân. Trong tổng số hơn 1.800 thửa đất nằm trong quy hoạch đất rừng, chỉ có hơn 1.140 thửa đất có ranh giới, còn lại gần 670 thửa chưa xác định được ranh giới, chủ sử dụng đất, chưa có giấy tờ về quyền sử dụng đất. Sau đó, gần 220 hộ dân tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất, xây dựng công trình, nhà ở…

Kết luận thanh tra chỉ rõ trách nhiệm để xảy ra các sai phạm trên thuộc lãnh đạo UBND huyện Sóc Sơn, các phòng, ban của huyện, UBND các xã; lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng; Thanh tra Sở Xây dựng; Sở Tài nguyên và Môi trường.

Từ đó, Thanh tra thành phố đề nghị UBND thành phố giao các đơn vị tiến hành kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của cá nhân, tập thể. UBND huyện Sóc Sơn tổ chức cưỡng chế đối với các công trình vi phạm trật tự xây dựng năm 2017, 2018 đã được thiết lập hồ sơ xử lý vi phạm, trả lại nguyên trạng ban đầu.

Chánh Thanh tra thành phố Hà Nội Nguyễn An Huy cho biết, đối với các công trình vi phạm về đất đai, sử dụng đất không đúng mục đích, vi phạm trật tự xây dựng trong giai đoạn từ năm 2006 đến 2018 còn lại cần kiểm tra, thiết lập hồ sơ và có phương án xử lý đúng quy định của pháp luật, bảo đảm đất đai sử dụng đúng mục đích. Thanh tra thành phố kiến nghị UBND thành phố cho phép chuyển hồ sơ sang Cơ quan điều tra Công an thành phố đối với những vi phạm trong việc chứng thực, xác nhận mua bán, chuyển nhượng đất dẫn đến việc xây dựng công trình vi phạm trong quy hoạch rừng năm 2008 để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

 

 

 

 

Hữu Thắng
Ý kiến bạn đọc
  • Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng hướng đến phát triển bền vững

    Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng hướng đến phát triển bền vững

    Tại Hội nghị Meet The Experts lần thứ 15 với chủ đề “Phát triển bền vững và yếu tố wellness” diễn ra mới đây, các đơn vị, nhân sự, chủ đầu tư đã cùng trau dồi kiến thức chuyên môn, cập nhật thông tin thị trường và xu hướng mới nhất trong ngành bất động sản (BĐS) nghỉ dưỡng vốn gặp nhiều khó khăn trong thời gian qua.

  • Phân khúc văn phòng hạng A được ưa chuộng tại Việt Nam

    Phân khúc văn phòng hạng A được ưa chuộng tại Việt Nam

    Theo báo cáo của Savills, phân khúc văn phòng hạng A trên toàn cầu ghi nhận mức tăng. Tại Việt Nam, phân khúc này tiếp tục là phân khúc được ưa chuộng.

  • TP. Hồ Chí Minh vận dụng cơ chế đặc thù để phát triển nhà ở xã hội

    TP. Hồ Chí Minh vận dụng cơ chế đặc thù để phát triển nhà ở xã hội

    Thực hiện Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh, lãnh đạo thành phố vừa giao Sở Xây dựng rà soát, hệ thống lại nhiệm vụ được giao, tham mưu UBND thành phố ban hành văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành và đơn vị có liên quan thực hiện các nội dung về đầu tư xây dựng nhà ở xã hội quy định tại khoản 3, Điều 6 của Nghị quyết.

Top